Thứ sáu, 29/03/2024,


“Bói mưa”, bài thơ thẩm thấu lòng người (22/08/2015) 


BÓI MƯA




Vũ Thảo Ngọc



Hạt mưa nào của đôi ta
Khi vui mình đã bói xa bói gần
Hạt thương rơi kẽ huyền cầm
Hạt nhớ nép lại lặng thầm mong manh

 

Cả trời bong bóng long lanh
Trò chơi đuổi bắt vòng quanh rõ tròn
Chợt nhen một chút se long
Như đôi bong bóng đôi dòng xô nghiêng

 

Em ngồi bói hạt mưa tiên
Bói thương vào nhớ bói đêm vào ngày
Bói anh với những cao dầy
Như mưa bong bóng hóa này phiêu tư

 

Bói mưa là bói mưa thôi
Cầu mong bong bóng có đôi đừng thừa
Em ngồi bói hạt mưa thưa
Nghe cơn bão nổi như vừa sang sông.

V.T.N

=============


                                               “Bói mưa”, bài thơ thẩm thấu lòng người


   “Bói mưa”, khái niệm khá xa lạ trong đời sống nhân loại từ cổ chí kim, bởi bói là động thái tiên đoán tương lai, vận mệnh cho ai đó, thường được xem dưới khía cạnh tính tình và nhân cách, công danh công việc, tiền bạc và không kém phần quan trọng đó là tình duyên. Có nhiều công cụ, vật dụng để phục vụ cho “tiên đoán” ấy, tỷ như: bài tây, vân tay, hoa tay, truyện Kiều, quẻ, thẻ … nhưng “bói mưa” quả là phát hiện độc đáo trong cảm xúc mà Vũ Thảo Ngọc dành cho bạn đọc về “khái niệm” này.

 

    Thật có lý, khi Vũ Thảo Ngọc rút tên bài thơ lục bát này làm tựa để cho tập thơ có đến 50 bài do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2011:


   “Bói mưa”, khái niệm khá xa lạ trong đời sống nhân loại từ cổ chí kim, bởi bói là động thái tiên đoán tương lai, vận mệnh cho ai đó, thường được xem dưới khía cạnh tính tình và nhân cách, công danh công việc, tiền bạc và không kém phần quan trọng đó là tình duyên. Có nhiều công cụ, vật dụng để phục vụ cho “tiên đoán” ấy, tỷ như: bài tây, vân tay, hoa tay, truyện Kiều, quẻ, thẻ … nhưng “bói mưa” quả là phát hiện độc đáo trong cảm xúc mà Vũ Thảo Ngọc dành cho bạn đọc về “khái niệm” này. Rất có thể sự liên tưởng câu ca dao:“Trời mưa bong bóng thì phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”là cầu dẫn để Vũ Thảo Ngọc có câu mở đầu độc thoại trong buổi chiều mưa đầy hoài niệm: “Hạt mưa nào của đôi ta/Khi vui mình đã bói xa bói gần”.


    Cái trạng từ xa, gần trong sự độc thoại ấy của Vũ Thảo Ngọc đưa chúng ta hình dung về những ngày đầy hạnh phúc của đôi bạn trẻ trong cõi miên man của thương và nhớ: “Hạt thương rơi kẽ huyền cầm/Hạt nhớ nép lại lặng thầm mong manh”. Hẳn bạn đọc đồng cảm nhận đây là mối tình của một thôn nữ dịu dàng đậm sắc thái “xưa” với tâm trạng kín đáo “thầm yêu, trộm nhớ”, động từ “rơi kẽ”; “nép lại” đậm chất dân gian, không gian nông nghiệp như “đánh thức” một tình yêu đẹp, đằm thắm, trữ tình, nhưng ẩn chứa sự mãnh liệt chứa đầy nội lực qua tâm trạng “Lặng thầm mong manh” chỉ bằng một câu thơ tài hoa, độc đáo mà tác giả mang lại.

 

   Giống như sự yêu thích của con trẻ về trò chơi “trốn tìm”, tình yêu cũng có sức hấp dẫn không kém của trò “đuổi bắt ” mà cái lo âu, hồi hộp, sự thích thú như ma lực trong khoảng cách xa, gần, đầy ước vọng của sự lãng mạn: “Cả trời bong bóng long lanh/Trò chơi đuổi bắt vòng quanh rõ tròn”. Tình yêu đôi lứa trong sáng, tinh nghịch, có phần vô tư kia để rồi chính cái “bong bóng long lanh” mong manh dễ vỡ trước “đôi dòng xô nghiêng” qua sự “nhen lòng”. Ở đây một lần nữa, việc sử dụng ngôn từ đầy ý nhị của Vũ Thảo Ngọc đã khẳng định tài năng và độ chín “nghề” của chị. “Nhen” cũng có nghĩa là ghen đấy nhưng đó là cấp độ “vừa chừng” đủ chưng cất ngọn lửa ngọt ngào trong tình yêu đôi lứa. Chút ghen, chút giận, chút hờn, chất men gia vị của tình yêu để rồi buổi chiều mưa ấy“cầu mong bong bóng có đôi đừng thừa” không chỉ giới hạn khuôn khổ của tình yêu đôi lứa cụ thể mà rộng hơn là khát vọng “có đôi” để mọi sinh linh trên trái đất này có được hạnh phúc trong vườn hoa đầy hương và trái ngọt. Sự tiên lượng về “hạt mưa thưa” với cảm giác thảng thốt “vừa sang sông” sau cơn bão mà tác giả đã “chốt” bài thơ là câu thơ hay, một khoảng lặng chứa đựng cảm xúc đa chiều không chỉ bó hẹp của một tình yêu đôi lứa.

 

    “Bói mưa” bản tình ca hoài niệm xinh xắn, lung linh những hạt dân ca thẩm thấu lòng người.


Tác giả bài viết: Bùi Thế Bình

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: