Thứ bảy, 04/05/2024,


Một câu ca ở ba miền đất nước (04/03/2009) 

     Có lẽ người Việt chúng ta ai mà chẳng từng hơn một lần được nghe khúc ca: Chàng về, em chẳng cho về, Em nắm vạt áo, em đề câu thơ... Đều cùng là lời ca của cô gái lúc chia tay tiễn dặn người thương, và dù rằng tất cả vẫn chỉ là một niềm đau đáu thương yêu, nhưng ở mỗi miền đất nước, khúc ca tiễn dặn người thương ấy lại tấu lên những cung bậc bồi hồi lưu luyến khác nhau.

 

     Ta hãy cùng bắt đầu từ xứ Bắc để rồi theo chiều dài đất nước qua khúc ruột miền Trung dằng dặc mà xuôi về phương Nam của Tổ quốc.

 

     Cô gái xứ Bắc - xứ của hội Lim, hội Gióng tình tứ, với những tà áo tứ thân mớ ba mớ bảy, với nón quai thao e ấp khuôn mặt trăng rằm, và cặp mắt lá răm lúng liếng - dặn dò người thương:

 

Chàng về em chẳng cho về

Em nắm vạt áo em đề câu thơ.

Câu thương, câu nhớ, câu đợi, câu chờ.

 

     Khúc ca mở đầu bằng một lời tâm sự bình dị nhưng mạnh bạo Chàng về em chẳng cho về. Giữa hai từ phủ định, không và chẳng, nàng đã chọn từ chẳng và bỏ lại từ không; cho dù từ không mang thanh bằng - một cái thanh đặc trưng của vần thơ lục bát. Nếu lắng nghe thật kĩ, nếu cân nhắc giữa hai từ, ta có thể nhận thấy khá rõ ràng là từ chẳng được “đánh dấu” biểu cảm rõ nét còn từ không lại mang vẻ trung tính một cách “lạnh lùng”.  Hình như cái thanh hỏi “trúc trắc, trục trặc” đã góp phần khiến cho từ chẳng có được nét nghĩa bổ sung mới mẻ so với người bạn đồng chức, đồng nghĩa: từ không. Nét nghĩa bổ sung ấy dường như là cái vẻ nũng nịu, “nhõng nhẽo” rất dễ thương... Hài hoà với ngữ nghĩa ấy của từ ngữ, nhịp 2-2-2 thường gặp của câu lục đã được thay bằng nhịp 2-4 - một cái nhịp phù hợp với tâm trạng của nhân vật trữ tình - hình như khi vừa cất lời Chàng về, nàng đã hối hả nói liền một mạch nỗi lòng của nàng, ý định của nàng: em chẳng cho về ?!

 

     Nếu trong mấy câu đầu không hề xuất hiện điệp ngữ thì ở câu cuối, chữ câu được luyến đi láy lại kèm với việc chia tách từ. Thương nhớ và đợi chờ, một vị từ biểu thị trạng thái tâm lí: thương nhớ và một vị từ biểu thị hành động tâm lí: đợi chờ. Thêm vào đó, điều đáng nói ở đây là chúng cùng trong một trường ngữ nghĩa hẹp - trạng thái tâm lí thương nhớ là cội nguồn dẫn đến hành động đợi chờ. Cả hai từ đều được ghép lại từ hai thành tố thương và nhớ, đợi và chờ để thành thương nhớ, đợi chờ. Và hai thành tố ấy thường sóng đôi với nhau. Nhưng ở lời ca này, nó bị tách đôi, mỗi một chữ đứng ở một đầu của bồi hồi mong nhớ - Câu thương, câu nhớ, câu đợi, câu chờ. Có lẽ tất cả những điều đó đã khiến câu thơ có màu sắc của một lời hẹn thề yêu thương thuỷ chung.

 

     Cả khúc ca với toàn âm mở, âm vang, lại có vần bằng là chủ chốt, cộng hưởng với nhịp khoan thai của thể thơ lục bát đã khiến niềm yêu thương, lưu luyến của cô gái lúc chia tay như thêm ngân mãi, vọng mãi trong lòng bạn, lòng tôi. Nếu tôi hay bạn là chàng trai trong câu ca ấy chắc sẽ “cầm lòng chẳng đặng” trước những lời tình tứ và thắm thiết nhường kia !

 

     Vào tới miền Trung của truông dài phá rộng, của lễ giáo phong kiến ngàn đời, cũng câu ca trên nhưng lại mang màu sắc mới:

 

 

Chàng về em chẳng cho về

Em nắm vạt áo em đề câu thơ

Thơ đề ba chữ rành rành

Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba

Chữ trung em để phần cha

Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình.

 

     Cũng đau đáu và bồi hồi một nỗi thương yêu ấy thôi nhưng cô gái trong bài ca này dường như có vẻ “tỉnh táo” hơn. Bởi nàng như đang làm một phép phân chia rạch ròi - Câu thơ ba chữ rành rành: Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba. Chữ trung em để phần cha, Chữ hiếu phần mẹ,... Cái dáng dấp “chỉn chu” mọi nhẽ dường như thấp thoáng đâu đó sau lời thơ. Mở đầu lời giãi bày về lời thơ sẽ đề là câu thơ có dáng vẻ như một lời phân bua, như một sự bộc bạch cởi mở hết ruột gan: Câu thơ ba chữ rành rành. Không phải là câu thơ có ba chữ, cũng không phải là câu thơ ba chữ rõ ràng mà là Câu thơ ba chữ rành rành. Cái từ láy rành rành được dùng một cách đắc địa, nó làm cho lời phân bua dứt khoát hơn, rõ ràng hơn. Khuôn vần “anh”, một khuôn vần kết hợp giữa nguyên âm bổng /e/ và âm mũi vang /N/, cùng với thanh huyền, một thanh điệu có âm sắc trầm, đã tiềm tàng góp phần hiện thực hoá lượng nghĩa bổ sung đó của hai chữ rành rành. Song, dường như vẫn chưa hết băn khoăn, nàng giãi bày tiếp câu thơ ba chữ ấy là ba chữ gì. Nàng liệt kê từng chữ một một cách cụ thể: Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba. Cái tiết tấu 2-2-2-2 của nhịp thơ trong dòng thơ này như góp thêm cho cái rành mạch kia thêm một lần, một độ rạch ròi nữa.

 

     Trên cái mạch rành mạch và chỉn chu ấy, đúng như lời răn của đạo Khổng, đạo Nho, nàng cung kính biếu chữ trung cho cha - rường cột của gia đình, nàng trân trọng tặng chữ hiếu cho mẹ, cội nguồn của mọi yêu thương - nghĩa tình của gia đình, dòng tộc. Sau khi đã thực hiện lễ nghĩa với bậc sinh thành, nàng mới nghĩ tới chàng, tới mình, tới đôi ta. Cái sau rốt ấy, cái mà nàng dành lại ấy là niềm thương mến, nhớ nhung, khắc khoải, bồi hồi để tặng người thương và mình: chữ tình. Nghe đến đây, ta như giật mình thảng thốt. Thì ra, cái rạch ròi kia chỉ là cái cớ ? Câu ca dồn sức nặng vào bốn chữ cuối. Cái nặng của thanh huyền, của vần bằng và âm vang đọng lại trong chữ tình đã cộng hưởng thêm cho cái nặng của tình người - tình yêu đôi lứa.

Theo chiều dài đất nước xuôi về phương Nam, hết truông dài phá rộng, ta tới Nam Bộ phì nhiêu, ruộng đồng bát ngát, đất của những con người giàu lòng nghĩa hiệp... Thiên nhiên nơi đây khoáng đạt đến mê hồn, và con người cũng hồn nhiên phóng khoáng như thiên nhiên của vùng đất suốt bốn mùa chỉ có nắng vàng và gió lộng.

 

     Và phải chăng vì thế mà cô gái Nam Bộ lại tiễn dặn người yêu bằng câu ca nồng nàn, thắm thiết đến cháy bỏng như thiên nhiên của xứ sở chôn nhau cắt rốn của cô. Và thêm vào đó, nỗi niềm ấy được bày tỏ một cách hồn nhiên, bộc trực đến “thẳng băng”:

 

Chàng về em nắm vạt áo em la làng

Bỏ chữ thương, chữ nhớ giữa đàng cho ai?

 

     Ngay trong lời mở đầu, không phải là lời tình tứ thiết tha được diễn đạt bằng một cặp lục bát với những câu chữ có âm sắc dịu dàng đầy nữ tính như cô gái xứ Bắc và cô gái miền Trung: Chàng về em chẳng cho về /Em nắm vạt áo em đề câu thơ... mà là lời bộc trực táo bạo, quyết liệt đến bất ngờ được dồn nén cả vào trong một dòng thơ chín chữ Chàng về em nắm vạt áo em la làng... Một loạt yếu tố đồng nghĩa, gần nghĩa như nhờ, gọi, kêu, nhắn,... đã bị gạt bỏ để cho la hiện diện. Quả thật, nếu xét trên bình diện thang độ, thì hai chữ la làng xứng đáng ở bậc cao nhất (so với những từ ngữ còn lại). Và ở đây thương nhớ cũng được tách đôi như xoáy sâu thêm nỗi niềm, như tăng thêm nỗi thổn thức. Và nữa, cái chữ thương, chữ nhớ ấy không phải dùng để đề lên vạt áo để gửi nhớ thương mà là nỗi lo lắng khôn cùng Chàng về ... bỏ chữ thương, chữ nhớ giữa đàng cho ai? Câu thơ - câu hỏi - Chàng về ... bỏ chữ thương, chữ nhớ giữa đàng cho ai? như trào ra do không thể kìm nén dưới sức mạnh của niềm yêu thương mãnh liệt. Niềm yêu thương ấy được bộc lộ hồn nhiên không hề giấu giếm - em đã thương anh rồi, sao anh nỡ về để bỏ em bơ vơ?

 

     Một câu ca ở ba miền đất nước nhưng ngân lên với những nốt trầm bổng xao xuyến khác nhau. Tuy khác nhau về cách biểu hiện nhưng cả ba câu ca đều vẫn là một lời yêu thắm thiết nồng nàn, vẫn bồi hồi thổn thức xuyên suốt thời gian, không gian.

Phạm Hải Lê - SV Khoa Ngữ văn

Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

 

-------------

Bài đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: