Thứ bảy, 27/04/2024,


Tiếng ru (03/12/2008) 

Trên thế giới, dân tộc nào cũng có những làn điệu hát ru truyền thống trong kho tàng dân ca của mình. Ở Việt Nam, các dân tộc đều có những bài hát ru thật đặc sắc và độc đáo. Ta hãy nghe những buổi trưa hè ở vùng quê Việt Nam, hoà với tiếng tre kẽo kẹt, tiếng lá lao xao, tiếng gà cục tác, tiếng ve râm ran, văng vẳng đâu đây có tiếng ru dìu dặt, nồng nàn:

                                         

'Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nào

Tôi có lòng nào ông sẽ xáo măng…'

 

                                               hoặc:

 

'Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…'

 

Đó có thể là tiếng mẹ ru con, cũng có thể là bà ru cháu hoặc chị ru em. Và nếu là tiếng ru của người cha thì tuy có thể vụng về, thô đục, nhưng vẫn có sức lay động cõi lòng.

 

Người ta có thể lấy bất cứ bài ca dao lục bát nào để ru. Ở đây, âm điệu được lặp đi lặp lại bằng những chuỗi hư từ 'à ơi…', 'ầu ơ…'. Hát ru còn được nâng cao bằng những làn điệu dân ca khắp các vùng đất nước. Lúc này, lời ca không còn là những câu ca dao lục bát nữa mà trở nên phong phú hơn và âm điệu cũng hoàn chỉnh hơn mà 'Ru con Nam Bộ' là một thí dụ tiêu biểu.

 

Đã có rất nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc mới mang âm điệu những khúc ru dân gian khắp các vùng đất nước như: bài 'Mẹ yêu con' của Nguyễn Văn Tý, 'Từ trên đỉnh núi' của Nguyên Nhung, 'Lời ru trên nương' của Thuận An, 'Ru con trong đêm pháo hoa' của Hoàng Vân, 'Lời ru trên sóng' của Trần Khánh, 'Khúc ru mùa xuân' của Nguyễn Đình San, 'Ru con mùa đông” của Đặng Hữu Phúc, “Khúc hát ru những em bé ngủ trên lưng mẹ' của Trần Hoàn - Nguyễn Khoa Điềm…

 

Dù là hát ru theo hình thức ngâm ngợi (à ơi, bồng bồng)… hay theo các làn điệu dân ca, hoặc hát những ca khúc mới, đặc điểm chung của hát ru là âm điệu êm ả, thanh bình với tiết tấu chậm rãi, giàn trải để đưa trẻ thơ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ nồng nàn. Người hát càng có ý thức trong việc ru trẻ, nghĩa là càng bộc lộ tình cảm trong giọng hát thì đứa trẻ càng dễ dàng đến với giấc ngủ và ngủ càng sâu.

 

             

 

Trẻ thơ ngay từ khi lọt lòng mẹ, thậm chí từ khi còn là bào thai nếu sớm được tiếp xúc với hát ru, một mặt sẽ nhanh chóng nảy nở năng khiếu âm nhạc vì do sớm được làm quen với những âm trầm bổng khoan nhặt trong lời ru, mặt khác sẽ tạo ngay cho trẻ những yếu tố dịu dàng, nhân hậu của tính cách, tâm hồn.

 

Nói đến hát ru là nói đến lòng bao dung, nhân hậu, đến khát vọng được sống hoà bình, hạnh phúc, đến lòng mong mỏi cho trẻ thơ được yên ấm trong sự chở che của cuộc đời. Bởi vậy, những người cục cằn, thô lỗ, những kẻ nghiệt ngã, ích kỷ thật khó hát ru, đúng hơn là sẽ chẳng đạt được hiệu quả gì nếu có cố gắng cất lên lời hát. Tiếng ru phải là lời hát được cất lên tự nhiên khi chúng ta thực sự ấp iu trẻ thơ, cầu mong cho chúng bình yên, mau lớn. Như vậy, bên cạnh việc bồi dưỡng tốt đẹp cho hồn trẻ thơ phát triển, bản thân những người mẹ khi cất tiếng ru con cũng tức là tự nâng cao tâm hồn mình.

 

Nhưng thật đáng tiếc, những người mẹ trẻ ngày nay gần như không còn biết đến việc ru con. Thay cho sự vỗ về, nựng nịu, thay cho hát ru, rất nhiều người mẹ muốn con mau ngủ để được việc mình đã tìm mọi cách rung, lắc, có khi bực dọc còn quát tháo, thậm chí cả việc đánh cho con khóc để chúng mệt quá, sẽ phải ngủ. Đó là việc làm chẳng những phản khoa học mà còn phản nhân cách, tâm hồn. Lại có không ít người mẹ cũng biết rằng con cần nghe tiếng ru mới ngủ được bèn bật băng cat-set những bài hát ru có sẵn (do các ca sĩ chuyên nghiệp hát) để chúng nghe. Kể ra, nếu điều chỉnh âm thanh (volume) nhỏ nhẹ, vừa đủ cho trẻ nghe được tiếng hát thì cũng con tốt hơn rất nhiều việc rung lắc nói trên. Nhưng, như vậy chỉ là để trẻ nghe thuần tuý âm nhạc, mà không có yếu tố giao lưu tình cảm nhân ái của người mẹ như đã nói, sẽ hạn chế đến việc phát triển tâm hồn con trẻ, không thể bằng được cách người mẹ trực tiếp hát ru cho dù có thể không hay bằng băng cat-set.

 

Bây giờ, người ta thường nghe tiếng bà ru cháu, chứ ít nghe thấy tiếng mẹ ru con. Có nhiều lý do giải thích hiện tượng này. Có thể vì suốt ngày các cháu đi nhà trẻ? Có thể vì mẹ quá bận, không còn thời gian? Những điều đó thật khó chấp nhận. Chỉ có thể tìm nguyên nhân ở sự nghèo nàn về vốn liếng thơ ca, vốn liếng các bài hát ru của rất nhiều người mẹ hôm nay. Và cũng phải chăng do quan niệm của họ bây giờ đã đổi khác khi mà nhịp điệu của cuộc sống hiện đại đã tác động đến mọi nếp cảm, nghĩ hàng ngày?

 

Theo Đài tiếng nói Việt Nam

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: