Thứ bảy, 04/05/2024,


MỘT MÌNH (23/02/2009) 

MỘT MÌNH

 

 

 Đặng Vương Hưng

(Đêm nay một mình giữa phố

Một mình công viên

Một mình trăng lên...)

 

Gió thổi cho cánh hoa gày

Chẳng tặng ai

Héo trên tay mình cầm

 

Câu thơ đọc mãi suông tình

Một mình nghe

Lại một mình lặng im...

                                (1986)

 

     'Hóa ra một người nhiều khi còn quan trọng hơn cả thế giới!  Sự cô đơn đến tuyệt vọng thường có ở những người sống hướng nội. Tôi luôn trân trọng và yêu quý những giây phút tái tê nhưng thật lòng này”.                                           

(Minh Hằng)

 

      “Tôi muốn thay một chữ ở câu mở đầu của bài thơ này – ấy là chứ  “Phố” thành ra chữ “Gió”. Tại sao ư? Tôi cũng muốn “bơ” hẳn câu thơ thứ hai của bài thơ này! Tại sao ư?

Có lẽ tôi đã mơ hồ cảm thấy tác giả đang ở đâu đó, trong hồn ai đó – Chứ không phải giữa phố, lại càng không phải công viên, dù là công viên Thủ Lệ đi nữa... Bạn thử đọc lại mà xem!

Bây giờ thì tác giả mới thật là bơ vơ - Chả nghe thấy “Câu thơ... suông tình” nào cả - Hình như chỉ còn có tiếng gió từ mãi... 15 năm trước thổi về!”

                                  (Hoàng Nhuận Cầm)

 

     “Ba câu thơ và cũng là ba khổ thơ được tách ra, cách điệu trong biến tấu của lục bát, đã tạo nên sức nặng vô hình, khiến ta cảm nhận được. Và đêm như thêm dài hơn, hoang vắng hơn, ánh trăng cũng vô duyên vì nhạt nhẽo biết nhường nào. Tất cả chỉ bởi một lý do: Không có em ở bên anh”.

                                             (Hoài Hương)

 

     'Một mình, cho nên khổ thơ lẻ, câu thơ cũng lẻ;  người đã  cô đơn, hoa cô đơn và câu thơ cũng cô đơn.

Ba câu thơ khổ đầu tiên của bài được cố ý ngắt rời, lạc điệu với thể lục bất xưa nay, đã tạo cho người đọc cảm giác bất ổn, lỡ cỡ trong tâm trạng của con người luôn hoang mang vì sự nhỏ bé trước thế giới quanh mình... Điều đó đã góp phần càng làm tăng thêm cái tứ thơ và chủ định tác giả muốn diễn đạt: Một mình và lẻ loi!'   

(Nguyễn Thị Thanh Ngân)

 

     'Trong đời ai cũng có lúc một mình, song khoảnh khắc “Một mình” như của ĐVH thì không phải ai cũng có. Đây là khoảnh khắc nhân vật trữ tình cảm thấu tận cùng nỗi cô vắng của không gian, nỗi đau thầm lặng của bông hoa trong thời khắc héo tàn và nỗi cô đơn trơ trọi, nhưng thanh cao của… chính mình.

Có lẽ vì vậy mà tôi như bỗng nghe thấy những viên sỏi rơi rơi khô khốc trong hồn thi nhân.”

                                       (Phạm Hồng Len)

 

    “Đó là sự khát khao sống vì lý tưởng, khát khao được dâng hiến của một con người đơn độc trước sự biến đổi vô cùng của thế giới mới, là khao khát siêu hình, lặng lẽ và tỏa sáng trong thinh lặng.

Có cảm giác nhà thơ đang một mình làm chủ cả khoảng không gian rộng lớn... để rồi lại tự buông mình trôi trong huyễn hoặc của cuộc đời.

                            (Nguyễn Bích Hạnh)

 

     'Tôi như nghe thấy tiếng gió và thấy ánh mắt buồn của thi nhân nhìn bông hoa đăm đắm.

 Bông hoa dù đẹp đến đâu, nhưng đã trót cầm trên tay mà không được tặng ai thì cũng cô đơn mà khô héo dần cùng với sự hiu hắt một mình của chủ nhân...'

                                           (Vũ Nho)

 

 

------------------

TRÍCH HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: