Chủ nhật, 19/05/2024,


Thông điệp tri âm với nhà thơ (22/03/2009) 

 

Người lái đò bến My Lăng

(Kính tặng cố thi sĩ Yến Lan)

 

Chẳng còn gì nữa để cho
Liêu xiêu chiếc bóng lái đò bên sông


Buồn thì đã đẫm trong lòng
Vui thì đã gửi theo dòng trôi xa


Chỉ còn thưa thớt tiếng gà
Chỉ còn một dải trăng tà đi theo


Nghèo thì trở lại phận nghèo
Gió to sóng cả mái chèo run tay


Ước gì gối sách nằm say
Như xưa ông lão bến này đợi trăng…

 

(Quy Nhơn tháng 9-2004)

 

Lệ Thu

 

 

            Bài thơ Người lái đò bến My Lăng của nhà thơ Lệ Thu là trải nghiệm qua một đời cầm bút, được viết khi chị đã lui đàng sau “những danh vọng ồn ào, những vinh quang xí xố” (ý Chế Lan Viên). Tìm về với Yến Lan, Lệ Thu gửi chút lòng tri âm với nhà thơ xứ sở, bằng âm điệu lục bát như lắng đọng những suy tư thân phận và cả những nỗi niềm thế sự.

            Bắt đầu bằng hoài niệm về lại bến sông, bến My Lăng dệt hồn thơ đầy ước vọng của một thời lãng mạn, kỵ mã đã xa rồi, chỉ còn lại bóng ông lái đò trên dòng sông đời định mệnh, chở bao buồn vui nhân thế. Vẫn là một tâm thế đầy băn khoăn giữa cho và nhận, được và mất của Lệ Thu, nhưng hai câu mở đầu của bài thơ này dường như có chút ngậm ngùi. Tôi còn nhớ một ý thơ Lệ Thu từng viết trước đó: “Cái còn lại sau nửa đời nhận, cho, sàng lọc - Là tình yêu muộn màng của anh…”, còn ở đây thì “chẳng còn gì nữa để cho”. Vậy phải chăng là hư vô, là ảo giác? Hay đó là lúc con người “ngộ” ra nhiều điều nhất? Có lẽ để hiểu hết bức thông điệp này của tác giả, e rằng phải có đủ thời gian sống và chiêm nghiệm. Còn như tôi, một kẻ hậu sinh, tóc chưa đủ bạc, sống chưa đủ nhiều, chưa qua những thăng trầm thời chiến - thời bình, chưa có những lúc đặt tính mạng mình lên bàn cân sinh tử, chưa từng qua cảm giác của thế hệ “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” như tác giả, e rằng mọi suy diễn đều dễ dẫn đến điều thất thố!

            Chỉ biết, khi đọc những dòng thơ như rứt gan ruột ra mà đếm của Lệ Thu, tôi cũng ít nhiều cảm được những buồn vui phận người:

 

Buồn thì đã đẫm trong lòng

Vui thì đã gửi theo dòng trôi xa

 

            Buồn ấy, vui ấy đâu chỉ gói gọn trong thế giới riêng tư của một cá nhân, đó là tâm trạng của cả một thế hệ. Nỗi buồn “đẫm trong lòng” ấy còn ẩn chứa cả niềm trăn trở vì cuộc đời này. Dòng sông thời gian cuốn theo tuổi trẻ, mang bao niềm vui hoà vào biển lớn. Tâm trạng ông lão lái đò bến My Lăng trong thơ Lệ Thu không có cái yên bình “say trăng nằm gối sách” như ông lái đò của Yến Lan. Thực tại là nỗi buồn cùng cảm giác cô đơn khi đối diện cùng không gian quạnh quẽ:

 

Chỉ còn thưa thớt tiếng gà

Chỉ còn một dải trăng tà đi theo

 

            Con đò - cuộc đời và dòng sông - định mệnh gắn với nghiệp lái đò cần mẫn có phút chòng chành trong cảm giác mỏi mệt và thấm thía:

 

Nghèo thì trở lại phận nghèo

Gió to sóng cả mái chèo run tay

 

            Thật vậy chăng? Tôi nghĩ có lẽ đó là phút suy ngẫm có chút chua chát khi nghĩ về cuộc sống hiện tại của nhà thơ. Cái tâm trạng “con sãi ở chùa lại quét lá đa” như một ám ảnh bao đời quẩn quanh trong suy nghĩ của tác giả. Nhưng không phải là một nỗi tuyệt vọng hay chán nản đánh mất niềm tin vào sự sống, để buông tay. Chẳng qua là ý thức về bản thân về tuổi tác về sức lực mà thôi! Có “run tay” nhưng vẫn tiếp tục chèo chống, dẫu cho có lúc cảm thấy mình thật đơn độc, “liêu xiêu chiếc bóng lái đò bên sông”.

            Vậy có gì gặp gỡ đồng cảm giữa Lệ Thu với Yến Lan trong mơ ước giản dị này:

 

Ước gì gối sách nằm say

Như xưa ông lão bến này đợi trăng.

 

            Tôi có cảm tưởng như Lệ Thu mượn hình tượng ông lái đò của chính Yến Lan để phác hoạ lại toàn bộ cuộc đời của ông qua những cặp lục bát. Có nỗi cảm thông chia sớt những tâm tư với nhà thơ của An Nhơn một đời lận đận. Điểm lại quãng đời thi sĩ Yến Lan buồn nhiều hơn vui, có lúc cô đơn vì bị cô lập, lặng lẽ với công việc biên tập thơ, trở về quê hương sống cảnh thanh bần đến khi lặng lẽ “gửi hồn lên tắm bến trăng cao”…Nhưng câu cuối, đâu chỉ là Lệ Thu nói về Yến Lan mà có cả niềm ước ao của chính nữ sĩ. Hình tượng ông lão “gối sách nằm say”, “đợi trăng” giàu chất thơ kia cũng là khoảnh khắc mong thoát khỏi những nỗi buồn ám ảnh, để bình thản sống giữa đời, gửi lòng vào thơ, vào ánh trăng khơi nguồn cảm hứng. Tôi chợt liên tưởng đến bài thơ của Yến Lan: “Trưa đọc Nam Hoa Kinh - tối nằm không hoá bướm - Mừng mình chủ được mình - Dậy thổi nồi khoai sớm” (Đọc Nam Hoa Kinh). Bởi vậy, dù Lệ Thu có ước như ông lão đợi trăng trên bến My Lăng, chắc hẳn cũng không phải là giấc mơ thoát tục, mà nữ sĩ vẫn nhẫn nại chống con đò thi ca trên dòng sông cuộc đời còn nhiều sóng cả này!

                                                           

Trần Hà Nam

GV trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định
ĐT: 0903570645 - 0983343729

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: