Chủ nhật, 19/05/2024,


Dòng chảy lục bát (01/04/2009) 

     Thơ lục bát là đôi chèo  đẩy thuyền trên sông, là đôi bàn chân có khoảng cách trước sau, chân trước trụ xuống như câu sáu, chân sau nhón lên như câu tám, người dân vùng lúa nước của đồng bằng châu thổ, luôn biết  chèo, vì đường đi dồng nghĩa với sông và rạch, đất bị nước chia cắt khắp nơi ngay bàn chân cũng  không có đất đở liên tục. Hơn nữa, nước lớn lại nước ròng luôn nối tiếp theo nhịp thủy triều trên sông. Đấy là một trong nhiều hình tượng của quê hương Việt Nam dẫn đến  hình thành câu sáu và câu tám trong thơ lục bát. Phải chăng thể thơ lục bát là khái quát bóng dáng người di chuyển của châu thổ sông Hồng; sông Mả,sông Cả  rồi dến sông Thu Bồn; sông Trà Khúc …của hàng ngàn năm trước và sau này là châu thổ sông Cửu Long; sông Đồng Nai…? Dĩ nhiên hoạt động di chuyển trên mặt nước -để làm rõ khác với ngồi trên lưng ngựa-  chỉ  là nhân tố vật chất, vật được phản chiếu, còn phải đi qua tấm kính ý thức của người Việt Nam đồng thời năng lượng tâm linh hình thành lời chữ là giá đở của mỗi câu thơ.

     Trước hết vì lục bát cần mỗi từ đơn âm, tự nó như một hạt ngọc hoàn hảo của xâu chuổi cho nên điều này khẳng định ngôn ngữ đa âm không hình thành thơ lục bát. Và chữ cuối của câu sáu phải vần với chữ thứ sáu của câu tám; lưu ý chữ nguồn và buồn trong một tế bào lục bát dưới đây:

Con sông (B)nào đã(T) xa nguồn(B)

Thì con(B) sông đó(T) cũng buồn(B) với tôi(B)

(thơ Hoài Khanh)

     Hai câu khác:

Sầu đong càng lắc càng đầy

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê

(Nguyễn Du)

    Hơn nữa, đơn âm vẫn chưa đủ, mà còn biên độ của sóng âm liên kết thật tương thích .

    Nếu chỉ khái quát theo luật bằng trắt với với bằng là B; trắc là T và X là từ không bắt buộc phải bằng hay trắc :

    X B XT XB

    XB XT XB XB; thì chưa  ra thơ lục bát, mà mỗi từ đơn âm còn phải có dấu( biên độ của sóng âm) trích hai câu 6-8 bất kỳ khác:

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

(Nguyễn Du)

     Chú ý câu 8, B (bằng) ở chữ thứ sáu phải là không dấu nếu B ở chữ thứ tám là dấu huyền hoặc ngược lại:

thì con sông đó cũng buồn với tôi

     Do đó dù đơn âm như chữ Hán cũng khó hình thành thể thơ lục bát. Lưu ý câu tám với chữ thứ sáu và chữ cuối câu vì ngay trong ca dao cũng đồng dạng như thế.

Chàng buổn còn chốn thở than

Thiếp buồn như ngọn nhan tàn thắp khuya

     Hoặc:

Oan chi những khách tiêu phòng

Mà xui phận bạc nằm trong má đào  

(Nguyễn Gia Thiều)

     Thể thơ 6-8, là thành tựu của lời chữ Việt Nam, từng có những tác phẩm nổi tiếng bằng thể thơ này, mà truyên Kiều là tiêu biểu. Sau khi xem xét tổng quan thơ lục bát, nên đào sâu vào thể cách 6-8.

     Không nên hiểu thể chì là hình thức, mà còn là nội dung:

     'Như vậy, Thể nên được hiểu như là chon lọc đề tài phù hợp với tư tuởng của tác giả, không phải là minh họa một tư tưởng có sẵn, tư tưởng ấy là thông điêp riêng có của tác giả. Tác giả không có dấu ấn của tư duy riêng chưa thể coi là biết sáng tác văn học.

     Biết chọn đề tài rồi, phải gọi lời chữ lên, lời chữ được sàng lọc qua tâm cảm, chữ đã nằm trong câu khó lấy ra, câu viết tinh ròng, nghĩa là làm nên cốt cách. Hiểu rộng hơn, Cách là cấu trúc ngôn ngữ, là sợi dây xuyên suốt những câu chữ riêng lẻ để thể hiện đề tài, là hiện thể của Khí Chất. Nếu Thể là sợi chỉ dọc, thì Cách là sợi chỉ ngang của tấm lụa văn học” (1)

     Vậy, tại sao có vẽ bề ngoài là sáu và tám chữ mà không là bốn chữ của thể tứ tuyệt; bảy chữ của thể thất ngôn bát cú; hoặc dẫn dến thể Hai-cư? Tư duy và tâm thức  nào dẫn đến thể lục bát?

     Theo triết gia Aristote làm nghệ thuật,trong đó có làm thơ, là xuất phát từ bản năng bắt chước (mô phỏng), và  nhu cầu thưởng ngoạn (thích thú trong cảm nhận) nhưng đó mới chì là một cách hiểu đơn sơ và duy lý của văn hóa Phương Tây; mới chỉ là giải thích theo biện chứng  với hai nhân tố vật chất và ý thức, chưa có nhân tố tâm thức. Bắt chước là hợp đề của tiền đề vật chất (ngoại cảnh) với phản đề ý thức (hiểu biết), tuy nhiên làm thơ không chỉ như trồng lúa, bắt chước gieo hạt, bắt chước gặt lúa, bắt chước giã gạo v. v… Nếu chỉ như thế con khỉ cũng biết bắt chước như vậy. Ý thức đơn thuần không thể liên tưởng nỗi buồn (sầu) được cân đong như đong gạo: “sầu đong làng lắc càng đầy” ngược lại đong gạo càng lắc càng vơi. Nguyễn Du đã viết về nỗi buồn hay nhất hành tinh từ xưa đến nay. Ý thức đơn thuần cũng không thể viết: “…phận bạc nằm trong má đào”, câu thơ siêu thực  tuyệt vời của Nguyễn Gia Thiều càng minh chứng biện chứng duy tâm hay duy vật cũng không lý giải thỏa đáng được. Phải chăng còn một nhân tố mà lâu nay chưa ai chỉ ra đúng vai trò của nó? Đấy là chiếc cầu tâm linh, chiết từ năng lượng ẩn tàng của vũ trụ cho mỗi sinh vật người, mà thi sĩ luôn được nhiều hơn. (2)

     Nhân tố thư ba cùng với vật chất và ý thức là TÂM THỨC; Trước hết phải hiểu Tâm Thức không mằm trong những bậc thang của ý thức, cho dù đó là bậc thang cao nhất: ý thức tinh tế; TÂM THỨC LÀ NĂNG LƯỢNG  THÔNG QUA Ý THỨC MÀ BIỂU HIỆN, cũng như ý thức thông qua bộ óc -thân xác (vật chất) người mà biểu hiện vậy. Tư duy của người sống trên thuyền ghe trong tam giác châu thổ và trồng lúa nước phát sinh ra thơ lục bát, cộng với tâm thức di chuyển của tộc Việt sáng tạo hoàn chỉnh thể thơ lục bát. Cho đến nay các công trình nghiên cứu đều xác định thể thơ lục bát ra đời khoảng hơn 300 năm nay, tương đương với thời điểm Hoa Kỳ lập quốc. Thể thơ lục bát là hệ quả của nhận thức biện chứng vô thường.

     Ai cũng biết Hegel nâng biện chứng lên thành phương pháp nhận thức, và các triết gia sau đó dù xấp xếp đầu đuôi tinh thần, vật chất ra sao vẫn được khái quát một chiều như sau

           Đề(these) - Phản Đề(anti these) - Hợp đề(synthese)

     Nghĩa là Hợp đề luôn luôn mới hơn, tiến bộ hơn và nhất là hoàn toàn hủy diệt xóa bỏ Đề, kể cả Phản đề. Điều này thực tại không diễn ra như vậy . Thực tại là trong âm có dương, trong dương có âm. Thực tại là photon(ánh sáng) vừa hạt vừa sóng;  những hạt hạ nguyên tử luôn luôn chuyển hóa giữa hạt và sóng. Phải chăng nên dùng khái niệm biện chứng vô thường cho thực tại nêu trên?

     Có thể mượn việc tháp cây để  nhận ra  biện chứng vô thường. Trong  vườn cây cũ (đề) được ghép với giống cây mới tốt hơn (phản đề) sẽ  cho kết quả ba loại cây: cây trực sinh (giống hệt như cũ);  cây hỗn hợp giữa cũ và mới (hợp đề); cây hoàn toàn mới (phản đề). Nghĩa là Hợp đề không thể hủy diệt hết cái trước đó (cũ), Hợp đề là vô thường của Đề, Đề là vô thường của Phản đề. Trong  sinh học và xã hội không thoát khỏi biện chứng vô thường. Nếu có một loài sâu gây hại mùa vụ(đề),dùng hóa chất để trừ khử chúng(phản đề), không phải thế là hết loài sâu đó (hợp đề) mà sẽ có những con sâu kháng thuốc, rồi sinh sản một thế hệ sâu mới khó giết chúng hơn, như vậy ở đây hợp đề vẫn chính là tiền đề có chất lượng cao hơn, biện chứng pháp  Hegel phá sản trong trường hợp phổ biến này.

     Tư duy lục bát là tư duy biện chứng vô thường; nghĩa là tiền đề  gặp phản đề cho ra đa hợp đề:

Đề( these) - Phản đề(anti these) - đa hợp đề(multisynthese)

     Hơn nữa đa hợp đề này có cả phản đề và đề xuất hiện trong hệ quả. Như vậy trực cảm tâm linh sẽ chọn ra vài hợp đề có xác xuất cao nhất trong nhiều hợp đề đó. Nói cách khác hợp đề là xác suất như trong cơ học lượng tử.

     Ở đây Đề là bối cảnh sáng tác; Phản đề là tư duy và tâm thức của tác giả và Hợp đề là tác phẩm. Vì vậy từ hai câu sáu tám hợp thành một tế bào lục bát, dẫn đến một tấm da thịt lục bát có vô số câu sáu tám. Bài thơ lục bát có 4 câu như bài Sông Lấp (3) của Tú Xương hay trên ba ngàn câu Truyện Kiều đều có giá trị toàn bích như nhau. Tiếc rằng  nhiều triết gia không biết tư duy theo biện chứng vô thường  nên xã hội duy lý luôn xung đột bằng bạo lực và chiến tranh hủy diệt lẫn nhau. Có thể suy ra rằng cách tư duy một chiều của vài tộc người dù họ làm được  đền dài kỳ vĩ từ thời trung cổ họ vẫn không làm thơ lục bát được. Ngay nay có dân tộc cực kỳ văn minh, phát minh tàu vũ trụ, đầu đạn hạt nhân họ cũng không làm thơ lục bát được vì họ chưa biết biện chứng vô thường.  Chỉ có biện chứng vô thường mới ngộ ra nàng Kiều dù hai lần bị đẩy vào lầu xanh mà vẫn là trinh trắng.

    Đọc đoạn này có người sẽ bỉu môi cần gì làm thơ lục bát!? Đúng vậy người ta vẫn sống sung túc mà không cần làm thơ lục bát, hoặc vẫn sống với tâm linh bằng những thể thơ khác. Bài viết chỉ muốn nêu ra thơ lục bát hình thành từ biện chứng vô thường, biện chứng vô thường  sẽ dẫn đến hệ quả  hài hòa, không  xung đột, bao dung và thoát ra suy luận duy lý, thoát tục. Biện chứng vô thường  không chỉ là thể mà còn là cách của thơ sáu tám. Có ba đặt trưng về cách của thơ sáu tám:

1/ Vần bằng là duy nhất trong tế bào thơ nối nhau ở chữ thứ sáu của  câu 6 và câu 8.Nếu nếu nối hai tế bào thơ  với nhau thì chữ thứ 8 của tế bào thứ nhất vần với chữ thứ 6 của câu sáu thuộc tế bào thơ thứ hai. Giống như những toa xe lửa nối nhau. Có lẽ một bài thơ 6-8, như một thanh nam châm dài với đầu này dương và đầu kia là âm, nếu tách ra một tế bào thì nó vẫn có âm dương ở hai đầu.

2/ Số từ trong câu không quá tám chữ giúp bộ óc dễ thuộc lòng. Theo nghiên cứu khoa học, bộ óc khó nhớ một tập hợp quá tám thành tố. Hàng trăm năm trước nhiều người dân còn mù chữ vẫn thuộc lòng Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Truyện Kiều cũa Nguyễn Du …

3/ Nhạc điệu câu thơ  có đường biểu diễn hình sin  nên phù hợp với giai điệu âm nhạc dân gian, dễ ngâm và hát hò.

     Thể cách thơ  6-8 là đặc trưng văn hóa Việt Nam; là đọc đáo Việt Nam, là thuộc tính của lời chữ Việt Nam, với  ngôn ngữ đơn âm, phong phú ý tứ , biểu cảm , nhiều nhạc tính trên giá đở của tâm linh. Thi sĩ dùng thể lục bát với thần khí linh diệu (4)  chắc chắn sáng tạo thơ hay, ngược lại viết những từ sáo rổng, kêu gọi bạo lực, thù hận, sùng bái cá nhân.v.v….Nghĩa là lập luận theo tam đoạn luận, biện chứng pháp đơn thuần, và tất cả nhận thức tôn thờ tuyệt đối vào lý trí, sẽ  biến thể lục bát thành những câu vè thảm hại. Lục bát sẽ thành vè khi rơi vào những trường hợp sau:

     Ghép từ theo luật bằng trắc hoặc chỉ mô tả thô ráp; Hoac mô tả có kỹ thuật mà không có thần khí, MỘT DẠNG THÙNG RỔNG KÊU TO.

     Lấy lại ý tưởng cũ, cấu trúc cũ của một bài thơ lục bát sáng tác trước đó;

     Dùng ẩn dụ ước lệ, sáo ngữ và người viết không chút xúc cảm gì, không có thông điệp gì với người đọc, chỉ để quảng cáo thương mại.

     Có người thường nói thơ lục bát không chuyển tải nỗi những ý tình đương đại, không đổi mới được, không dung chứa khát vọng tự do cùa nhà thơ.v.v…Những người ấy thật ra  e sợ  con đường cao tốc lục bát sẽ làm lộ ra những lời chữ có tốc độ rùa bò của họ(câu vè mô tả theo vần 6-8), vì trên vùng đất chưa đấp đường, xe bò thường tự do(thơ tự do rổng tuếch) đi quanh co đây đó. Thi sĩ Trần Huyền Trân viết :

Cười vang ném chén tan tành

Khoái nghe vỡ cái bất bình thành thơ

      Hai câu lục bát trên không hề bị gò ép vào vần điệu, nó chuyển tải tư tưởng trọn vẹn như hai câu thơ tự do, mà toát lên thần khí dữ dội, hấp dẫn người đọc mãnh liệt. Hai câu thơ ấy không kém gân guốc, quyết liệt, từ ngữ bình dị như bất kỳ câu thơ tự do hay nào. Song thơ lục bát chắc chắn đi vào lòng người Việt Nam nhanh hơn, sâu hơn những thể thơ khác.          

      Người làm thơ Việt Nam đích thực dù làm thơ tự do; thơ văn xuôi; dù theo trường phái nào, nếu chưa được thử thách với thể thơ 6-8 , là chưa xây dựng nền móng cho chính mình. Dĩ nhiên, tùy theo tố chất của từng nhà thơ có quyền chọn lựa hình thái biểu hiện sở trường của mình. Thơ hay là của nhân loại, nên thơ hay không phải chỉ ở thể thơ lục bát, mỗi dân tộc đều có đặc trưng văn hóa, nghĩa là có thể loại sở trường của mỗi dân tộc. Người Hán có thơ thất ngôn bát cú; người Nhật có thơ hai-cư; người Phương Tây có thơ  vần điệu phù hợp với ngôn ngữ  La- Tinh…và ngày nay cả hành tinh đang làm thơ tự do; thơ văn xuôi. Thơ hay trên phạm vi toàn cầu là ở thần khí bài thơ  dung chứa tư tưởng, tình cảm,  cấu trúc hình tượng tứ thơ, chứ không phài lời chữ ,vần điệu vì mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng. Tuy nhiên nếu không có lời chữ riêng đó thì không thể chuyển tải thần khí được. Một người da trắng không thể vì ngưỡng mộ một vĩ nhân da vàng vội đi  nhuộm màu da của mình, mà nên điều chỉnh cho trái tim mình rộng mở như vĩ nhân ấy. Vì vậy, mỗi dân tộc ,mỗi thi sĩ nên làm thơ theo ngôn ngữ mẹ đẻ; miễn là rung động theo trái tim vĩ đại nhất của loài người. Khi cần sẽ được chuyển ngữ cho đọc giả. Lịch sử  văn học thế giới chưa có thi hào nào không làm thơ bằng  ngôn ngữ của tổ quốc  mình.

     Thơ hay không phải do thể loại, trường phái hay quan niệm làm thơ, song trước hết muốn có thơ hay là trung thực với chính mình, nghĩa là biết tự hào ngôn ngữ dân tộc mình cũng như mình thấy màu da mình đẹp không thua kém màu da khác./.

                                                   TRIỆU TỪ TRUYỀN

------------------------------- 

(1) Vui lòng đọc: Suy nghĩ về câu nói cùa nhà nho Nguyển Tư Giản của cùng tác giả, trang 106 (NHỮNG CHỮ QUA CẦU TÂM LINH-NXB VĂN HỌC-2008) .

(2) Những chữ qua cầu tâm linh, trang 07. (sách đã dẫn)

(3) Sông xưa rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò. (Tú Xương)

(4) Thơ là dòng năng lượng -trang 129 (sách đã dẫn)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: