Thứ bảy, 27/04/2024,


Đọc “Xuống tóc” của Nhà thơ Chử Thu Hằng (Quỳnh Trâm) (12/07/2012) 
 
 
ĐÂU RỒI HƯƠNG TÓC NGÀY XƯA?
 
 
Bỗng thấy lòng rưng rưng khi đọc Xuống tóc” của chị…
Nhan đề bài thơ đã ngay lập tức cho ta cảm nhận một câu chuyện về người phụ nữ đã quyết dứt đường trần để náu mình chốn cửa Thiền. Nhưng cũng nhan đề ấy khiến ta cảm thấy có cái gì như phũ phàng bất nhẫn – Bất nhẫn với mái tóc xuân thì hay chính cuộc đời đã quá bất nhẫn với con người? Là tất cả những điều đó, và không cầm lòng được. Một sự dứt bỏ, đoạn tuyệt sau những chuỗi ngày giằng xé nội tâm.
 
 
 
Xuống tóc
 
Bỏ hồng tím, khoác áo nâu
Buông thương giận, trút vui sầu thế gian
Sân Si Hỉ Nộ chẳng màng
Hồn trong lắng giữa gió ngàn trăng sao
 
Xin đừng nhắc lại thuở nào
Câu kinh tiếng kệ thay vào lời thơ
Cổng chùa, thí chủ ngu ngơ
A di đà Phật! Thẫn thờ vì đâu?
 
Sân chùa thanh tịnh hương cau
Nhớ chi ngày ấy cùng nhau vui đùa
Tam quan điểm giọt chuông chùa
Chẳng còn hương tóc, uổng mùa hoa ngâu…
 
(Chử Thu Hằng)
 
 
          Khổ thơ đầu, bề ngoài tưởng như thật thanh thản và dứt khoát. Cặp lục bát đầu tiên ngắt nhịp giữa dòng, tạo nên một “dải phân cách”, một ranh giới rất rõ ràng giữa cõi trần và cõi Phật:
 
Bỏ hồng tím, khoác áo nâu
Buông thương giận, trút vui sầu thế gian
Sân Si Hỉ Nộ chẳng màng
Hồn trong lắng giữa gió ngàn trăng sao
 
          Có hai thế giới được tạo ra ở hai phía. Bên kia là thế giới trần ai với bao sắc màu rực rỡ và đủ cung bậc tình người, đó là “hồng tím”, “thương giận”, “vui sầu”,Sân Si Hỉ Nộ”. Còn bên này là thế giới thanh tịnh của “áo nâu” “giữa gió ngàn trăng sao”, với tâm trạng “chẳng màng” và tâm hồn “trong lắng”. Như thế là đã có một sự chiêm nghiệm ngầm ẩn: Phải chăng cõi trần ai kia chỉ đem lại buồn thương sầu muộn? Thôi thì dứt bỏ đi cho lòng thảnh thơi! Các động từ “bỏ”, “buông”, “trút” không chỉ miêu tả một sự đoạn tuyệt, mà như một tiếng thở dài cố nén. Vì nỗi buồn đã thấm tận cùng mạch máu trái tim rồi. Tự nhắc mình hãy để “hồn trong lắng giữa gió ngàn trăng sao”, nhưng có lẽ đấy chỉ là một phép thắng lợi tinh thần mà thôi!
 
          Đúng, chỉ là một cách “tự kỉ ám thị” trong chốc lát, chứ mình sao ép được mình dứt hẳn kỉ niệm xưa! “Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm. Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ. Mơ vui là lúc ngàn đắng cay... xé tâm hồn”. Câu hát trong bài “Sầu lẻ bóng” của nhạc sĩ Anh Bằng bỗng vang lên khắc khoải trong tôi khi đọc hai khổ thơ này:
 
Xin đừng nhắc lại thuở nào
Câu kinh tiếng kệ thay vào lời thơ
Cổng chùa, thí chủ ngu ngơ
A di đà Phật! Thẫn thờ vì đâu?
 
Sân chùa thanh tịnh hương cau
Nhớ chi ngày ấy cùng nhau vui đùa
Tam quan điểm giọt chuông chùa
Chẳng còn hương tóc, uổng mùa hoa ngâu…
         
          Đến đây, một thời quá khứ ngọt ngào và cay đắng đã len lén trở về trong tâm tư người thiếu nữ vừa xuống tóc làm ni cô. Đó là một tình yêu “thanh mai trúc mã”, trong sáng và đẹp như thơ: “ngày ấy cùng nhau vui đùa”. Thế mà vì sao bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan? Để bây giờ bên trong cổng chùa, người thì “câu kinh tiếng kệ thay vào lời thơ”, còn bên ngoài cổng chùa, có ai mãi “ngu ngơ, thẫn thờ vì đâu?” Câu “A di đà Phật!” đã chặn đứng lại tất cả những gì định nói! Những từ “Xin đừng”, “Nhớ chi” như một lời thầm cầu xin tha thiết không chỉ với ai kia, mà còn là với chính mình nữa! Bây giờ, nơi cửa Thiền thanh tịnh không có chỗ cho nỗi nhớ ngày xưa…
 
 
 
          Nhưng mà, cửa tam quan vang lên tiếng chuông chùa sao nghe như tiếng của những giọt nước mắt rơi? “Tam quan điểm giọt chuông chùa”. Tại sao không phải là “tiếng chuông chùa” mà lại là “giọt chuông chùa”? Chữ “giọt” vừa gợi tả tiếng chuông thong thả, ngân vang, rất thực, điểm từng tiếng một, lại vừa thánh thót buông rơi như những giọt lệ lòng. Và đến đây, mái tóc người thiếu nữ mới xuất hiện trong sự mất mát:
 
“Chẳng còn hương tóc, uổng mùa hoa ngâu…”
 
Lại kỉ niệm cồn cào đến xé lòng. Hoa ngâu ngan ngát thơm là để ướp hương cho tóc em dài. Nay tóc “xuống” rồi, thì mùa ngâu nở còn để làm gì nữa? Khổ thơ cuối vẽ ra hai làn hương: trên là hương cau thanh tịnh sân chùa của hiện tại, dưới là hương ngâu nồng nàn của quá khứ. Bài thơ khép lại bằng làn hương của quá khứ, của mái tóc không còn, với chữ “uổng” đầy nuối tiếc xót xa…
 
Những vần thơ “Xuống tóc” của Nhà thơ Chử Thu Hằng lắng sâu và chan chứa sự đồng cảm, thấu hiểu nỗi niềm người phụ nữ. Câu chuyện trong bài thơ gợi nhớ đến tích chèo “Quan Âm Thị Kính”, “Chuyện tình Lan và Điệp”. Tại sao thân phận người phụ nữ lại khổ thế? Khi gặp bất hạnh oan trái, chỉ có thể tìm đến cửa Phật thôi sao? Một cách trốn tránh cam chịu, cam phận! Không phải ngày xưa mới vậy, mà bây giờ, vẫn còn nhiều chuyện tương tự như thế xảy ra với người phụ nữ. Không phải ai cũng dám bật lên tiếng nói phản kháng, đấu tranh để tự bảo vệ mình, bởi còn bao nhiêu điều ràng buộc thuộc về những quy tắc luật lệ từ lâu mặc định cho người phụ nữ! Và không phải người phụ nữ nào cũng gặp được sự đồng cảm chở che! Đến bao giờ mới có niềm yêu thương đủ rộng và đủ sâu cho những tâm hồn, những kiếp người mong manh?
 
Mái tóc ướp hương ngâu không còn nữa, chỉ còn hương cau sân chùa, mà sao cứ ám ảnh mãi trong tôi hương tóc ngày xưa?
 
 
Quỳnh Trâm.
Thành phố Hải Dương
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Lê Hải - lehaix15@gmail.com - 0908318835 - Quận 12, TP.HCM  (Ngày 19/07/2012 21:31:10)

Chị Quỳnh Trâm đã viết một bài bình dài xoay quanh chuyện " xuống tóc" của Chử Thu Hằng. Nay Lê Hải cũng xin góp một đôi lời bình về bài thơ ấy:

LÊ HẢI



ƯU TƯ

Tặng một người vừa xuống tóc



Giờ anh biết viết gì đây

Câu thơ như gió, gió bay về trời.



Từ ngày em rũ bụi đời

Hồng nhan đã trọn kiếp người hồng nhan

Bèo mây duyên phận lỡ làng

Dập dềnh cánh sóng dở dang chuyến đò

Lòng người sâu thẳm ai dò

Sẩy chân trượt khỏi bến bờ yêu thương.



Dấu mình vào giữa khói hương

Câu kinh buổi sớm, tiếng chuông cuối chiều

Cửa chùa hoa đại xanh rêu

Tam quan hư ảo phiêu diêu niết bàn

Nâu sồng gói lại đa đoan

Con thuyền hỉ xả đưa sang cõi thiền.



Biển đời sóng vỗ triền miên

Lòng người có vượt được miền nắng mưa...?



L.H

 

  Nguyễn Thắng - thanghanam1112@yahoo.com -  - Hà Nam  (Ngày 14/07/2012 9:59:27)

KHÔNG ƯA

Nỗi buồn thân phận nữ nhi
Sao nhà văn cứ cười khi người sầu?
Bài thơ day dứt lòng đau
"Cú mèo" lại nhảy vào đầu người ta?(*)
Bình cho vừa mức đi mà!
Kẻo thêm khó chịu, Phật Bà không ưa!

----

(*)Lời bình của Ngọc Châu: "Bài thơ của Chử Thu Hằng rất tuyệt...cú mèo!"

  Ngọc Châu - ngocchaunvhp@gmail.com - 01269284620 - 312 Lê Thánh Tông Hải Phòng  (Ngày 13/07/2012 9:22:36)

Bài thơ của Chử Thu Hằng rất tuyệt...cú mèo!Bình của Quỳnh Trâm làm cho bài thơ càng hay hơn nữa.
Nhưng NC tinh vốn ít đa cảm đa sầu, luôn nhìn thấy cái hài ẩn quanh đâu đó nên không trách Người mà lại trách Phật như sau:
Độc hành

Ngày Tình Yêu đến với muôn người
Đứng lặng sau chùa một bóng thôi
Định phận đời này tâm lẻ bạn
Duyên tình kiếp trước dạ chưa nguôi?
Tam quan vẳng tiếng chuông đời gọi
Bảo tháp xa đưa giọng hát cười
Cõi Phật sao đường leo hẹp nhỉ
Song hành có phải chóng về nơi...?

Đến đây NC chợt nhớ là mình đang com trong lucbat.com nên phải vội chuyển sang lục bát như sau:

Ngày tình yêu của muôn người
Sau chùa, nàng đứng giữa đời cô đơn.
Đời này phận thiếu bạn hiền
Hay là kiếp trước chút duyên chưa tàn?
Chuông đời gọi phía tam quan
Tiếng cười quanh tháp đang vang vọng vào
Đường sang cõi Phật cheo leo
Giá mà có bạn, vượt đèo dễ hơn...
 

Các bài khác: