Thứ bảy, 18/05/2024,


Tình yêu, hạnh phúc trong ca dao - dân ca Quảng Nam (P1) (06/05/2009) 

    1. Lý luận chung về ca dao - dân ca xứ Quảng:

 

     Là một bộ phận cấu thành của văn học dân gian, ca dao - dân ca xứ Quảng chứa đựng trong bản thân những yếu tố truyền thống vững bền,đồng thời, cũng xác lập được những sắc thái riêng của một địa bàn cư dân giàu năng lực, có tính cách mạnh mẽ và có khát vọng vươn tới những chân trời hạnh phúc, tri thức mới. Ca dao - dân ca xứ Quảng là bức tranh sinh động phản ánh trung thực dòng chảy liên tục của ca dao dân ca Việt Nam.


     Ca dao - dân ca xứ Quảng thường được sáng tác dựa theo cái khung có sẵn. Dù vậy,câu ca dao -dân ca mới sáng tác vẫn hay. Những tình cảm mới được lồng vào trong những khung chung có tình chất tiêu chuẩn mà mọi người đã thừa nhận làm cho câu ca dao dân ca dễ trở thành “của chung”. (Đặng Văn Lung, trong Văn học Dân gian, những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo Dục, TP.HCM, 1999, tr. 298)


     Ca dao - dân ca xứ Quảng có tính dị bản. Đây là một hiện tượng lạ lùng, độc đáo, chưa từng thấy ở bất cứ địa phương nào khác.


     Ca dao - dân ca xứ Quảng mang đậm nét tính cách con người xứ Quảng. Truyền tải tâm tư, tình cảm, tình yêu - hạnh phúc… của những con người nơi đây.


     2. Quan niệm về tình yêu hạnh phúc của người dân xứ Quảng:

 

Những con người xứ Quảng - khúc ruột miền Trung, xứ sở của nắng mưa và gió bão. Những con người tưởng chừng như chỉ ngoi ngóp mãi trong cái bể khổ của cuộc đời. Vậy mà không, thật bất ngờ khi những câu ca dao - dân ca của họ ngân lên thì kiếp người đau khổ đã tan biến đi chỉ còn lại những gì thiêng liêng và cao quý. Họ bỏ qua những trắc trở, khó khăn, tìm đến niềm vui, tình yêu, hạnh phúc…


     Người xứ Quảng quan niệm tình yêu - hạnh phúc của mình phải do chính mình lựa chọn hạnh phúc, họ chủ động đi tìm tình yêu - hạnh phúc của mình chứ không phải do ai sắp đặt cả. Tình yêu hạnh phúc được tìm thấy từ chỗ sợ cái lạ đến chỗ chủ động đi tìm cái lạ, khát khao, nhạy cảm với cái mới…


     Tình yêu - hạnh phúc của những con người xứ Quảng ở trong chính những điều bình dị của cuộc sống hằng ngày của họ như một đặc sản, miếng ăn đậm chất Quảng cũng làm lòng người xứ Quảng xích lại gần nhau hơn, hay như chính những câu ca dao - dân ca nói về địa danh của quê hương cũng làm những người con đất Quảng tìm thấy tình yêu - hạnh phúc của mình trong đó khi xa quê,hoặc có thể là lời nhắn gửi nhớ thương, chờ đợi người đi được thổ lộ cũng làm người xứ Quảng có niềm tin hơn trong tình yêu - hạnh phúc của mình.


     3. Tình yêu - hạnh phúc trong ca dao dân ca xứ Quảng:


     a. Tình yêu - hạnh phúc ở ngay trên chính hành trình đi tìm:

     Dù phải lên non cao ,dù phải vượt qua tam tứ núi người xứ Quảng vẫn đi tìm. Vất vả là thế mà họ chỉ đi tìm cái bình thường giản dị nhất:

 

'Lên non tìm hòn đá trắng
Con chim phượng hoàng sao vắng tiếng kêu?
Trời mưa lâu đá nọ mọc rêu
Đứa nào ăn ở bạc con dế kêu thấu trời.”

 

     “Lên non tìm hòn đá trắng” - Ô hay! Không phải tìm vàng hay tìm trầm mà chỉ tìm hòn đá trắng! Thật là kỳ diệu cái màu trắng thanh bạch,trong ngần vô giá. Nhưng nếu hiểu ở câu chữ không thì chưa đủ. Đọc xong ngẫm lại ta thấy giai điệu không nhẹ nhàng êm ái chút nào bởi hai thanh trắc (đá trắng) ở cuối câu lục thì thật là lạ. Phải chăng đó là nghịch lý của cuộc đời dù chỉ đi tìm điều đơn giản nhất. Nhưng rồi khi đọc câu tiếp theo:

 

“Con chim phượng hoàng sao vắng tiếng kêu?”

 

     Ta như vỡ lẽ: À, thì ra con người xứ Quảng mượn hình ảnh bình thường nhất là hòn đá. Nhưng điều họ muốn gửi gắm lòng mình ở đây không phải là vật chất. Vì họ lại đi trách con chim phượng hoàng sao vắng tiếng kêu. Phải chăng con người đất Quảng luôn nuôi dưỡng tình người. Họ nói đến chim phượng hoàng là nói đến hình bóng của tình nhân quân tử, của nhơn tình nhơn ngãi trong tâm hồn họ. Dù phải vượt qua mọi gian lao vất vả để đến với con chim phượng hoàng nhưng tiếc cái âm thanh mong đợi mà họ cần tìm lại lịm tắt. Nếu thả hồn tận hưởng khúc nhạc ca dao thì ta như bắt gặp nỗi lòng người thương, bắt gặp tình cảm dặn dò tha thiết luôn ngân nga:

 

“Em thương anh như chỉ buộc trọn vòng
Anh đừng bạc dạ đem lòng quên em”


     Hay:


“Yêu nhau chẳng lọ bạc vàng
Tình thân nghĩa thiết xin đừng chớ quên”

 

     Thế mới hiểu rằng đời người biết bao cảnh ngộ éo le trắc trở để khi yêu nhau họ phải dặn dò, than thở. Nhưng rồi cái thâm thuý của bài ca dao không dừng ở đó. Nó khẳng định một điều trở thành chân lý:


“Trời mưa lâu đá nọ mọc rêu”


     Vậy là dù hòn đá trắng - màu trắng trinh nguyên nhưng rồi nó cũng phải bị rêu xanh bao phủ bởi tháng năm, bởi mưa nắng. Thì ra bài ca dao đã nhắc nhở, cảnh báo rằng nếu ai không giữ được lòng mình thì thời gian sẽ làm cho ta không còn là ta nữa. Thần tình quá! Sự thay đổi sắc màu hay sự thay lòng đổi dạ của con người? Bài ca dao khép lại mà trong ta phải luôn suy nghĩ:


“Đứa nào ăn ở bạc con dế kêu thấu trời”


     Thật là một sự bao dung và nhân hậu. Con người xứ 'mía ngọt đường thơm' không nguyền rủa đứa nào ăn ở bạc sẽ bị thế này hay thế khác… mà chỉ có tiếng dế não nùng thấu tận trời xanh. Nhưng thâm thuý lắm đấy! Tiếng dế réo rắt suốt đêm trường, liệu lương tâm con người bội bạc không day dứt, không dày vò, không nhức nhối trong hối hận trong đau khổ? Mà chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau ở tâm hồn!


     Vậy là bài ca dao hồn nhiên nhưng đặc quánh cốt cách của con người xứ Quảng mà cũng rất Việt Nam: Con người trọng nhân nghĩa, chung tình và ghét thói bội bạc vong ơn . Dù năm tháng có trôi xa, nhưng những lời ca cứ mãi ngân vang trong ta. Nói như Nguyễn Đình Thi thì theo dòng ca dao càng làm cho ta thêm yêu. Yêu là để sống. Là để thêm mạnh mẽ trong lao động, trong đấu tranh. Một tình yêu chất phác mà cao thượng, bình dị mà sâu sắc biết bao!


     Là thế đó, dù rằng giai điệu bài ca dao cất lên có vẻ buồn, nhưng không thế,ẩn sâu bên trong đó vẫn có những cái mà người Quảng luôn tự khẳng định, họ nói ra để quên đi cái khổ, quên đi nỗi lòng và cảm thấy hạnh phúc vì những gì giấu kín đã được bộc bạch, họ nói ra để biết mình cần phải vượt qua những thử thách ,trở ngại đó. Và vì thế, người Quảng vẫn cứ thấy được tình yêu - hạnh phúc mà người đọc cứ ngỡ như rằng họ đang than thở.

 


     b. Tình yêu - hạnh phúc ở sự chủ động, lựa chọn:


     Chủ thể trữ tình trong ca dao - dân ca xứ Quảng nói về tình yêu đôi lứa đa phần là phụ nữ. Có lẽ tình trường họ hứng chịu khổ đau nhiều hơn nam giới, do vậy mà nhu cầu bộc lộ giãi bày bằng tiếng hát lời ca ở họ cũng lớn hơn chăng. Quả là khi yêu, người phụ nữ phải đối mặt với bao nhiêu bất trắc:

 

'Thương chàng thiếp phải đi đêm
Té xuống bờ ruộng đất mềm không đau
Không đau ơi hỡi không đau
Té xuống năm trước năm sau chưa lành'


     hoặc:


“Ba với ba là sáu
Sáu với bảy mười ba
Bạn nói với ta không thiệt không thà
Như cây đủng đỉnh trên già dưới non
Khi xưa bạn nói với ta chưa vợ chưa con
Bây giờ ai đứng đầu non đó bạn tề
Bạn nói với ta bạn chưa có hiền thê
Bây chừ hiền thê mô đứng đó bạn trả lại lời thề cho ta'


     hoặc:


'Một nong tằm là năm nong kén
Một nong kén là chín nén tơ
Bạn phỉnh ta chín đợi mười chờ
Lênh đênh quán sấm dật dờ quán sen'...


     Cả khi hai người cùng chung cảnh ngộ, thì phụ nữ thường cũng thiệt thòi hơn:


'Thiếp thương chàng đừng cho ai biết
Chàng thương thiếp đừng lộ tiếng ai hay
Miệng thế gian nhiều kẻ thày lay
Cực chàng chín rưỡi khổ thiếp đây mười phần'


     hay:


'Anh buồn có chốn thở than
Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya'


     ... Thế nhưng vượt lên tất cả, người phụ nữ đất Quảng vẫn thể hiện rõ bản lĩnh của mình trong tình yêu:


'Thiếp không thương chàng thì ra chỗ dở
Cho nên thiếp phải thương đỡ vài ngày
Thiếp có chồng rồi thiên hạ đều hay
Sợ nước lui về đông hải càng ngày càng xa'
*
'Liệu bề thương được thì thương
Đừng trao gánh nặng giữa đường cho em',
'Xa xôi chi đó mà lầm
Phải hương hương bén phải trầm trầm thơm'...

 

     Cũng không ai khác ngoài họ đã chủ động dung hoà kiểu hôn nhân theo sắp đặt với kiểu hôn nhân có tình yêu - một mô hình hôn nhân đến nay và trong nhiều thập niên tới xem ra vẫn còn phù hợp. Người phụ nữ đất Quảng không đồng tình với kiểu hôn nhân sắp đặt:

 

'Đôi ta tuổi lứa đang vừa
Trách cho cha mẹ kén lừa nơi mô',
cũng không muốn bị làng xóm cười chê rằng:
*
'Gái đâu gái hỗn gái hào
Trai chưa vô làm rể gái đã vào làm dâu'.

 

     Họ tự đến với nhau, yêu nhau và cùng nhau thề non hẹn biển, sau đó tranh thủ sự đồng thuận của hai bên gia đình:

'Trai mười bảy gặp gái mười ba
Trai anh hăm sáu gái em đà hăm hai
Lời nguyền với bạn không sai
Bữa mô có rảnh cậy ông mai đến nhà'


*
'Con gà trống tía cái lông cũng tía
Ngọn khoai lang giâm ngọn mía cũng giâm
Thương nhau không dễ thương thầm
Thương thời rượu cỗ trầu mâm đến nhà
Em còn thừa lệnh mẹ cha
Còn có cô chú bác chứ không phải mình ta với chàng'…


     Hay như:

 

'Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Em thương anh cha mẹ không hay
Như ngọn đèn giữa gió biết xoay phương nào'


*
'Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Kể từ ngày đó đã xa đây
Sầu đêm quên ngủ sầu ngày quên ăn'

 

     Khi cô gái Quảng dám tự chọn lựa hạnh phúc 'thương anh cha mẹ không hay' thì dẫu có 'nghi binh' sánh mình với 'ngọn đèn giữa gió biết xoay phương nào', thực chất cô cũng đã khẳng định cái hướng mà đời cô nhằm đến. Tính khẳng định của sự lựa chọn càng hai năm rõ mười hơn ở những cách nói: 'kể từ ngày đó đã xa đây - sầu đêm quên ngủ sầu ngày quên ăn', hay 'lòng ta như chén rượu đầy - lời thề nhớ chén rượu này bạn ơi', hay 'thương nhau chưa đặng mấy ngày - đã mang câu ơn trọng nghĩa dày bạn ơi', rồi 'hai đứa ta ơn trọng nghĩa dày - chưa nên câu duyên nợ đã mấy trăm ngày nhớ thương'. Có lẽ tính khẳng định của sự lựa chọn đạt đến đỉnh điểm khi chủ thể trữ tình - dường như vẫn chính là cô gái Quảng - tự đặt bản thân trong quan hệ với người thứ ba: 'ai', 'nơi mô', từ đó mở ra cho người mình yêu khả năng lựa chọn:'coi ai ơn trọng nghĩa dày cho bằng em', 'nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo'.


     c.Tình yêu-hạnh phúc ở sự thay đổi cách nghĩ, cách nhìn:


     Cuộc sống khắc nghiệt luôn đặt ra cho người dân xứ Quảng nhiều câu hỏi lớn,chẳng hạn cam chịu nhớ thương mà chấp nhận ở lại với cái-lạ-nay-chưa-kịp-định-hình, hay tìm sự bằng an để giũ bỏ quay về với cái-quen-xưa-bao-đời-vẫn-vậy. Và câu trả lời của người Quảng là:

'Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi
Thương cha nhớ mẹ thời về
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thời đừng'


     Không phải đừng về mà đừng quay về, đừng hồi hương, bởi giờ đây đã có thêm một quê hương!


     Chính nhờ sống trong thế giới những cái-lạ-nay-chưa-kịp-định-hình, người Quảng xưa có nhu cầu và điều kiện đổi mới cách nhìn, cách nghĩ. Câu ca dân gian:

'Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say'

 

     Cực tả sự khát khao cái mới, nhạy cảm với cái mới của người Quảng.

 

'Ra đi mẹ có dặn dò
Sông sâu chớ lội đò đầy đừng qua'

 

     Kinh nghiệm sống khôn ngoan ấy giờ đây cơ hồ không còn thích hợp nữa. Cuộc sống giờ đây đòi hỏi con người phải biết tư duy kiểu khác:

'Sông sâu không lội thì trưa
Đò đầy không xuống ai đưa một mình'...

 

     Và nhờ biết tư duy kiểu khác mà thái độ ứng xử với cái lạ ở người Quảng lúc này không giống khi vừa mới đến:

 

'Tay ta cầm cần câu trúc ống câu trắc lưỡi câu thau
Muốn câu con cá biển chứ cá bàu thiếu chi'


     Hay:


'Lên non tìm con chim lạ
Ở dưới phố phường chim chạ thiếu chi'
.


     Từ chỗ sợ cái lạ - 'con chim kêu phải sợ con cá vùng phải kiêng' - tới chỗ chủ động đi tìm cái lạ, đó là cả một bước tiến dài trong tư duy người xứ Quảng xưa. Họ cảm thấy hạnh phúc trong kiểu tư duy mới. Tình yêu - hạnh phúc của người xứ Quảng được truyền tài vào ca dao một cách thông minh là thế đó.


     d.Tình yêu - hạnh phúc thể hiện qua những đặc sản, món ăn đậm chất Quảng:


     Ngoài những lúc làm việc mệt nhọc,người Quảng ngồi lại cùng nhau,chia sẻ cho nhau tình yêu-hạnh phúc qua những món ăn đạm bạc quê mình,vừa ăn,vừa ngâm lên những câu:

 

“Trăng rằm đã tỏ lại tròn
Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi”


     Hay:


“Ai về đất Quảng làm dâu
Ăn cơm ghế mít hát câu ân tình”


     Rồi tiếp đó lại là:


Tay cầm bánh tráng mỏng nương nương
Miệng kêu tay ngoắt,bớ người thương uống nước nhiều”

 

     Ở xứ Quảng, ăn mít trộn không thể thiếu bánh tráng. Đúng thế, đem bánh tráng xúc với mít trộn là một cách ăn điệu nghệ. Tuyệt lắm! Hạnh phúc lắm thay!


     Không chỉ thế, vào xứ Quảng còn được tận hưởng cái khoảnh khắc hạnh phúc hòa cùng với hạnh phúc của người Quảng qua các món ăn được ý nhị nhắc nhở qua những câu như:

 

“Nem chả Hòa Vang
Bánh tổ Hội An
Khoai lang Trà Kiệu
Thơm rượu Tam Kỳ”.


*
“Ai đi cách trở sơn khê,
Nhớ tô mì Quảng,tình quê mặn nồng ”

 

     Mì Quảng là món ăn chủ lực, bình dân của đất Quảng,nên đi đâu ở đâu, mà dân Quảng ăn được tô mì Quảng thì khoái khẩu, mặn mà nhất. Hoặc:


'Trái bòn bon trong tròn ngoài méo
Trái sầu đâu trong héo ngoài tươi
Em thương anh ít nói ít cười
Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng...”


*
“Lụt nguồn trôi trái bòn bon ,
Cha thác, mẹ còn ,con chịu mồ côi .
Mồ côi ba thứ mồ côi.
Mồ côi có kẽ trâu đôi, nhà rường”

 

     Bòn bon là môt loại trái cây, ngọt, sản xuất tại vùng núi huyện Ðại Lộc - Quảng Nam, mùa mưa lụt, nước lụt kéo trôi trái bòn bon, mồ côi cha không quan trọng bằng mồ côi mẹ, vì bà mẹ biết lo cho gia đình, tuy mồ côi cha, nhưng nhờ mẹ mà nhà có trâu và nhà gỗ.


     Ðất Quảng nổi tiếng với món don, ngon nhất là don Vạn Tường, bởi vậy mới có câu ca:


“Cô gái làng Son,
Không bằng tô don Vạn Tường...
Xứ Quảng còn là đất mía đường:
Ai về Quảng Ngãi quê ta
Mía ngon, đường ngọt, trắng ngà, dễ ăn
Mạch nha, đường phổi, đường phèn
Kẹo gương thơm ngọt ăn quen lại nghiền”


     Quảng Ngãi còn nhiều đặc sản nổi tiếng khác:


“Mứt gừng Ðức Phổ
Bánh nổ Ðức Thành
Ðậu xanh Sơn Tịnh...


*
“Mạch nha Thi Phổ
Bánh nổ Thu Xà
Muốn ăn chà là
Lên núi Ðịnh Cương...”


     Hoặc:


“Có duyên lấy đặng chồng nguồn
Ngồi trên ngọn gió có buồn cũng vui
Nhón chân kêu bớ họ nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”

 

     Bài ca dao quen thuộc trên trong kho tàng ca dao xứ Quảng không chỉ bày tỏ niềm hãnh diện, sung sướng của những cô gái miền xuôi được lấy chồng và ở trên miền ngược mà còn nhắn gởi trông đợi của họ đến với người miền xuôi về sự đối lưu, trao đổi sản phẩm, mít non, cá chuồn giữa hai vùng miền cách trở.


     Rõ ràng, người xứ Quảng tự hào lắm chứ, hạnh phúc lắm chứ khi đưa những món đặc sản quê mình vào những câu ca dao - dân ca để khi ngân lên thì ôi hạnh phúc xiết bao cái chất Quảng ngọt ngào đã hòa chung vào cái tinh tế của ca dao - dân ca Việt Nam để giới thiệu đến bạn bè cả nước.


     e. Tình yêu - hạnh phúc của người xứ Quảng ẩn chứa trong những câu ca dao - dân ca nói về địa danh quê hương mình:

 

     Mỗi người dân xứ Quảng đều mang trong mình chút lưng vốn ca dao - dân ca. Có lẽ vì thế mà mỗi khi ai đó hỏi đến xứ Quảng thì dường như họ tuôn trào mọi cảm xúc yêu-nhớ-tự hào với cái tình quê vốn luôn được họ nuôi dưỡng hằng ngày, hằng giờ và cứ thế họ sẽ cất lên những câu ca dao - dân ca có những địa danh xứ Quảng bằng cái chất gọng đặc sệt Quảng, thì không thể trộn lẫn vào đâu được:

 

“Ðất Quảng Nam, chưa mưa đà thấm,
Rươụ hồng đào chưa nhấm đà say
Ðối với ai ơn trọng, nghĩa dày ,
Một hột cơm cũng nhớ ,
Một gáo nước đầy vẫn chưa quên ...”

 

     Câu này đồng thời còn diễn tả rõ tánh tình người dân đất Quảng,bộc trực, bén nhạy, nhớ ơn, trọng nghĩa đối vơí các ân nhân của mình. Hay:

 

“Hội An đất hẹp, người đông,
Nhân tình thuần hậu là bông đủ màu”


     Phố Hội An nhỏ hẹp, nhưng ai đã ở Hội An một thời gian rồi, khi rời Hội an không làm sao quên được tình cảm nồng hậu của cư dân ở đây.

 

“Hội An bán gấm, bán điêù
Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành'

 

     Hội An, là thương cảng nên buôn bán hàng hoá sang đẹp, còn Kim Bồng, Trà Nhiêu là vùng ngoại ô, chuyên sản xuất rau cải đem qua bán ở Hội An.

“Ai đi phố Hội, Chùa Cầu,
Ðể thương, để nhớ, để sầu cho ai,
Ðể sầu cho khách vãng lai,
Ðể thương, để nhớ cho ai chịu sầu”

 

     Những người dân Hội An, vì sinh kế phải đi làm ăn xa, tuy nhiên vẫn thương và nhớ phố Hội.

“ Ðưa tay hốt nhắm dăm bào,
Hỏi thăm chú thợ bữa nào hồi công,
Không mai thì mốt, hồi công,
Hội An em ở, Kim Bồng anh dời chân”

 

     Kim Bồng là một xã bên kia sông, đối diện với Hội An, sản xuất nhiều nghệ nhân đồ mộc, hằng ngày qua phố Hôị làm việc, nên những cô gái đến hốt dăm bào về nấu bếp, bèn hát những câu trữ tình để ghẹo chú thợ mộc.

“Năm hòn nằm đó không sai,
Hòn Khô, Hòn Dài, lố nhố thêm vui,
Ngó về Cửa Ðại, than ôi,
Hòn Nồm nằm dưới mồ côi một mình”.

 

     Cù Lao Chàm, nằm ngoài khơi tỉnh,gồm năm hòn đảo, hòn Nồm là đảo nằm riêng một mình, không chen vơí các hòn đảo khác. Hoặc có thể là những câu:

 

“Trà My sông núi đượm tình,
Nơi đây là chỗ Thượng Kinh chan hoà”


*
“Quế Trà My thứ cay, thứ ngọt ,
Nhờ tay thợ rừng mới lọt tay anh,
Phân du, bạch chỉ rành rành ,
Cân tiểu ly mới xứng, ngọc liên thành mới cân”.

 

     Trà My là huyện miền Thượng tỉnh Quảng Nam, có cả Thượng Kinh chung sống, chuyên sản xuất quế rừng, được các tay thợ rừng lột vỏ, cắt đoạn, và sắp xếp theo các hạng để định giá xuất khẩu.

 

“Gập ghềnh Giảm thọ, Ðèo Le .
Cu ngói cõng mè, cà cưỡng cõng khoai”

 

    Dốc Giảm thọ và Ðèo Le là 2 cao độ đi lên huyện lỵ Quế Sơn, trèo qua 2 đèo nầy thì chắc giảm thọ và mệt lè lưỡi.

 

“ Ðứng bên ni sông, ngó qua bên kia sông.
Thấy nước xanh như tàu lá,
Ðứng bên ni Hà Thân, ngó qua Hàn,
Thấy phố xá nghinh ngang
Kể từ ngày Tây lại đất Hàn,
Ðào sông Câu Nhí, tìm vàng Bông Miêu,
Dặn tấm lòng, ai dỗ cũng đừng xiêu,
Ở nuôi Thầy, Mẹ, sớm chiều cũng có Anh”

 

     Hàn tức là tên cũ của Ðà Nẵng, Hà Thân là xã ở bên kia sông, Tây tức là người Pháp, sông Câu Nhí là sông do người Pháp lúc mới cai trị Ðà Nẵng cho đào chạy qua cầu Cẩm Lệ, chàng dặn dò người yêu cố gắng ở với cha mẹ, chờ chàng về.

“Kể từ đồn Nhứt kể vô,
Liên Chiêủ, Thuỹ Tú, Nam Ô, xuống Hàn,
Hà Thân, Quán Cái, Mân Quang .
Miếu Bông, Cẩm Lệ là đàng vô ra.
Ngó lên chợ Tổng bao xa,
Bước qua Phú Thượng, Ðai la, Cồn Dầøu
Cẩm Sa, Chơ Vãi, Câu Lâu.
Ngó lên đường cái, thấy cầu Giáp Năm.
Bây chừ, thiếp viếng, chàng thăm ,
Ở cho trọn nghĩa, cắn tăm nằm chờ”

 

     Ðồn Nhứt là đồn gác số 1 đóng trên đèo Hải Vân và từ đó kể vào toàn là những địa danh cho đến huyện Ðiện Bàn.

 

“Kể cầu Ông Bộ kể ra,
Cây Trâm ,Trà Lý, bước qua Bàu Bàu,
Tam kỳ, Chợ Vạn bao lâu,
Ngó qua đường cái, thấy lầu Ông Tây,
Chiên Ðàn , Chợ Mới là đây,
Kế Xuyên mua bán, đông, tây rộn ràng
Hà Lam gần sát Phủ Ðàng,
Phiá ngoài bãi cát , Hương An nằm dài ,
Cầu cho gái sắc, trai tài .
Ðồng tâm xây dựng, tương lai huy hoàng”


     Các địa danh trên đây, kể từ trong kể ra, Lầu ông Tây tức là nhà lầu của Viên Ðại lý Hành Chánh Pháp đóng ở Tam Kỳ, còn Chợ Mới, Chợ Vạn, Kế Xuyên, Chiên Ðàn là những tụ điểm thương mãi quanh Tam Kỳ.


     Vậy đó, dù rằng không nói trực tiếp cái tình yêu quê hương, cái hạnh phúc trong lòng mình nhưng mỗi người đọc ca dao - dân ca xứ Quảng tinh ý, nhạy bén sẽ cảm nhận được tình yêu - hạnh phúc được truyền tải qua những lời ca ấy.


     g. Niềm tin tình yêu - hạnh phúc:


     Những con người xứ Quảng có một niềm tin vững chắc, vô điều kiện:


“Thương nhau chớ quá e dè,
Hẹn nhau gặp lại bến Cầu Rô Be
Thiếp nói thì chàng phải nghe,
Thức khuya, dậy sớm, làm che 1 ngày 12 xu,
Mãn mùa chè, nệm cuốn sàn treo ,
Ta về, bỏ bạn, cheo leo một mình,
Bạn ơi, bạn chớ phiền tình,
Mùa ni không gặp, xin hẹn cùng mùa sau,
Lạy trời, mưa xuống cho mau.
Chè kia ra đọt, trước sau cũng gặp chàng”


      Hoặc có thể là câu ca dao - dân ca của lòng thủy chung, chờ đợi:

'Ngó lại quê mình
Bởi em chèo thuyền
Trên sông cái
Em ngó lại quê mình
Chim trên cành còn đủ cặp huống chi mình lẻ đôi
Vì đâu đây với đó đã hai nơi
Chiếc đò ngang bằng chiếc đũa không lời nhắn đưa
Cây đa bến cũ đò xưa Người thương có nghĩa nắng mưa ta vẫn chờ'


     Hay câu:


'Sớm mai chàng hoá con chim trống đứng dựa bìa núi
Chiều lại thiếp hoá con chim mái đứng dựa bìa rừng
Nỉ non ba tiếng cho có chừng
Dầu xa muôn dặm biểu bạn đừng có xa'...

 

Câu ca dao thấm nhuần tình tự dân tộc, xuất phát từ tình yêu giữa đôi trai gái, có tính chất mộc mạc,chân tình, nói lên bản chất của người dân đất Quảng vẫn luôn tồn tại, không đổi thay, qua thời gian và không gian, giữa những dòng đổi thay của đất nước. (Còn tiếp)

Tác giả:thaonguyenbt2010

(Người sưu tầm: Nguyễn Thành Giang

Email :phonglan012002p@gmail.com

ĐT:01268546422)

 

 

----------------------

Tài liệu tham khảo:
1. Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, tập I, Nguyễn Văn Bổn, Sở văn hóa thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng chủ trì biên soạn, xuất bản năm 1983 và tái bản đầu năm 1986.
2. Huỳnh Ngọc Trảng và Vu Gia với phần biên khảo về văn học dân gian huyện Đại Lộc trong Địa chí Đại Lộc (NXB. Đà Nẵng - 1992).
3.Thạch Phương trong tiểu luận Ca dao của một vùng đất (Ca dao Nam Trung Bộ - NXB. Khoa học xã hội - 1994) bàn về ca dao và những thể loại có liên quan đến thơ ca dân gian của Quảng Nam - Đà Nẵng)
4 . Báo Quảng Nam
5. Báo Quảng Ngãi
6. Báo Đà Nẵng
7. Luận văn Thạc sỹ Nguyễn Văn Tiếng....

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: