Thứ bảy, 18/05/2024,


“Lặng im” và những câu thơ lục bát (08/06/2009) 

     “Lặng im” là bài thơ lục bát nổi tiếng của nhà thơ Dương Kỳ Anh. Cuộc đời, sau những ồn ã quá đáng của cái chung và cái riêng, cuối cùng, buộc phải im lặng và nhận biết sự im lặng cần thiết đến mức nào. Bài thơ lục bát của Dương Kỳ Anh ngay từ đầu đã được đón nhận, có lẽ trước tiên ở cái lõi triết học ấy.

     Bây giờ là bao giờ, với sự mênh mang hư ảo của thơ và nhà thơ, nhất là thơ lục bát đậm hồn vía Phương Đông, có lẽ xin đừng hỏi. Riêng tôi may mắn được biết chắc bài thơ được viết khi nhà thơ của chúng ta đã đặt cả hai chân vào cái tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc”. Tam thập nhi lập mà đã ra tuyên ngôn lặng im thì hơi sớm, đến Ngũ thập tri thiên mệnh, tức đến 50 tuổi thì rõ mệnh mình, thì có lẽ đúng mức hơn. ở đây là tứ thập, rất đẹp đẽ và sớm, nó gắn với tài năng và số phận nhà thơ. Dương Kỳ Anh là như vậy.

 

LẶNG IM

 

Dương Kỳ Anh

Bây giờ, tôi biết lặng im
Như con sông chảy, im lìm ngoài kia

Lặng im, khi buổi chiều về
Phù sa lắng đọng, bốn bề tâm tư.

Tôi nào đâu dám thờ ơ
Trước bao la những bến bờ con sông

Lặng im, cây lúa làm đòng.
Lặng im, đến với mênh mông mùa vàng.

Một đời im lặng nuôi con
Lặng im vạt áo nâu sồng mẹ tôi.

Bao nhiêu năm học nói, cười
Hôm nay tôi học được lời: Lặng im!

 

     Đã đôi ba lần tôi đọc bài thơ này trong giao lưu, hội thảo, trên phát thanh, truyền hình với tư cách là nhà phê bình văn học. Hôm nay, tức bây giờ, tôi mới có điều kiện dừng lại thật lâu trước bài thơ, tĩnh tâm đưa cái lặng im của hồn mình đặt vào cái cõi lặng im của bài thơ.

     Cớ sao bài thơ, cái thời ồn ã đã cần, và càng về sau càng cần thiết cho tôi và cho chúng ta đến vậy. Thử làm một “đề tài mi ni” về sự im lặng. Dân gian dạy: Ngậm miệng ăn tiền, im lặng là vàng...

     Sự lặng im nghe qua tưởng nó vô hại, nhẹ tênh, nhưng thực ra nó là tiền, là vàng cơ đấy! Từ đó mà nó là nấc thang của thảy mọi điều, cho đến tận cùng. Cõi cao siêu đương nhiên thuộc về sự lặng im, tức là Thiền. Nhà thơ Dương Kỳ Anh, khi đặt bút vào cõi lặng im, như anh đã thấu hiểu, điều đó. Nhưng nếu vậy thì chỉ là sự diễn giải, sự nhất trí mà thôi. Bây giờ tôi biết lặng im/ Như con sông chảy im lìm ngoài kia/ Lặng im khi buổi chiều về/ Phù sa lắng đọng bốn bề tâm tư...

     Chắc bạn yêu thơ đã tỉnh ra và biết, đến lượt mình, sau tiền, sau vàng, sau Thiền... Nhà thơ gọi sự lặng im là phù sa lắng đọng... Phù sa lắng cả vào tâm tư... Hãy nhớ về dòng sông tuổi thơ trước cửa nhà con sông tuổi lớn hò hẹn, dòng sông ta băng qua đạn lửa, và dòng sông hưu trí cuối đời bây giờ đây... mới thấy hết vẻ đẹp, vẻ sâu lắng của bài thơ.

     Thấy sự cần thiết của bài thơ. Thấy cái sự sống, mầm sống đích thực trong bài thơ. Bởi vậy mà bật lên ý vui, lúc đã lặng lẽ rời cái phố Hồ kia tôi lại đem bình bài thơ Lặng im cũng vì lẽ đó!

     Nhà thơ Dương Kỳ Anh là người của quê hương Hà Tĩnh. Thật mừng, anh đã tặng lại quê hương Truyện Kiều - Ca dao - Ví dặm của mình bài thơ lục bát. Anh có những câu thơ giản dị và đầy nhân thế về con mắt:

 

Một ngày tôi bỗng nhớ em
Đường xa muôn dặm tôi quên mất rồi
Tôi đi khắp bốn phương trời
Gặp tri âm, chẳng phải người tri âm
Trái tim bé nhỏ âm thầm
Có hai con mắt, ngại ngần cả hai.

 

     Và câu lục bát này:

 

Đời như một cuộc trốn tìm
Tự mình bịt lấy mắt mình mà trông

 

     Thảy là một với sự lặng im của phù sa, nhưng nó như muốn đi tiếp, muốn ký gửi, muốn siêu thoát đến một tầng miền nào đó nữa...

Phan Cung Việt

(Nguồn: ANTĐ)

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: