Thứ năm, 25/04/2024,


Hương quê còn đẫm giấc mơ giao thừa của Nguyễn Ngọc Hưng (01/03/2015) 

  HƯƠNG GIAO THỪA


      Đó là ba nén nhang thơm
Mẹ vừa thắp đỏ lơm rơm tỏa mùi

Đó là bếp lửa reo vui
Nước sôi lục sục dẻo bùi bánh chưng

               Bỗng nhiên bước gió ngập ngừng
Sẽ sàng mai nở rưng rưng cánh vàng

             Đem thời gian quện không gian
Cối trầu ngoại kể miên man nỗi niềm

            Ấm nồng náo nức trang nghiêm
Âm dương giao cảm nổi chìm thực hư

Từ tôi bão lửa bão từ
Mùi xuân cháy dở nhão nhừ tuổi thơ

         Người xưa mấy lớp sương mờ
  Hương quê còn đẫm giấc mơ giao thừa

Nguyễn Ngọc Hưng 

 

       Ngày mai mới 30 Tết, nhưng hình như, trong mỗi người năm nay, từ 20 trở đi, mỗi đêm là một giao thừa. Vào thời khắc mà trời đất đang dịch chuyển từ lạnh lẽo sang ấm áp, từ mưa giăng sang nắng tràn… lòng người cũng như dịch chuyển từ lo toan sang phấn khích. Trong cái không khí tưng bừng, hân hoan ấy, mình lại được đọc nhiều bài thơ hay của bạn. Hay đến nỗi, cứ muốn cầm ngay bút, ngồi bên máy để được chia sẻ, để được đàm đạo…Rồi, những lo toan mùa Tết như níu, như kéo, như lôi đi, ngập trong bánh mứt, thịt cá, hoa cảnh…

     Để rồi, giao thừa đã đến bên thềm mới cuống cuồng: Hình như mình lỗi hẹn rồi! Và…cái giao thừa lỗi hẹn này, mình lâng lâng nghĩ về bài thơ Giao thừa. (Nghe Hưng bảo, thực ra tên của nó là Hương giao thừa Và mình thích cái tên này hơn!). Như các bài thơ khác, bài thơ bộc lộ nhiều cung bậc tâm trạng của Hưng bằng nhiều sắc thái ngôn từ, để rồi từ đó người đọc cứ như bị hút theo không gì cưỡng được…

    Trước hết, mình rất thích nhan đề Hương giao thừa. Giao thừa là thời gian- một khái niệm trừu tượng. Vậy mà bỗng có hình hài, có hương sắc, thật gần gũi mà cũng thật thiêng liêng. Hương giao thừa cụ thể, điển hình nhưng lại rất vô hình, tổng quát. Thế mới hay, Ngọc Hưng đã rất tinh khi biến hóa ngôn từ để cái thân quen, trở nên hư ảo, để cái gần gũi trở thành thiêng liêng! Ôi, Hương giao thừa…là gì nhỉ…?!

                                                    “Đó là ba nén nhang thơm
                                              Mẹ vừa thắp đỏ lơm rơm tỏa mùi”

     Ngay ở hai câu đầu tiên, đã là cụ thể của hương giao thừa. Nhưng, cái hay ở câu thơ chính là từ “lơm rơm”. Không chỉ khắc tả được ánh sáng từ nén hương, mình còn hình dung ra dáng mẹ, còn thấy thoang thoảng mùi trầm. Cái chính là mình thấy hiện ra một không khí thật trang nghiêm, thật cung kính, thật ấm áp…Cái không gian đoàn viên, sum họp của gia đình, của âm dương theo hương thơm lan tỏa, quấn quýt, vấn vương bên Hưng, để Hưng cứ chờn vờn, bâng khuâng mãi.

    Theo chân người mẹ, Hương giao thừa của Ngọc Hưng là bếp lửa:

                                                    “Đó là bếp lửa reo vui
                                             Nước sôi lục sục dẻo bùi bánh chưng”

    Từ “ lục sục” cũng thật hay nữa! Không chỉ diễn tả đúng âm thanh nồi bánh chưng đang sôi trên bếp lửa mà còn gợi cho mình không khí vui vẻ, quây quần bên nồi bánh chưng đêm giao thừa. Cả cái không gian no ấm, đủ đầy để dẻo bùi với bánh chưng, để reo vui cùng bếp lửa. Hương giao thừa từ bếp lửa vì thế không chỉ ngai ngái mùi củi lửa, không chỉ thơm dẻo mùi bánh chưng mà hơn thế là hương của hạnh phúc.

     Và đây, Hương giao thừa đang nhè nhẹ, khe khẽ:

                                                     “Bỗng nhiên bước gió ngập ngừng
                                             Sẽ sàng mai nở rưng rưng cánh vàng”

     Mặc dù ở câu thơ này, nhà thơ dùng liên tiếp ba từ láy, nhưng mình lại thích từ “rưng rung”! Cánh hoa mỏng manh trong gió xuân như cũng tình ý, như cũng xao xuyến. Hay tâm tình nhà thơ đang mường tượng, nhớ nhung, đang ước mơ, khao khát. Hình ảnh “mai nở rung rung cánh vàng” vì thế trở nên gợi hình, gợi cảm hơn bao giờ hết. Và hình ảnh ấy cũng trở nên lung linh, ngời sáng, ấm áp, thơm tho như hương thơm, như bếp lửa vậy!

     Cũng bắt đầu từ đây, nhà thơ đăm đắm với quá khứ:

                                                      “Đem thời gian quện không gian
                                             Cối trầu ngoại kể miên man nỗi niềm”

    Cái “nỗi niềm” thời gian, không gian quyện trong những câu chuyện xưa nay có khi không đầu, không cuối, trong tiếng quết trầu của ngoại đã trở thành Hương giao thừa thật đặc biệt. “Miên man” không chỉ ở câu chuyện người già mà còn là trăn trở, ám ảnh của con cháu. Để rồi, bây giờ…

                                                      “Người xưa mấy lớp sương mờ
                                            Hương quê còn đẫm giấc mơ giao thừà”

   Câu kết của bài thơ vừa thực vừa mơ, vừa cụ thể lại vừa khái quát. Hương giao thừa là nén nhang thơm nối âm - dương cách biệt, là bếp lửa reo vui nối đêm đen - ánh sáng, là cánh mai vàng nối chủ thể - khách thể, là câu chuyện kể nối quá khứ - hiện tại với tương lai, là hương quê nối giấc mơ - hiện thực. HƯƠNG GIAO THỪA cũng là tiếng lòng của Nguyễn Ngọc Hưng: Nhớ về quá khứ, trân trọng, nâng niu hiện tại nhưng cũng luôn khao khát một giao thừa đoàn viên, ấm cúng. Không dám làm một nhành mai, không thể làm một bếp lửa, chỉ mong là một câu chuyện nhỏ trong đêm giao thừa của Hưng và các bạn qua bài viết đồng tâm cộng cảm này!

                                                                    Hương Thủy.  

                                                                                                    

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: