Thứ ba, 19/03/2024,


Đến với bài thơ hay (Vương Bảo) (16/10/2020) 

 

 

TRÒN CĂNG NỤ TÍM TÌNH YÊU

 

 

 

HOA LỘC VỪNG 

 

 

 

 

 

 

Lộc vừng hoa nắng đong đưa 

 

 

 

Chẻ đôi ngọn gió để trưa sang chiều

 

 

Tròn căng nụ tím tình yêu

Lập lòe sắc đỏ đọng nhiều gió sương

 Lê Minh Tý

(Trích trong tập thơ "Mắt lá" - Trang 67)

(Lời bình: Vương Bảo

Quý tặng nhà thơ: Lê Minh Tý)

 

          Đất nước ta có muôn ngàn cây, lá khác nhau. Mỗi cây lại có một loài hoa. Chẳng hoa nào giống hoa nào.. Có hoa ngát hương đậm sắc. Có hoa hữu sắc vô hương. Có những loài hoa đã đi vào thơ ca như một biểu tượng của các mùa, biểu tượng của tình yêu lứa đôi (Sen tàn cúc lại nở hoa: Hạ mạt thu sơ. Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông: Báo hiệu mùa hè đã đến…) Với nhà thơ Lê Minh Tý, tác giả lại xao xuyến trước một loài hoa có cái tên đầm ấm: Hoa Lộc Vừng! Đó cũng là tên của một bài thơ lục bát mang tựa đề " Hoa lộc vừng"

 

 

 " Hoa lộc vừng" bài thơ đã khai đề:

 

Lộc vừng hoa nắng đong đưa

Chẻ đôi ngọn gió để trưa sang chiều

          Cặp lục bát với nhiều chi tiết nghệ thuật khác nhau. Mỗi chùm hoa lộc vừng phơi trong nắng như hoa nắng. Phép ẩn dụ kín đáo mà duyên dáng vì nó nhí nhảnh " đong đưa"  như thiếu nữ đang độ dậy thì. Bông hoa ấy, thiếu nữ ấy tính tình không thay đổi chỉ làm cho mình đẹp thêm lên để mà chung  thủy với mùa thu hay khi cuối xuân đầu hạ: Hoa lộc vừng là màu của nắng, nên lúc nào cũng nồng nàn với cuộc sống. Nó không như hoa phù dung cũng phơi ngoài nắng, không mang màu nắng, mà lại đổi màu trong nắng, gợi cho ta sự thay lòng đổi dạ của loài hoa này với đất trời. Có lúc phù dung màu trắng như vẻ thanh khiết với bình minh, có lúc đỏ tươi như đang reo vui hớn hở với cái nắng gay gắt của ban trưa, có khi hoa lại phơn phớt một chút hồng như đang nũng nịu với hoàng hôn xế bóng. Hoa phù dung cứ làm lòng ta xao động không yên, cứ lẳng lơ với trời đất là vậy.

          Hoa lộc vừng lại "Chẻ đôi ngọn gió để trưa sang chiều". " Chẻ đôi ngọn gió" là một sự sáng tạo trong cấu tứ. Tác giả đã chuyển từ khái niệm trừu tượng sang hình ảnh cụ thể để làm phương tiện chuyển dịch đến trái tim đa cảm của độc giả. Gió là hiện tượng thiên nhiên không nhìn thấy,  chỉ cảm thấy ("Thấy hiu hiu gió là hay chị về"- Nguyễn Du. "Em về cùng gió heo may/ Chiều thu nắng nhạt loang đầy lối xưa" - Hồ Đình Bắc. " Gửi cơn gió sớm làm quà/ Còn oi nồng lắm chưa xa mùa hè" - Đỗ Chiến Thắng). Hoa lộc vừng như người con gái đẹp, duyên dáng mà sắc sảo. Sau buổi chiều hoa nở, rồi thiêm thiếp cùng hoàng hôn đi vào đêm tĩnh lặng. Bình minh thức dậy những cánh hoa lộc vừng đã lả tả rơi nhuộm đỏ như trải một lớp thảm trên đường ta lại qua.

          Hoa lộc vừng là một chuỗi dài thõng thượt. Mỗi cây lộc vừng có nhiều chuỗi hoa như thế, cứ sinh động đung đưa trong gió. Hãy quan sát kỹ, hãy đến gần hơn nữa để nhìn thấy những cánh hoa màu hồng mỏng tang như những lưỡi dao của tạo hóa mà thần y Hoa Đà đã từng dùng đến thuở ngày xưa. Cánh hoa ấy đã " Chẻ đôi ngọn gió". Đã ai nhìn thấy gió chưa? Chỉ biết có lúc gió là kẻ cướp cường bạo phá sạch trên những đường nó lại qua. Có lúc gió chỉ nhẹ nhàng phe phẩy  hiu hiu…. Tuyệt vời thay chỉ có người làm thơ mới nhìn thấy gió, mới thấy rõ cánh hoa - lưỡi dao - lộc vừng chẻ đôi ngọn gió. Đó chẳng phải là việc làm :" năng nhu chế cương" của cánh hoa lộc vừng đó sao! Đây là một phát hiện tinh tế của tác giả góp phần cho tứ thơ bay bổng hơn.

          Biết bao loài hoa khác cũng đắm mình trong nắng gió để tiễn đưa thời gian theo nhịp độ của đất trời. Hoa trinh nữ khi bình minh ló rạng hoa lá nở bung chào một ngày mới, khi trưa hè nắng gắt đã khép lại hoa lá ngây thơ mà chuyển dịch. Ngọn gió đã được chẻ đôi khi đụng đến hoa lộc vừng. Hoa lộc vừng đã góp phần chuyển dịch thời tiết, đã đánh thức thời gian, đẩy bánh xe thời gian chuyển về phía trước " trưa sang chiều"

          Tả cánh để ngụ tình. Tình trong cảnh đó cũng là tiêu chí của thơ trữ tình. Bài thơ đã chuyển mạch

Tròn căng nụ tím tình yêu

Lập lòe sắc đỏ đọng nhiều gió sương

          Hai câu thơ là một cặp lục bát đa chiều: gần là "nụ tím" xa là" sắc đỏ" khi khoan khi nhặt và một màn" đọng nhiều sương gió"

          Nói đến màu tím là nói đến tình yêu lứa đôi, không kể trẻ già. Trẻ có duyên trẻ, già có duyên già. Tất cả đều đắm đuối với màu tím, đều mong mỏi sự chung thủy.

          Hoa lộc vừng có thể coi là biểu tượng của tình yêu với hai chặng đường đến với trái tim. Cái thuở ban đầu " Tròn căng nụ tím" Đó là thời còn trẻ trung vụng dại, gặp nhau chẳng biết nói năng chi, hoặc chỉ nói những chuyện ở đẩu ở đâu. Nhưng đã được khẳng định là tình yêu không vụ lợi, đã được xác định là thủy chung son sắt của hai trái tim không bao giờ để trái tim lỡ nhịp. " Tròn căng nụ tím" là một biểu hiện mạnh mẽ của sức sống diệu kỳ. Một khi nụ tím ấy đến độ chín, nó sẽ bung ra sung mãn không gì cản được ! Đó là khởi đầu của tình yêu đẹp; của triển vọng vững bền. Nó khác với thứ tình yêu chỉ đến với nhau vì một vài ngón tài lẻ, vì một chút nhan sắc để mà có tình yêu sét đánh, tình yêu hời hợt qua một chuyến đò ngang, một lễ hội ngắn ngày… và rồi lại phai nhạt khi cùng đi với nhau trên một con đường.

          " Nụ tím tình yêu" đã nở. Tình yêu đã tròn đầy. Từ nụ đến hoa là một quá trình thử thách với trời đất, với lòng người " lập lỏe sắc đỏ". Nụ đã thành hoa, thành tình yêu lứa đôi là một hiện thực khách quan. Lộc vừng khi nở như những chùm hoa lửa cháy giữa đời thường, đung đưa trước gió khi ẩn khi hiện, như ánh sáng, khi lóe lên, khi tắt đi. Cũng như tình yêu khi đã chung một mái ấm thì cuộc sống tình yêu lại qua thử thách mới có lúc gay gắt nhưng lại qua đi, có lúc xuôi chèo mát mái. Hạnh phúc nào mà chẳng qua thử thách chả " đọng nhiều gió sương" nhưng " nụ tím tình yêu" đã vực dậy để cho lứa đôi vững bước.

          Kiếp hoa lộc vừng ngắn lắm chỉ có một ngày mà đời hoa nếm đủ mùi, tục lụy,. khi gió khi sương. Nhưng một khi đã trở về đất nó còn để lại xác của cánh hoa một màu đỏ thắm. Kiếp người dài đến trăm năm chịu biết bao nỗi chìm cay đắng, bao tiếng bấc tiếng chì…… thì hãy cố lên có " nụ tím tình yêu" để mà thử thách với " nhiều dông bão" để rồi đến phút chót ta vẫn rực rõ như một ánh sao băng.

          " Hoa lộc vừng" là thi phẩm của nhà thơ Lê Minh Tý. Một bài thơ tròn trịa với hai cặp lục bát hay về nội dung đẹp về nghệ thuât. Những câu lục là chỗ dựa vững chắc để câu bát chảy trôi và dừng lại nơi cõi lòng người đọc. Ngoài phép ẩn dụ, hình ảnh có sắc thái tình cảm sâu sắc. Bài thơ còn mang tính nhân văn cao cả, như thầm nhắc ta hãy nuôi mãi" nụ tím tình yêu" để hạnh phúc lứa đôi bên chặt, cơ sở căn bản cho mái ấm của mỗi gia đình.

          Cảm ơn Đại tá, nhà thơ Lê Minh Tý đã cho tôi được thưởng thức một bài thơ lục bát hay, dồi dào ý nghĩa./.

Hải Phòng, ngày 02.10.2020

Vương Bảo

ĐT: 0932.297.399

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trịnh Toại - tvtoai@gmail.com - 0983325625 - 19/70/11 Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng  (Ngày 17/10/2020 16:40:13)

Một bài thơ hay và lời bình sâu sắc... chúc mừng cả hai tác giả ạ !

Các bài khác: