Thứ sáu, 03/05/2024,


Ai vẽ được nàng Kiều? (08/12/2008) 

     Người ta có thể chấp nhận một anh Pha, một chị Dậu, một Chí Phèo... hơn thế nữa, một Từ Hải, một Thúy Vân qua nét vẽ của ai đó chứ với nàng, với Thúy Kiều, có cái gì đó không ổn, có cái gì đó người ta phải phân vân.

 

     Thời còn là sinh viên, tôi nhớ có một diễn giả được mời đến lớp tôi nói chuyện về văn học cổ cận đại Việt Nam, nhân đề cập tới "Truyện Kiều" đã có một quan điểm: Chính bởi Nguyễn Du dùng thủ pháp ước lệ để tả nhân vật (nguyên văn câu nói) nên nhân vật của ông thường rất khó hình dung. Ví như, đố ai biết được mặt nàng Kiều qua mấy câu thơ sau:

 

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

 

     Và diễn giả kết luận: Bút pháp của Nguyễn Du trong "Truyện Kiều", nhất là điểm miêu tả nhân vật không thể được xem là một bút pháp hiện đại.

 

     Đúng, riêng về sự phát hiện ấy là đúng, nhưng xem đấy là nhược điểm của Nguyễn Du thì e rằng: Diễn giả thấy một mà không thấy hai.

 

     Vì rằng, tôi đã được xem khá nhiều tranh minh họa, mô phỏng "Truyện Kiều" (thậm chí, người ta còn "cụ thể" đến mức dựng tượng đất nung cho Kiều). Bảo đấy là hình ảnh của các cô tiểu thư kiều diễm, tôi hoàn toàn nhất trí. Nhưng nói là nàng thì thú thật (đến đây đành phải xin lỗi các họa sĩ Việt Nam đương đại), chưa-có-bức-nào-tôi-vừa-lòng.

 

Người ta có thể chấp nhận một anh Pha, một chị Dậu, một Chí Phèo... hơn thế nữa, một Từ Hải, một Thúy Vân qua nét vẽ của ai đó chứ với nàng, với Thúy Kiều, có cái gì đó không ổn, có cái gì đó người ta phải phân vân. Chẳng lẽ nàng Kiều lại chỉ như thế này thôi sao? Rõ ràng trong trí tưởng tượng của mọi người, nàng Kiều đẹp, sinh động hơn các bức vẽ ấy rất nhiều.

 

     Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng thuật lại lời một bà nông dân vốn xem Thúy Kiều là nhân vật có thật ngoài đời: "Nước Nam ta đẹp nhất có con Kiều mà khổ nhất cũng con Kiều. Thương nó quá".

Đọc "Truyện Kiều", không ai thấy rõ mặt Kiều, nhưng đều "thấy" nàng rất đẹp. Như vậy cái đẹp ấy thể hiện ở đâu, từ đâu?

 

     Có thể trả lời: Cái đẹp ấy toát ra từ đời sống nội tâm, mà biểu hiện trước nhất là trong "lời ăn tiếng nói" của nhân vật (các cụ ta vẫn nói "nhất thanh, nhì sắc" mà). Nguyễn Du không bắt Kiều phải ngồi yên như một người mẫu để ông chiêm ngưỡng, tỉa tót vẽ vời. Ông để nàng được đi, đứng và để nàng nói. Người đọc say đắm trước những đoạn đối thoại của Kiều với Kim Trọng, với Thúc Sinh, với Hoạn Thư, với Từ Hải và với cả thân phụ. Người đàn bà có nhan sắc được đánh giá là "nghiêng nước nghiêng thành" ấy đã có những câu nói khiến người đối thoại với nàng phải nể trọng. Trong buổi ước thề, Kim Trọng tấm tắc trong dạ:

 

Thấy lời đoan chính dễ nghe.

Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.

 

     Đến như Hoạn Thư, ngoa ngoắt, cay nghiệt là thế, mà khi xem thư nàng cũng phải trở nên biết điều: "Rằng tài nên trọng, mà tình nên thương". Nổi tiếng khí phách như Từ Hải "đội trời đạp đất ở đời" cũng chỉ vì nghe lời nàng:

 

Nghe lời nàng nói mặn mà

Thế công Từ mới trở ra thế hàng

 

     mà rồi sụp đổ cả cơ đồ bao nhiêu năm gây dựng.

 

 

      Lời nói đối với vẻ đẹp con người nhiều khi như làn hương dẫn đường cho người ta tìm đến với sắc hoa. Buổi đầu, Từ Hải và Kiều gặp nhau, mặc dù: "Thiếp danh đưa đến lầu hồng/ Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa" nhưng phải đến khi nghe Kiều đối đáp, Từ Hải mới thực sự bị chinh phục, đến độ phải sửng sốt:

 

Lại đây xem lại cho gần

Phỏng tin được một vài phần hay không

 

     Mà cứ gì chàng Từ Hải đa tình kia, ngay đến như quan "tổng đốc trọng thần" Hồ Tôn Hiến - người mà Nguyễn Du gọi là "mặt sắt", khi nghe nàng đàn và trả lời câu hỏi của hắn - cũng phải biến sắc mặt:

 

Nghe càng đắm, ngắm càng say

Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình

 

     (Ở đây, chỉ xin bạn đọc lưu ý, nghe rồi mới đến ngắm, để thấy việc phát ngôn của nàng quan trọng biết chừng nào!)

 

     Trong văn học có những nhân vật mà việc vẽ tranh, dựng tượng người ta hoàn toàn có thể thực thi được, thậm chí có thể rất đạt, như nguyên mẫu. Ấy là trường hợp nhân vật được tác giả xây dựng đến mức người đọc cảm thấy "bằng xương, bằng thịt, có thể sờ mó được" (tựa ý kiến của Maksim Gorki nhận xét về một số nhân vật trong "Chiến tranh và hòa bình" của Lev Tolstoi). Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhân vật hiện lên trong lòng độc giả như "người trong mộng", dù rằng họ cũng phải sống một cuộc sống hết sức khốn cùng, như đóa sen thơm cất lên từ nước đọng bùn lầy.

 

     Lại nhớ câu thơ Tản Đà: Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng (bài "Nhớ mộng"). Quả tình, để dựng nên một nàng Kiều "như người ta tưởng" là hoàn toàn không đơn giản. Có thể nói, với hình tượng Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tái tạo nên một nhân vật hồn cốt tuyệt vời, mà mọi sự "phiên bản" ra các loại hình nghệ thuật khác đều gặp khó khăn

 Phạm Khải

(Nguồn: Công an Nhân dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: