Thứ bảy, 18/05/2024,


Kỹ thuật phổ thơ lục bát trong chèo truyền thống (06/05/2009) 

     Thơ hay ca dao xưa làm ra là để hát cho nên bản thân nó đã mang những yếu tố và đặc điểm của nhạc như: kết cấu, cao độ, âm kết câu và kết bài v,v... Nhưng dù sao thì thơ có qui luật của thơ và nhạc có qui luật của nhạc. Thơ và nhạc vẫn có chỗ khác nhau, nhưng lại có chỗ thống nhất khi thơ trở thành lời ca của nhạc.

     Phương pháp phổ thơ trong chèo khá phong phú nhưng qui nạp lại thì có bốn kiểu gốc và mỗi kiểu lại có nhiều cách khác nhau. Bốn kiểu gốc là: Kiểu đảo, kiểu nhắc lại, kiểu xuôi và kiểu đệm đà - ngân đuôi.

     1. Kiểu đảo

     Gọi là kiểu đảo là vì trật tự câu thơ khi phổ vào nhạc bị đảo ngược 2 từ hay 4 từ cuối lên đầu sau đó mới chạy xuôi chiều cả câu thơ... Loại đảo này chỉ hay dùng ở câu thơ sáu từ của thể lục bát. Trong kiểu đảo này có nhiều cách khác nhau:

     - Đảo bốn nhắc lại sáu (thể lục bát) là lấy bốn từ cuối của câu thơ đảo lên đầu thành câu nhạc, sau đó lại phổ cả câu thơ đã đảo. Thí dụ:

 

     Lời thơ:

Ai về gánh nước tưới cà

 

     Lời hát:


Gánh nước dàu mà tưới cây cà
Ai có ai ra về để cho tôi gánh nước dậu mà tưới cây cà.

 

     - Đảo sáu nhắc lại sáu (thể lục bát). Đây là cách đảo cả 6 từ. Thí dụ:


     Lời thơ:

Đố ai quét sạch lá rừng

     Lời hát:


Quét sạch i…i… ấy mấy lá rừng đố ứ ai
Đố ai quét sạch i…i… ấy mấy lá rừng.


     - Đảo sáu nhắc lại bốn (thể lục bát) nghĩa là đảo sáu từ (hai từ đầu xuống cuối) làm thành câu nhạc, sau đó nhắc lại bốn từ cuối đã đảo. Thí dụ:
    

     Lời thơ:


Nhà người có bụi chuối non


     Lời hát:


Có bụi i…ơ… là có chuối ơi a ha thì non
ấy mấy nhà nhà người
Có bụi i…ơ… là có chuối ơi… a… ha… thì non


     - Đảo hai nhắc lại sáu: nghĩa là chỉ đảo hai từ cuối câu sáu từ (thể lục bát) lên đầu. Thí dụ:

 

     Lời thơ:


Rượu ngon ai giải lúc thanh nhàn


     Lời hát:


Thanh thời nhàn, thanh thời nhàn
Cái chén rượu ngon ai giải lúc i cơn thanh i… nhàn ơ ơ ơ ơ ơ...


     Trên đây là bốn kiểu đảo cơ bản của câu sáu từ ở thể lục bát. Kiểu đảo này rất ít thấy ở thơ bảy từ.



     2. Kiểu nhắc lại


     Kiểu nhắc lại có nhiều cách

- Nhắc lại nguyên xi cả lời và nhạc của câu sáu từ (thể thơ lục bát). Loại này chủ yếu là làm cho câu nhạc được ổn định để sau đó câu nhạc tiếp theo được nổi bật (xem hề mồi thắt lưng xanh - chèo cổ).

- Chỉ nhắc lại nửa cuối của câu trên, tạo cho câu nhạc kết đoạn được ổn định để vào cao trào của câu đầu đoạn nhạc sau cho được nổi bật (xem Lới lơ - chèo cổ)

- Nhắc lại lời thơ nhưng không nhắc lại giai điệu. Thường thì câu nhạc ở vế trên trầm hơn câu nhạc ở vế nhắc lại. Các nghệ nhân gọi là vế trầm và vế bổng có thể nhắc lại bốn từ hoặc sáu từ (xem Hát cách - chèo cổ).

- Chỉ nhắc lại bốn từ cuối câu thơ tám từ (thể thơ lục bát), nhưng hạ thấp cao độ so với câu trên và tiết tấu đoạn cuối tương tự như câu trên. Sự hạ thấp cao độ ở đây là để diễn tả tâm trạng buồn và chán nản. Khác với điệu Hát cách lên vế bổng để tạo sự mong ước, hào hứng (xem Hề Đỏm đó).

     Ngoài ra về thủ pháp nhắc lại này còn nhắc lại tương đối phức tạp như bài Đường trường phải chiều - chèo cổ.

     3. Kiểu xuôi

     Kiểu xuôi là câu nhạc theo trật tự câu thơ trước sau mà phổ nhạc nhưng có thêm tiếng đệm ở giữa hay ở đầu và cuối câu thơ nếu thấy cần thiết. Phổ thơ kiểu xuôi là một kiểu tương đối hay dùng trong các bài ca phổ thơ và có thể ứng dụng ở bất cứ thể thơ nào: 4, 5, 6, 7, 8 từ v,v... Có ba hình thức phổ thơ kiểu xuôi là:

- Thủ pháp chạy xuôi ngắt nhịp theo thể thơ nhưng thêm tiếng đệm phân giải câu thơ để phát triển giai điệu.

- Chạy xuôi và ngắt nhịp theo thể thơ nhưng dùng thủ pháp láy lại các từ câu trước và xem tiếng đệm để ngắt ra thành nhiều câu nhạc ngắn như Hát ru hoặc biến dạng như Dương xuân hay Lý tình tang v,v...

- Chia câu nhạc ra làm hai phần đều nhau, ở giữa có xen tiếng đệm để tách ra thành hai câu nhạc rõ rệt. Tiếng đệm này có thể ngắn như ở bài Làm cỏ, nhưng cũng có khi dài trở thành một câu nhạc bắc cầu cho hai câu nhạc thực từ câu thơ như ở bài Sa lệch chênh v,v...

     4. Kiểu đệm đà và ngân đuôi

     Đệm đà là hình thức dạo đầu để lấy đà trước khi vào bài hát, còn ngân đuôi đuợc coi như hình thức kết bổ sung tạo sự viên mãn cho người nghe.

     Hình thức đệm đà và ngân đuôi này có thể dùng các lại tiếng đệm khác nhau như: nguyên âm, hư từ và các thực từ (đệm nghĩa), có thể dài và ngắn tuỳ theo yêu cầu của biểu diễn và tính chất bài hát. Trong đệm đà và ngân đuôi không sử dụng thành phần của ca từ trong thơ, nó chỉ là tiếng đệm thêm vào ngoài câu thơ.

 

Kim Thanh lược thuật từ

'Hoàng Kiều - Thanh điệu tiếng Việt và Âm nhạc cổ truyền'

 

 

 

--------------------------------------------

Nguồn: Âm nhạc truyền thống Việt Nam

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: