Thứ bảy, 18/05/2024,


Tình yêu, hạnh phúc trong ca dao - dân ca Quảng Nam (P2) (09/05/2009) 

     4. Nghệ thuật của người xứ Quảng trong ca dao - dân ca:


     Nhìn chung ngôn ngữ ca dao - dân ca xứ Quảng nói chung thô mộc song không phải không có những nét đặc sắc.


     a. Nghệ thuật chơi chữ:


'Thương nhau trường đoạn đoạn trường
Lụy lưu lưu lụy dạ dường kim châm'.


     Một câu lục bát mười bốn chữ mà đa phần là từ Hán - Việt, trong đó đáng chú ý là cách đảo từ 'trường đoạn' thành 'đoạn trường', 'lụy lưu' thành 'lưu lụy' nhằm khai thác sức mạnh biểu cảm của những từ đồng âm dị nghĩa. Khi cần 'chữ nghĩa', người Quảng cũng rất chi là 'chữ nghĩa', đấy chứ. Ở đây, nghệ thuật chơi chữ đã được vận dụng một cách triệt để, hay ví dụ như câu

'Anh từ trong Quảng ra thi
Leo lên đèo ải chữ chi mập mờ'


     hoặc câu:


'Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai
Áo vắt vai quần hai ống ướt
Chữ nghĩa chi chàng mà lấn lướt vô thi
Tiền năm quan ngủ quán mất đi
Trai nam nhơn mô đối đặng
Gái nữ nhi xin kết nguyền'...


     Hay câu:


'Con gái La Qua
Qua đường qua chọc

Qua biểu em rằng
Đừng có la qua'

 

     Cái tên 'La Qua' vốn chỉ là một địa danh trong câu:


'Dù xa cửa ngõ cũng xa
Dù gần Bến Điện, La Qua cũng gần'


     đến đây bỗng trở thành ngữ động từ 'la qua' - tức 'mắng anh' (vì anh đã trêu chọc em). Ngay chữ 'qua' cũng rất đa nghĩa: vừa là thành tố của địa danh La Qua, vừa là anh (qua chọc, qua bảo, la qua), lại vừa là bước sang (qua đường). Rõ ràng nghệ thuật chơi chữ của người Quảng trong câu ca dân gian này khá là độc đáo.


     b. Tính truyền thống và cách tân :


     - Người Quảng thường sáng tác dựa theo kết cấu có sẵn: Có những câu ca dao sau:

 

Nước Thổ Hà vừa trong vừa mát
Đường Vạn Vân lắm cát dễ đi
(Hà Bắc)


*
Nước Trịnh Thôn vừa trong vừa mát
Đường Trịnh Thôn lắm cát dễ đi
(Thanh Hóa)


*
Nước Ngọc Sơn vừa trong vừa mát
Đường Nam Giang lắm cát dễ đi
(Nghệ An)

 

     Nhưng với cái khung có sẵn ấy, bài ca ở vùng đất Quảng cũng vẫn có phần sáng tạo riêng:

 

Giếng Bình Đào vừa trong vừa mát
Đường Bình Đào lắm cát dễ đi
Em ơi má thắm làm chi
Để anh thương nhớ mấy con trăng ni không về..

 

     Đấy là cách sáng tác truyền miệng phổ biến khắp nước ta…Người xứ Quảng đã cảm thụ truyền thống chung trong nghệ thuật ca dao - dân ca dân tộc.


     - Tính dị bản trong ca dao - dân ca xứ Quảng:


     Có lẽ câu ca dao truyền thống và tiêu biểu nhất của người xứ Quảng có nhiều dị bản nhất là:

“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”

 

     Theo cuốn Văn học dân gian Quảng Nam(miền biển), tập III, năm 2001 thì đã có 14 dị bản. 10 dị bản thuộc loại trữ tình và 4 dị bản thuộc loại tự sự lịch sử. Có thể kể đến một vài dị bản như sau:


'Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Thương nhau chưa đặng mấy ngày
Đã mang câu ơn trọng nghĩa dày bạn ơi'


*
'Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Hai đứa ta ơn trọng nghĩa dày
Chưa nên câu duyên nợ đã mấy trăm ngày nhớ thương'


*
'Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Bạn về nằm nghĩ gác tay
Coi ai ơn trọng nghĩa dày cho bằng em'


*
'Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Bạn về đừng ngủ gác tay
Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo'...

 

     Tính chất trữ tình của bài ca này đã được chuyển hóa thành tính chất tự sự lịch sử, nhưng vẫn không đi ra ngoài mô típ của một câu cao dao cổ. Đây chính là hình thức vừa ổn định của yếu tố truyền thống vững bền, vừa biến đổi nhờ yếu tố cách tân, để bài ca đi sát với thực tế xã hội và tình trạng lịch sử…


     c. Hiện tượng chính trị hóa ca dao - dân ca trữ tình:

 


     Người Quảng nhạy cảm với chính trị, cho nên bên cạnh những câu ca dao - dân ca có nội dung chính trị hẳn hoi, chẳng hạn câu ca dao:

 

“Ai lên chín ngã sông Con
Hỏi thăm ông Hường Hiệu có còn hay không'


     hay câu hát:


'Đứng bên ni Hàn
Ngó bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá
Đứng bên tê Hà Thân
Ngó về Hàn phố xá nghênh ngang
Kể từ ngày Tây lại đất Hàn
Đào sông Câu Nhí bòn vàng Bông Miêu
Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu
Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau'

 

     Rõ ràng hai chữ 'nghênh ngang' đã công khai bày tỏ thái độ chính trị của nhân dân Đà Nẵng đang phải chung sống với kẻ thù), còn khá phổ biến trong thơ ca dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng hiện tượng chính trị hoá ca dao - dân ca trữ tình.


     Câu ca dao trữ tình quen thuộc :

“Trời mưa ướt bụi ướt bờ
Ướt cây ướt lá ai ngờ ướt em'

 

     được người Quảng chính trị hoá trở thành những câu trữ tình - chính trị:


     Ra đời vào thời gian đất nước bị chia cắt sau Hiệp định Genève 1954.Ta thấy rằng trongnhững cảnh ngộ không thể nói thẳng được điều cần nói, người Quảng vẫn có thể kín đáo vận động chính trị đồng thời gián tiếp tự bộc lộ sự lựa chọn chính trị của mình. Điều đó đã được dễ dàng đưa vào ca dao - dân ca một cách khéo léo,tài tình.


     d. Hiện tượng tách từ,nói lái:

 

     Hiện tượng tách từ được người Quảng dùng khá thuần thục trong ca dao - dân ca :

'Nhìn xem nam bắc tây đông
Thấy thiên thấy hạ mà không thấy chàng
Về nhà đứng thở ngồi than
Cơm ta ăn không đặng nhớ đến nghĩa chàng đó chàng ơi'

     Hay:


'Xa làm chi mà xa quanh xa quất
Xa làm chi mà xa tức xa tối xa vội xa vàng
Không cho thiếp thở chàng than đôi lời'.

 

     Đến chữ nghĩa cũng chia rời, xa cách, huống chi đôi lứa đang yêu! Sở trường nói lái thường được tận dụng:

 

'Một chữ anh cũng thi
Hai chữ anh cũng thi
May thời đậu trạng dẫu rớt đi cũng ông nghè hồi'.


     Ông 'nghè hồi' ở đây không phải là ông tiến sĩ vinh quy (nghè: tiến sĩ; hồi: trở về), mà là ông 'ngồi hè' - vì đã thi hỏng tức vẫn còn là anh học trò nghèo kiết xác, không ngồi ngoài hè thì ngồi vào đâu được!


     Với những câu ca dao - dân ca không chỉ ở mảng đề tài tình yêu - hạnh phúc, chúng ta đã có thể thấy được nghệ thuật của ca dao - dân ca xứ Quảng. Từ đó hiểu được những điều người xưa Quảng xưa muốn nói .


     5. Kết luận:


     Tình yêu - hạnh phúc trong ca dao - dân ca xứ Quảng với lối nói mộc mạc đơn giản, đậm chất Quảng được truyền tải bằng âm thanh giọng điệu, ngôn ngữ với nội dung nghệ thuật phong phú, đa dạng đã nói lên được cái tình yêu - hạnh phúc rất riêng của người xứ Quảng.


     Tình yêu - hạnh phúc trong ca dao - dân ca xứ Quảng xuất phát từ những cái bình dị hằng ngày .Bằng những nét tài hoa, óc sáng tạo đầy tinh thần thẩm mỹ, ca dao - dân ca xứ Quảng đã thể hiện tâm tư, tình cảm mộc mạc, trong sáng, đậm đà tình nghĩa của những con người xứ Quảng chịu thương chịu khó. Họ bất chấp mọi trắc trở để tìm thấy niềm vui, lạc quan trong cuộc sống, tình yêu hạnh phúc.


     Ca dao - dân ca xứ Quảng là một phần hồn về đề tài tình yêu - hạnh phúc trong nội dung ca dao - dân ca Việt Nam. Cho dù đi bất cứ nơi đâu,chúng tôi - những con người xứ Quảng vẫn cảm thấy tâm hồn thanh thản và ấm áp khi nghe lại những câu ca dao - dân ca xứ Quảng quê mình.

 

     Có dịp nhìn lại ca dao - dân ca xứ Quảng để chúng ta có dịp nhắc nhở nhau rằng ca dao - dân ca vốn có rất nhiều những nội dung sắc sảo cần được giữ gìn, phát huy. Mà một trong những nội dung có thể kể đến là đề tài tình yêu - hạnh phúc. (Hết)

 

Tác giả:thaonguyenbt2010

(Người sưu tầm: Nguyễn Thành Giang

Email :phonglan012002p@gmail.com

ĐT:01268546422)

 

 

----------------------

Tài liệu tham khảo:
1. Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, tập I, Nguyễn Văn Bổn, Sở văn hóa thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng chủ trì biên soạn, xuất bản năm 1983 và tái bản đầu năm 1986.
2. Huỳnh Ngọc Trảng và Vu Gia với phần biên khảo về văn học dân gian huyện Đại Lộc trong Địa chí Đại Lộc (NXB. Đà Nẵng - 1992).
3.Thạch Phương trong tiểu luận Ca dao của một vùng đất (Ca dao Nam Trung Bộ - NXB. Khoa học xã hội - 1994) bàn về ca dao và những thể loại có liên quan đến thơ ca dân gian của Quảng Nam - Đà Nẵng)
4 . Báo Quảng Nam
5. Báo Quảng Ngãi
6. Báo Đà Nẵng
7. Luận văn Thạc sỹ Nguyễn Văn Tiếng....

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: