Thứ bảy, 18/05/2024,


Ở trọ trần gian (02/06/2009) 

“Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”

 

     Xin được mượn một câu ca nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm tựa đề cho bài viết nhỏ này. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách mới của Nguyễn Hồng Công lại được đặt tên là 'Ở trọ trần gian'.

     Hơn hai năm trước, tôi đã gặp Nguyễn Hồng Công - nữ tác gỉa của cuốn sách này giữa một chiều cuối đông lạnh tê tái, trong căn nhà trọ cấp bốn trống tuềnh toàng. Nơi đó, chỉ có những tấm ảnh cưới không có thật, nhưng chúng lại đem đến hơi ấm, truyền cho cô sức mạnh, để tiếp tục sống và tiếp tục hy vọng về những điều tốt đẹp nhất có thật trên cuộc đời này.

     Chính nỗi đau và sự vô vọng kéo dài đã làm Công chai sạn đi. Cô hay ăn nói tưng tửng, bất cần đời, khiến cho người khác phát hoảng. Nhưng thực ra cô đang run rẩy, sợ hãi và hy vọng vào một phép lạ huyền nhiệm nào đó. Cô đang phải chiến đấu với chính bản thân mình, để đứng giữa đời và không ngừng nuôi hy vọng, dù chỉ là một chút nhỏ nhoi.

     Khi giới thiệu tập Khát vọng sống để yêu của Nguyễn Hồng Công sau đó, tôi đã viết như thế. Quả thật, khi giúp Công làm cuốn sách ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản là sẽ mang lại cho cô một niềm vui nho nhỏ, có thêm nghị lực để tiếp tục sống, để tiếp tục đối mặt với số phận và thử thách của cuộc đời. Bởi cô gái sinh năm 1978 này đã hàng chục năm phải sống chung với chiếc máy lọc máu nhân tạo. Thận của cô đã hỏng hoàn toàn. Để đảm bảo sự sống cho mình, cứ hai ngày, Công lại phải vào bệnh viện rút hết máu trong người ra để lọc lại, loại bỏ đi chất độc. Vì thế, cô không thể rời xa bệnh viện quá hai ngày. Vậy mà…

     Tôi không ngạc nhiên khi Khát vọng sống để yêu đã được bạn đọc trân trọng và đón nhận. Nhưng tôi bất ngờ bởi cuốn tự truyện và tác giả Nguyễn Hồng Công đã làm được những điều vượt qua khuôn khổ một cuốn sách, ấy là mang lại nghị lực, niềm tin, làm điểm tựa tinh thần cho rất nhiều những số phận éo le và mảnh đời bất hạnh khác. Có không ít các bạn đọc trẻ đã coi Hồng Công là “thần tượng” để mình noi theo. Nhiều em bé khi đọc sách của chị Công đã ngoan hơn, chịu khó, dũng cảm và chăm học hơn. Nội dung cuốn sách Khát vọng sống để yêu cùng những lời tâm sự của Nguyễn Hồng Công đã được hàng ngàn Blog trích đăng và “tái bản” lại. Hàng trăm diễn đàn tuổi trẻ đã tự bàn luận sôi nổi về tác phẩm và tác giả này. Bây giờ, nếu tìm kiếm qua Google trên mạng internet, chỉ cần gõ tên tác phẩm Khát vọng sống để yêu, hoặc Nguyễn Hồng Công, là bạn sẽ nhận được hàng vạn kết quả dễ dàng.

     Ở trọ trần gian chính là sự tiếp nối của Khát vọng sống để yêu và hơn thế: đó là những lời tri ân của Nguyễn Hồng Công dành cho bạn đọc đã và đang ủng hộ mình.

     Cuốn sách này được chia làm ba phần: Phần thứ nhất, gồm hơn 30 bài thơ được Nguyễn Hồng Công viết ở tuổi 30, có tên là Ba mươi mùa thu. Phần thứ hai, chiếm số trang nhiều nhất, mang tên chung là Ở trọ trần gian, gồm 40 bài viết của tác giả về cuộc sống thường ngày. Phần cuối cùng có tên là Đồng cảm bạn bè, gồm một số ý kiến, cảm nhận, thư, thơ... của các 'Ngôi sao Blog' viết về Nguyễn Hồng Công.

     Mùa Thu với các nghệ sĩ thường đẹp, nhưng buồn. Với một cô gái ngày xưa thì 30 mùa thu là tuổi “đã toan về già” và nhiều tiếc nuối. Với một người đang mang trọng bệnh, vẫn khao khát được sống, được yêu thì 30 mùa thu quả là nhiều suy tư.

     Vào một buổi sáng đẹp trời, Nguyễn Hồng Công gọi điện cho tôi từ số máy quen thuộc 0986877937: Đêm qua em thao thức mãi không ngủ được. Em đã viết mấy dòng. Không biết đó có phải là thơ hay không? Em vừa gửi qua email cho anh đó.

     Tôi mở nội dung được gửi từ hộp thư: hongcong78@gmail.com và đọc ngay:

Người đàn bà khát yêu

Thèm từ sự vá víu

Thèm cả sự thờ ơ

Đau

Muốn yêu

Dù chỉ một lần

Trái tim này, anh không vẽ lên được

Mắt em đầy nước

Anh thì bèo dạt mây trôi

Em thì đứng đó xa xôi đợi chờ

     Tôi không khỏi bất ngờ, cầm máy điện lại cho Công: Chúc mừng em! Đó chính là thơ. Rất thơ nữa là khác. Em nên viết nữa đi. Viết tất cả những gì mà em muốn!

     Thế là Nguyễn Hồng Công bắt đầu làm thơ. Cô đã viết liền một mạch hàng chục bài.

     Thơ của Nguyễn Hồng Công hầu hết là tự do, phá cách và rất ngắn gọn. Cô không bị lệ thuộc vào vần điệu, hay niêm luật của các thể thơ truyền thống. Cảm xúc bị dồn nén chất chứa bấy lâu trong lòng đã giúp tác giả vượt qua những rào cản thông thường dễ dàng.

     Đọc thơ của Nguyễn Hồng Công người ta cảm nhận được sự đau đớn đến tận cùng, sự chân thực đến run rẩy và buồn vui đến cháy lòng của một con người luôn khao khát được sống và khao khát được yêu. Dường như trong thơ của Công, những câu chữ đã biến mất, chỉ còn cảm xúc mãnh liệt đang dâng trào đến sôi sục.

     Những khi chỉ có một mình, với Nguyễn Hồng Công thơ là tất cả. Thơ là điểm tựa cho cô những lúc muốn gục ngã, buông xuôi và phó mặc cho số phận. Cô đã nương dựa vào thơ, vịn vào những câu thơ ấy mà đứng lên. Thơ đã giúp Công quên đi nỗi đau có thật, quên đi bóng tối và thần chết đang rập rình đâu đó.

     Ngoài những bài thơ nói trên, Nguyễn Hồng Công còn có 40 bài viết khác cũng đầy chất thơ về cuộc sống thường ngày. Nguyễn Hồng Công rất có duyên với những tản văn. Nhiều mẩu chuyện nhỏ được cô viết bằng cảm xúc lãng mạn và đẹp như một bài thơ văn xuôi. Đọc nó, người ta hiểu thêm về Công về bạn bè của cô. Ta hiểu thêm cảm nghĩ của Công về những người thân yêu nhất và những người cùng cảnh ngộ. Và cuộc sống này, cho dù rất nhiều nỗi đau và nước mắt; cho dù chỉ như Ở trọ trần gian, nhưng vẫn đáng yêu và đáng sống biết nhường nào! Bởi theo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì:

Nhân gian về trọ nhiều nơi
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng

 

 

Nụ cười luôn rạng rỡ trên môi Công

 

     Nguyễn Hồng Công thường nói: Cô tồn tại được cho tới ngày hôm nay, nếu chỉ nhờ nghị lực của bản thân, nhờ sự chăm sóc của cha mẹ và sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ thôi thì chưa đủ; mà quan trọng là tấm lòng của bạn bè, trong đó có cả bạn đọc gần xa. Bởi thế, cô muốn dành cuốn sách này để đồng cảm và tri ân với mọi người.

Gió đưa mây khuất trăng gầy

Khuôn trăng em đã khác ngày xa xưa

*

Em đau mất ngủ đêm nay

Ngọt ngào thì ít đắng cay thì nhiều

*

Gió chưa đủ gợn làn da

Mà sao rét đã xót xa cõi lòng

*

Giật mình luồng gió thoảng qua

Em như bỗng thấy mình già trong mưa

*

Anh thì bèo dạt mây trôi

Em thì đứng đó xa xôi đợi chờ

*

Nhiều lúc muốn khóc thật to

(Dù chẳng cần biết lý do là gì) 

 (LỤC BÁT HAI CÂU – Nguyễn Hồng Công) 

 

     Với những ai đã, đang và sẽ còn yêu mến Nguyễn Hồng Công, hãy đọc cuốn sách này. Và như thế, tôi tin là bạn sẽ thấy lòng thêm nhẹ nhàng, thanh thản, trân trọng cuộc sống và tình yêu của chúng ta hơn.

Hà Nội, tháng 6 năm 2009

Nhà thơ ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

 

       ______________________

           

 Ở trọ trần gian Những ngọn đèn trước gió được phát hành tại 2 Nhà sách của Phương Nam Book: 20 Lý Thái Tổ (Viện Văn học) và 87 Láng Hạ (Trung tâm Chiếu phim Quốc gia) - Hà Nội. 

 

            Nhân đây, lucbat.com xin giới thiệu cùng bạn đọc nhạc phẩm 'Ở trọ' của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện:

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: