Thứ sáu, 26/04/2024,


Nhà thơ Phạm Trọng Thanh: Thơ lục bát phải mang phẩm chất thời đại (08/10/2013) 

Vừa qua nhà thơ Phạm Trọng Thanh, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, nguyên Trưởng bộ môn thơ Hội VHNT Nam Định đã đoạt giải thưởng “Lục bát trăng bạc” trong cuộc thi thơ lục bát mang tên “Tổ quốc và đạo pháp” do Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, báo Người cao tuổi và Website lucbat.vn phối hợp tổ chức. Nhân dịp này website Văn nghệ Nam Định đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Phạm Trọng Thanh xoay quanh chủ đề về thơ lục bát. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
* Thưa nhà thơ Phạm Trọng Thanh! Được biết vừa qua nhà thơ mới đoạt giải thưởng “Lục bát trăng bạc” trong cuộc thi thơ lục bát mang tên “Tổ quốc và đạo pháp” do Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam và một số cơ quan truyền thông đồng tổ chức. Vậy xin ông cho biết cảm nghĩ của mình về cuộc thi cũng như khi ông được nhận giải thưởng “Lục bát trăng bạc” này?
 
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh: Cuộc thi thơ lục bát "Tổ quốc và Đạo pháp 2012-2018" là một cuộc thi hay về ý tưởng, sâu sắc về đề tài. Tôi có 2 bài viết trước đó, gửi dự thi. Bài Thi khúc Bình Định được trao giải bạc. Cùng nhận giải bạc với tôi, ở thành phố Nam Định còn có tác giả Lại Quang Phục với bài Không gian thiền, rất xứng đáng được giải.
 
* Từ bao đời nay thơ lục bát đã luôn hiện hữu trong đời sống của nhân dân lao động, đã thấm vào trong từng tâm hồn người Việt Nam với những câu ca dao và những lời hát ru của bà của mẹ. Tuy nhiên, ở xã hội công nghiệp hiện đại ngày nay với các loại hình nghệ thuật đa dạng khác đang phát triển mạnh mẽ thì theo ông thơ lục bát có vị trí như thế nào trong đời sống xã hội hiện tại?
 
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh: Cần khẳng định rằng lục bát là thể thơ dân tộc có vị thế đáng kể trong trong văn học dân gian, văn chương bác học Việt Nam mấy thế kỷ qua. Vị thế của Lục bát Việt Nam giống như Haiku của người Nhật, Rubai của người Ba-tư, thơ Đường luật của người Trung Hoa... nhiều người cho là như vậy. Giờ đây, hình như chỉ còn Haiku, Lục bát vẫn tiếp tục hành trình nơi các thể thơ này sinh trưởng. Thơ lục bát nằm trong điệu thức "nhịp nhàng riêng" (chữ của cụ Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam) trong tâm hồn Việt từ Nam chí Bắc, từ xưa đến nay với bao nhiêu vùng miền dân ca, với ngần ấy câu hò điệu ví mà thể thơ sáu tám là nền tảng ca từ của nhiều khúc thức. Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi/ Hồn thiêng trời đất đã ngồi bên con (Huy Cận). Ngôn ngữ đơn âm đa thanh - tiếng Việt - là mạch nguồn cho các thể thơ trọng vần điệu. Riêng lục bát còn có cái duyên thầm nền nã để người ta dễ thuộc, dễ nhớ. Lục bát chỉ có thể hình thành và phát triển từ tiếng Việt.
Tuy nhiên, "ở xã hội công nghiệp hiện đại ngày nay", thời "@" và vệ tinh viễn thám, các cuộc hội ngộ, giao lưu, những "va đập" giao thoa của các nền văn hoá đa sắc tộc, cùng sự phát của các thể loại nghệ thuật mới trong một "thế giới phẳng" là vô cùng phong phú. Văn hoá đọc cơ hồ thu hẹp lại khi các loại hình "nghe, nhìn" ráo riết cạnh tranh, phô diễn, tiếp cận, áp sát đến từng người. Không thể áp đặt một thứ "lập trình" nào đó vào nhu cầu của mỗi người trong thế giới náo động này. Vì lẽ đó, văn học nghệ thuật không thể dẫm chân tại chỗ. Thơ trong đó có thể lục bát cần phải tự khẳng định bằng chính nội lực của mình mới mong đồng hành cùng bạn đọc.
 
* Với bản thân ông thì thơ lục bát đã mang lại gì cho sự nghiệp sáng tác văn học của mình?
 
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh: Tôi học làm thơ vì yêu thơ từ thuở bé. Nhà có một tủ sách nhỏ, tôi đọc và thuộc Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều nhiều hơn cả. Khi rảnh việc, thầy tôi thường ngâm nga những câu trong Đại Nam Quốc sử diễn ca: Kể từ giời mở Viêm Bang/ Sơ đầu có họ Hồng Bàng mới ra/ Cháu đời Viêm đế thứ ba/ Nối dòng Hoả Đức gọi là Đế Minh... nghe thiêng liêng như có linh khí đất nước trong ngọn gió của lịch sử thổi về qua những câu lục bát diễn ca kinh điển này. Tôi cũng đọc các truyện thơ lục bát khuyết danh và nhận ra những bài học về đạo lý dân gian bao đời có trong những truyện thơ này. Nghe mẹ ru em bên chiếc võng đay mà cứ rưng rưng thương cảm: Trèo lên cây khế nửa ngày/ Ai làm chua xót lòng này khế ơi... Cái bống đi chợ Cầu Canh/ Con tôm đi trước củ hành theo sau/ Con cua lạch đạch theo hầu/ Cái chày rơi xuống vỡ đầu con cua... Những thân phận nào đây đã ký thác vào lời ru mẹ để nhớ suốt đời...
Tháng 8-1964, tôi có bài thơ lục bát đầu tay Biển trời ta đó... ra mắt các bậc đàn anh ở thành phố Nam Định. Bài thơ cổ động viết kịp thời, hưởng "cuộc vận động sáng tác thơ ca chống Mỹ" do Ty Văn hoá Nam Định phát động ngay sau "sự kiện vịnh Bắc Bộ", ngày 5-8-1964. Tại ngôi nhà hai tầng có từ thời Pháp, đầu đại lộ Trần Hưng Đạo, kề bến Đò Quan (nay vẫn còn), cuộc họp công tác viên thời chiến đã được tổ chức vào buổi tối. Tại đây tôi được gặp nhà thơ Nguyễn Bính (năm ấy ông là cán bộ biên tập của Phòng Sáng tác Ty Văn hoá) cùng các cán bộ của Ty, các cây bút của tỉnh. Rồi cuộc thi sáng tác thơ "Toàn dân chống Mỹ" được phát động chỉ trong 3 tháng. Trong bài tổng kết đăng báo, nhà thơ Nguyễn Bính biểu dương "một vụ lúa ba trăng bội thu". Anh Hoàng Trung Thuỷ giải Nhất, với bài Những chàng trai. Anh Nguyễn Hữu Tình, giải Nhì với bài Đêm phát động toàn dân chống Mỹ, anh Nguyễn Đức Mậu giải Ba với bài Lũy tre làng. Tôi có bài Khúc hát lên đường được trao giải Khuyến khích. Nhưng sau đó trong cuộc thi sáng tác "Hai năm cách mạng thuỷ lợi" do Ty Văn hoá Nam Hà (hai tỉnh Nam Định, Hà Nam sáp nhập tháng 4-1965) tổ chức, có nhà thơ Nguyễn Bính tham gia Hội đồng giám khảo, tôi được trao giải Nhất với bài thơ Gặp em, đây là một bài thơ tự do... Anh Vũ Quốc Lập ở Trực Ninh đồng giải Nhất với bài Dặn con trong cuộc thi này.
Thơ lục bát trong hành trang của những cây bút trẻ chúng tôi ngày ấy hầu như ai cũng viết, có những câu còn nhớ: Anh về bận cuối mùa dưa/ Em quàng khăn đỏ tóc vừa chấm vai/ Mà nay cái dáng mảnh mai/ Đỡ trên tay cả tuyến dài đường trong (Thăm em gái mở đường hoả tuyến - Phạm Như Hà); Có ai trực chiến lưng trời/ Đứng bên cây sở tháng mười làm hoa/ Đâu rồi nắng lửa mưa sa/ Chìm trong hương lúa quê nhà em đây... (Phương Nhi quê núi - Phạm Trọng Thanh); Gửi từ bãi sú cho em/ Chùm hoa hái giữa bốn bên cát lầy/ Nghe mùi hương thoảng trên tay/ Lẫn trong vị muối rắc đầy không gian (Gửi từ bãi sú - Trần Đắc Trung); Hỡi mình day dứt khóc cười/ Trái tim thành thật hát lời trái tim/ Quản bao thao thức tàn đêm/ Lẽ đâu dễ đổi nỗi niềm vu vơ (Sân khấu vùng quê - Nguyễn Hữu Tình); Tám khoa đỗ một Tú tài/ Mà con cú đậu cành mai ghẹo người... (Trăm năm với một người thơ - Vũ Quốc Ái)...
Thơ lục bát của tôi có những thành công còn rất khiêm tốn. Trong các tặng thưởng, giải thưởng thơ của báo chí ở Trung ương mà tôi được nhận, có 4 bài thơ lục bát: Anh hề con gái, Con đường rắc vỏ trấu vàng, Hạ chí- Ngày dài, Thi khúc Bình Định. Thơ lục bát của tôi có bài được chọn in vào sách giáo khoa (phần đọc thêm) cách đây nhiều năm; mấy bài có trong vài ba tuyển tập do các nhà xuất bản Trung ương ấn hành. Thơ lục bát Phạm Trọng Thanh cũng có trong một số buổi phát thanh văn nghệ đài Tiếng nói Việt Nam tiết mục Tiếng thơ, trên các trang mạng như: lucbat.vn, vanghenamdinh.com.vn... và tác giả nhận được những lời động viên từ những người ưu ái. Hôm nay, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành với những bạn viết và bạn đọc chí tình, ban biên tập và các nghệ sĩ ngâm thơ đài Tiếng nói Việt Nam, các tác giả  phê bình văn học, ban biên tập lucbat.com, Website Văn nghệ Nam Định, Blog Trần Mỹ Giống... đã động viên, giới thiệu Thơ Phạm Trọng Thanh thời gian qua.

 
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh trong vai trò giám khảo một cuộc thi thơ

 


* Ông đánh giá như thế nào về trào lưu sáng tác thơ lục bát trong thời gian qua của giới văn chương cả nước nói chung và ở Nam Định nói riêng?
 
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh: Điều kiện làm việc và sức khoẻ không còn như thời gian trước đây khiến tôi không thể có cái nhìn tổng quan sự phát triển của trào lưu sáng tác thơ lục bát một cách tường minh. Hãy thể tất cho những nhận định cá nhân từ một góc nhìn hạn hẹp... Tôi thấy thơ lục bát bây giờ bùng nổ về số lượng, đến mức khó mà đọc xuể... Các câu lạc bộ thơ lục bát xuất hiện, hoạt động rất bài bản. Như vậy nỗi lo về sự "thất truyền" thể thơ dân tộc không còn hiện hữu. Trong phong trào "chấn hưng lục bát", tôi thấy có những sáng tác của những cây bút mới khá ấn tượng. Miền Bắc, miền Trung, miền Nam... mỗi "miền lục bát' có những sắc thái riêng rất đáng để ta hy vọng. Tuy nhiên, cần chú ý đến "hiện tượng" những bài chưa thể gọi là thơ lục bát cũng đăng đàn, gây nhàm chán cho bạn đọc, làm nhiễu ít nhiều tới một dòng thơ truyền thống vốn được yêu mến, nể vì.
Từ năm 2000 đến nay, các cuộc thi sáng tác thơ lục bát nối tiếp nhau được phối hợp tổ chức giữa báo Văn nghệ, báo Gia đình & Xã hội, báo Người cao tuổi, tạp chí Văn nghệ Quân đội... với sự xuất hiện những cây bút triển vọng ở Ninh Bình, Điện Biên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hoá, Quảng Nam, Lâm Đồng, Kiên Giang, thành phố Hồ Chí Minh... trong đó, có những tác giả đoạt giải cao gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. Như thế họ "khởi nghiệp" từ thơ lục bát đấy chứ.
Trong giới văn chương nước ta... thời gian qua, xin kể qua theo sự đọc còn chưa đầy đủ của tôi với các nhà thơ xuất hiện từ thời "chống Mỹ". Tôi thấy có những bài lục bát hay trong các tập thơ của Định Hải (thơ thiếu nhi), Quang Huy, Lê Đình Cánh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Trúc Thông... Anh Nguyễn Duy thành thục, giọng điệu linh hoạt, tài tình. Anh Trần Mạnh Hảo tươi mới, uyển chuyển, tài hoa. Các anh chị khác, mỗi người một vẻ. Nhiều câu lục bát có sự gia tăng về độ hàm súc, sức liên tưởng, khái quát, dư vị đậm đà, đắc ý hơn, thi liệu, hình tượng thơ phong phú, đa chiều và rất "thời đại".
Các tác giả thế hệ sau 1975, tôi nể trọng bút lực lục bát của các nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Thu Nguyệt, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hữu Quý, Bình Nguyên... mỗi người mỗi vẻ. Họ đang sung sức.
Ở Nam Định, thơ lục bát của các anh Nguyễn Hữu Tình, Thế Hùng, Phạm Trường Thi, Trần Đắc Trung, Đỗ Phú Nhuận, Bình Thanh... cũng có những bài rất ý vị. Các bạn trẻ hội viên lớp sau, có Nguyễn Thế Kiên chuyên tâm lục bát hơn cả. Tập thơ "Gọi hồn quê" của tác giả này vừa được nhận giải C- Giải VHNT Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định lần thứ VI (2006-2010), trong đó, thơ lục bát chiếm số lượng áp đảo. Cũng vừa qua, tình cờ có người cho mượn tuyển tập "Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam" do nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm biên soạn - dịch thuật - tuyển chọn, tái bản lần thứ VI, tôi thấy có một số tác giả hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định góp mặt. Thơ Bùi Đức Vinh được chọn 20 câu, trong đó, có 8 câu thơ lục bát, xin dẫn ra đây 4 câu: Một mình mắc nợ cơn mưa/ Người oằn lưng gánh cái chưa muộn màng/ Ngược đò thì khách quá giang/ Sao con sóng lại vỗ ngang ngày về... (Ngày về - Bùi Đức Vinh). Tác giả Trần Thị Bích Liên cũng có 4 câu thơ vào tuyển tập này: Cho em mượn sợi tơ trời/ Làm dây buộc nón cho đời đỡ nghiêng/ Có quai nón đỡ chung chiêng/ Em không chồng… khổ nỗi riêng… không chồng… (Chạnh lòng - Trần Thị Bích Liên). Trong các tập thơ mà tôi được đọc của tác giả khác ở Nam Định, thơ lục bát cũng "nẩy nhành xanh ngọn", nhiều bài thật sự là thơ lục bát.
 
* Hiện nay thơ lục bát được một số các tác giả khi sáng tác đã cố tình làm mới đi bằng những biến thể khác nhau. Có những bài lục bát viết liền vào nhau như văn xuôi, lại có những bài được tác giả ngắt dòng rời ra thành hai chữ, ba chữ… Theo ông thì xu thế sáng tác đó liệu có làm mai một đi cái bản sắc vốn có của thơ lục bát thuần túy?
 
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh: Là thể thơ trọng vần điệu, lục bát không còn là lục bát thuần tuý khi nó bị phá cách đến mức biến tướng, đến mức "khổ độc" (khó đọc). Hãy xem cụ Nguyễn Du xử lý các "tình thế" lục bát trong truyện Kiều, khi nhẹ nhàng trong trẻo, phơi phới: Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng... Câu thơ nước kiệu sóng nhau đôi một khi Thúc Sinh Được lời như cởi tấc son/ Vó câu thẳng ruổi nước non quê người; khi "dằn giọng" để khắc hoạ tình huống và tính cách nhân vật, đoạn Kiều buộc phải cầm đàn hầu rượu vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn Thư: Tiểu thư lại thét lấy nàng/ "Cuộc vui gảy khúc đoạn tràng ấy chi? Sao chẳng biết ý tứ gì/ Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi!". Các từ mang thanh trắc ở câu lục đột ngột gia tăng (chẳng biết ý tứ) làm tăng thêm sắc thái biểu cảm. Khi cần "bẻ câu thơ làm 3", cụ Nguyễn Tiên Điền cũng chẳng phải lên thang hoặc nhảy bậc xuống dòng mà hiệu quả nghệ thuật vẫn y nguyên: Kiếp hồng nhan có mong manh/ Nửa chừng xuân / thoắt / gãy cành thiên hương (Truyện Kiều)...
Gần đây một người bạn thơ gửi cho tôi một bài thơ lục bát viết nhanh kiểu phóng bút. Tôi ngỡ ngàng khi thấy một vị thạc sĩ mà lại hiệp vần lục bát thế này: Nhớ em anh đứng một mình/ Hồ chao thêm sóng tâm tình rối tinh... Trong thư phúc đáp người bạn quý, tôi có viết rằng sao ông lại bắt câu tám phải gánh hai vần "inh" ở cuối câu như vầy, hả giời?! Đây là một lỗi nặng bị "phạt thẻ vàng" trong thơ lục bát đấy! Không tin, ông thử hỏi cụ Nguyễn Tiên Điền xem có đúng như vậy không! May sao bạn tôi là một ông giáo, đã nhận ra và cười xòa... xí xoá cái lỗi sơ đẳng ấy. Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, sau đó, chúng tôi cùng nhau "phát hiện" ra 2 trường hợp cũng bị trùng vần kiểu ấy trong hai bài lục bát dự thi của 2 tác giả trên trang thơ một tạp chí, trong đó có một nhà thơ... Lạ thế!
 
* Trong số những cây bút trẻ có sáng tác thơ lục bát ở thời điểm hiện tại thì những tác giả nào gây ấn tượng với ông nhất?
 
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh: Thời gian qua, trên thi đàn lục bát toàn quốc, có những cây bút trẻ mới xuất hiện. Ta có thể kể ra như các tác giả Khúc Hồng Thiện, Hoàng Anh Tuấn, Võ Thị Phương Thúy… Đọc họ một đôi lần, dễ dàng nhận ra họ có thực tài, biết tôn trọng bạn đọc, không viết ẩu. Xin được chờ đợi thêm... Còn trong bộ môn thơ Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định, tôi thấy có tác giả trẻ Nguyễn Thế Kiên "kienlucbat" rất ấn tượng...
 
* Theo ông thì điều gì cần thiết để chúng ta có thể gìn giữ, bảo tồn thơ lục bát để nó còn mãi trong đời sống xã hội, cũng như trong nền văn hóa của dân tộc?
 
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh: Trong dòng chảy văn học chính thống, tôi nghĩ thơ, trong đó, có thơ lục bát sẽ vẫn tồn tại. Mai đây, chắc hẳn, thi đàn Lục bát sẽ có những cuộc tuyển hiền sâu sắc với cả người làm thơ lẫn người thưởng thức. Còn với các loại hình diễn xướng gồm dân ca, chèo, tuồng... Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay (Đào Tấn)... mà lục bát không thể vắng mặt, cái cần được nâng cao cũng vẫn là chất lượng. Phải hay, phải mang phẩm chất thời đại, phải "hữu xạ tự nhiên hương"...
 
* Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này!
 
                                          Văn nghệ Nam Định thực hiện

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Dương Hoàng Hữu - daituyphong@gmail.com - 01244635595 - Tuy Phong, Bình Thuận  (Ngày 11/10/2013 14:26:57)

Trước hết tôi xin cám ơn bạn Phan Nho Quế thông tin lại thắc mắc của tôi. Tôi vội đi tìm vào google và được dẫn đén link http://lucbat.com/news.php?id=9260 thì có tin chung kết trao giải. Trước giờ tôi xem trện TC SH, VNQĐ nhưng không đọc thấy tin này mà đáng ra nó rất nổi bật, hot chứ. Vậy tôi chân thành xin lỗi BTC, quí báo về thiếu sót của mình.

  Phan Nho Quế - huonghuyen@gmail.com - 0983966968 - Hội VHNT tỉnh Quảng Trị  (Ngày 09/10/2013 20:21:30)

Cuộc thi thơ lục bát do VNQĐ và tc SH tổ chức không hiểu sao đã thất bại vì không tổng kết trao giải, mà cũng đã gia hạn một lần vẫn không đạt kết quả (số lượng tham gia? chất lượng bài thơ?). Thất bại của cuộc thi do 2 tạp chí văn học lớn tổ chức cũng là thất bại của lục bát những năm đó ? Bạn Dương Hoàng Hữu nói lạ thật, cuộc thi đã tổng kết và trao giải rất hoành tráng và biên tập viên Vũ Thiên Kiều đã đạt giải mà. Thơ Vũ Thiên Kiều thật là lục bát mẫu mực, đọc lên hiểu và cảm nhận được ngay.

  Dương Hoàng Hữu - daituyphong@gmail.com - 01244635595 - Tuy Phong, Bình Thuận  (Ngày 09/10/2013 6:36:29)

Từ năm 2000 đến nay, các cuộc thi sáng tác thơ lục bát nối tiếp nhau được phối hợp tổ chức giữa báo Văn nghệ, báo Gia đình & Xã hội, báo Người cao tuổi, tạp chí Văn nghệ Quân đội...(trích bài trên)

Cuộc thi thơ lục bát do VNQĐ và tc SH tổ chức không hiểu sao đã thất bại vì không tổng kết trao giải, mà cũng đã gia hạn một lần vẫn không đạt kết quả (số lượng tham gia? chất lượng bài thơ?). Thất bại của cuộc thi do 2 tạp chí văn học lớn tổ chức cũng là thất bại của lục bát những năm đó ? Nhưng thật ra người làm thơ lục bát ngày càng nhiêu , nói như nhà thơ PTT là đọc không xuể. Có lẽ lucbat.com sẽ là nơi đất lành chim đậu để tìm ra ngày càng nhiều những bài tho lục bát xứng tầm

Các bài khác: