Thứ sáu, 19/04/2024,


Cảm nhận về bài thơ “BÔNG HỒNG CÓ GAI” của nhà thơ Huy Trụ (Trần Thị Thu Hà) (04/06/2020) 
Cảm nhận về bài thơ “BÔNG HỒNG CÓ GAI” của  nhà thơ Huy Trụ 



Nhà thơ Huy Trụ


 

Nói đến nhà thơ Huy Trụ trên thi đàn Việt Nam chắc chắn có quá nhiều người biết đến và yêu mến anh thật lòng! (Tôi xin phép gọi là “anh” vì tâm hồn nhà thơ không có tuổi). Thơ anh rất gần gũi, chân tình, nhẹ nhàng, đằm thắm và đặc biệt là hợp với mọi lứa tuổi. Ở tuổi nào đọc thơ anh cũng thấy thấp thoáng bóng hình của mình trong đó. Trong “Nhà văn và Tác phẩm” (số 40/ tháng 3 - năm 2020/ Cơ quan sáng tác, lý luận phê bình và dịch văn học - Hội Nhà văn Việt Nam) có chọn đăng năm bài thơ của nhà thơ Huy Trụ. Mỗi bài mang một hương sắc, một vẻ đẹp, một nỗi niềm riêng! Nhưng bài nào cũng đem đến cho người yêu thơ nói riêng, cho cuộc đời nói chung một cảm xúc yêu thêm những gì đang hiện hữu trong cuộc sống! Tôi yêu cái “Giọt nắng” “mỏng mềm như cánh bướm”, “Đậu giữa tay mình/ Lại rớt xuống tay ai”! Tôi yêu cái tình trong “Biển và em” “Chả thế mà/ Đến đá cũng thành thơ/ Cũng biết hóa thân/ Thành hòn Trống Mái”! Tôi yêu cái “say” trong “Nửa ta tồn tại” “Nửa say ném đá lên trời/ Nửa mê ném gọn cuộc đời cho em”... Nhưng hơn hết tôi yêu cái hương sắc, cái nỗi niềm rất thơ, rất mơ... của “Bông hồng có gai”

Bông hồng… bông hồng có… gai

Như em đang độ… áo cài chật khuy

Gió xuân cái gió… đương thì…

Ngã vào tôi níu bước đi… ngập ngừng


Còn em cứ… dửng dừng dưng…

Như trong trời đất chưa từng… có tôi

Tóc chi như suối của trời

Cái đuôi mắt buộc… chết người như không


Tôi về gõ cái long đong

Sắm con thuyền ngược bến sông đợi người

Cánh hồng biết có còn tươi

Vớt lên lại sợ… gai mười ngón đau…

Mở đầu bài thơ như một tiếng reo: Ôi! “Bông hồng...”, dường như lúc này khoảng cách giữa nhân vật trữ tình và bông hồng còn hơi xa, nhưng cũng vẫn đủ để cảm nhận được vẻ đẹp của bông hồng! Vì thế mà nhân vật “tôi” mới thốt lên như vậy và tưởng mình là người đầu tiên phát hiện ra. Thấy đẹp thì phải tiến lại gần thôi, nó như một quy luật tự nhiên vậy. Ai thấy cái đẹp mà chẳng thích! Gần thêm, gần thêm một chút... Ái chà! “bông hồng... có gai”. Thật là tinh tế, thật là kín đáo nhưng cũng thật đáng nể phục với kiểu ngắm hoa của nhà thơ! Rõ ràng là bông hồng có màu sắc, có hương thơm thì nhìn là thấy ngay, còn cái gai nó bé tí tẹo thì phải nhìn thật gần mới thấy được! Như vậy là nhân vật “tôi” đã ngắm hoa ở một cự li rất gần, mà ở vào cái khoảng cách đó thì hương thơm ngây ngất của hoa đã ướp cả “tôi”, hút hồn “tôi”! Có lẽ vì thế mà làm cho nhân vật trữ tình trong bài thơ trở thành “hơi ngơ ngẩn” phát hiện ra điều tưởng như mới mẻ nhưng lại là điều mà từ ngàn xưa ai ai cũng biết “bông hồng có... gai”! Tôi chợt liên tưởng đến thơ Hữu Thỉnh “Anh xa em/ Trăng cũng lẻ/ Mặt trời cũng lẻ”. Vâng, chỉ có một mặt trăng, một mặt trời nhưng khi tình nhân xa nhau mới chợt giật mình nhận ra điều hiển nhiên đó...

Thơ Huy Trụ luôn gợi nhiều hơn tả, người đọc cảm nhận được điều đó ngay trong câu thơ: “Như em đương độ... áo cài chật khuy”. Có lẽ người đọc không khỏi giật mình với cái cách so sánh thật tài tình rất đặc biệt và rất thú vị của nhà thơ. Thông thường người ta so sánh người con gái đẹp với hoa, nhà thơ lại so sánh hoa với cô gái! Hóa ra khi cô gái xuất hiện thì hoa đã phải lùi lại phía sau, nhường chỗ cho nàng, vì nàng mới là chủ thể của bài thơ, là chủ thể mà nhân vật trữ tình trong bài thơ hướng tới, vậy là hoa chỉ làm nền cho nàng thôi!

Bông hồng... bông hồng có... gai

Như em đương độ... áo cài chật khuy

Tôi rất thích hình ảnh “áo cài chật khuy” của cô gái “đương độ...” “Gió xuân cái gió... đương thì”! Một sự cảm nhận vô cùng tinh tế “đương độ”, “đương thì” là sự chuyển biến của nội tại, sự chuyển biến bên trong của chủ thể theo chiều hướng tích cực: đang ở độ phát triển đẹp nhất. Hình ảnh “áo cài chật khuy” gợi cho ta thấy được vẻ đẹp của sự sung sức, khỏe khoắn, căng tràn, lồ lộ, nóng bỏng của cô gái mới lớn! Hơn nữa cái “bông hồng... có gai” (khó hái ấy) rất hợp mạch cảm xúc của tứ thơ vì hình ảnh “áo cài chật khuy” còn gợi cho người đọc về một cô gái đứng đắn, ngoan hiền, con nhà lành, (áo cài chặt khuy, như kiểu cửa đóng then cài). Cũng chính nét đẹp khỏe khoắn, kiêu sa, trong trẻo, ngoan hiền đó mới “níu bước đi... ngập ngừng” của nhân vật trữ tình!

         Cô gái còn đáng yêu hơn trăm ngàn lần nữa vì sự vô tư hồn nhiên đến “chết người” của nàng “Còn em cứ... dửng dừng dưng/ Như trong trời đất chưa từng... có tôi”. Cô gái nhìn đất trời, nhìn đời, nhìn người bằng cặp mắt trong veo, cô “dửng dừng dưng” “chưa từng...” nghĩa là cô còn trong trắng lắm, trong trắng ngay cả trong suy nghĩ, trong tâm hồn! Tôi rất yêu cách dùng từ của nhà thơ: “dửng dừng dưng” chứ không phải là “dửng dưng”... khiến cho ta cảm nhận tâm hồn trong trẻo của nàng gần như đến mức tuyệt đối! Hồn nhiên, vô tư đến như vậy nên dù cho cự li giữa “bông hồng” (cô gái) với nhân vật “tôi” đã rất gần, gần đến mức thấy từng cái gai bé tí tẹo nhưng cô gái vẫn “Như trong trời đất chưa từng... có tôi”. Đáng yêu lắm cái cách dẫn dắt của nhà thơ, như là quy luật ấy: cái gì dễ đến thì dễ đi, dễ có thì không đáng quý! Nàng là món quà vô giá mà trời đất ban tặng. Vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp kết tụ từ thiên nhiên, là vẻ đẹp của tạo hóa và nhà thơ đã so sánh “Tóc chi như suối của trời/ Cái đuôi mắt buộc chết người như không”. Thơ Huy Trụ thật gần với ca dao “đuôi mắt” “buộc”, làm “chết người” khiến ta liên tưởng đến “Đôi mắt em liếc như là dao cau”... Chất ca dao trong thơ Huy Trụ vừa đậm đà hương vị dân gian nhưng cũng rất hiện đại, đó chính là sự vận dụng ca dao một cách tài tình của tác giả! Cái tình đã được đẩy lên đến đỉnh điểm “chết người”, cách diễn tả cũng vẫn thật dân dã, chân tình “yêu chết đi được”, “thương chết đi được”, nghĩa là yêu lắm rồi, thương lắm rồi! Phải quyết tâm chinh phục thôi “Tôi về gõ cái long đong/ Sắm con thuyền ngược bến sông đợi người”. Dù có phải long đong, dù phải “ngược bến sông”, ngược sông thì nhiều thác lắm ghềnh, nghĩa là dù khó khăn đến mấy cũng “đợi người”, đợi đến khi nào nàng hiểu thấu tình anh! Chỉ e rằng đến lúc ấy “cánh hồng biết có còn tươi/ Vớt lên lại sợ... gai mười ngón đau...”. Tôi yêu lắm chữ “mười” trong câu thơ nó khiến cho tôi nghĩ đến quan niệm của dân gian “mười” là nhiều, là chẵn, là tròn trịa, là tất cả... Như vậy là dù có khó khăn đến mười phần, đau đớn đến mười phần thì chàng trai vẫn hy vọng, vẫn mong chờ một tình yêu phía trước!

      Tôi còn yêu đến bối cả con tim vì cái cách dùng dấu ba chấm (chấm lửng)của nhà thơ. Chỗ thì như reo lên... “Bông hồng...”, ngạc nhiên, ngỡ ngàng...“bông hồng có... gai”. Chỗ lại như lấp lửng nửa kín nửa hở... “đương độ... áo cài chật khuy”. Chỗ thì như có nhiều điều chưa nói hết... “Còn em cứ... dửng dừng dưng”, “chưa từng... có tôi”. Chỗ lại ngập ngừng như không nói thành lời... “Vớt lên lại sợ... gai mười ngón đau...” 

       Mạch cảm xúc chung của cả bài thơ đem đến cho người đọc một cảm giác về tình yêu trong sáng, bền bỉ của chàng trai, đồng thời cũng cảm nhận được tính cách của một chàng trai nhút nhát, hay “sợ...”, chính vì thế ta yêu cả cái nhút nhát mà lại kiên định, cái ngập ngừng mà lại quyết đoán, cái rụt rè mà lại mạnh mẽ của chàng! Tôi tin rằng chàng trai sẽ được đền đáp bằng một thiên diễm tình ngọt ngào say đắm!

         Cảm ơn nhà thơ Huy Trụ đã cho tôi cùng các bạn yêu thơ gặp lại chính mình một thời tuổi trẻ! Thấp thoáng làn môi căng mọng, hơi thơ nồng nàn, ánh mắt trong veo, vòng tay vụng về, trái tim run rẩy đập vội... Yêu lắm “BÔNG HỒNG CÓ GAI”


Nhà giáo: Trần Thị Thu Hà
Trường THCS Tây Đô Vĩnh Lộc – Thanh Hóa
ĐT: 0919652989

 

BTV giới thiệu: Nhà thơ Trịnh Toại



Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trịnh Toại - tvtoai@gmail.com - 0983325625 - 19/70/11 Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng  (Ngày 24/06/2020 19:34:04)

Quả thật, ngoài vốn cảm nhận và bình thơ năng khiếu và dày dạn kinh nghiệm ra, cô giáo Trần Thị Thu Hà rất hiểu tác phẩm và tác giả bài thơ "Bông hồng có gai" của NT Huy Trụ - Xứ Thanh... Chúc mừng cả hai tác giả nha...

Các bài khác: