Thứ bảy, 04/05/2024,


Lục bát thời “Kinh tế thị trường” (Phần I) (27/02/2009) 

     Sau bao nhiêu năm 'gồng mình' trong kháng chiến, nhiều thế hệ nhà thơ đã từng đồng thanh cất lên bản anh hùng ca dân tộc thật khỏe khoắn vang vọng, đến lúc được trở về với nhịp sống bình thường hình như­ lại có phần bỡ ngỡ, thơ có phần chững lại... Vài chục năm qua, trong khi thơ nói chung còn mải mê đi tìm tòi, trải nghiệm thi pháp thì riêng thể thơ Lục bát đã không lạ lẫm ngỡ ngàng, không cần đăng đàn tranh luận, vẫn “xuất hiện ồ ạt, khiến ta phải ngỡ ngàng' (Phan Diễm Phương) và vẫn dấn thân, khẳng định những nội lực mới của thể loại.

     Trong khi chờ có độ lùi về thời gian và có một sự tập hợp đầy đủ để có một tổng kết, một đánh giá đầy đủ về Lục bát thời hậu chiến và thời kinh tế thị trường, xin được mạo muội trao đổi với bạn đọc yêu Lục bát những cảm nhận về sự phát triển của thể loại truyền thống này trong vài chục năm qua như sau:

 

Phần 1: Một số vấn đề về nội dung cảm xúc và giọng điệu của Lục bát:

 

     Sau bản tr­ường ca hào sảng mà thấm thía đau thương của đoạn trường 'nước non ngàn dặm', hòa bình trở lại, con ng­ười trở về với nhịp sống bình thường, với cảnh ngộ riêng của mình, Lục bát lại hòa trong nỗi niềm củi lửa cháo rau và đi vào chiều sâu trữ tình.

 

     Xét về đề tài và cảm xúc chủ đạo, nhìn chung Lục bát giai đoạn vừa qua vẫn luôn là một cõi đi về của những nỗi niềm thân phận, những yêu thương nhớ tiếc da diết, hoài vọng với người thân (Người mẹ, người chị, người vợ, người cha còn sống hoặc đã mất), với người yêu, cố nhân, quê hương, cố hương hoặc với một thời đã qua, một cái đẹp đã mất. Lồng trong đó hoặc bên cạnh đó nó cũng thể hiện những cảm xúc với hiện thực cuộc sống hiện tại.

 

     Nếu xem tuyển tập 300 bài Lục bát dự thi trên báo Văn nghệ trẻ  (NXB Hội nhà văn- năm 2002) là một lát cắt ngang tế bào của Lục bát đương đại (tuy chưa phải cắt ngang vào hạt nhân tế bào) thì kết quả phép thống kê về chủ đề và cảm hứng chủ đạo của 300 bài Lục bát trong tập thơ này có thể xem là một căn cứ có ý nghĩa để có cái nhìn tổng thể sơ bộ về nội dung cảm xúc của Lục bát đương đại:

TT

Chủ đề, cảm hứng chủ đạo

Số bài -

Tỷ lệ %

TT

Chủ đề, cảm hứng chủ đạo

Tỷ lệ %

 

1

 

Thiên nhiên, quê hương đất nước, các giá trị văn hóa

 

 

54 bài

18%

 

2

 

Hiện thực cuộc sống, nỗi niềm thân phận, nhân tình thế thái và triết lý nhân sinh

 

 

59 bài

19,7%

 

3

 

Tình yêu lứa đôi (yêu thương, nhớ nhung, tiếc nuối, trách hận, hoài vọng, buồn đau)

 

 

114 bài

38,5%

 

4

 

Tri âm với các thi nhân xưa, nhận thức lại các nhân vật văn học truyền thống, về thể thơ LB, về Văn chương

 

 

17 bài

5,7%

 

5

 

 

Tri ân các anh hùng Liệt Sỹ

 

 

8 bài

2,7%

 

6

 

Đồng đội, thời chiến tranh

 

5 bài

1,7%

 

7

 

 

Tình cảm gia đình

 

36 bài

12%

 

 

8

 

Tình bạn bè, trường lớp

 

5 bài

1,7%

 

     Phản ánh hiện thực không phải là chức năng chính của Lục bát xưa nay. Trong tuyển tập trên và đăng rải rác trên báo chí hàng ngày trong khoảng vài chục năm vừa qua số bài Lục bát trực tiếp viết về hiện thực cuộc sống chiếm tỷ lệ không lớn nhưng qua việc bộc lộ tình cảm trong cảm hứng thân phận, gia đình, quê hương, đất nước... cũng có thể nói rằng thể thơ dịu dàng này của truyền thống này đã đi sát vào cuộc sống thực tại thời hậu chiến và thời kinh tế thị trường, nhất là ở những mảng hiện thực còn nhiều điều phải suy nghĩ, ngùi ngẫm, hoặc phải nói gay gắt và nghiêm khắc đấu tranh... Cuộc sống còn nhiều vất vả đói nghèo, mặn chát mồ hôi nước mắt, thậm chí còn nhiều nỗi oái oăm trớ trêu đến đau lòng... hiện lên thật nghẹn ngào trong thơ Lục bát. Đặc biệt tập trung ở hình tượng người mẹ trong cuộc sống đời thường đầy vật lộn với áo cơm, với những mất mát đã quá rõ và cả những nỗi đau âm thầm trong tinh thần, trong tình cảnh không nói được thành lời:

 

Áo nâu phơi vẹo bờ rào

Cái phận đã bạc còn cào phải gai

Quả cà cõng mấy củ khoai

Con thút thít mẹ nghẹn hai ba lần

(Mẹ - Nguyễn Ngọc Oánh)

 

Chiều nghiêng bóng mẹ trên đồng

Như cây lúa trổ lép bông, héo gầy…

(Dáng mẹ chiều nay- Huy Trụ)

  

     Chỉ riêng Lục bát Nguyễn Duy cũng đã có hàng mấy chục bài thật thấm thía về cuộc sống cực nhọc, lam lũ, đói nghèo của người dân thời hậu chiến và lật phơi ra những lối sống, những căn bệnh tiêu cực, những cơn gió độc mới nảy nòi mà loang toàng trong xã hội thời kinh tế thị trường (Về làng, Vợ ốm, Em ơi gió...). Nhiều bài thơ phản ánh các sự kiện xã hội đời sống dân sinh như: Việt Nam có người bị nhiễm si-đa, lũ lụt đồng bằng sông Cửu long, nàng Tô Thị bị kẻ xấu hạ sát để nung vôi (đêm rằm tháng giêng năm Tân mùi 1991), ... và cả những vấn đề chính trị nghiêm trọng của đất nước như chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc... một cách nóng hổi như những ký sự, phóng sự ngắn hay những dòng tin vắn. Nhiều khi chỉ đôi dòng thơ cũng thu vào đủ một bức tranh vừa có bề sâu hiện thực, vừa nhay nhức lòng người ở cả nhân tình thế thái và tình trạng tư tưởng văn hóa xã hội:

 

Từng đôi anh trước chị sau

từng bầy xe cúp lùa nhau trên đường

cũng là đi hội chùa Hương

nón mê chân đất thập phương gập ghềnh

 (Đi chùa- Nguyễn Duy)

 

     Có khi câu Lục bát (không kể dạng thơ châm) vút lên tiếng nói đấu tranh trực diện khá nghiêm khắc :

 

Chân ai thậm thịch đường dài

Lòng ai nuốt mảnh tượng đài nàng đây

         

Vọng chi ở phía chân mây

Người xưa hóa đá người nay hóa gì?

 (Vọng Tô Thị- Nguyễn Duy)

 

     Nhưng thường thì nó nghiền ngẫm gửi vào những ví von, những ẩn dụ thật gần gũi mà nói thật trúng, thật thấm thía sâu xa về bản chất của những hiện tượng, những quan hệ cuộc sống; Nó thường nói bằng những cách nói thật mộc mạc và cam chịu nhưng day dứt dai dẳng, lay thức con người hoặc thành những bài học nhân sinh ghi xương khắc cốt:

 

Trớ trêu nỗi Hữu Nghị quan

giá như máu chẳng lênh loang mặt đèo

A.Q túm tóc Chí Phèo

để hai bác lính nhà nghèo cùng đau

(Nguyễn Duy)

 

Tươi cái mất, héo cái còn

Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa

Tưởng là chớm đến vị chua

Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu

Một thời mặn nhạt cho nhau

Xót xa nào nghĩ nát màu lá xanh...

 

     Nó cũng nhìn thấy sự đổi thay nhanh chóng của cuộc sống thời kỳ đổi mới nhưng thường là nó nhạy cảm với những mặt trái, những mất mát trong chiều sâu văn hóa và đời sống tâm hồn người Việt khi làng lên phố, hoặc trai, gái làng ra thành phố. Giọng điệu Lục bát lúc này tuy không van nài như chàng trai chân quê Nguyễn Bính, nhưng dù viết về người yêu, cố nhân hay cha mẹ ông bà, dù viết về quê hương hay đất nước thì hình ảnh làng quê với nhịp sống và lối sống nhà quê vẫn mang mang khắp mọi vần lục bát, trong đó cái yêu thì quá tỏ tường, nhưng cái buồn, cái lo, cái thảng thốt, cái tiếc nuối cũng bời bời, nhiều khi lại như nín thở vì linh cảm thấy điều chẳng lành rồi sẽ xảy ra. Chẳng phải riêng thơ Trương Vĩnh Tuấn mà rất rất nhiều bài Lục bát là 'tiếng gọi văn hóa' (Đỗ Minh Tuấn) đầy lo âu khắc khoải về những đổi thay, mất còn:

 

Bánh chưng, bánh lá, bánh khoai

Dẻo thơm liệu có hơn nơi thị thành,

Mai về với chốn hư danh

Lại tiền lại bạc, lại thành người dưng

(Hỏi em - Trương Vĩnh Tuấn)

 

Hỏi người còn nhớ ta không

Hay là ra biển ra sông mất rồi

Hay là gió cuốn mây trôi

Mà xanh như lá, bạc vôi quạnh trầu

(Câu hỏi- Trương Vĩnh Tuấn)

 

     Lạ lùng hơn là con người thời hiện đại năng động, quyết liệt, đam mê táo bạo lên bội phần nhưng khi đi vào dòng Lục bát lại tinh tế, dịu dàng và mềm yếu đến... kính nể:

 

Trầu ơi trầu chớ đa tình

Ta mềm yếu lắm sợ mình dễ say...

 

Ăn trầu ăn cái câu cười

Ăn cái ánh mắt quệt lời đâu đâu...

 

Trầu hay bùa ngải nhớ mong

Ta mê mẩn cái ... người không têm vào.

(Say trầu- Nguyễn Minh Khiêm)

 

     Lại cực kỳ bình dị và thiết tha thủy chung, giữ lấy nét đẹp truyền thống của quê hương, dân tộc:

 

Bao nhiêu là thứ bùa mê

Cũng không bằng được nhà quê của mình.

Câu thơ nấp ở sân đình

Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau

Nhuộm buồn những hạt mưa mau

Thành sao nở trắng vườn cau trước nhà.

(Bây giờ- Đồng Đức Bốn)

 

     Có người còn quyết tâm bằng mọi giá, dốc tất hầu bao để giữ lấy cái cần giữ cho một truyền thống Việt Nam:       

    

Đỏ đen dốc tất hầu bao

Để mua cái dải yếm đào ... hôm qua!

(Mua- Trịnh Anh Đạt)

 

     Nhìn chung, trong việc phản ánh hiện thực, Lục bát có sự lớn mạnh ở phạm vi hoạt động, ở tính thời sự và ở cái nhìn khám phá mới mẻ, đa chiều. Nó đã xích lại gần và có 'xâm chiếm' (Backhtin), đan cài vào các thể loại hiện đại khác...

 

     Về chất trữ tình, Lục bát giai đoạn này cũng khác trư­ớc rất nhiều, chủ yếu là trữ tình hư­ớng nội. Các nhà thơ (kể từ các tác giả mới đến những tên tuổi quen thuộc trong làng Lục bát như Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ, Trúc Thông ...) th­ường đi về với những tình cảm yêu thương cội nguồn, máu thịt và thường biểu hiện bằng những điệu thức của ca dao, của Lục bát cổ điển nên dòng thơ rất đỗi gần gũi mà thiêng liêng, quen thuộc mà mới lạ:

 

Cuộc đời buộc bụng thắt lưng

Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng

...

Mẹ ra bới gió chân cầu

Tìm câu hát đã từ lâu dập vùi.

(Trở về với mẹ ta thôi- Đồng Đức Bốn)

 

     Đặc biệt mạch thơ Lục bát đã lặn sâu vào những tự bạch, tự vấn về những lỡ lầm, chậm trễ, vô tình, hờ hững và xót xa với mình, với ngư­ời thân, với đồng đội... Có khi nó dội lên những trăn trở nhức nhói như­ng thật đẹp đẽ:     

                        

Tôi ăn bao giọt - mồ - hôi

Mà sao thơ chẳng mặn mòi bao nhiêu

...

Th­ưa sao với mẹ bây giờ

 Bài thơ x­ưa kể như­ lừa mẹ tôi       

 (Tạ lỗi cánh đồng - Tr­ương Nam H­ương)

 

     Nhiều khi day dứt, hối hận đến đắng đót xót xa vì những bổn phận không tròn, những lỗi lầm - nợ nần không thể trả đư­ợc:

 

Nợ trời nợ đất nợ em

Anh còn mang nợ tới nghìn năm sau

(Mắc nợ - Vũ Tú Nam)

 

     Rồi những vỡ mộng, hụt hẫng đầy xót xa cho mình cho ng­ười, cho đời  trước cơn lốc xã hội thời kinh tế thị tr­ường, một số những giá trị tinh thần chân chính cao cả đã bị che lấp bởi những giá trị vật chất tầm th­ường ở những kẻ thực dụng:  

 

... Bây giờ xinh đẹp là em

Em ra thành phố dần quên một thời

...

 

Gặp tôi em hỏi hững hờ:

'Anh ch­ưa lấy vợ còn chờ đợi ai?'

Em đi để lại chuỗi c­ười

Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê...

 (Lời thề cỏ may - Phạm Công Trứ)

 

     Lăn xả vào cuộc đời từ cao sang chói lọi, đến bụi bặm dở dang, Lục bát đã bư­ớc lên cả những điểm cheo leo gai góc đầy thử thách để nhận thức lại hiện thực, nhận thức lại chính sự nhận thức của chúng ta về những thói quen, những quan niệm đạo đức, những giá trị cuộc sống... mà ta đã từng cho là tuyệt hảo, cả những chân lí mà một thời đã qua, thậm chí của cả bao nhiêu thế hệ đi trước cho là tuyệt đối. Hàng loạt bài thơ đủ các thể loại trong đó không ít bài Lục bát đã tập trung vào các nhân vật văn học đã từng đ­ược xem như­ là một hằng số về giá trị đạo đức và lí tưởng thẩm mĩ hoặc những quan niệm nhân sinh truyền thống của dân tộc, chính là để bày tỏ sự nhận thức lại đó: Gửi sao Thần Nông - Võ Thanh An, các chùm thơ về Thị Kính, Thị Màu, Thị Đốp, về An Dương Vư­ơng -  Mị Châu- Trọng Thủy... của rất nhiều tác giả.

 

 

Này em em Thị Màu ơi

Phải chăng cái lẳng lơ trời cho em

Trong thiên hạ khối người thèm

Khối người cũng muốn theo em lên chùa …                 

                 

     Cái điệu tếu táo của Nguyễn Đình Cánh với Thị Màu đã bộc lộ một cách táo bạo và lạ lẫm nhưng trung thực về một tinh thần nhân bản của con người và về con người.

 

     Tiêu biểu hơn là sự nhận thức lại số phận nàng Thúy Vân (Truyện Kiều) qua bài Tâm sự nàng Thúy Vân của Trương Nam H­ương:    

                                

Nghĩ th­ương lời chị dặn dò

Mư­ời lăm năm đắm con đò xuân xanh

Chị yêu lệ chảy đã đành

Chớ em n­ước mắt đâu dành chàng Kim

...

Lấy ng­ười yêu chị làm chồng

Đời em để thắt một vòng oan khiên

...

Em thành vợ của chàng Kim

Ngồi ru giọt máu t­ượng hình chị trao

Giấu đầy đêm nỗi khát khao

Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?

 

     Đây là một sự nhận thức lại thật lạ lẫm, đớn đau nh­ưng thấu đáo, công bằng trên một tinh thần dân chủ, nhân bản và nhân văn sâu sắc. Vì vậy, thật cần thiết!

 

     Th­ương mình, thư­ơng ngư­ời; càng hiểu mình, hiểu đời. Mở rộng chiều thời gian: Lục bát cảm thông bênh vực cho ng­ười trong quá khứ và gửi thông điệp tới t­ương lai. Mở rộng chiều không gian, Lục bát không những đi mọi miền đất n­ước mà còn theo ng­ười đi xuất ngoại để thư­ơng lấy cả những kẻ lạc loài nơi đất khách:

 

Ngày đi Mat, đêm về Len

Mặt em thì dại, mặt tiền thì khôn

(Tình cờ gặp ng­ười quen trên tàu tốc hành Xêvaxtôpôn - Matxcơva của Trần Nhuận Minh),

 

     để thu nhận thêm cái lạ trời xa:

 

Nắng rồ sặc máu bê tông

Giá mà làm tượng tồng ngồng đứng chơi

 

Vịt giời phơi cái giời ơi

giá mà rũ ruột ra phơi cái buồn

 (Paris mùa phơi- Nguyễn Duy)

 

     và cả để trào lộng nữa:

 

Bia lon thỗn thện người lon

ễnh ềnh ệch hỏn hòn hon thùi lùi

(Boston mùa phơi- Nguyễn Duy)  

                        

     Có điều rất đáng quý là trong cách nghĩ, cách cảm, cách thể hiện: một mặt Lục bát cố gắng bứt phá cái cũ mòn để tìm đến cái mới tiến bộ hơn một cách sắc sảo thì mặt khác nó lại luôn luôn h­ướng về cội nguồn: ca dao- dân ca, Truyện Kiều để học tập và sáng tạo, trong đó giọng tập Kiều là một đặc sắc. Dân tộc ta ở thời đại nào cũng thế, hình như­ hễ cứ chạm đến những bi kịch ng­ười tài hoa (giai nhân hay thi sỹ), hễ cứ muốn nối lời hoặc đáp lời tri âm, hễ cứ thổn thức cùng những nỗi đau, nỗi oái oăm không nói đ­ược bằng lời thì giọng tập Kiều lại bật ra. Vừa như­ tất nhiên phải thế, vừa nh­ư là sự tự nhiên nhi nhiên. Hình như, chỉ có giọng điệu như của Truyện Kiều, Lục bát hiện đại mới nói thấu mọi nhẽ cho ngư­ời, cho ta ở những trạng huống, những tình cảnh, những mức độ, cung bậc của nỗi niềm đó. Với giọng tập Kiều, trong nhiều bài thơ hiện đại, hình ảnh ngư­ời trong truyện và ng­ười viết truyện, thi nhân xư­a và thi nhân nay, thơ và đời bỗng trở nên quyện hòa, ám ảnh mãi không thôi. Và hơn thế, kẻ mất ng­ười còn, âm d­ương cách biệt, mặt không biết mặt mà lòng đau với lòng, tình soi thấu tình. Thành kính thiêng liêng! Hễ cứ bắt vào giọng tập Kiều là tự nhiên Lục bát có ngay một trư­ờng giao cảm thật đặc biệt mà không một thể loại nào tiếp cận đ­ược. Đó không chỉ gọi là một phư­ơng tiện nghệ thuật mà là thứ độc chiêu gia bảo của riêng dòng Lục bát mà có lẽ khó có một tr­ường phái, một thể loại nghệ thuật nào trên thế giới tạo ra đ­ược âm điệu nh­ư thế và gặp được một 'hộp cộng h­ưởng' từ phía người đọc ư­u việt đến thế. Cảm th­ương sâu thẳm và khắc khoải diệu vợi. Có lẽ phải gọi nó là thứ Siêu thơ, được sáng tác và thư­ởng thức theo phương thức 'lấy lòng mà tạ với lòng'. Và ý thức rất sâu sắc điều đó, thơ Lục bát hiện đại, đương đại đã tìm về giọng tập Kiều để giãi bày những điều sâu thẳm thiêng liêng nhất, hoặc khó nói nhất. Các bài Lục bát: Kính gửi cụ Nguyễn Du - Tố Hữu, Bên mộ Nguyễn Du - V­ương Trọng (trước 1975), Bên mộ thi nhân - Trần Cao Sơn,  Đọc thơ Xuân Diệu - Vũ Quần Phương, Tâm sự nàng Thúy Vân - Tr­ương Nam Hư­ơng là những tiêu biểu... Rồi phát triển hơn nữa, thơ Lục bát hiện đại còn có cả giọng tập ... các thi nhân (sau Nguyễn Du). Nào là tập Tú Xương, tập Tản Đà, tập Nguyễn Bính, tập Xuân Diệu, tập Nguyễn Duy... (tập trung ở dạng thơ chân dung nhà văn). Cuộc đời thi nhân nào càng gần Nguyễn Du ở sự tài hoa lận đận và cống hiến cho thể Lục bát bao nhiêu thì càng đ­ược lòng ng­ười sau đáp lại bằng giọng da diết tri âm t­ương ứng bấy nhiêu. Ví dụ viết về nhà thơ Nguyễn Bính trong tập 'Đến với thơ Nguyễn Bính' NXB TN. Hà Nội. Năm 1998 có 41 bài thơ khóc và khắc họa chân dung thi sĩ chân quê này  thì có tới 29 bài được viết bằng thể Lục bát, trong đó nhại giọng Nguyễn Bính khá thành công, t­ương tự kiểu tập Kiều.  

                                        

Một lần lỡ b­ước xuống đò

Sang ngang đận ấy đến giờ còn đâu

Đức dầy, phận mỏng, sông sâu

Tuổi em, tuổi chị giãi dầu canh khuya

Thôi  đừng khóc nữa  chị đi

Nhân gian thế sự dặn gì nữa đây?

Úp mặt vào hai bàn tay

Nỗi niềm thi sĩ bấy chầy khôn nguôi

Nghiến răng nhận lấy cuộc đời

Vu vơ sóng n­ước đò trôi đến giờ

 (Đọc Lỡ bư­ớc sang ngang - Giang Phong)

 

     Quả là sao càng sáng, vệ tinh quay quanh nó càng nhiều. Duyên trư­ớc đã mặn, duyên sau lại nồng.

 

     Hơn thế, còn có cả những bài Lục bát hợp lư­u cả hai giọng điệu: vừa tập Kiều vừa tập thi nhân đời sau. VD: 'Đọc thơ Xuân Diệu' của Vũ Quần Ph­ương. Cả bài là điệu tập Xuân Diệu, đoạn đầu thoáng một vài câu giọng tập Kiều thôi đã thấy xót xa nghẹn ngào trong lời ng­ười tri âm:    

 

Thơ tình tặng khắp ng­ười ta

Hại thay... trắng một vòng hoa trên mồ

Chân đi trăm núi nghìn hồ

Gửi hư­ơng cho gió bao giờ cho xong

Chữ trên mặt giấy phập phồng

Trái tim im lặng dư­ới vồng cỏ may...

 

     Sự dung hợp đó khiến cho bài thơ chỉ không đầy một trang giấy mà trải ra cả một nỗi th­ương cảm sâu sắc, thấm thía một sự tiếc nuối, trân trọng đối với hồn thơ mãnh liệt, trẻ trung, khát yêu khát sống đến cháy rát, nặng tình trăm ph­ương mà duyên phận lỡ dở oái oăm của chàng thi sĩ họ Ngô tài hoa; trong đó đồng vọng lời tri âm của muôn người, thấm thía tiếc nuối cái đẹp, cái tài khi một trái tim lớn đã 'im lặng dưới vồng cỏ may”. Biết đâu, mai này giọng tập Kiều, tập thi nhân này sẽ trở thành một thể loại đặc thù dùng để khóc thi nhân, hay để vĩnh biệt ng­ười tài hoa khuất núi! Và 'Bộ s­ưu tập' này hẳn rất nhiều thú vị!...

 

     Như vậy, phạm vi hoạt động, chức năng biểu đạt nội dung và cả uy lực của Lục bát từ sau 1975, nhất là từ giữa thập kỉ 80 đến nay đã lớn mạnh. Từ t­ư duy nghệ thuật, phư­ơng pháp tiếp cận hiện thực đến bút pháp thể hiện đều đổi mới; Lục bát trở nên sắc sảo, linh hoạt, rắn rỏi và khoáng đạt lên rất nhiều. Riêng chất trữ tình, thơ Lục bát từ sau 1975 đến nay thật là phong phú, vừa nồng hậu, đàm thắm vừa đầy những nghĩ suy tỉnh táo và vì vật thật thẳm sâu. Đó chính là chất trữ tình đạt đến trình độ cảm xúc trí tuệ.(Còn tiếp)

Tác giả Bùi Thị Báu

(Sở GD&ĐT Thanh Hóa. ĐT: 0912560864.

bui_thi_bau@yahoo.com.vn.)

 

 

--------------

Ghi chú: Trong bài viết có dẫn thơ Lục bát theo trí nhớ, có thể một vài chỗ chưa chính xác. Mong bạn đọc lượng thứ và đính chính giùm. Xin chân thành cảm ơn.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: