Chủ nhật, 19/05/2024,


Trần Ngọc Tuấn - rong chơi giữa miền bè bạn (20/03/2009) 

     1. Từ lục bát …

 

     Lục bát luôn được coi như thể thơ thuần túy Việt (Chăm cũng có thể thơ lục bát, nhưng do tiếng Chăm là ngôn ngữ đa âm tiết nên cấu trúc của lục bát Chăm có vài thành tố khác biệt nhất định: về vần, thanh, …)(1). Trong quá khứ, đã có nhiều thành tựu lớn về thể thơ này được nhận biết với giọng thơ riêng. Và giới chuyên môn cũng kịp tạo từ chuyên biệt để gọi: lục bát Nguyễn Du, lục bát Huy Cận… Bởi các giọng điệu cũ được nhận biết quá rộng rãi, hơn nữa lục bát được sử dụng gần như cạn kiệt, nên các nhà thơ đến sau, khi sử dụng lại, rất khó tránh “đụng hàng”. Hoặc, nếu không nỗ lực lớn, rất khó mới, khó hay.

 

     Sau Nguyễn Du, Thơ Mới sản sinh thêm giọng lục bát Huy Cận, lục bát Nguyễn Bính … Thập niên 50 - 60, thơ Việt có thêm lục bát Tố Hữu, lục bát Bùi Giáng; sau đó Viên Linh, Phạm Thiên Thư … ở những năm 70, nổi lên như nhà thơ với giọng lục bát mới lạ khác, nối dài thêm danh sách tác giả thành công ở thể lục bát. Và … không còn ai nữa cả.


     Có thể ba thập niên qua, một vài nhà thơ sử dụng thể thơ truyền thống này nhiều/ ít trong các sáng tác của mình, và đã có thành tựu nhất định. Nhưng để tạo giọng riêng một cõi thì chưa. Trong số này nổi bật hơn cả có lẽ là Nguyễn Duy, nhưng lục bát của anh sau đó ít nhiều mang hơi hướng Bùi Giáng; anh biết vậy và đã kịp ngưng. Nguyễn Trọng Tạo có được vài bài, Trúc Thông càng ít hơn nữa…


     Như vậy chúng ta đủ biết muốn sáng tác thơ theo thể truyền thống này hay thì nhiêu khê biết bao. Cuộc thi thơ lục bát của báo Văn nghệ trẻ vừa qua như thêm một minh chứng. Nhưng không phải vì thế mà lục bát chết. Đường luật, hay thậm chí Song thất lục bát thì có thể, nhưng lục bát: không. Nó vẫn còn đó hấp lực kì lạ sẵn sàng lôi cuốn mọi thế hệ người làm thơ Việt đến với nó. Nói cách khác, không thời nào lại thiếu nhà thơ “gàn” dũng cảm dấn mình vào lối mòn gai góc này. Trong nền thơ Việt Nam hôm nay, Đồng Đức Bốn là một. Một nữa: Trần Ngọc Tuấn, có lẽ.

 

     2. Qua Bùi Giáng…

 

     Làm mới lục bát là điều rất khó. Nó luôn thách thức kẻ làm thơ, nhất là các nhà thơ quyết trung thành với nó. Phạm Thiên Thư đưa lục bát Việt vào cõi mông lung của ngôn từ và đạo Phật với lối vắt dòng lạ biệt thể hiện trên trang giấy (tập thơ dài: Động hoa vàng)(2), Nguyễn Trọng Tạo trong “Chia”(3): bằng ngắt câu để tạo nhịp mới; Du Tử Lê thời gian qua, đã cố ý cắt nát lục bát bằng các dấu chấm, phẩy, gạch chéo … để tạo nhịp mới, nhịp chỏi cho thể thơ vốn khá mềm mại, êm dịu này – một cố ý thuần kĩ thuật. Vài ví dụ:


Nằm nghe - chăn gối rơi. Cùng
tháng năm bằn bặt.- Phật còn ở không
Tôi nhìn - tôi rất chon von
núi non âm bản. - rừng son vẽ.- Buồn


- Còn tôi, - cõi nát - cõi tàn
cõi hoang mang, - vội, - cõi bàng hoàng, - qua


- chiều lên chiều lên tù mù
vàng tâm cổ thụ lá khu trục cành
lon bia lon bia chia buồn
nhớ, quên, một lũ chết bầm tương tranh(4)

 

     Nhưng có lẽ đóng góp lớn cho lục bát và thành công với thể thơ này hơn cả vẫn là Bùi Thy Sỹ. Ông đưa lục bát tung hoành giữa trận đồ chữ, sự sự vô ngại: đùa bỡn nhưng nghiêm túc, du hí mà cực kì nghiêm trọng; triết lí và đạo học bên cạnh khe suối lá hoa cồn, M. Heidegger với Đức Phật Như Lai song hành cùng Cô Em Mọi với Mà Ry Lín… Ngôn ngữ thơ ông - qua bẻ câu, vắt dòng, ngắt nhịp, chơi chữ, nói lái, viết hoa …- ào ào tuôn chảy, ngẫu nhĩ ra hoa tự nhiên như nhiên. Cho nên gần như mọi nỗ lực làm mới lục bát sau này ít nhiều đều “đụng hàng” bác Bùi Trung Niên.


     3. Đến Trần Ngọc Tuấn.

 

     Chưa vội nói đến nỗi dọc ngang đặc hiệu Bùi Giáng ở giai đoạn sau, ngay thời Mưa nguồn(5), lục bát Bùi Giáng đã có những bước đi rất khác lạ. Với lối mở/ đóng một bài thơ, nhịp điệu, nhất là các hạn từ … của ông, đến nỗi không ai ảnh hưởng ông mà không bị bắt quả tang. Bài “Vẽ núi” là một… Nhưng ở đây cái thú vị là Trần Ngọc Tuấn vui vẻ mà học tập, mà ảnh hưởng. Chẳng vấn đề gì nghiêm trọng cả. Như thể giơ tay tình nguyện làm đứa em nhỏ buổi sơ đầu của bác Bùi vậy!


     Ngay cụm từ đầu tiên: Bạn về… ta thấy đó là lối khởi đầu bài thơ thường thấy của Bùi Giáng, duy Bùi Giáng có. Từ Em về… xuất hiện đều đặn trong cả chục bài ở tập Mưa nguồn: “Sầu ca sĩ”, “Em về”, “Tiếng vọng”, “Ruộng Bình Dương”, “Bữa nay”, “Mai sau em về”… ; nó còn có mặt ở khúc giữa trong các bài: “Thiếu phụ trở về”, “Hẹn ước”…; hoặc chữ cuối cùng của bài: “Phương Tây”; hay sau dòng đầu và trước dòng cuối của bài: “Thưa em Sài Gòn”. Lạ! Rồi: “Anh về”, “Xin về”… và: “Người đi”, “Anh đi”, “Ta đi”, “Em đi” …. nữa. Chỉ thế thôi đâu, các: núi, rừng, phố thị, ngựa xe, suối, khe … có mặt dày đặc trong thơ Bùi Giáng. Và nhất là:


- Bỏ quên phố thị trên bờ Tiền Giang
- Người đi bỏ lại giữa người
- Ta đi còn gửi đôi dòng
- Vào trong nắng rộng tìm nghe chân người

 

     4. Giữa miền bạn bè…

 

     Tôi nói Trần Ngọc Tuấn chịu tình nguyện làm đứa em nhỏ của bác Bùi là vậy. Vui vẻ làm. Có thể nói đó là lối nhập môn tốt, rồi từ từ rời bỏ bác sau vậy. Trần Ngọc Tuấn không thiết lắm chuyện ai/làm cách nào cách tân lục bát Việt; anh cứ làm tới. Nên, đừng hoài công tìm cái mới trong lục bát của Tuấn. Không làm mới về kĩ thuật mà thực lòng cùng lục bát đi tìm giao cảm với người, với đất trời – một giao cảm trang trọng và khẩn thiết, như là nhu cầu nội tâm thăm thẳm của người con miền Trung nắng gió đang mưu sinh ở chốn đất đai mầu mỡ Đồng Nai nhiều sôi động này.


     Trần Ngọc Tuấn thoải mái nhớ: từ Nguyễn Du, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Công Trứ… cho đến tận Cụ Đồ Chiểu, Tản Đà. Anh say trăng Hàn Mặc Tử, mê màu Văn Cao, thương Bùi Giáng, Nguyễn Đức Thọ, mến Trúc Thông… Anh yêu Hương Sơn, Yên Tử, suối Lồ Ô, Tánh Linh, làng gốm, Tân Hiệp, và dĩ nhiên… Đồng Nai nơi anh đang gởi nhờ tấm thân của cõi tạm:


Người lơ ngơ giữa mây trời
Tôi cơn gió lạ không mời mà sang…

 

     Tên đất, tên người có mặt dày rậm trong thơ Tuấn: nơi chốn bước chân anh từng in dấu, con người anh từng hay chưa gặp mặt. Đấy là cách giao cảm của anh, kẻ say sưa sống, khao khát yêu, thèm muốn sự có mặt ở chợ văn, chợ đời. Dù lắm khi anh ngán ngẫm phù hoa phố chợ, muốn xa lánh nó: “chỉ mong là cỏ dưới chân đèo”, hay làm “gã điên / ra sông uống nước”, để “lắng … chim gọi bạn, … mầm gọi cây”. Hoặc hơn thế:


Bao phen mỏi mệt tiếng người
Về chơi với dế cho đời lêu têu
Cỏ hoang sương lạnh hắt hiu
Dế buồn dế cũng liu riu gọi người

 

     Nhưng tôi muốn coi đó chỉ là lối giao cảm khác của anh: với thiên nhiên tạo vật, với muôn động cựa tinh tế của đất trời, sau giây phút “lạc lòng”. Bởi chính những lúc tưởng như chán đời nhất lại là lúc anh cần đời hơn cả:


Bạn giờ dằng dặc trăng treo
Tôi còn thất bát gặt gieo vụ đời

 

     Làm dáng chăng? Không. Trần Ngọc Tuấn còn một chợ nữa để mà qua: chợ tình (không dính dáng gì “chợ tình” Sapa cả đâu!). Kẻ ham sống, ham chơi chưa từng trải chủng loại chợ quá ư lắm sự, nhiều bất trắc nhưng đầy hấp lực này (hay đã nhưng còn ít quá) nên mãi tiếc:


Bon chen giữa chốn chợ đời
Tiền trao cháo múc ngọt lời đẩy đưa
Chợ văn sớm nắng chiều mưa
Mua danh dơ dáng dạ thưa dại hình
Hoa râm bóng xế giật mình
Tiếc xưa không đến chợ tình tìm nhau

 

     Tham lam quá không? Đúng! Nhưng đấy là cái tham lam của người yêu – yêu đời và ham sống. Chính tình yêu này dẫn Tuấn vào thi ca, tham dự trực tiếp vào chốn hư vinh của cõi văn chương-nghệ thuật. Nhờ vậy anh phác họa được chân dung kẻ trong giới, chân dung lạ lẫm khác hẳn những gì chúng ta thường thấy, thường đọc trong Tuyển tập hay trong tác phẩm “chân dung”. Ở quán 81:

Có gã từ thâm sơn cùng cốc
Tạt uống vài li rồi vùng đi.

Có gã xa quê buồn như đá
Một bàn … một ghế … một tha hương

Có gã thất tình ngồi nói mớ
U ơ … ú ớ … lú hồn thơ

Có gã lên gân xưng hùng bá
Chưa ra quân xếp bộ cuốn cờ…

     Buồn thay cho thân phận bèo bọt của nhà thơ. Và thương thay! Vì đó chính là chân dung rất thật của tôi của em của anh, ở hôm nay, được vẽ lên bởi người anh em chúng ta – không nương tay, không sơn bóng. Một chân dung rất người. Chân dung “nhìn gần”, như Nietzsche nói. Đau, nhưng cần thiết.

 

     *


     Không phải không lý do khi một nhà văn tự nhận rất khó khăn trong việc tiếp cận thơ đương đại(6), rất kém trong thẩm định thơ(7), trong Vụ Hoa thủy tiên(8) vừa qua, đã hình dung “nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa”, và “đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa”?


     Nhận định của Nguyễn Huy Thiệp nhiều nhầm lẫn, quá khích nữa, nhưng không phải không có điều khả thủ. Bởi chính nhà thơ chúng ta đã góp phần làm đậm nổi chân dung mình, gần như thế, hôm nay! Trong thơ và nhất là, trong đời.

 

     Chân dung nhà thơ được nhiều thế hệ đi trước tự họa, trực tiếp hay gián tiếp qua các sáng tác của mình, trong không gian và môi trường khác, để hôm nay được/bị nhà thơ làm nhòe đi các đường nét thánh thiện, tô đậm hơn gam màu trần tục, trần tục theo chiều hướng tiêu cực, méo mó. Bức chân dung hình thành từ nền văn hóa văn chương với quan niệm về văn chương và thái độ đối với nghề văn. Từ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Văn chương nghề cũ xác như vờ”, qua Nguyễn Du: “Mua vui cũng được một vài trống canh” , Xuân Diệu: “Tôi là con chim đến từ núi lạ / Ngứa cổ hát chơi…”. Và gần đây nhất: phát biểu của các nhà văn thế hệ mới trong Hội nghị những người viết văn trẻ vừa qua, hầu như tất cả đều cho văn chương là nghề tay trái, một trò chơi, hứng thì làm, không phải việc đổ mồ hôi sôi nước mắt, với tinh thần được chăng hay chớ! Nó chính là đứa con đẻ của nền văn học mà nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc gọi đích danh là “văn học nghiệp dư”, không hơn(9).

 

     “Ở quán 81″ của Trần Ngọc Tuấn, chân dung thi sĩ không còn chút bóng dáng trích tiên với các phái sinh của nó như ở thời cổ điển nữa. Không “bầu rượu túi thơ ngất ngưởng” của một Nguyễn Công Trứ sau “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”, hoặc ngang tàng “đội trời đạp đất” của một Cao Bá Quát, hay lui về ao thu vui thú điền viên giữ chút thanh tao sót lại như một Nguyễn Khuyến. Thi sĩ Ở quán 81 cũng không còn mang phong thái tinh thần cái tôi cảm xúc “là thi sĩ nghĩa là ru với gió”, “chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì”, hay thái độ đầy khoảng cách và xa lạ “lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa” của thời Thơ Mới; có cũng bỏ quên cái tôi ý thức xã hội hướng cộng đồng dang dở của thơ Miền Nam với Thanh Tâm Tuyền (Tôi không còn cô độc), Quách Thoại “nói lời thơ đời nhân loại đau thương” (Giữa lòng cuộc đờì), Tô Thùy Yên “là một người là một đám đông”;…hoặc cái tôi hy sinh cá thể để làm đinh vít vận hành trong guồng máy hiện thực xã hội chủ nghĩa của thi ca Cách mạng “khi riêng tây ta thấy mình xấu hổ”. Chân dung thi sĩ “Ở quán 81″khôn ngoan với láu lỉnh hơn, nhếch nhác và tội nghiệp hơn, bệ rạc đến vô phương cứu chữa hơn.


     Đó là hình ảnh các thi sĩ Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI: quần chúng đang quay lưng lại với thơ khiến nhà thơ rơi tõm vào tâm trạng hụt hẫng, nhà thơ mất tư thế lúc nào không hay; rồi, các nhà thơ hết còn tin vào sứ mệnh tự/được phong lâu nay, họ đi như kẻ bước giữa chân không mất trọng lực; thậm chí không ít người còn nghi ngờ cả sự tồn tại của thi ca vài chục năm sau nữa. Tiếp: sau các thay đổi lớn của các hệ mĩ học, người ta biết chắc không thể làm thơ như cũ nhưng vẫn cứ làm, người ta mơ hồ cảm nhận những cái mới đang chuyển động nhưng chưa chuẩn bị tinh thần đón nhận chúng; người ta không còn chút thú vị nào khi đăng thơ báo hay in thơ nữa nhưng vẫn cứ đăng, cứ ra tập. Kệ, tới đâu hay tới đấy! Như một thói quen và, như một cuộc níu bám. Bám vào chứ nghĩa, bám vào nhau mà sống.


     Nhiều nhà thơ khi thành danh chuyển sang làm nhà báo, thậm chí có kẻ chưa tên tuổi gì cũng nhanh chân chạy sang tìm việc ở các tòa soạn viết kiếm cơm, là vậy. Hoặc phấn đấu làm quan văn, hoặc chuyển sang viết truyện thiếu nhi hay “phê bình văn học”!


     Thất thế, thất thố toàn diện. Đó là hình ảnh nét nhất của nhà thơ chúng ta, hôm nay. Ai, bằng cách nào có thể cứu vãn nó? Và, quan trọng hơn cả: có cần thiết phải cứu vãn nó?


     Rong chơi giữa miền bạn bè, Trần Ngọc Tuấn đã chộp bắt được chân dung thi sĩ hôm nay, của tôi của anh của chúng ta, cả của chính mình. Chân dung nhìn gần. Để chúng ta nhìn lại chúng ta, như nó là thế.

Theo tác giả Inrasara

 

______________________
Chú thích

(1) Xem: Inrasara, Văn hóa -xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, Nxb. Văn học, H., 2003)
(2) Phạm Thiên Thư, Động hoa vàng, Tiếng thơ xuất bản, Sài Gòn, 1971.
(3) Nguyễn Trọng Tạo, Đồng dao cho người lớn, Nxb. Văn học, H., 1994.
(4) Bùi Bảo Trúc, “Lục bát và những đóng góp của Du Tử Lê”, trong tập: Du Tử Lê, Chấm dứt luân hồi em bước ra, Tủ sách Văn học nhân chứng, USA, 1993.
(5) Bùi Giáng, Mưa nguồn, Nxb. Hội Nhà văn, H., 1993 - sách tái bản.
(6) “Nằm nghiêng, thơ của Phan Huyền Thư là một tập thơ không phải dễ đọc. Ít nhất cũng là với tôi, một người viết văn xuôi”, Nguyễn Huy Thiệp, “Xin đừng làm chữ của tôi đau”.
(7) Nguyễn Huy Thiệp, “Giới thiệu Đồng Đức Bốn”, báo Tiền Phong..
(8) Nguyễn Huy Thiệp, “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn”, báo Ngày Nay, số 06.2004.
(9) Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000, tr.335-6.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: