Thứ sáu, 03/05/2024,


Thơ Đường dịch thể Lục bát (22/12/2008) 

 

Tác giả Tôn Thất Uẩn

(Với sự cộng tác của nhà thơ Hoài Châu)

 

      Ngày xưa ở nước ta, những vị sính thơ đều thích đọc thơ Đường mà các cụ cho là hay hơn cả trong nền thi ca Hán văn. Ngày nay, muốn biết cái hay, cái đẹp của Đường thi, phần đông chúng ta phải tìm qua những bài dịch; cũng may, nhờ các bản dịch có giá trị của Phan Huy Vịnh, Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Nhượng Tống, Nam Trân v.v... và trội hơn hết là gần trăm bài dịch của Tản Đà, chúng ta cũng có thể biết được thế nào là cái thú đọc thơ Đường.

 

     Không phải ngẫu nhiên mà thi ca đã đạt được thành tựu rực rỡ nhất trong văn học đời Đường mà đó là nhờ ở tác dụng của những điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội vào thời ấy. Lịch sử phát triển của thi ca đời Đường được chia làm bốn thời kỳ: Sơ, Thịnh, Trung và Vãn Đường. Thời kỳ Sơ-Thịnh,  chính trị ổn định và xã hội phồn vinh đã thúc đẩy sự phát triển và truyền bá các thể loại văn học (đặc biệt là thơ) đồng thời kích động hứng sáng tạo của các nhà thơ. Mặt khác, tình hình xã hội rối ren vào cuối Thịnh Đường và nhất là Trung-Vãn Đường khiến các nhà thơ chú tâm vào tình trạng xã hội và cuộc sống; chiến tranh triền miên làm cho dân chúng phải lâm vào cảnh điêu linh, khốn khổ, do đó, chiến tranh và hậu quả của nó đã trở thành một trong những đề tài chủ yếu và loại thơ tự sự, trước ít được chuộng, nhờ vậy đã phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ này. Trên phương diện thượng tầng kiến trúc, có nhiều điều ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của văn học nói chung và thơ nói riêng. Ở đời Đường, Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo đều hưng thịnh; dù đôi khi có sự thay đổi về thứ bậc tùy sở thích của các bậc vua chúa, tuyệt không có sự bài xích lẫn nhau là “dị giáo” giữa các tín đồ của tam giáo. Nhờ vậy, nếp suy nghĩ của các nhà thơ, các sĩ phu được cởi mở, không bị câu thúc bởi những giáo điều cứng nhắc. Và do đó, thơ đời Đường đã có cùng lúc một “thánh thơ” Đỗ Phủ, một “tiên thơ” Lý Bạch, một “phật thơ” Vương Duy. Một điều nữa là vào đời Đường, thơ đã chiếm một địa vị quan trọng trong chế độ thi cử để chọn quan chức, do đó, đã có một cao trào học tập sáng tác thơ trong hàng ngũ sĩ tử khiến cho thơ ngày càng phát triển. Sau hết, thơ Đường còn được thừa hưởng cả một quá trình phát triển lâu dài của ngành thơ Trung Hoa. Tinh thần của Kinh Thi, Khuất Nguyên, của thơ nhạc phủ, ... phong cách của dân ca Nam và Bắc triều, những lý luận, cách thẩm định thơ của Chung Vinh, Lưu Hiệp, ... đều được các nhà thơ, các nhà lý luận đời Đường kế thừa một cách linh động và sáng tạo.

 

     Tuy nhiên, nói về sự thành tựu của thơ Đường mà không nhắc đến vai trò của các đại thi hào như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Bạch Cư Dị v.v... thì quả có điều thiếu sót. Những gì được trình bày trên đây là những yếu tố ảnh hưởng tốt đẹp đến sự phát triển của thơ Đường.

 

     Nhưng đưa thơ Đường lên đến tuyệt đỉnh đó chính là nhờ ở sự đóng góp của từng cá nhân các vị kể trên. Sở dĩ như vậy vì họ có tư tưởng phóng khoáng, chân trời kiến thức rộng mở và khi cần, có thể vượt khỏi lối suy nghĩ, cách nhìn thường hữu để tìm những hướng đi mới, những nguồn cảm hứng mới khiến cho vườn thơ đời Đường luôn luôn có thêm kỳ hoa dị thảo. Điển hình là nhà thơ Lý Bạch. Nhiều người cho rằng tư tưởng chủ đạo của ông là Đạo giáo; nhưng có người cho đó là tư tưởng Nho giáo; người khác lại cho là tư tưởng Pháp gia và cũng có người cho là tư tưởng Phật giáo (lý do là những bài thơ nhuốm mùi thiền của Lý Bạch còn nhiều hơn của Vương Duy). Nói cách khác, tài năng của Lý Bạch đa diện, diện nào cũng đặc sắc, độc đáo như nhau, không ai sánh kịp. Cho nên, câu nói “Lý Bạch chính là Lý Bạch” của một học giả đã được nhiều người tán đồng.

 

     Vị thứ hai là “thi thánh” Đỗ Phủ, người mà Nguyễn Du đã từng tôn xưng là bậc “Thiên cổ văn chương thiên cổ sự”. Cho đến cuối thời kỳ Thịnh Đường thơ Đỗ Phủ, sáng tác trong hoàn cảnh một xã hội phồn vinh, phần lớn mang tính chất phóng khoáng, tươi sáng và lạc quan. Nhưng bắt đầu từ thời kỳ Trung Đường, xã hội rối ren, nhân dân điêu linh khốn khổ khiến các nhà thơ, vốn giàu tình cảm, không thể không chú ý đến cuộc sống của người dân. Đây chính là cơ hội để Đỗ Phủ đưa tự sự, thời sự và nghị luận vào thơ - đặc biệt là thơ tứ tuyệt.

 

     Với tinh thần ấy, Đỗ Phủ đã viết những vần thơ đầy nhiệt huyết để nói lên nỗi khổ của người dân. Thơ Đỗ Phủ, sáng tác trong thời kỳ này, đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong quá trình phát triển thơ Đường. Thơ Đường đạt tới đỉnh cao trong ngành thơ là nhờ ở những tài năng xuất chúng như Lý Bạch, Đỗ Phủ v.v...; giả thử không có họ thì chắc gì thơ Đường đã trội hơn cả trong toàn bộ thi ca Hán văn.

 

     Thơ Đường có một sắc thái đặc thù, đó là mối quan hệ giữa thơ và các ngành nghệ thuật khác. Vào thời đó, các ngành nghệ thuật như âm nhạc, vũ đạo, hội họa, thư pháp (nghệ thuật viết chữ), v.v... đã rất phát triển và chắc hẳn đều có tác dụng nâng cao khiếu thẩm mỹ của các nhà thơ. Đặc biệt có mối quan hệ khăng khít giữa hội họa và thi ca. Nhiều nhà thơ cũng đồng thời là họa sĩ, chẳng hạn như thi hào Vương Duy; nhiều bức họa của ông - nhất là họa phá mặc sơn thủy - đến nay vẫn còn được truyền tụng. Nói về Vương Duy, Tô Đông Pha, một danh sĩ đời Tống, đã có câu “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” ( trong thơ có họa, trong họa có thơ). Cũng do mối quan hệ đó mà hội họa còn có tên gọi là “vô thanh thi” (thơ không tiếng).

 

     Một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của thơ Đường là sự xuất hiện của thể thơ “thất ngôn luật thi”. Thể luật thi là thể thơ bó buộc về niêm luật, âm vận và cả cách đối ngẫu nữa bằng những qui tắc phức tạp, câu thúc nhà thơ khi sáng tác. Nhưng thi nhân đời Đường đã vận dụng những qui tắc ấy một cách tài tình để tạo ra những vần thơ tuyệt diệu. Ngay chỉ riêng với thể thơ thất ngôn luật thi, đời Đường cũng đã tạo nên một thời đại thi ca sáng chói trong lịch sử văn chương Trung Hoa. Thơ thất ngôn luật thi chiếm đa số trong hàng trăm nghìn bài thơ của hàng nghìn thi nhân được ghi trong bộ Toàn Đường thi. Và, như chúng ta đều biết, thể thơ này được du nhập vào Việt Nam và đã ngự trị trong một thời gian dài trong mọi sinh hoạt văn học, trong khoa cử, lúc giao du, khi thù tạc, xướng họa, chắp chữ gieo vần.

 

     Phần trên đây nhằm đưa ra một cái nhìn tổng quát về thơ Đường, đồng thời nhấn mạnh về số lượng thơ và thi nhân để các bạn có thể hình dung được sự khó khăn của người làm công việc tuyển dịch, một việc mà anh bạn Nguyễn Công Thuần của chúng ta đã giao phó cho tôi “để có bài đưa vào Bản Tin THĐL”. Lòng kính mến của tôi đối với các bạn không cho phép tôi “chọn đại” một ít bài thơ của các đại thi hào để các bạn giải trí trong chốc lát. Tôi muốn làm một cái gì có đôi chút ý nghĩa. Để có thể đạt mục đích ấy, tôi đã giới hạn sự chọn lựa vào một số ít đề tài và một thể thơ nhất định.

 

     Đề tài thì không gì khác hơn là những đề tài thường gặp trong các bài đăng trên Bản Tin, tức là tình quê hương, tình bạn, làng xưa lối cũ ... Những đề tài này cũng thường thấy trong thơ Đường.

 

     Vào đời Đường, chiến tranh đã buộc hàng vạn trai tráng phải sung quân đánh giặc hoặc đồn trú nơi biên cương tít mù xa thẳm. Trong số những quan chức phục vụ ở hậu phương, có người vì phạm lỗi hoặc làm phật lòng cấp trên thường bị biếm (giáng chức) và đổi đến những địa phương xa xôi diệu vợi. Vợ con họ không thể theo cùng, đành phải ở lại quê nhà, sống bơ vơ trong niềm thương nỗi nhớ. Cái cảnh “tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm” này đươc Lý Bạch cô đọng bằng hai câu thơ trong bài “Xuân Tứ”: “Đương quân hoài qui nhật; thị thiếp đoạn trường thì” [Trong lúc chàng nghĩ đến ngày về; ấy là lúc thiếp (đau đớn đến) đứt ruột (vì thương nhớ)]. Tình quê hương cũng là một đề tài quen thuộc trong thơ Đường. Nhà thơ Cô Huống biểu lộ nỗi nhớ quê bằng một hành động đầy ý nghĩa: “Du du Nam quốc ti; dạ hướng Giang Nam bạc” [Nhớ về nước Nam xa vời vợi; (nên) đêm thuyền đỗ quay đầu về Giang Nam].

 

     Trước đây, khi chưa ly hương, chúng ta cũng đã đọc những vần thơ này và cảm thấy bùi ngùi cho số phận những người trong cuộc. Có ai ngờ, một thời gian sau, chúng ta đã sống lại cái tâm trạng của người xưa, phải sống xa quê hương, mòn mỏi trong nỗi vắng thiếu những người, những cảnh thân quen không còn nữa; nỗi lòng của người thiếu phụ xa chồng trong thơ phải chăng cũng là nỗi lòng của hiền nội chúng ta khi chúng ta đã phải đi “học tập cải tạo” hoặc “vượt biên' một mình. Đến bây giờ, chúng ta mới thấy được thi ca là mối dây đằm thắm giữa nhà thơ và người đọc. Nhà thơ tả cảnh: cảnh ấy vẽ ra trước mắt người đọc; nhà thơ tả tình: tình ấy là tình của người đọc. Chính sự truyền cảm mãnh liệt ấy tạo nên nguồn sống và giá trị của bài thơ. Chúng ta đồng cảnh ngộ với nhà thơ, nên hơn ai hết chúng ta rất dễ cảm ứng với thi nhân. Cách xa họ hàng bao nhiêu thế kỷ, chúng ta vẫn cảm thấy xúc động mạnh mẽ để lòng mình hòa nhịp với tâm hồn nhà thơ.

 

     Bằng vào những đề tài nói trên, tôi đã chọn lấy 25 bài: 8 bài về tình quê hương, 3 bài về tình nhà, 6 bài về ngày trở lại cố quận, 4 bài về tình bạn và 4 bài về tâm sự người chinh phụ. Tuy nhiên những bài này được trình bày theo thứ tự Sơ, Thịnh, Trung, Vãn Đường để các bạn khỏi phải nhàm chán vì đọc mãi một đề tài.

Về thể thơ, sự chọn lựa có phần khó khăn hơn vì mọi thể thơ đều đặc sắc với đầy đủ các đề tài gợi hứng cho thi nhân. Như nhiều người trong các bạn đã biết, thơ Đường gồm có 3 thể thơ: cổ phong, luật thi (bát cú và trường luật) và tứ tuyệt (còn gọi là tuyệt cú). Luật thi bị trói buộc trong những khung cảnh chật hẹp, những luật lệ nghiêm khắc và tuy các thi hào đời Đường đã sử dụng những qui tắc phức tạp ấy một cách sáng tạo, đôi khi họ cũng phải “vi luật”. Riêng tôi, mặc dù thơ thất ngôn luật thi chiếm đa số trong toàn bộ thơ Đường và bài thơ được rất nhiều người công nhận là hay nhất là bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu (hay Hạo) cũng là một bài thất ngôn luật thi, tôi vẫn thấy có một cái gì không được tự nhiên trong thể thơ ấy - nhất là các bài thơ trữ tình - và đôi khi, tôi không khỏi có cảm tưởng là những bài thơ ấy “tựa như những đồ chơi bằng ngọc, bằng ngà, chạm trổ rất tinh xảo, trau giồi bóng lộn” (Trần Trọng Kim - “Đường Thi”) hơn là mối dây truyền cảm giữa nhà thơ và người đọc.

 

     Thơ cổ phong và thơ tứ tuyệt thể hiện sự dung hòa giữa thể thơ buông thả không vần không điệu và thể thơ luật trói buộc, tù túng. Thơ cổ phong thích hợp hơn thơ tú tuyệt nếu dùng vào việc tường thuật một sự việc có đầu đuôi, đầy đủ tình tiết, hoặc miêu tả một quang cảnh rộng lớn hay một tâm trạng có quá trình diễn biến phức tạp vì không bị hạn định về số câu, số chữ. Thơ tứ tuyệt, trái lại, có tính cách cô đọng, súc tích hơn. Hình thức của nó là hình thức nhỏ bé (chỉ 4 câu). So với các loại thi ca trên thế giới, trừ trường hợp cá biệt, nó chỉ dài hơn thơ haiku Nhật bản trên dưới một câu (tùy theo thất ngôn hay ngũ ngôn). Tuy nhỏ bé, thơ tứ tuyệt có thể đề cập đến nhiều vấn đề một cách sinh động, độc đáo nhất là với chủ trương đưa tự sự và nghị luận vào thơ của Đỗ Phủ. Hai câu thơ sau đây trong bài tứ tuyệt Kỷ Hợi tuế của Táo Tùng cũng hùng hồn không kém gì những bài thơ chống chiến tranh theo thể khác, kể cả bài thơ cổ phong nổi tiếng Bình xa hành của Đỗ Phủ: “Bằng quân mạc thoại phong hầu sự; nhất tướng công thành vạn cốt khô” ( Bạn đừng bàn chuyện phong hầu nữa; một tướng công thành, vạn xác khô). Theo cụ Trần Trọng Kim, thơ tứ tuyệt (tuyệt cú) có đặc điểm như sau: “Thơ tuyệt cú lấy lời nói gần mà tình xa, hàm súc, không lộ làm quí.”

 

     Nói cách khác, là dùng lối nói gián tiếp; mà lối gián tiếp lại rất thích hợp với thơ Đường là thơ của các mối quan hệ - đặc biệt là quan hệ giữa tình, ý và cảnh. Người đọc thơ phải lưu ý phát hiện cho ra những mối quan hệ và ý nghĩa của các mối quan hệ này. Theo Văn Nhất Đa, một nhà thơ kiêm nhà lý luận nổi tiếng thời cận đại thì tứ tuyệt là “hình thức tốt nhất của thơ trữ tình”. Thơ trữ tình phải cô đọng và những bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng nhất đã thể hiện một cách tuyệt diệu vẻ đẹp cô đọng ấy.

  

     Sau hết, tưởng cũng nên nói sơ qua về thi pháp tứ tuyệt. Với thơ tứ tuyệt, trong đa số các trường hợp, câu thứ ba là câu “bản lề”. Dương Tài đời Nguyên có nói: “Câu hết mà ý chưa hết, phần lớn là do biết lấy câu thứ ba làm chủ còn câu thứ tư là chỉ phát triển tiếp. Uyển chuyển biến hóa, công phu là ở câu thứ ba, nếu ở đây chuyển được tốt thì câu thứ tư cứ như thuyền thuận trôi theo dòng vậy”.

 

     Sự phân biệt trên đây giữa hai thể thơ cổ phong và tứ tuyệt chỉ có tính cách đại khái, còn muốn dùng để chọn thể thơ nào hầu đưa vào bài viết này thì lại không áp dụng được. Bản Tin THĐL chú trọng về tình nghĩa và kỷ niệm, mà thơ cổ phong thì không thiếu gì những bài thơ về loại này. Một trong những bài hay nhất - nếu không nói là bài hay nhất - theo thể cổ phong là bài Xuân Tư [“xuân tư”: nhớ (nhân) xuân (về); cũng có người hiểu là “xuân tứ”: ý xuân] của Lý Bạch đã nêu ở trên; hai câu cuối của bài này “Xuân phong bất tương thức; hà sự nhập la vi “ [Gió xuân không cùng nhau quen biết; (thì) việc gì (lại) xông vào màn là (của thiếp)] đã gợi hứng cho nhiều thi sĩ về sau ở Trung Hoa cũng như ở các nước khác; ở Việt Nam, có Tản Đà và Hàn Mặc Tử. Lẽ ra thì phải chọn cả hai thể thơ, nhưng làm vậy bài này sẽ quá dài đối với khuôn khổ của Bản Tin THĐL, do đó phải chọn một: những bài thơ dưới đây đều thuộc thể tứ tuyệt (ngũ ngôn hay thất ngôn). Mà cũng vì phải giới hạn chủ đề, thể thơ và số trang, rất nhiều nhà thơ có danh tiếng lại không được đề cập đến.

Vì vậy, khó có thể nói các bài thơ được tuyển dịch dưới đây tiêu biểu cho toàn bộ thể thơ tứ tuyệt đời Đường mà chỉ nên coi đó như những tỉ dụ nhằm cung cấp một ý niệm về vườn thơ tứ tuyệt muôn màu muôn sắc của thời ấy.

 

     Về công việc dịch thơ, với cái vốn chữ Hán quá ít ỏi, tôi tự thấy không làm nổi, nhất là khi cụ Trần Trọng Kim đã nói: “Dịch thơ nọ ra thơ kia, khó nhất là đừng bỏ sót những ý nghĩa cốt yếu và đừng làm mất cái thần câu thơ trong nguyên văn” (TTK - sđd). Thế cho nên tôi đã nhờ người bạn là nhà văn kiêm nhà thơ Hoài Châu làm hộ. Ông Hoài Châu, ngoài những bài viết và thơ đăng trên các tạp chí Việt và Anh, còn là tác giả của một công trình tuyển dịch thơ Hán văn từ đời Đường, qua các đời Tống, Nguyên, Minh đến đời Thanh (sắp xuất bản).

 

     Tất cả các bài thơ được tuyển dịch dưới đây đều gồm có các phần như sau:

- Bài thơ chữ Hán

- Phần phiên âm Hán-Việt

- Bản dịch theo nguyên thể (nhằm thể hiện cái khí thơ của tác giả)

- Bản dịch theo thể lục bát (gần tâm hồn người Việt hơn)

     Trong số các bài thơ chữ Hán, có xen một vài bài viết tay theo lối “chân” và “thảo” cho thêm phần cổ kính.

 

      Vì không phải là người chuyên nghiên cứu thơ Đường nên chắc hẳn bài viết không khỏi có những chỗ sai lầm, thiếu sót, mong các bạn lượng tình.  Bây giờ, xin mời các bạn thưởng ngoạn một vài bông hoa đẹp của vườn thơ tứ tuyệt đời Đường.

Tôn Thất Uẩn

 

 

 

HẠ TRI CHƯƠNG

 

 

 

Hồi hương ngẫu thư 1

 

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi

Hương âm vô cải mấn mao thôi

Nhi đồng tương kiến bất tương thức

Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai ?

 

 

Về quê ngẫu viết 1

 

Dịch nguyên thể:

 

Tuổi trẻ xa nhà, già trở lại

Giọng quê không đổi, tóc mai gầy;

Nhi đồng nay gặp, không quen biết

Cười hỏi: 'Từ đâu khách đến đây?'

 

Dịch thể lục bát:

 

Trở về quê lúc tuổi già

Hương âm chẳng đổi tóc thưa mái đầu.

Trẻ rằng: 'Ông đến từ đâu?'

Hỏi như hỏi kẻ chưa hầu biết quen.

 

 

LÝ BẠCH

 

 

Tĩnh Dạ Tư

 

Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương

 

 

Đêm yên tĩnh suy nghĩ

 

Dịch nguyên thể:

 

Trước giường trăng sáng gương

Ngờ đất phủ màn sương

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương.

 

Dịch thể lục bát:

 

Trước giường trăng sáng như gương

Ngờ trên mặt đất màn sương phủ mờ

Ngửng đầu trăng sáng như thơ

Cố hương ta những hồn mơ cúi đầu

 

 

ĐỖ PHỦ

 

Tuyệt cú

 

Giang bích điểu du bạch

Sơn thanh hoa dục nhiên

Kim xuân khan hựu quá

Hà nhật thị qui niên?

 

 

Tuyệt cú

 

Dịch nguyên thể:

 

Nước biếc chim thêm trắng

Nước xanh hoa tươi sao.

Xuân này thôi đã quá

Quê cũ về năm nao.

 

Dịch thể lục bát:

 

Non xanh thêm vẻ hoa tươi

Cánh chim thêm trắng trắng ngời non xanh.

Lựu hoa đã nở trên cành

Ngày về quê cũ biết đành năm nao?

 

 

 

VƯƠNG DUY

 

Tạp thi

 

Quân tự cố hương lai

Ưng tri cố hương sự

Lai nhật ỷ song tiền

Hàn mai trước hoa vị?

 

 

Thơ vặt

 

Dịch nguyên thể:

 

Bạn từ cố hương lại

Chuyện quê hương hẳn rõ

Trước song thêu ngày ấy

Mai cành hoa đã nở?

 

Dịch thể lục bát:

 

Anh vừa từ biệt quê hương

Chuyện quê anh hẳn tỏ tường hơn ai.

Cửa buồng thêu đó cành mai

Trời đêm lạnh lẽo hoa thì nở chưa?

 

 

 

TRƯƠNG CỬU LINH

 

 

Tự quân chi xuất hĩ

 

Tự quân chi xuất hĩ

Bất phục lý tàn ky

Tư quân như nguyệt mãn

Dạ dạ giảm thanh huy

 

 

Từ buổi chàng ra đi

 

Dịch nguyên thể:

 

Chàng ra đi bấy chầy

Cửi canh mặc nhện vầy

Đêm lại đêm mòn mỏi

Nhớ chàng như trăng đầy

 

Dịch thể lục bát:

 

Từ chàng cất bước lên đường

Cửi canh thiếp bỏ cho màng nhện giăng

Nhớ chàng như ánh trăng rằm

Đêm đêm ánh sáng giảm dần quang huy

(Lucbat.com sưu tầm - biên soạn)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: