Thứ bảy, 04/05/2024,


Chuỗi cườm không dây (02/03/2009) 

CHUỖI CƯỜM

 

Từ ô cửa sổ nhìn ra

Tôi thấy cô gái, ngôi nhà, cái cây

Ngôi nhà vôi gạch đang xây

Cô gái đang lớn, cái cây chưa già

 

Từ ô cửa sổ nhìn ra

Thời gian khi ấy mượt mà tóc xanh

Tôi hay nghĩ điều chưa thành

Những màu sắc lạ thoáng nhanh trong đầu

 

Tôi hay xâu chuỗi vào nhau

Những chữ rời rạc như xâu hạt cườm

Có khi dùng sợi chỉ thường

Có khi là một chuỗi cườm không dây

 

Nhìn ra từ cửa sổ này

Tôi thấy cô gái, cái cây, ngôi nhà…

 

1984

Thanh Thảo

 

 

Đọc bài thơ tưởng chừng như không có gì của Thanh Thảo, tôi bỗng có một ý nghĩ ngộ ngộ trong đầu: ông nhà thơ này quái lắm, định làm một trò ru-bic kiểu phôn-cờ-lo đây! Này nhé, ca dao chả đã có con kiến lòng vòng ư:

 

Con kiến mà leo cành đa

Leo phải cành cụt leo ra leo vào

Con kiến mà leo cành đào

Leo phải cành cụt leo vào leo ra…

 

Cái “Chuỗi Cườm” thơ của Thanh Thảo mở khép theo một kết cấu vòng lặp như vậy, nhưng không phải là cái vòng luẩn quẩn của chữ nghĩa hay chỉ đơn thuần tạo một xâu chuỗi hình ảnh, sự kiện cho phù hợp với tên gọi của bài thơ. Xét cho cùng, làm thơ là để trải những chiêm nghiệm của mình ra trướccuộc đời, chưng cất lại tất thảy những gì tai nghe, mắt thấy. Thanh Thảo có nói đến các chất liệu để kết dính bài thơ này của anh gồm: chỗ đứng từ ô cửa sổ, cô gái – ngôi nhà – cái cây và cái “tôi thấy” của anh. Và không như các thợ xây chuyên nghiệp hì hục trộn vữa để kết dính, anh tạo bài thơ theo cách của mình. Anh có phạm nguyên tắc làm thơ “mạch kỵ lộ” chăng? Ai lại huỵch toẹt ra một cách chẳng-có-gì-là-thơ như thế:

 

Tôi hay xâu chuỗi vào nhau

Những chữ rời rạc như xâu hạt cườm

Có khi dùng sợi chỉ thường

Có khi là một chuỗi cườm không dây

 

Nhưng tôi lại nghĩ anh đang phát biểu quan niệm của mình về thi ca, về công việc sáng tạo của mình. Đơn giản thế thôi! Ấy vậy mà có “kiêu” ngầm, vì xâu chuỗi ai cũng làm được, còn chuỗi cườm không dây thì…chỉ có thơ mới làm được. Thanh Thảo giấu đi một cụm từ anh rất ưa dùng trong cái chuỗi cườm không dây ấy, đó là hai chữ “bùng nổ”. Thanh Thảo hình dung sự bùng nổ thi ca như một bãi mìn, còn đám làm thơ trẻ lau nhau chúng tôi bây giờ thường ví von sức nổ bùng của nguyên tử, của hạch nhân và của tâm linh gì gì nữa. Nhưng xét cho cùng, bao giờ thơ cũng cần một sự bùng nổ, của cảm xúc, của suy tưởng và tối kỵ cái thứ nhàn nhạt không bản sắc. Trong bài thơ này của Thanh Thảo cũng thế, cô gái – ngôi nhà – cái cây là nguyên cớ để hình thành tứ cho nhà thơ. Cái tứ về con người - cuộc sống – thiên nhiên, cái tứ về thời gian luôn là một nỗi ám ảnh của các nhà thơ. Và Thanh Thảo còn đi xa hơn:

 

…Thời gian khi ấy mượt mà tóc xanh

Tôi hay nghĩ điều chưa thành

Những màu sắc lạ thoáng nhanh trong đầu

 

Phải chăng đó cũng là điều Thanh Thảo suy ngẫm từ “những điều trông thấy”? Những vẻ đẹp cuộc sống, dưới con mắt nhà thơ, bao giờ cũng lung linh hơn.  Chỉ cần  một “ô cửa sổ”  để nhìn ra cuộc sống, và lắng nghe, và cảm nhận. Có lẽ Thanh Thảo muốn đưa đến một thông điệp: đừng hững hờ với những gì xung quanh bạn, lúc ấy thơ sẽ đến, không cần phải màu mè.

Kết của bài thơ như một sự bỏ lửng, để người đọc tiếp tục những suy tư sau điều tôi thấy của nhà thơ. Riêng tôi, cứ vương vít mãi âm điệu lục bát để chuyển tải sự hiện hữu của thi ca giữa đời thường của nhà thơ. Sợi chỉ thường ấy đã xâu chuỗi thành bao hạt cườm lung linh màu sắc, dường như đó cũng là một chuỗi cườm không dây!

 

                                                                        1999 – 2007

                                                                        Trần Hà Nam

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: