Thứ ba, 19/03/2024,


Nhà thơ Đào Trọng đang "Tự tình" (19/04/2015) 


TỰ TÌNH

 


Đi qua muôn nẻo đường đời
Nay về tìm lại một thời còn không
Cuối chiều trời nghẽn cơn giông
Đầu đông cải đã trổ ngồng vàng mơ


Ngồi buồn gom những vẩn vơ
Giếng làng ai thả câu thơ lạc vần
Bởi ham mộng tưởng phù vân
Mà nay thành kẻ lưu thân xứ người


Đầu cành lộc chửa đâm chồi
Đã nghe chim sáo hót lời quả ngon
Bao năm xuống bể lên non
Bàn chân giẫm phải lối mòn ngày qua


Thương mình rồi lại trách ta
Cái gần thì mất cái xa thì còn

 

Đào Trọng

 

 

Giếng làng .....ai thả câu thơ lạc vần

 

   Nhà thơ Đào Trọng có duyên với thơ lục bát. Hồn thơ lục bát của anh mang hơi thở của miền ca dao nên dễ thấm vào lòng người đọc và có tính lan tỏa. Một trong những bài lục bát hay của anh là bài “Tự tình”.

 

  “Tự tình” là bài thơ anh viết về mình. Một câu chuyện kể về mình cho mình nghe, nhưng thực ra anh viết cho chúng ta, cho số đông, cho tất cả.

   

   Bài thơ gồm ba khổ, mỗi khổ có 4 câu và thêm vào đó là hai câu kết. Cấu tứ bài thơ vừa đủ để lột tả tâm trạng của kẻ xa quê ra đi tìm “mộng tưởng phù vân” nhưng không thành. Và sau đó, tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta nỗi niềm về quê hương.

 

   Khổ thơ đầu, Đào Trọng không giấu diếm những bước chân đã qua trên nẻo đường đời. Cho đến một ngày, ngày hôm nay trở lại mà như vẫn đi tìm…Tìm cái “còn không”. Lối tu từ của anh với hai con chữ “còn không” ở cuối câu thơ thứ hai tuy không mới nhưng thật tài hoa trong sự lựa chọn. Ở đây không phải anh đi tìm cái gì đó “có còn hay không?” mà nhà thơ đi tìm cả cái đã mất (hình như nhiều hơn) và cả cái đang còn (hình như đã hết)! Anh đi tìm những thứ ấy ở một địa danh, nơi anh đã xuất phát ra đi mà nay đành trở lại; Đó chính là quê cội, đó chính là Làng!

 

Đi qua muôn nẻo đường đời
Nay về tìm lại một thời còn không
Cuối chiều trời nghẽn cơn dông
Đầu đông cải đã trổ ngồng vàng mơ.

 

    Hai câu cuối khổ thơ, Đào Trọng đã xát lòng để viết. Những cơn dông ập đến với mây đen sầm sập thường xẩy ra vào lúc cuối chiều. Anh quan sát thật tinh tế để thể hiện một quy luật của thế giới tự nhiên về cơn dông vô hình trong lòng anh /cuối chiều trời nghẽn cơn dông/ và cái lạnh cuối năm được coi như đoạn gần chót của đời mình, tuy mới chớm đông mà cải đã trổ ngồng, sót lại cái sắc vàng yếu ớt trên bãi sông và chừng như có một nghịch lý xuất hiện /Đầu đông cải đã trổ ngồng vàng mơ/. Một màu vàng nhạt nhòa, một sự bế tắc không lối thoát. Tự nhiên ta liên tưởng đến câu xưa “cải bay về trời” mà thấy lòng đau trong khúc thơ Đào Trọng. Thời gian với những bước ngắn dài, cao thấp, xuống lên /Đi qua muôn nẻo đường đời/ Thời gian với chiều đã sắp chuyển sang đêm, với đầu mùa đông giá đã nhấn chìm cái tôi cô độc trong sự nghẽn tắc tâm tư và sự đơn lẻ trước thực tại:

 

Ngồi buồn gom những vẩn vơ
Giếng làng ai thả câu thơ lạc vần
Bởi ham mộng tưởng phù vân
Mà nay thành kẻ lưu thân xứ người.

 

  Nỗi buồn xâm chiếm tâm can nhà thơ. Những ý nghĩ mơ hồ xuất hiện. Ta hình dung ra trước mặt có ai đó đang quét những chiếc lá vàng rơi trong cơn gió xoáy. Anh ta cố dồn chúng lại một nơi…nhưng cơn xoáy đã thổi bùng chúng ra tứ phía.. Tác giả đã dùng từ “gom” để đi nhặt cái “vẩn vơ” . Vẩn vơ chuyện đời, chuyện cơm áo, chuyện mặn nhạt, thăng trầm trong cõi người, trong cõi mưu sinh….Nhưng tất tật chỉ là vẩn vơ. Mọi thứ cứ luênh loang trong tiềm thức, không được định hình, định dang.

   

    Câu thơ thật hay / ngồi buồn gom những vẩn vơ/ Thế và hình ảnh “giếng làng ” đánh động hồn nhà thơ, chắc là với mái tóc vương thơm hương bưởi, với vành nón lá nghiêng bên bờ giếng, với nụ môi và ánh mắt, với tấm áo non tơ, với những tiếng cười giòn tan của những cô gái làng duyên dáng…Nhưng đã qua rồi, đã biến mất, đã không bao giờ trở lại cho câu thơ trên trời thả xuống từ ai?…Câu thơ ấy vô hồn, mà nhà thơ đã xử lý bằng ngôn ngữ thơ “thật thơ /câu thơ lạc vần/. Hai câu cuối của khổ thơ thứ hai như nói đến luật “Nhân-Quả”. Khổ thay vì “ cái mộng phù vân” mà đã phải “lưu thân xứ người” như một “cõi tạm”. Mây tụ rồi mây sẽ tan – chính là “hồn cốt” trong giấc mộng phù vân ấy! Đọc thơ chợt ta bàng hoàng cho bao số phận.

 

     Cái hay của khổ thơ về cấu tứ là ở chỗ, khổ thơ cho phép ta hình dung ra đây là một bài thơ “tứ tuyệt” hoàn chỉnh, có “Đề, Thực, Luận, Kết” như một bài thơ Đường luật. Chỉ với 4 câu thơ lục bát nhà thơ Đào Trọng đã đánh động hồn người đọc ở tận nơi sâu thẳm nhất với nỗi đau im lặng cho mình ta với mỗi ta thôi! Một khúc tự tình chua chát và cay đắng cho số phận, tuy nhiên vẫn thấy như ngọt ngào đâu đó chạm vào môi ta …Đây là khổ thơ gói gọn cả một “bản tự kiểm” qua những bước thời gian xô lệch đời người và một không gian méo mó, vô hồn, chật chội.

 

Đầu cành lộc chửa đâm chồi
Đã nghe chim sáo hót lời quả ngon
Bao năm xuống bể lên non
Bàn chân giẫm phải lối mòn ngày qua.

 

     Hai câu đầu tác giả đã “ lên án ” chính mình nhưng đồng thời còn như là lời nhắn gửi! Cho đến phút này, cái “tôi” trong anh nhập vào cái “tôi” trong thơ một cách tự nhiên và “khúc triết”. Bielinxki, nhà phê bình văn học Nga Xô Viết đã viết “Thơ là một điệu hồn đi tìm đến những hồn đồng điệu” chính là đây! Đọc /Đầu cành lộc chửa đâm chồi/ Đã nghe chim sáo hót lời quả ngon/ ta thấy có ta trong đó, ta đang soi gương qua câu chữ là một thứ “nước thủy” hiện hình ta rõ nhất. Để khẳng định cái “giả định” trên, hai câu tiếp như là hành động cuối cùng của người thợ làm ảnh cho ta một bức chân dung của chính ta /Bao năm xuống bể lên non/ Bàn chân giẫm phải lối mòn ngày qua/. Lối mòn của người đi trước, của nhiều người đi trước và chính ta đã đặt chân lên…Một nửa chân lý giấu mặt và một nửa còn lại xuất hiện giả dối , trêu ghẹo. Câu thơ đau nhói con tim, thột trên da thịt ta mũi kim “thế sự”. Đến cuối khổ thơ thứ ba này, nhà thơ phủ nhận gần như hoàn toàn việc đi tìm “cái mới” qua cả một thời gian đằng đẵng với một kiếp người, để :

 

Thương mình rồi lại trách ta
Cái gần thì mất, cái xa thì còn

 

   Và rồi khép lại một khúc “tự tình” buồn. Hai câu kết bài thơ với cách đan từ thật đẹp. Đó là một công thức hoàn chỉnh, đánh giá cuộc đời trong sự lựa chọn hướng đi và sự nhập cuộc. Nó là một trường mở rộng trong Vật lý với những “gần, xa”, “mất, còn” của những va đập vật chất mà tồn tại sự tương tác trong “trường đời” về số phận những con người trên thế gian này!
Cảm ơn nhà thơ Đào Trọng cho tôi được đọc một áng thơ hay!


Lời bình  của Nhà giáo-Nhà thơ Nguyễn Trọng Liên-

Hội VHNT Thanh Hóa
 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trịnh Toại - tvtoai@gmail.com - 0983325625 - 19/70/11 Đông Khê, Ngô Quyền, HP  (Ngày 16/07/2015 22:57:11)

Xin cảm ơn Nhà thơ Đào Trọng với lục bát mượt mà ngọt ngào mà sâu cay, nói về mình mà rung động bao trái tim người đi xa quê, dù bất kể hoàn cảnh nào!
Cảm ơn NG- NT Nguyễn Trọng Liên đã làm sáng tỏ cái hay, nghệ thuật của bài thơ...giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn, vừa khái quát , vừa cụ thể hơn.

  Đào Trọng - daotrong1941@gmail.com - 0978.779.728 - 36 đường Dư Hàng-Lê Chân-Hải Phòng  (Ngày 20/04/2015 5:47:02)

Xin trân trọng cảm ơn ban biên tập và Trang thơ Ngọc Mai đã giới thiệu tlời bình của Nhà giáo,nhà thơ Nguyễn Trọng Liên về bài thơ Tự tình của Đào Trọng.Đây là một trong hàng chục bài lục bát của Đào Trọng được Báo Văn Nghệ đăng tải.Tuy bài này chưa thật sự là bài thơ hay nhưng cũng đã được bạn bè và nhiều người yêu mến ưa thích.Rất mong được sự góp ý chân tình của người đọc để Đào Trọng tôi rút kinh nghiệm học hỏi nhằm đáp ứng lòng yêu mến đối với dòng thơ lục bát truyền thống của dân tộc.

Các bài khác: