Thứ bảy, 20/04/2024,


Lão tướng Nguyễn Đình Trọng: Người “chơi thơ” thượng thặng (Huy Cường) (24/10/2012) 

Trong đời sống văn nghệ, với thơ, từ nghệ sỹ sáng tác đến nghệ sỹ diễn ngâm còn đó cả một lớp “công chúng thơ” đông đảo là những người yêu thơ ở khoảng giữa. Chính họ là nguồn cảm hứng bất tận, là nhân tố kích hoạt cho loại lao động sáng tạo, nhân văn của người sáng tác, tạo nên những tác phẩm tốt.

 
Nguyễn Đình Trọng là một trong những thần dân của thi ca dạng đặc biệt, từ nền tảng thi ca của một cộng đồng tác giả, anh nâng niu, anh chắt lọc từng giọt vui, từng mảnh buồn, từng khúc suy tư của họ thật duyên dáng, hợp tuyển lại thành một thi phẩm khó quên và nhuần nhuyễn đến lạ kỳ!

 
Khi ta đọc:
Lục Bát là Lục Bát tình
Thơ ai mà ngỡ có hình bóng ta
Cái thời như hạt mưa sa
Cứ đau đáu đợi mưa qua vườn hồng
 
Ngày mai người ấy lấy chồng
Gói đem gửi lại chuỗi vòng chi chi
Vườn anh còn đó gốc si
Ngẩn ngơ một bóng cây quỳ vườn em
 
Trời cao lẻ một cánh chim
Đất dày lẻ một vòm đêm lạnh lùng
Ngực em như búp sen hồng
Ta đem lông ngỗng… để không lạc đường
 
Mối tình cách một làn hương
Lời yêu vời vợi mười phương đất trời
Trăm năm trong một nẻo đời
Ai không có lúc lệ rơi lặng thầm
 
Lời thề hẹn ước trăm năm
Bay theo phố thị lặng câm sụt sùi
Bao nhiêu cay đắng ngậm ngùi
Hãy trao em giữ đầy vơi một mình
 
Người vui cảnh cũng đa tình
Tay trong tay, mắt chúng mình in nhau
Trăm năm dù bạc mái đầu
Lửa anh vẫn cháy cạn dầu bếp em!
 
 
Thì ít ai tưởng tượng nổi đó là chương một bài thơ Lục Bát tình của… mười hai thi sỹ. Nó nhuần nhuyễn, có ý tứ, liền lạc như của một người làm ra để mô tả, để nhằm vào một đối tượng nghệ thuật cụ thể, mặc dù, sự thể không phải thế!
Đó chỉ là việc “chiết” ra hai câu thơ Lục Bát của một tác giả từ một bài thơ của họ trong tuyển tập Lục Bát Mỗi Ngày, một ấn bản đầu tiên của Website Lục Bát Việt Nam (lucbat.com) mà thôi. Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh (Tp.HCM) viết: “Đọc bài thơ Lục Bát được ghép từ những câu thơ của 132 tác giả trong Lục Bát mỗi ngày, Thiếu Anh rất ngưỡng mộ, những câu thơ được ghép liền mạch, liền vần, liền ý hay quá. Thiếu Anh nghĩ chỉ có những người yêu thơ và ghiền thơ mới làm được những việc công phu như rứa…” . Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định viết: “Tôi vừa nhận LỤC BÁT TÌNH, công phu của anh với thể loại này làm tôi rất cảm động. Tác giả Nguyễn Đình Trọng rất tâm huyết với Lục Bát, thật đáng trân trọng!”.
 
Chưa hết! Với tài “chơi thơ” thứ thiệt, được trui rèn, được nâng cấp lên hàng thượng thặng, ông già lục tuần này đem cái đa đoan, cái nhạy bén trong cảm thụ thi ca, đem cái vốn sống và lòng yêu cái đẹp mặn nồng để kéo một lèo hơn …một trăm ba chục nhà thơ vào cuộc. Từ đây, bạn đọc bị ông cho vào mê hồn trận của một bản trường ca đặc biệt gồm mười một chương của 132 tác giả vừa lí thú, vừa gợi mở và nhiều thi hứng!
 
Đến với ông, nhìn sắc màu xanh thật sự của cây trái được ông mang vào hẳn trong tòa nhà, được thấy thư phòng sang trọng, lịch lãm của ông trên lầu ba với dấu ấn của bao nhiêu bạn thơ đã có mặt nơi đây thì thấy nổi lên một điều: Với người yêu thơ, mọi giới hạn về tuổi tác, về sức sống và tình yêu hầu như có không gian cao rộng hơn đời sống thường nhật rất nhiều.
Nhìn phong cách nhanh nhẹn, tình cảm hiếu khách, niềm đam mê thơ phú của ông , đọc những bài thơ của ông trong Lucbat.com, trong các CD luôn thả vào không gian qua những giọng ngâm trầm ấm, mượt mà thì khó mà thấy được hình ảnh của một chàng trai đất võ Tây Sơn đã cùng đất nước trằn qua miền binh lửa trong vài cuộc kháng chiến. Nay, vị cựu sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam ấy lại là vị tướng chỉ huy những đội quân chữ nghĩa, ý tưởng để góp thêm vẻ đẹp cho Thơ và cho Đời.
Có một đoạn thơ, ông cóp nhặt đâu đó của hai người khác nhau trên thi đàn Lục Bát, nhưng có vẻ như để mô tả chính mình và kéo người đọc, kéo tôi vào chung một niềm đam mê chữ nghĩa cùng ông:
 
                         
Mơ màng ngỡ tưởng Tiên bay
Thả hồn vào mộng mà say Đất - Trời
Một mai mây nước ngừng trôi
Rồi Tôi cũng lại cùng thời với Anh
 
Tôi những tưởng, một ngày kia tôi sẽ vui mừng đề cử tác phẩm “Liên hợp thơ” tuyệt vời của ông với Ban biên tập sách Kỷ lục Việt Nam. Ở đó, người ta sẽ dễ dàng chia sẻ cùng tôi một sự vui mừng khi chứng kiến một sự thật: Ông đã tạo nên bài thơ có nhiều tác giả nhất thế giới. Ông đã “kéo” một trăm ba mươi hai nhà thơ vào một chiếu thơ trang trọng, vui vầy, hài hòa và nhiều sắc màu, âm điệu. Hơn thế nữa, bài thơ Lục Bát tình của 132 tác giả ấy đã được nhà thư pháp Đậu Phi Hùng của Câu lạc bộ Thư pháp Nha Trang tỉnh Khánh Hòa thể hiện trong một Bản thư pháp có độ dài cũng rất… kỷ lục, hơn một trăm mét, không đủ chỗ để trưng bày nên phải chia làm hai phần, mỗi phần hơn năm mươi mét và được trưng bày ở… nền sân rộng mới đủ!
 
 
"Lão tướng"- Nhà thơ Nguyễn Đình Trọng (Trái) với bức thư pháp Lục Bát Tình tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (HN)
 
Bài ca kết đoàn thi vị ấy sẽ có tên một tác giả đặc biệt: Nhà kết nối thơ Nguyễn Đình Trọng. Một danh xưng mới, một niềm tự hào mới của công chúng thơ Việt hôm nay!
 
Nhà báo Nguyễn Huy Cường
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đinh Thường - dinhthuongtho.hp@gmail.com - 0912.242.998 - Hải Phòng  (Ngày 26/10/2012 10:09:57)

Sẵn lòng yêu mến thi ca
Dụng công kết nối, tình là cao siêu
Thú chơi chữ nghĩa cũng nhiều
Khó quên Lục Bát trăm chiều xốn xang.

Kính chúc Nhà thơ Nguyễn Đinh Trọng luôn vui khỏe, dào dạt ý tưởng mới!

Các bài khác: