Thứ bảy, 20/04/2024,


Bóng Làng - một tâm cảnh đậm đà hồn vía cố hương. (16/08/2016) 

 

BÓNG LÀNG

 

Làng tôi

Dâu biếc triền sông

Bãi ngô như tạc dáng rồng xanh bay

Mồ hôi sạt áo dân cày

Tơ tằm kim chỉ vá may chưa lành

Buồn như tranh

Đẹp như tranh

Là cô thôn nữ mắt xanh mơ màng

Có người qua chuyến đò ngang

Còn trông bên ấy nhìn sang bên này

Tuổi thơ dủ dẻ chùm chày

Ban đêm học đóm

Ban ngày thả trâu

Áo quàng chẳng kín da nâu

Nón cời không đủ che đầu nắng hoe

Rào thưa lọt tiếng chích chòe

Vui buồn tấm mẳn cũng khoe khắp làng

Nồi khoai luộc

Mẻ ngô rang

Tấm lòng thơm thảo sẻ san gió đồng

 

Biết là sông núi mênh mông

Tôi yêu từ gốc cau trồng trước sân

Bóng ai bên giậu cúc tần

Ngẩn ngơ

Cánh bướm bay gần bay xa...

                                                    

Nguyễn Ngọc Hưng.

(Trích Chùm thơ dự thi TQVĐP số 154 – Lục Bát Việt Nam)

 

                                                                           ======

Bóng Làng - một tâm cảnh đậm đà hồn vía cố hương.

 

    Với cái tựa bài thơ, Làng không chỉ là đơn vị địa lý một vùng quê. Khi mà  “… đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên), Làng bỗng trở thành một sinh thể sống động, tỏa/ hắt Bóng vào những góc nhớ thương khuất lấp trong cõi miền sâu kín mỗi người.

 

        Nào có là “cầu thủ” cho cam, mà nỡ Trời-bắt-tội-treo-giò, đã hơn ba mươi năm “giò treo lưng dính chiếu giường” (Ngày mai lên nắng đẹp cây xanh - NNH). Nên với Nguyễn Ngọc Hưng (NNH), ngoài “chốn đáy sâu vùng trũng” - cái vũ trụ trên dưới mười mét vuông căn phòng - thế giới khách quan ngoài bốn bức tường kia mãi là thiên-đường-trong-mắt-kẻ-tội-đồ!

 

        Có xa lắc gì đâu “tin không bạn: chỉ non mười cây số/ mà một đi chín mùa khát chưa về” (Bóng mẹ bóng quê - NNH). Cõi thiên đường trên… mặt đất ấy, là “một mảnh làng nhô bên dòng sông Vệ/ ngút ngát bờ dâu xanh nắng xế/ nghiêng nghiêng vành nón má ai hồng” (Về với quê anh - NNH) Với “đồng xanh mênh mang dâu biếc ngút ngàn/ Mỹ Hưng đấy - nơi chôn rau mình đấy/ hỏi có nơi nào gió thơm đến vậy/ hoa nối hoa mùa quả chín nối mùa” (Sông Vệ nhớ thương - NNH). Đọc đoạn thơ trên chợt ngậm ngùi tưởng vọng Nguyễn Bính, một hồn thơ chân quê đã “nâng cấp” quê hương (thôn Vụ Bản, Nam Định) vốn dĩ quanh năm “chiêm khê mùa thối” lên đẳng cấp cao hơn, trù phú và đầy thơ mộng: “Thôn Vân có biếc có hồng/ biếc trong nắng sớm, hồng trong vườn chiều”…”, “Trái lành nặng trĩu cành cây/ sen đầy ao cá, cá đầy ao sen”). Địa đàng quê hương diễm ảo ấy giờ xa cách  vạn tinh cầu, cắt cứa lòng-kẻ-tha-hương-ngay-trên-nơi-chôn-nhau-cắt-rốn! Nên “Không đi được thì lăn lê bò lết/ Đâu dễ gì quên được một chốn quê” (Chốn về - NNH).

 

        Trầm mình trong mạch nguồn ấy, Bóng Làng mãi nguyên sinh mượt mà trong mang mang hoài niệm: “Làng tôi dâu biếc triền sông/ Bãi ngô như tạc dáng rồng xanh bay”. Không có hình tượng lũy tre mái đình, cây đa, bến đò - những di sản vật thể cố kết nên nét đặc thù diện mạo làng quê Việt, chân dung mộc mạc của Làng chỉ được chiêm ngưỡng qua nét phác thảo trong hai câu thơ mở bài. Nhưng màu nõn xanh kinh điển của “dâu biếc triền sông”, của “bãi ngô...” đã nhuận sắc cho thần thái của một miền đất thuần nông. Đủ sức níu chân, thêm “dài mắt” những đứa con làng còn mãi hoang hương …

 

        Địa hình sinh địa linh? (Để rồi sinh... nhân kiệt! - một vùng “Hành” nằm ở Tây Nam Quảng Ngãi, dọc đôi bờ sông Vệ: Thịnh, Phước, Đức, Thiện, Tín… đã là cái nôi của những tài hoa xứ Quảng!) Đất cùng ta gọi dậy những mùa màng… Tựa vào “cuộc đất”, người dân cày đã bền gan sáng dạ khéo gieo trồng để tạc nên một tuyệt tác: “Bãi ngô như tạc dáng rồng xanh bay”. Câu thơ khiến Bóng Làng phảng phất hào khí một Thăng Long Thành!

 

        Để đánh đổi chút hào khí ấy, để giữ màu nõn xanh của “dâu biếc triền sông” này, đã bao phen: “Đất khát giọt mồ hôi quen” (Nguyên Đạo), đã “Mồ hôi sạt áo dân cày/ Tơ tằm kim chỉ vá may chưa lành”.

 

        Làng hắt bóng bằng nét diễm uẩn như bước ra từ hội họa của cô gái quê “Đẹp như tranh/ Buồn như tranh/ Là cô thôn nữ mắt xanh mơ màng”  (Sao lại u sầu, ơi cô…!) khiến có người đi không đành, tha thẩn ánh nhìn còn ở lại: “Có người qua chuyến đò ngang/ Còn trông bên ấy nhìn sang bên này”...

 

Ngược về thiên đường tuổi thơ, Làng tỏa bóng một thời trẻ trâu cơ cực mà hồn hậu: “Tuổi thơ dủ dẻ chùm chày/ Ban đêm học đóm/ Ban ngày thả trâu/ Áo quàng chẳng kín da nâu/ Nón cời không đủ che đầu nắng hoe”.

 

        Bóng làng râm mát những tình tự quê hương thảo thơm mộc mạc, mơ hồ mà bền chặt neo người vào với đất quê: “Rào thưa lọt tiếng chích chòe/ Vui buồn tấm mẳn cũng khoe khắp làng/ Nồi khoai luộc/ Mẻ ngô rang/ Tấm lòng thơm thảo sẻ san gió đồng”.

 

        Đọc đến đây (hết 20 dòng của khổ thơ đầu) chúng ta bất giác nhận ra mình đã bị/ được tác giả “dẫn dắt” đi từ rộng đến hẹp, từ xa đến gần: triền sông -  bãi ngô - bến đò - rào thưa... và cùng với đó là những “nhân vật” thân thương: cô thôn nữ, bạn trẻ trâu, người hàng xóm láng giềng... vô cùng sống động, mỗi lúc một thiết tha, gần gũi hơn.

 

        Không chỉ thế, chạm vào 2 câu đầu của khổ thơ cuối tôi không thể không dừng lại để suy ngẫm: “Biết là sông núi mênh mông/ Tôi yêu từ gốc cau trồng trước sân”. Sao lại là “gốc cau” mà không là cây gì khác? Ngoài việc gợi nhớ “sự tích trầu cau” thấm đẫm nghĩa tình, theo chỗ tôi biết cau cũng là loài cây được trồng khá phổ biến ở Quảng Ngãi, nhất là Nghĩa Hành quê hương NNH. Phải chăng chính đôi hàng cau thẳng tắp trên lối ngõ vào nhà, những vườn cau vuông vắn, xinh xẻo như tranh vẽ khắp một vùng quê đã tỏa bóng và neo lại rất sâu trong tâm hồn tác giả ngay từ thuở mới lọt lòng để trong khoảng cách ly hương những ấn tượng sâu đậm đẹp đẽ ấy lại dâng trào tỏa bóng vào thơ?

 

Như cách diễn đạt của một nhà văn Xô Viết ưu tú trong một đoản văn đặc sắc trích từ thiên tuỳ bút chính luận Thử lửa: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh...” (Lòng yêu nước - I-li-a Ê-ren-bua), có lẽ chính mấy “gốc cau trồng trước sân” và cả cả chút bâng khuâng, rung động đầu đời:“Bóng ai bên giậu cúc tần/ Ngẩn ngơ/ Cánh bướm bay gần bay xa...” là chất liệu đầu tiên, nhân tố khởi nguồn để tạo nên Bóng Làng, tạo nên tình yêu quê hương bản quán và rộng hơn là tình yêu “sông núi mênh mông”.

 

        Có thể nói Bóng Làng là một trong rất nhiều thi phẩm hay của tác giả NNH về mảng đề tài này. Không còn được gửi “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” nữa, nỗi hoài hương trầm tích qua lớp lớp thời gian, tuôn trào vào những câu thơ khắc khoải nỗi niềm. Bóng Làng không chỉ là những nét chấm phá, điểm xuyết những hoa văn tinh tế để bức tranh quê kiểng thêm bắt mắt mà còn dựng nên một tâm cảnh đậm đà hồn vía cố hương có sức vẫy gọi những cánh chim lưu lạc bốn phương rẽ mây rẽ gió bay về!

 

        Cho dẫu với cảnh đời “ít thơ nhiều bi kịch”, Nguyễn Ngọc Hưng - người con đất Mỹ Hưng, Hành Thịnh - Địa Đàng Quê giờ đã thành… Biệt Xứ!

 

 

Bà Rịa – Vũng Tàu 26.7.2016

                       Nguyên Đạo.

Địa chỉ:  Trần Thị Ngọc Ánh

Giáo viên, Đường 33 Quảng Tây, Nghĩa Thành, Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Ngọc Hưng - nguyenngochung204@gmail.com - 055.3861.312 - Đội 10, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi  (Ngày 16/08/2016 18:48:40)

"Bóng Làng không chỉ là những nét chấm phá, điểm xuyết những hoa văn tinh tế để bức tranh quê kiểng thêm bắt mắt mà còn dựng nên một tâm cảnh đậm đà hồn vía cố hương có sức vẫy gọi những cánh chim lưu lạc bốn phương rẽ mây rẽ gió bay về!"

CÁM ƠN BẠN NGỌC ÁNH RẤT NHIỀU VÌ ĐÃ CỘNG HƯỞNG CÙNG N N H VỚI NHỮNG LỜI CÓ CÁNH!

CÁM ƠN BAN BIÊN TẬP LỤC BÁT VIỆT NAM ĐÃ ĐỒNG CẢM CHO ĐĂNG BÀI BÌNH THƠ ĐONG ĐẦY TÌNH CẢM NÀY!

Các bài khác: