Thứ sáu, 19/04/2024,


Giới thiệu tập thơ" Cổ tích và Lịch sử Việt Nam" của tác giả: Đỗ Trọng Kim NXB HNV. (22/06/2018) 

 LỜI GIỚI THIỆU

Bài viết của: Nhà thơ Hồ Trọng Xán
Hội viên hội Ngôn ngữ học Việt Nam
Hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương

---------

                                     Về tập truyện thơ "Cổ tích và Lịch sử Việt nam)

 

 

 

 

 

                                                        Của tác giả: Đỗ Trọng Kim

   Ủy viên Ban chủ nhiệm CLB Di sản thơ văn truyền thống & Hán Nôm xứ Đông Hà Nội - Hải Dương

                                                 


 

 

 

 

                                                                          

 


     

 

       

 

 

            Sau một thời gian đầy nỗ lực, đến nay tập Truyện thơ chuyển thể cổ tích và lịch sử Việt Nam của tác giả Đỗ Trọng Kim đã được hoàn thành để kịp ra mắt bạn đọc vào dịp đầu xuân Mậu Tuất 2018 .
        Nhà văn M. Gorki đã từng nói : Văn học dân gian là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng văn học, thành văn của dân tộc. Đây là loại hình văn học do nhân dân lao động sáng tạo ra trong quá trình lao động, sinh hoạt cộng đồng, Nó tồn tại bằng phương thức truyền miệng nên có những đặc trưng khác biệt với văn học viết . Do đó khi đọc truyện thơ chuyển thể của tác giả Đỗ Trọng Kim chúng ta thấy một số chuyện có vẻ khác với những chuyện cùng tên đã được nghe kể hay đã đọc ở đâu đó. Điều đó là dĩ nhiên, vì truyện cổ tồn tại bằng phương thức truyền miệng nên có nhiều dị bản. Nói đến cổ tích thì ai cũng có thể hiểu đó là loại hình tự sự dân gian ra đời từ khi xã hội đã có sự phân chia giai cấp, có chế độ sở hữu tài sản, có gia đình riêng, nhưng nói đến lịch sử thì không thể đồng nghĩa lịch sử với cổ tích lịch sử (truyền thuyết lịch sử). Mặc dù cổ tích lịch sử cũng dựa vào những sự kiện, những nhân vật lịch sử nhưng đã thông qua sự chế tác của dân gian làm cho những sự kiện, nhân vật ấy trở lên kỳ ảo. Nghĩa là cổ tích và truyền thuyết lịch sử đều được nhân dân lao động gửi gắm vào đó cả thơ và mộng. Vì vậy mà nhiều ngành nghệ thuật đã dựa vào cổ tích và truyền thuyết lịch sử để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật cho riêng mình.
       Từ thế kỷ 18 đã có nhiều truyện thơ lấy đề tài từ cổ tích. Một loạt các truyện thơ ra đời như: truyện Thạch Sanh, truyện Tấm Cám, Phạm công Cúc Hoa…Những truyện nôm khuyết danh ấy cùng với các tác phẩm truyện nôm hữu danh như truyện Kiều, Cung Oán Ngâm khúc…tạo cho văn học thế kỷ 18 là thế kỷ của truyện thơ. Nhưng sau đó do hoàn cảnh lịch sử văn học phải tập trung vào nhiệm vụ chính trị của cách mạng dân tộc mà truyện thơ ít được phát triển.
       Những năm gần đây truyện thơ chuyển thể từ cố tích lại thấy xuất hiện trở lại trong đó có tập truyện thơ của tác giả Đỗ Trọng Kim. Cũng có ý kiến cho rằng: truyện cổ vốn đã tồn tại trong dân gian được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng phương thức truyền miệng. Đến thời kỳ hiện đại nhiều nhà nghiên cứu đã sưu tầm biên soạn thành sách, không cần phải chuyển thể thành truyện thơ. Tuy nhiên truyện thơ lấy đề tài từ truyện cổ vẫn có vai trò riêng của nó. Hầu hết truyện cổ tồn tại trong dân gian bằng văn xuôi và hết sức tóm tắt ngắn gọn. Khi con người có nhu cầu thẩm mỹ cao hơn để có thể ngâm ngợi, hát ru thì truyện thơ ra đời đã đáp ứng được nhu cầu ấy. Truyện cổ bằng văn xuôi không có điều kiện miêu tả đầy đủ các chi tiết cảnh vật, quê hương… Truyện thơ lại có khả năng bổ sung được những thiếu sót ấy. Đọc truyện thơ người ta không chỉ hiểu được cốt truyện mà còn được lời thơ gây cảm xúc để có thể ngâm nga trong lúc lao động và hát ru cho trẻ ngủ. Ví dụ chuyện Sự tích đầm Dạ Trạch: Khi công chúa Tiên Dung xin vua cha được đi thuyền trên sông Hồng để xem phong cảnh, vua cha chỉ phán một câu “ Hãy chờ qua mùa mưa lũ ta sẽ cho đi”. Nhưng trong truyện thơ của tác giả Đỗ Trọng Kim thì chi tiết ấy được diễn tả bằng một đoạn thơ lục bát giàu cảm xúc:
                                                  “Chờ sông Hồng nhạt phù sa
                                                 Đợi khi thời tiết giao hòa thì đi”
                                                    Đông qua xuân cũng giữa thì
                                                 Hai bờ hoa nhãn, xanh rì dâu non
                                                      Đàn, tiêu, sáo nhạc véo von
                                              Buồm căng gió lộng, sóng cồn cát xa
                                                    Dập dìu bướm lượn tìm hoa
                                              Trời xanh tiếng hát ngân nga vọng về….”
       Như vậy truyện thơ chuyển thể ra đời có khả năng đáp ứng hai nhu cầu của người đọc. Một là lưu giữ bảo tồn được cốt truyện dân gian, hai là gây cảm xúc làm phong phú thêm cho đời sống văn học.
       Truyện thơ chuyển thể cổ tích và truyền thuyết lịch sử Việt Nam của tác giả Đỗ Trọng Kim là một công trình đầy tâm huyết, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
          Đầu xuân Mậu Tuất 2018
          
Hồ Trọng Xán

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Hoàng Văn Triệu - hieutri61.st@gmai.com - 0978411056 - Sơn Đông. Sơn Tây. Hà Nội  (Ngày 30/08/2018 21:39:53)

Tôi cũng tập làm thơ... đã viết khoảng 30 bài Cổ tich bằng thơ Lục Bát hoặc Song Thất-Lục Bát.
Muốn gửi thử. Xin góp ý

Các bài khác: