Thứ bảy, 04/05/2024,


Không gian – Thời gian nghệ thuật trong ca dao tình yêu đối lứa ở Phú Yên (19/02/2009) 

     Vấn đề thời gian và không gian nghệ thuật trong ca dao Việt Nam đã được nhiều người nghiên cứu với nhiều thành tựu đáng kể. Bài viết này chỉ là một sự vận dụng các thành tựu ấy vào một trường hợp cụ thể: ca dao tình yêu đôi lứa ở Phú Yên. Trong quá trình vận dụng, chúng tôi nhận thấy quan niệm nghệ thuật về thời gian và không gian của người bình dân Phú Yên ngoài sự trùng hợp với các kết luận đã có, còn có những điểm riêng, khá độc đáo trong tương quan với ca dao của các vùng miền khác. Mong rằng những điều trình bày dưới đây sẽ là một đóng góp nhỏ vào việc nghiên cứu kho tàng ca dao của người Việt.

 

     1. Thời gian nghệ thuật trong ca dao tình yêu đôi lứa ở Phú Yên

 

     Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều thời gian là hiện tại, quá khứ hay tương lai. Người nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu, điểm kết thúc, có thể chọn điểm nhìn từ quá khứ, hiện tại hay tương lại, có thể chọn độ dài trong một khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời. D.X Likhachốp trong cuốn Thi pháp Văn học Nga cổ [i] đã nói: “Thời gian là đối tượng, là chủ thể, là công cụ miêu tả − là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian xuyên suốt toàn bộ văn học”.

Tìm hiểu thời gian nghệ thuật trong ca dao Việt Nam, điều ai cũng nhận thấy là khác với thời gian quá khứ của thần thoại, truyền thuyết, của sử thi và cổ tích thần kỳ…, thời gian của ca dao là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng. Likhachốp đã rất có lý khi cho rằng trong thơ ca dân gian, tác giả với tư cách là một cá thể, là “cái tôi” trữ tình riêng biệt, tách biệt với cộng đồng thì không được biểu lộ ra. Ở đây hoàn toàn không có khoảng cách thời gian giữa người sáng tác với thời gian của người đọc, người thưởng thức như trong văn học viết. Trong thơ ca dân gian, thời gian của tác giả và thời gian của “người đọc” (người thưởng thức) hoà lẫn với thời gian của người diễn xướng. Thời gian ở đây là thời gian hiện tại. Điều này khác với thời gian trong truyện cổ tích luôn luôn là thời gian quá khứ phiếm định, khác với thời gian trong truyền thuyết luôn luôn là thời gian quá khứ xác định

 

     Có thể khẳng định ngay rằng hầu hết ca dao Việt Nam trong đó có ca dao Phú Yên đều lấy thời gian hiện tại làm thời gian nghệ thuật của mình. Điều này cũng dễ hiểu trước hết là vì lời ca dao được sáng tác là để diễn xướng trong một môi trường không gian và thời gian nhất định:

 

− Bữa nay là nữa anh về

Anh đưa bâu áo em đề câu thơ

Câu thương câu nhớ câu đợi câu chờ

Ba bốn câu dặn hết anh đặt thơ trong lòng

 

− Năm nẳm năm nay

Tui mới gặp bạn đây

Hỏi bạn còn vậy hay đã xây nơi nào?

 

− Khoai lang Suối Mít

Đậu phụng Hòn Vung

Chàng đào thiếp mót bỏ chung một gùi.

Bây giờ nhân nghĩa sụt sùi

Lấy chân đá hất cái gùi lăn chiêng [ii]

 

     Dấu hiệu để nhận ra thời hiện tại trong những câu ca dao nói trên là ở những từ chỉ xuất thời gian như: bây giờ, bữa nay, năm nay… Điều đáng nói là nhiều lời ca dao Phú Yên thể hiện thời hiện tại bằng từ chầu rày hoặc lóng rày (kể từ nay) với tần số xuất hiện khá cao, và do đó đã tạo ra một nét rất riêng cho ca dao “xứ nẫu”:

 

− Chầu rày em đã có đôi,

Anh về chốn cũ lần hồi làm ăn.

 

 − Chầu rày bạn cựu xa rồi,

Cái trách cũng vụt, cái nồi cũng quăng.

 

− Lao lư trong dạ bồi hồi,

Chầu rày em biết đứng ngồi với ai?

 

− Lòng đó trong đựng (cá) ngoài nan,

Chầu rày quyết một xa chàng, chàng ơi!

 

− Nói ra sợ chị em cười,

Rằng tôi ở giá vẫn mười đứa con,

Lóng rày bụi đế còn non,

Núp bờ, núp bụi sớm con muộn chồng.

 

     Tất nhiên, ca dao Phú Yên không chỉ biểu hiện thời gian nghệ thuật ở những từ ngữ chỉ thời hiện tại ấy. Ca dao Phú Yên có rất ít những bài mở đầu bằng những từ như đêm đêm, ngày ngày như ca dao Bắc Bộ nhưng lại có nhiều bài bắt đầu bằng những từ như chiều chiều có ý nghĩa chỉ thời gian lặp lại và có “tác dụng diễn tả quá trình của sự việc (hoặc hiện tượng) kéo dài từ một quá khứ gần đến hiện tại”:

 

 − Chiều chiều én liệng cò bay

Bâng khuâng nhớ bạn, bạn rày nhớ ai?

 

− Chiều chiều ra đứng bực sông

Dặn con nước cả đừng trông chim trời.

 

− Chiều chiều vịt lội bờ sen

Để anh lên xuống cho quen cửa nhà.

 

− Anh về ở ngoải chi lâu,

Chiều chiều em đứng hàng dâu ngó chừng.

 

     Tần số xuất hiện của Chiều chiều trong kho tàng ca dao Việt Nam nói chung là rất cao. Nhiều tác giả đã xem chiều chiều là cái khoảnh khắc thời gian trữ tình đã trở thành công thức ngữ nghĩa nghệ thuật riêng của ca dao: “Người bình dân xưa với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm càng có nhiều khả năng cảm nhận thời khắc này như một sự trùng khớp giữa tâm cảnh và ngoại cảnh, tạo nên một vùng thẩm mỹ riêng độc đáo để kết tinh thành những bài ca dao phong phú với mẫu đề chiều chiều” [iii]

 

     Điều đáng nói, trong số các khái niệm thời gian như giây, phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm, người bình dân Phú Yên hầu như không sử dụng trong câu hát của mình các khái niệm chỉ đơn vị thời gian như giây, phút, giờ, tuần mà chỉ tập trung vào các đơn vị ngày, tháng, năm. Có lẽ vì đây là những đơn vị thời gian cụ thể, gắn liền với sinh hoạt của một cộng đồng nông nghiệp quen với việc đo thời gian bằng ngày (từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn), rồi tiếp đến là theo mùa, theo năm. Nhịp độ thời gian vì thế mà chậm lại, không có cái hối hả, gấp gáp của xã hội công nghiệp chính xác đến từng giây, từng phút, từng giờ.

 

     Người bình dân nhìn nhận thời gian như là phương tiện để bộc lộ tình cảm. Cho nên, nhiều bài ca dao mà ở đó nhân vật trữ tình thường đối lập ngày với đêm và lấy đêm làm cái thời điểm để giãi bày hoài niệm, để thổ lộ nhớ thương như một nỗi niềm da diết:

 

− Nhớ ai đêm ngẩn ngày ngơ

Đêm mơ giấc ngủ, ngày mơ tiếng cười.

 

− Đêm nằm lưng chẳng bén giường

Trông cho mau sáng ra đường gặp em.

 

− Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ

Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không.

 

− Đêm qua rót dĩa dầu đầy

Bấc non chẳng cháy, oan mày dầu ơi.

 

− Đêm khuya gió mát trăng thanh

Trăng thanh thì có, bạn tình thì không.

 

     Nhưng cũng có rất nhiều bài không có từ chỉ thời gian cụ thể như đã nêu. Trong trường hợp này, theo GS Nguyên Xuân Kính, “người bình dân hát (hoặc ngâm, đọc) vào lúc nào (sáng, trưa, chiều, tối…) thì lúc đó chính là thời gian bộc lộ tâm trạng của người diễn xướng” [iv] Và thời gian bộc lộ tâm trạng ấy chính là thời hiện tại như Likhachốp đã nói.

 

     Về cách diễn đạt thời gian, trong bài Về một phương diện nghệ thuật của ca dao, Trần Thị An đã đưa ra nhận xét rằng trong ca dao tình yêu, thời gian cá nhân riêng biệt, thời gian khách quan, thời gian xã hội bị nhạt nhoà. Do đó, trong việc miêu tả thời gian, người bình dân thường sử dụng những cách nói ước lệ, công thức [v] . Hiện tượng này cũng tìm thấy trong ca dao Phú Yên, nhiều bài có đưa ra những con số cụ thể nhưng nếu xét kỹ thì đó không phải là những đại lượng chính xác! Ví dụ:

 

− Năm Thìn, năm Tỵ, năm Tý, năm Thân

Bước qua năm Dần là sáu năm dư

Em chờ anh đã mãn tháng tư

Anh không bước tới, em ừ nơi xa

Mời anh mười sáu qua nhà

Ăn trầu uống rượu, nơi xa em có chồng.

 

− Ba năm lòng tạc dạ ghi

Sống thì đồng tịch, thác thì đồng tâm.

Ba năm giữ dạ sắt cầm

Tiên sa xuống đất mấy mươi lần mược tiên.

 

 

     Tuy vậy, nhận xét trên dường như không thật đúng đắn đối với một số lời ca dao ở Phú Yên, vì ở đó, yếu tố thời gian thường được nêu lên với những đại lượng chính xác, như được đo đếm một cách chính xác, chân thực chứ không mang tính công thức, ước lệ. Thời gian đo đếm chính xác trong những lời ca dao sau đây được xem như là cái bằng chứng không thể chối cãi cho mối tình tha thiết và chung thuỷ của người phụ nữ bình dân:

 

Trồng tre trước ngõ ngay hàng

Tre lên mấy mắc, em thương chàng mấy năm

Thương chàng từ thuở mười lăm

Bước qua hăm mốt là sáu năm rõ ràng

Nghiêng tai nghe tiếng anh than

Nhất sanh nhì tử, một mình chàng mà thôi.

 

     hoặc:

 

Ngó lên đám đất thổ

Có bầy chim đỗ

Một con mổ

Chín mười con bay

Em thương anh từ chín tháng nay

Còn ba tháng nữa là đầy một năm

Buồn sao buồn tối buồn tăm

Buồn ăn không đặng, buồn ngồi không yên

Ví dù cha dứt mẹ riềng

Khổ em em chịu cũng nguyền theo anh.

 

     Một kiểu thời gian nghệ thuật trong ca dao Phú Yên là thời gian hồi tưởng thường được biểu hiện qua các cụm từ như hồi nào, khi xưa,… Tuy nhiên, thời gian hồi tưởng này có sự liên hệ mật thiết với thời gian hiện tại và làm thành cặp đối lập quá khứ − hiện tại biểu hiện qua các cặp từ như: “hồi nào” – “bây giờ”, “hồi” – “đến khi”, “năm ngoái” – “năm nay”… So với thời gian hiện tại, thời gian hồi tưởng quá khứ chỉ có tính chất kể lể và thường được đặt trong điểm nhìn hiện tại, và do đó, sự có mặt của thời gian hồi tưởng chỉ là một phương tiện để làm nổi bật thời hiện tại, thời gian diễn xướng của lời ca dao mà thôi:

 

− Hồi nào gạo trắng Quán Cau

Cá thu chợ Yến anh lắc đầu chê hôi

Bây giờ đáng số anh ơi

Một phần khoai hai phần đỗ anh thôi kén lừa.

 

− Hồi làm không thấy đến đây

Đến khi đong thóc chê vơi chê đầy.

 

− Hồi nào gánh nặng em chờ

Truông xa em đợi, bây giờ bỏ em.

 

− Con cu bay bổng qua sông

Hỏi thăm em bậu có chồng đâu chưa?

Có chồng năm ngoái ngày xưa

Năm nay chồng bỏ, như chưa có chồng.

 

     Cặp đối lập hiện tại – tương lai thường ít xuất hiện nhưng cũng góp phần khắc sâu thời gian hiện tại trong sự trái ngược với tương lai – một tương lai phiếm định mà đầy bất trắc, và nhiều khi thấm đẫm nỗi buồn:

 

− Một mai nước lớn đò trôi

Cây khô lá rụng, bậu ngồi chờ ai?

 

− Một mai thiếp có xa chàng

Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.

 

− Một mai cúc ngã lan quỳ

Bậu lo thân bậu, lo gì thân ta.

 

     Cả hai sự đối lập ấy – hiện tại/quá khứ, hiện tại/tương lai – đều có tác dụng làm nổi bật thời hiện tại, tức là thời gian diễn xướng của người bình dân, đồng thời có tác dụng tạo nên cảm giác về sự vận động của thời gian, làm cho người nghe liên tưởng đến sự đổi thay trong cuộc sống theo chiều hướng đối lập. Đó là một hiện tại thường khác với thời quá khứ và thời tương lai, và do đó là cái cớ để người bình dân phô diễn cái tâm trạng yêu thương trách móc, buồn nhiều hơn vui của mình.

 

     2. Không gian nghệ thuật trong ca dao tình yêu đôi lứa ở Phú Yên

 

     Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. Bản thân người kể chuyện hay nhà thơ trữ tình cũng nhìn sự vật theo một khoảng cách, với một góc nhìn nhất định. Không gian nghệ thuật là hình tượng không gian có tính chủ quan và tượng trưng. Người ta có thể phân chia không gian nghệ thuật thành các kiểu đối lập như không gian điểm và không gian tuyến tính, không gian mặt phẳng, không gian bên ngoài và không gian bên trong, không gian hành động và không gian phi hành động (không gian trữ tình), không gian động và không gian tĩnh, không gian vũ trụ và không gian xã hội…

 

     Ca dao Phú Yên cũng như ca dao Việt Nam thường đưa địa danh – không gian địa lý vào trong lời hát của mình. Đó là những cái tên Mỹ Thạnh, Dinh Ông, Chóp Chài, Đá Bia, Phú Cốc, Cẩm Tú, Mỹ Á, Quán Cau, Vũng La, Vũng Lắm, Cù Mông, Dốc Mít, Dốc Găng, v.v. được người bình dân nói đến với tất cả niềm tự hào thân thương, bởi vì chính những bối cảnh ấy đã gắn liền máu thịt với những cung bậc tâm tình của họ:

 

− Cũng vì ngọn nước sông Dinh

Nay trừng mai rặt điệu chung tình nổi trôi.

 

− Ngọn Chóp Chài đã cao lắm bấy

Trông huỷ trông hoài không thấy người thương.

 

     Bên cạnh những địa danh cụ thể ấy, không gian nghệ thuật của ca dao tình yêu đôi lứa ở Phú Yên còn gắn với cảnh trí bình thường của làng quê, với cuộc sống đạm bạc của những con người một nắng hai sương. Gần thì có thể là ngõ sau, chợ chiều, là giếng nước, bờ ao, cây đa, dòng sông, ngọn núi, con đường, đèo dốc… Xa hơn là bãi cát dài, trời cao biển rộng, cù lao, “sông sâu núi cả”, là “truông rậm rừng xanh”…Và xa hơn nữa là nam bắc đông tây, là Hán Hồ xa nhau vời vợi… Nhưng nói chung không gian nghệ thuật đó chỉ quẩn quanh ở những không gian bình dị, dù xác định hay phiếm chỉ, dù “có tính cá thể hoá trong sự miêu tả” hay không thì không gian nghệ thuật ấy vẫn là bức tranh thiên nhiên gần gũi, thân thương với con người Phú Yên.

 

     Gắn với không gian ấy là hành động ngó ra, ngó lên rồi lại ngó vô (tần số xuất hiện của ngó vô tương đối thấp hơn ngó ra, ngó lên và thường không có chức năng mở đầu lời ca dao):

 

− Ngó ra ngoài biển ba lần

Thấy anh ở trần trong bụng xót xa

Em về mua lụa đậu ba.

Cắt áo cổ giữa rồi tra nút vàng.

Không có ai đi em gửi cho chàng

Đêm khuya chàng bận, đỡ cơ hàn nắng mưa.

 

− Ngó ra ngoài mả Cao Biền

Thấy đôi chim nhạn đang chuyền cành mai

Cây oằn vì bởi trái sai

Xa em lâm cảnh há ai chẳng buồn?

 

− Ngó lên dốc Một, Chùa Lầu

Cảm thương người bạn buổi đầu thâm ân…

 

− Ngó lên trăng tỏ sao thưa

Dứt tình tại bạn tôi chưa mất lòng.

 

     Với người Phú Yên, ngó ra là ngó ra ngoài biển, và ngó lên thì chỉ ngó trời mây, ngó trăng sao, gần hơn là ngó lên hòn núi Chóp Vung, dốc Một Chùa Lầu, hòn đá Cao Biền, Mỹ Thạnh cảnh tiên, mả Cao Biền… và gần hơn nữa là đám đất thổ, nhà ngói sẫm sờ, nhà ngói tô vôi… Không gian địa lý với hai đèo ở hai đầu nam bắc (đèo Cả và đèo Cù Mông) có lẽ đã giới hạn tầm mắt và phần nào quy định cái không gian tình tự của lời ca dao. Nhưng điều quan trọng không phải là giới hạn không gian mà chính là ở chỗ không gian ấy có những gì đáng nói, đáng để mượn cảnh mà tả tình, mà bộc lộ tâm trạng vơi đầy của người bình dân: đó có thể là niềm trắc ẩn “thấy anh ở trần trong bụng xót xa”, là lời than vãn cho mối tình không trọn vẹn “đôi ta trắc trở vì dây tơ hồng”, là lời kể lể, trách móc ai kia đã chia rẽ lương duyên “làm cho chàng thiếp mỗi ngày mỗi xa”, nhưng cũng có khi là tiếng nói khẳng định tình yêu chung thuỷ “khổ thời chịu khổ, lìa anh không lìa”…

 

     Không gian của ca dao Phú Yên cũng là không gian động, khác với không gian vũ trụ bất biến và tĩnh tại của thơ ca trữ tình bác học:

 

Trên trời mây tầng cao tầng thấp

Dưới biển nước tầng cạn tầng sâu

Anh dạo chơi các nước chư hầu

Chưa thấy ai ăn nói thảm sầu như em.

 

     Và điều đáng nói là cái không gian động ấy lúc nào cũng mang hơi thở phập  phồng của cuộc sống xã hội với những quan hệ phức tạp giữa con người với nhau:

 

Hòn đá dưới sông rong rêu rều đóng

Ngọn cỏ trên bờ chịu những sương sa…

Em gặp anh đây cũng muốn dang ca

Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời

Em gặp anh đây cũng muốn trao lời

Sợ chòm mây bạc giữa trời mau tan

 

     Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, người con gái trong lời ca dao nói trên dường như đã khiêm tốn hạ mình bằng thân phận nhỏ bé của hòn đá, ngọn cỏ với bao áp lực của cuộc đời. Cho nên, dẫu muốn trao lời với người thương nhưng lại phải nghĩ đi nghĩ lại vì cảm thấy sợ nhiều điều, trước hết là sợ cha, sợ mẹ. Nhưng cái Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời bắt nguồn từ chữ hiếu ấy xem ra chưa phải nỗi sợ lớn, vì:

 

Ví dầu cha mẹ không ưng

Đèn chai nhỏ nhựa em cùng lăn vô

 

      Như vậy, sự khéo léo của câu hát không phải là sợ cha, sợ mẹ, sợ điều qua tiếng lại, mà là sợ một cái khác mang tính xã hội rộng lớn hơn: sợ sự phụ bạc của anh, sợ sự bất trắc của tình duyên, sợ chòm mây bạc giữa trời mau tan và đằng sau đó là sợ bia miệng của người đời. Cho nên, phải nói trước:

 

Sông sâu nhiều lạch

Chợ Bàn Thạch nhiều lươn

Nhắm bề thương đặng thời thương

Đừng trao gánh nặng giữa đường khổ em.

 

     Nói chung, không gian nghệ thuật của ca dao nói về tình yêu đôi lứa ở Phú Yên chủ yếu là không gian nhỏ hẹp, trong phạm vi gia đình, làng xóm, gắn liền với cuộc sống lao động của người bình dân Phú Yên. Tuy có lúc cái không gian ấy được người bình dân mở rộng ra đến biển trời, đông tây nam bắc hoặc bằng cách đối lập cái hiện thực với cái phi hiện thực như trong lời ca dao dưới đây:

 

Đường đi những gộp cùng gành

Hiu hiu gió thổi trên cành cây rung

Dạo chơi khắp hết chín cung

Tấn Tần hai nước hiệp cùng Trường An

Trà xanh, rượu cúc bẽ bàng

Ta lên mừng bạn, chào nàng một câu.    

 

     nhưng xét cho kỹ thì đó cũng chỉ là không gian quen thuộc của làng quê, nơi các nhân vật diễn xướng đang đối đáp, trao duyên giữa các bạn hò với nhau.

 

     Theo chúng tôi, đây là thứ không gian điểm đối lập với không gian tuyến tính vốn là không gian nghệ thuật quen thuộc của truyện cổ tích, trong đó các nhân vật phải “phiêu lưu” và được “thử thách” trong nhiều địa điểm khác nhau. Trong kiểu không gian điểm của ca dao, ngoài không gian ngoại giới (những địa điểm cụ thể hay phiếm định), cái quan trọng vẫn là không gian nội giới, tức không gian trữ tình của chủ thể vì chính từ không gian này mà người bình dân khi diễn xướng ca dao, đã phóng chiếu tâm tình của mình ra không gian ngoại giới, bắt cái không gian vật chất kia phải biểu hiện cho được những giai điệu tình cảm của mình. Do vậy, những lời ca dao đi vào lòng người nhất vẫn là những lời có sự thống nhất hai kiểu không gian này:

 

− Một mình mình một bơ phờ

Dựa cây cây ngã, dựa bờ bờ xiêu.

 

 

     Ngoài ra, ca dao tình yêu Phú Yên cũng có những lời ca dao mang không gian phiếm chỉ, ước định như: cánh đồng, mái đình làng, nhịp cầu… là những mô típ không gian được nhiều “nhân vật diễn xướng” sử dụng trong những bối cảnh khác nhau, miễn sao thích hợp với tâm trạng của nhiều người. Mô típ không gian phiếm chỉ này khiến cho không gian của lời ca dao trở thành không gian ước lệ điển hình, mở ra khoảng rộng lớn cho sự cộng cảm giữa người sáng tác với người diễn xướng, giữa người diễn xướng với người thưởng thức:

Qua đồng (đình, cầu) ngả nón trông đồng (đình, cầu)

Đồng (đình, cầu) bao nhiêu lúa (ngói, nhịp) dạ thương chồng (mình, chàng) bấy nhiêu.

     Trong bộ phận ca dao tình yêu, lại có những lời ca dao không đề cập tới một địa điểm dù xác định hay phiếm định nào. Lời ca dao có thể là một câu hỏi, mở đầu bằng Ai làm:

 

− Ai làm bát bể cơm rơi

Dĩa nghiêng cá đổ, rã rời đôi ta.

 

− Ai làm bầu bí đứt dây

Chàng nam thiếp bắc, ngọn gió Tây lạnh lùng.

 

− Ai làm loan phụng rẽ bầy

Cho em đau khổ lắm vầy trời ơi!

 

− Ai làm đó thảm đây sầu

Hồng nam nhạn bắc khổ hai nơi khó tìm.

 

− Ai làm bò Cộ ấm mình

Cho nên bò Bĩnh thất tình không ăn

 

     Theo chúng tôi, đây có thể là kiểu không gian miêu tả sự kiện - kết quả. Sự kiện ở đây là bát bể cơm rơi, bầu bí đứt dây, loan phụng rẽ bầy, đó thảm đây sầu, bò Cộ ấm mình và kết quả là dĩa nghiêng cá đổ, chàng nam thiếp bắc, đau khổ lắm vầy trời ơi, hồng nam nhạn bắc, bò Bĩnh thất tình không ăn. Trái với kiểu không gian miêu tả sự kiện - kết quả, có thể nói đến một kiểu không gian kết quả - sự kiện như trong những lời ca dao mở đầu bằng hai tiếng trách ai sau đây:

 

− Trách ai ăn ở hai lòng

Đang chơi với phụng, thấy rồng bay theo.

 

− Trách ai rọc giấy bỏ bìa

Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa.

 

− Trách ai ăn thị bỏ tai

Làm cho thiếp phải trần ai một mình.

 

     Ở đây, không gian sự kiện - kết quả bị đảo ngược: kết quả là ăn ở hai lòng, rọc giấy bỏ bìa, ăn thị bỏ tai và sự kiện là đang chơi với phượng, thấy rồng bay theo, khi thương thương vội, khi lìa lìa xa, thiếp phải trần ai một mình… Thể hiện hai kiểu không gian như thế là cách thức để nhân vật diễn xướng tỏ lòng mình qua những lời trách móc than vãn vì tình duyên đổ vỡ. Không gian nghệ thuật ở đây có thể nói là không gian tâm trạng của nhân vật trữ tình, các sự kiện diễn ra trong không gian ấy đều được cảm nhận và miêu tả thông qua tâm trạng của chủ thể trữ tình. Cho nên đó cũng là một thứ không gian tượng trưng diễn ra các sự kiện được sắp xếp theo cảm xúc-tâm lý của chủ thể trữ tình, và trong một chừng hạn nào đó, nó có thể hoàn toàn không liên quan gì đến không gian của đời sống thực tại.

 

     Những lời ca dao tình yêu lứa đôi của Phú Yên dẫn ra trong bài viết này đã cho thấy một cách hiển nhiên mối quan hệ thống nhất giữa thời gian và không gian nghệ thuật. Ca dao tình yêu lứa đôi nhiều bài mang tâm trạng buồn, cho nên để thích ứng với việc biểu hiện tình cảm đó, người bình dân thường chọn những không gian vật lý hay xã hội gắn với thời điểm ban đêm hay chiều chiều, cái thời điểm mà con người có dịp sống một mình để đối mặt với lòng, nhận ra ở đó những cung bậc nhớ thương da diết… Mặt khác, không gian tượng trưng như đã nói, thường gắn với thời quá khứ - sự kiện nhưng còn liên hệ chặt chẽ với hiện tại - kết quả, một hiện tại bẽ bàng, tan vỡ, xót xa… Nhờ vậy mà nhiều lời ca dao thể hiện sự trách móc trong tình yêu đôi lứa càng đi sâu vào lòng người và ở lại đó với nỗi niềm day dứt khôn nguôi.

 

     3. Kết luận

 

     Tóm lại, thời gian và không gian nghệ thuật trong ca dao tình yêu đôi lứa của người bình dân Phú Yên có nhiều điểm tương đồng với ca dao người Việt. Nhưng nếu đi sâu vào chi tiết, ta sẽ nhận ra ở đây nhiều điểm độc đáo, phản ánh một cách tư duy nghệ thuật của bộ phận cư dân sống trên dải đất miền Nam Trung Bộ. Thời gian khách quan, thời gian xã hội, thời gian cá thể của “cái tôi” tác giả tuy có lúc bị mờ nhạt, nhưng ở nhiều lời ca dao, thời gian ấy vẫn được miêu tả một cách xác thực, hoàn toàn không có tính chất ước lệ công thức. Điều này phản ánh cách cảm và nghĩ hồn nhiên, chất phác và thẳng thắn của người bình dân Phú Yên. Hệ quả là lời ca dao của người bình dân Phú Yên không có cái mượt mà, uyển chuyển và tinh tế của ca dao Bắc Bộ: nó là một cách nói chân thực, ít khi chấp nhận những ước lệ, công thức trong cách phô diễn tình cảm của con người.

 

     Về không gian nghệ thuật, nói chung ca dao Phú Yên cũng biểu hiện một “không gian trần thế, đời thường, bình dị, phiếm chỉ với những nhân vật chưa được cá thể hoá, mang tâm trạng, tình cảm chung của nhiều người” [vi] . Không gian trần thế, đời thường làm thành kiểu không gian điểm thống nhất ngoại giới với nội tâm của người diễn xướng và không gian phiếm chỉ biến thành không gian tượng trưng với hai kiểu không gian sự kiện - kết quả và không gian kết quả - sự kiện, hướng đến khắc hoạ sinh động tâm trạng con người. Đó là một kết cấu không gian mang chiều kích tâm lý - cảm xúc nhiều hơn là chiều kích thực tại. Chính vì vậy mà hiệu quả biểu hiện của những lời ca dao mang hai kiểu không gian ấy thường có sức lay động rất lớn đối với mọi người.

 Tác giả Lý Thơ Phúc

 

CHÚ THÍCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO



[i] Likhachốp (1979), NXB Matxcơva, tr. 209-210.

[ii] Những lời ca dao trích dẫn trong bài viết này có nguồn từ Ca dao trên vùng đát Phú Yên, Hội Văn nghệ dân gian và văn hoá các dân tộc Phú Yên, 1996.

[iii] ThS Trần Tùng Chinh, “Chiều chiều” trong ca dao dân ca trữ tình”, Thông tin khoa học số 19, tháng 9/2004, Đại học An Giang, tr. 29.

[iv] Nguyễn Xuân Kính (2000), Thi pháp ca dao, NXB Khoa học xã hội, H., tr. 293.

[v]  Trần Thị An. “Về một phương diện nghệ thuật của thơ ca tình yêu”, Tạp chí văn học, số 6-1990.

[vi]  Nguyễn Xuân Kính, sđd, tr. 307.

 

 

 

Tác giả:

- Tên: Lý Thơ Phúc

- Học vị: Thạc sĩ

- Chức vụ: Giảng viên

- Nơi công tác: Trường Đại học Phú Yên,

18 Trần Phú, Tp Tuy Hoà, Phú Yên

- Điện thoại: 0903521571.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: