Chủ nhật, 19/05/2024,


Đâu chỉ là chuyện của người muôn năm cũ (31/03/2009) 

 

Chuyện xưa và chuyện bây giờ 

 

Năm nào lên tỉnh ít ngày

Vẫn môi trầu thắm tóc dày rẽ ngôi

Thay cho mặc yếm lụa sồi

Áo cài khuy bấm chị tôi về làng

Chỉ chừng ấy cũng đủ làm

Nhà thơ Nguyễn Bính bẽ bàng khổ đau.

 

Nhìn khăn nhung chị đội đầu

Áo cài khuy bấm nào đâu có gì

Trên đê lững thững chị đi

Chẳng còn bóng dáng như khi lên chùa

Thế là chuối chát chanh chua

Thế là ngọn cải muối dưa khú rồi.

 

Bây giờ đến lượt em tôi

Lại đi lên tỉnh như hồi chị xưa

Cầm ô thay nón che mưa

Chả còn biết tới sớm trưa gió đồng

Xóm quê mẹ ngóng mẹ trông

Suốt năm suốt tháng vẫn không thấy người

Nào hay em ở góc trời

Áo thời một mảnh, váy thời một gang

Thả buông hết thủa gái làng

Mắt xanh môi đỏ điệu đàng gót son…

 

Nếu nhà thơ Nguyễn Bính còn

Thấy em sẽ khóc đến mòn con ngươi.

 

Ngân Vịnh

(Đăng trong Tạp chí Khoa học &  phát  triển - TP Đà Nẵng - Xuân 2001)

 

 

 

            Chuyện xưa. Vâng, đã xưa lắm rồi! Chuyện của thời thi sĩ chân quê Nguyễn Bính hãy còn ở chốn dương gian. Năm nào thì không rõ. Chỉ biết năm đó chị tôi có việc phải “lên tỉnh ít ngày”. Hôm chị tôi về làng đã làm “nhà thơ Nguyễn Bính bẽ bàng khổ đau”. Thật tình mà nói, chị tôi chẳng làm gì nên chuyện, ngoài mỗi cái việc thay đổi trang phục một tí thôi; thay cho mặc yếm lụa sồi là áo cài khuy bấm, đội khăn nhung thay khăn mỏ quạ, quần lĩnh thay quần nái đen. Nào đâu có gì, ai lên tỉnh mà chả thế! Hơn nữa, chị tôi “vẫn môi trầu thắm tóc dày rẽ ngôi” đấy thôi! Thế mà dưới mắt nhìn của người dân quê, chị tôi đã đánh mất cái chân quê hồn hậu, mộc mạc. Để rồi hơn một lần chị phải nghe những lời dị nghị “chuối chát chanh chua”, những lời bù khú... Khổ cho chị tôi, khổ cho nhà thơ Nguyễn Bính khi một chút “hương đồng gió nội bay đi” mang theo bóng dáng chị xưa.

            Chuyện bây giờ. Chuyện của thời mở cửa. Em tôi - cô gái quê - “lại lên tỉnh như hồi chị xưa”. Cứ ngỡ, em tôi chẳng làm gì nên chuyện khi con người của ngày hôm nay có cái nhìn thoáng hơn, rộng lượng và bao dung hơn. Thế mà... em tôi đã làm chúng ta thất vọng! Không như chị xưa chỉ lên tỉnh ít ngày, em tôi đi suốt tháng, suốt năm. Đi như là chạy trốn cái làng quê dân dã của mình. Dường như em “chả còn biết tới sớm trưa gió đồng”, và sự trông ngóng của mẹ già ở xóm quê:

 

Xóm quê mẹ ngóng mẹ trông

Suốt năm suốt tháng vẫn không thấy người

Nào hay em ở góc trời...

 

            Thật khó tìm thấy em tôi, nói gì đến bóng dáng của cô gái quê xưa, khi em  đã là một con người hoàn toàn thay đổi:

 

Cầm ô thay nón che mưa

... Áo thời một mảnh, váy thời một gang

Thả buông hết thủa gái làng

Mắt xanh, môi đỏ, điệu đàng gót son

 

            Có lẽ, đến mức nầy thì hơi đâu mà bình phẩm, sức đâu mà “lời ong, tiếng ve”... Không nhận xét, đánh giá chỉ nói chuyện xưa, chuyện nay thế mà nhà thơ Ngân Vịnh đã tỏ rõ thái độ của mình. Nếu với chị xưa là sự cảm thông thì với em tôi nhà thơ đã thật sự đau xót, bẽ bàng.

            Giá như em tôi chỉ như chị xưa, dẫu trang phục của ngày hôm nay có khác đi ít nhiều thì cũng chả sao. Điều làm nhà thơ Ngân Vịnh phải khổ, phải đau không là ở sự thay đổi về mặt hình thức mà chính là sự đánh mất cái chân quê của em tôi. Nói về em, tôi chợt nhớ đến cô gái trong bài “Lời thề cỏ may” của nhà thơ Phạm Công Trứ. Người con gái không những đã phản bội lời thề cỏ may mà còn phản bội cả “tuổi vàng”, “tuổi ngọc”: “tuổi thơ chân đất đầu trần / từ trong lấm láp em thầm lớn lên” khi: “Bây giờ xinh đẹp là em / Em ra thành phố dần quên một thời / Về quê ăn tết vừa rồi / Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò”.

            Chúng ta không ngạc nhiên bởi cách ăn mặc “áo chẽn, quần bò” vì như thế cô gái trở nên xinh đẹp hơn, hiện đại hơn, “mốt” hơn. Thật đáng buồn, đáng trách  là sự hững hờ và thói vô tình:

 

Gặp tôi em hỏi hững hờ

Anh chưa lấy vợ còn chờ đợi ai?

 

            Sự gặp gỡ giữa Ngân Vịnh và Phạm Công Trứ ở đây là hai nhà thơ không dám đòi hỏi những người con gái ấy “giữ nguyên quê mùa” như thi sĩ Nguyễn Bính một thời. Họ chỉ mong những đứa em của họ giữ lấy cái hồn quê chân chất, mộc mạc.

            Khép lại bài thơ “Chuyện xưa và chuyện bây giờ” Ngân Vịnh viết như đùa mà đau:

 

Nếu nhà thơ Nguyễn Bính còn

Thấy em sẽ khóc đến mòn con ngươi.

 

            Vâng, khóc thật! Làm sao không khóc được. Xưa, thấy chị tôi về làng không còn “bóng dáng như khi lên chùa”  trái tim nhà thơ đã nhói đau thì nói gì đến việc thấy em tôi của ngày hôm nay như thế. Viết là vậy thôi nhưng đâu chỉ  có người của muôn năm cũ mới thấy, mới đau!

 

 

Nguyễn Mậu Hùng Kiệt

Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam

Email: maukiet@gmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: