Thứ bảy, 20/04/2024,


Bài thơ "Chân quê" của Nguyễn Bính (05/02/2016) 

CHÂN QUÊ



Nguyễn Bính

 

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi


Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?


Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh


Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

 

Nhớ một nhà thơ “Chân quê”…

 

    Vùng quê chiêm trũng của châu thổ sông Hồng đã làm nên hồn thơ Nguyễn Bính, một nhà thơ “chân quê” của phong trào Thơ Mới; để rồi mỗi lần đọc thi phẩm Chân quê của ông, cứ thấy một chàng trai khăn xếp đợi ai đầu làng, thấy như lời tỏ tình cứ e ấp mãi, cứ thấy như đau đáu ánh mắt trách móc cô gái nào lỡ bỏ cái Chân quê để làm khổ ai… Những vần thơ giản dị, mộc mạc mà thấm đượm cả hồn quê và tình quê thắm thiết. Nguyễn Bính đã cất lời của đồng ruộng, của hoa nhài hoa ngâu, của “mưa xuân phơi phới bay”, của “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”, của giậu mùng tơi với cánh bướm ngập ngừng… Nguyễn Bính đã hát khúc hát của thôn quê bằng một tình yêu chân thật, nguyên khôi, đằm lắng...

 

   Cái tình quê, hồn quê đã trở thành bản sắc của chất thơ Nguyễn Bính, khiến cái tôi trong Chân quê là hình tượng biểu đạt rõ nét chân dung tác giả. Cả bài thơ Chân quê được làm theo thể lục bát, tưởng như đó là những lời nói chân tình của một chàng trai nơi thôn dã nói với “em”- nhân vật trữ tình trong bài thơ. Cứ thủ thỉ, tâm tình, lời thơ chất chứa bao tâm sự của chàng trai với người con gái anh yêu: Hôm qua em đi tỉnh về/ Đợi em ở mãi con đê đầu làng. Biết bao hồi hộp của chàng trai khi đợi người yêu. Nhớ thương, mong đợi khi xa nhau, được gặp lại em là một niềm hạnh phúc, nhưng nào ngờ, em đã đổi thay: Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi. Sự thay đổi của “em” chính là tình huống chính trong bài thơ, làm biến đổi dòng cảm xúc của “tôi” từ mong chờ khắc khoải đến buồn, thất vọng. Chiếc áo cài khuy bấm, khăn nhung, quần lĩnh… là dấu ấn của thị thành. “Em” thay đổi và không còn là “em” của thôn quê nữa. Người con gái chốn quê hương từng đẹp trong yếm lụa sồi, áo tứ thân, nay đã không còn nữa. Phải chăng “em” đã đánh rơi hồn quê chân thật dịu dàng? Nỗi buồn dường như dâng ngập trong đôi mắt của “tôi”, khiến câu chữ như cứ quặn lòng thương những điều thay đổi: Nào đâu cái yếm lụa sồi Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? Nào đâu cái áo tứ thân Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen? Em đổi thay khiến “tôi” phải cuống quýt, thảng thốt tự hỏi một cách ngẩn ngơ, nuối tiếc. Nhìn thấy ở “em” những điều làm “tôi” xót xa, nhà thơ hốt hoảng lo âu mà cất lên những lời van xin thống thiết: Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa. Chất quê mùa là nét đẹp của “em”, là cái làm cho anh yêu, anh thương nhớ. Chỉ cần em giữ lại chút quê đó thôi là đã đủ làm anh ấm lòng, yên dạ: Như hôm em đi lễ chùa/ Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh. Anh chỉ cảm thấy vừa lòng khi thấy em là em của ngày xưa với áo tứ thân giản dị. Thi sĩ đã đưa ra những lý lẽ giản đơn mà rất đỗi chân quê để thuyết phục người yêu: Hoa chanh nở giữa vườn chanh Thầy u mình với chúng mình chân quê Hôm qua em đi tỉnh về Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…

 

    Tác giả nhấn mạnh đến xuất thân của “chúng mình” là “chân quê” hay cũng là cách nhắc nhở “em” giữ lấy vẻ đẹp của chính con người nơi quê hương thanh đạm. Nhắc nhở “em” hay cũng chính là khẳng định sự không thay đổi ở “anh”: Trước sau, dù thế nào đi chăng nữa, tác giả vẫn là người thôn quê hồn hậu. Chân quê không chỉ là tác phẩm khắc họa “cái tôi” Nguyễn Bính thắm đượm trong hồn quê, tình quê sâu nặng mà còn là tuyên ngôn nghệ thuật của chính cá nhân tác giả. Đọc Chân quê, ta không thấy cái nồng nàn, tha thiết, rạo rực và băn khoăn như Xuân Diệu, không phải là những dòng thơ có cách tân mới lạ, thơ Nguyễn Bính chỉ đơn giản là những câu thơ tưởng đã đọc từ xa xưa, trong lời ru của bà, của mẹ. Những câu thơ đọc lên mang âm điệu của những câu ca dao đã đi vào lòng bao thế hệ từ những ngày còn thơ ấu. Nó rất gần với đời sống tâm hồn của người thôn quê. Đi tìm cái mới, Thế Lữ đã rời bỏ trần thế để thoát lên tiên, Lưu Trọng Lư đã chối bỏ thực tại để mơ màng trong quá khứ xa xôi. Những nẻo phù hoa ấy không thấy dấu chân Nguyễn Bính. Ông gói hồn mình nơi làng quê Việt Nam xanh xanh bờ tre, xanh lúa đồng nàng, đồng anh, tím rặng mồng tơi, trong hồn hậu những con người quê chất phác, thật thà, trong mối tình với cô thôn nữ “chân quê”…

 

   Trước làn sóng của văn minh thành thị, Nguyễn Bính đã dũng cảm lựa chọn “giữ nguyên quê mùa” như bông hoa chanh nở giữa vườn chanh, giữ mãi sắc hương bình dị, mộc, mạc, trắng trong, tinh khiết của mình. Quan niệm nghệ thuật muốn giữ lại nét chân quê ấy đã khiến thế giới nghệ thuật trong Chân quê hiện lên thật gần gũi và mãi mãi là vấn đề thời sự. Nhất là trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, thế giới nghệ thuật của Chân quê vẫn vẹn nguyên giá trị.

 

                                                                       MiLi

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: