Thứ bảy, 27/04/2024,


Tìm "Quả ngọt trong mùa "của Quang Huỳnh (04/08/2015) 


    Tập thơ“Mùa quả ngọt” của Quang Huỳnh đi tiếp mạch nguồn của tập thơ “Lá vẫn xanh”. Cả tập thơ như một bức tranh. Mà ở đó các mảng gam màu hết sức phong phú.


   Điều làm cho tôi bị cuốn hút, cuốn hút thật sự: đó là trên 100 bài thơ là một quá trình “Tìm quả ngọt trong mùa”!


   Mở trang thơ như lời giãi bày tấm chân tình với con người, với cảnh vật xung quanh:

 


“Mỡ màu từ đất tích gom
Hoa thơm trái ngọt thơm ngon tặng đời”
(Hoa và quả)


    Ta thấy lòng mình ấm áp: khi Thơ mang màu sắc ca dao dân tộc, giàu hình ảnh nhịp điệu tâm hồn, thật vậy:


“Dù ai tận đẩu tận đâu
Với duyên Quan Họ ,nhớ câu ...cùng về”
(Bén duyên quan họ)

“Thướt tha khăn xếp yếm đào
Dân ca Nam Bắc làm xiêu lòng người”
(Câu hát dân ca)


    Thơ Quang Huỳnh mang chân chất hồn quê với hương đồng gió nội, không cầu kì hào hoa, không hàm ngôn uẩn khúc. Hồn Thơ đưa ta về với cái thì vị , cái mộc mạc nơi thôn quê. Người đọc thân yêu hơn những điều bình dị mà thân thuộc, khi đọc những trang thơ giàu cảm xúc của anh:


“Tổ tiên như cũng hiện về
Cùng vui ngày tết thói lề xưa nay”
(Hương quê)


“Quê hương phong cảnh tuyệt vời
Mối tình chung thủy ngàn đời sắt son”
(Bạn của nhà nông )


“Mùi bùn theo suốt đời tôi
Tắm bùn suối khoáng nhớ mùi bùn quê”
(Thơm mãi mùi bùn )


“Sông quê bồi, lở, vơi đầy
Nhớ quê ta lại về đây với mình”
(Nỗi nhơ sông quê)


     Quang Huỳnh có lối viết thảnh thơi chậm rãi, khoan thai như một câu chuyện đời. Ở đó nỗi vấn vương, niềm mong nhớ giăng mắc, đan xen như một tấm dệt thổ cẩm nhiều màu sắc, một bức họa đồ đậm đà nét quê để mỗi người đi xa đều muốn hương về:


“Người về thỏa nỗi ước ao
Chắt chiu kỷ niệm quyện vào hồn thơ”
(Gom từng kỷ niệm)


“Viết về ngày trẻ dung dăng
Thương ai múc anh trăng vàng đổ đi”
(Hoài nhớ)


“Tìm đâu kỷ niệm xa xưa
Chỉ còn nỗi nhớ trong ta thở nào”
(Còn trong nỗi nhớ)


Và đối với Thơ :Quang Huỳnh cảm thấy như là duyên nợ :

“Đã rằng duyên nợ với thơ
Lòng luôn rộng mở đón chờ thi nhân”
(Duyên nợ với thơ)


   
Thơ Quang Huỳnh mang theo hơi ấm tình yêu, mang theo tâm tư của người con, người chồng, người cha đong đầy tình yêu và nỗi nhớ. Điều đó làm cho trang thơ thêm đẹp, đầy hình ảnh với những luyến lưu không dễ rời xa: 


“Bao năm khắc khải ước ao
Nhớ về người ấy chiều nào dưới mưa”
(Nhớ)


“Bà nuôi con nhỏ một thời
Già rồi chăm cháu một đời con thơ”
(Bà và cháu)


“Công mẹ cha,tựa biển trời
Ai ơi nhớ lấy trọn đời khắc ghi”
(Khắc ghi trọn đời)


“Con đi khắp bốn phương trời
Không quên công mẹ một đời vì con”
(Mẹ tôi)


   Và những vần thơ đậm đà nét quê ấy được Quang Huỳnh nâng niu, anh coi đó là duyên nợ, duyên nợ suốt đời... Một Quang Huỳnh có những bài thơ đẹp thứ ánh sáng của lòng hiếu thảo, sự tôn kính tình cảm máu thịt. Mỗi vần thơ cho ta càng xúc động về tình mẫu tử, thứ tình cảm thiêng liêng mà thật gần gũi.

  Thơ là thế! Yêu đấy, say đấy mà vẫn giữ được nét êm đềm với cả một tình yêu bốn mùa thay lá. Thơ anh dào dạt cảm xúc, giàu hình ảnh ...thể hiện được sự nồng nhiệt, đam mê đến cháy bỏng của một tâm hồn yêu thơ đến tha thiết:



“Ngày xuân ta gặp bạn hiền
Uống say cho thỏa nỗi niềm khát khao”
(Rượu xuân và thơ)


“Trên trời gió nhẹ mây bay
Dưới trần hoan hỉ mê say lòng người”
(Say lòng người)


“Em đi trẩy hội qua nhà
Ao dài duyên dáng trông mà dễ thương”
(Áo dài quê hương )


                                                                     “Mỗi năm chỉ có một phiên
                                                                Đến đây mua phúc, giải phiền người ơi”
                                                                                                  (Chợ Viềng)


   Ở cái tuổi lục tuần con đàn cháu đống: Quang Huỳnh cũng đã từng tham gia công tác trong kháng chiến chống Mỹ và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Anh có nhiều bài viết thành công về người lính (nhất là lính Trường Sơn), những bài viết về người lính đang ngày đêm cầm chắc tay súng giữ yên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ Quốc.


                                                                    “Hiến dâng đất mẹ xanh tươi
                                                             Trường Sơn huyền thoại sáng ngời ghi danh”
                                                                            (Huyền thoại Trường Sơn)


                                                                  “Dẫu bao giờ đến bao giờ
                                                       Trường Sa chỉ một bóng cờ vàng sao”
                                                              (Trường Sa chỉ một bóng cờ vàng sao)


    Đặc biệt về mảng Thơ trào phúng: Quang Huỳnh đã có những bài viết thể hiện sự bức xúc của đa số cộng đồng nhân dân:

                                                      “Trao nhầm tay lũ quan tham
                                              Hùa nhau phá phách nát tan công trình
                                                        Hỏi trời, trời chỉ làm thinh
                                               Hỏi đất, đất lại giật mình thế ư?”
                                                                             (Hỏi ai bây giờ)



    Trên 100 bài Thơ trong tập Thơ “Mùa quả ngọt” của Quang Huỳnh đã gửi gắm một tâm trạng, một khoảnh khắc giãi bày với người, với cảnh và với cả chính mình.


      Quang Huỳnh đã xuất bản tập Thơ “Lá vẫn xanh “, và giờ đây là tập thơ “Mùa quả ngọt”. Mạch nguồn thơ anh vẫn chảy theo thời gian và là nơi trao gửi nghĩa tình anh với cuộc sống, với tình đời!


     Hai tập thơ là cuộc hành trình, tâm hồn của một người đa cảm. Nhìn lại dọc hành trình Thơ anh thấy xuyên suốt một con đường sáng lên của ký ức, ánh sáng của giấc mơ và ánh sáng của khát vọng đời người!


Bình Đường ngày 14 tháng 2 năm 2014
Bùi Công Tháí

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: