Thứ sáu, 26/04/2024,


Thành Dũng – Gánh lục bát hát trong vườn khuya… (26/05/2012) 

Nhà thơ Thành Dũng (tên thật cũng là bút danh khác: Trần Thanh Dũng) sinh năm 1966, tại Mộ Đức – Quảng Ngãi, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, hiện là Trưởng Văn phòng Công chứng Thanh Dũng. Anh đã có nhiều tác phẩm in chung và in riêng.

“Lục bát hái trong vườn nhà tôi” là tập thơ thứ ba của nhà thơ Thành Dũng vừa xuất bản, tháng 3 năm 2012. Dòng tâm cảm Quảng Ngãi – Sóc Trăng hòa quyện thành dòng chảy xúc cảm chân thành của người con quê yêu da diết, nhớ cùng tận, sống cháy lòng cùng hai chữ duyên – nợ với quê. Nhà thơ đã sống, đã đắm mình trong lời ru của bà, hồn ca dao, thần thái điệu lí neo trong nếp nghĩ để khi câu thơ vụt lên lại có chất lấp lánh của những hạt phù sa chảy quanh triền sông Hậu – sông Trà. 
 
Giữa cuộc sống náo thị và nhiều thể nghiệm thơ kiểu tự do đương đại thì Thành Dũng vẫn cần mẫn với những phút lắng lòng riêng giành cho hồn mình trở về với lối thơ dân tộc: lục bát. Anh cứ mải miết gánh câu thơ lục bát hát trong vườn khuya dâng đời và cảm khoái tiếng lòng tuôn ràn rạt. 39 bài lục bát xinh xắn như những nốt nhạc đầy tâm trạng. Trong vườn thơ ấy dễ thấy bật nổi những giọt thơ tình yêu dân dã, gần với ca dao, những tưởng có lúc nó lấn sang rìa đô thị kiểu @ yahoo.com nhưng vẫn không xóa khỏi lằn ranh “quê”. Tình cảm với người thân được hóa thân thành những lời thơ ngọt và đầy hoài niệm. Ở đó có những dòng sông và lũy tre rì rào nâng gió đời. Tác giả đồng cảm với những nạn nhân bị chất độc da cam, tụng ca những người tài hoa, gương lao động… Nhưng, độc đáo và day dứt nhất trong muôn ngàn sắc thơ ấy thì dòng thơ kiểu độc thoại nội tâm gây xúc động hơn cả.
Cái bản ngã trong “Tôi và chúng ta” mới duyên dáng và bạo liệt làm sao:
“Tôi là tôi
Sao chúng ta ? »
để rồi :
« Tôi là tôi
(một nét son)
Khuyển vào đời rộng để còn nhớ thương »
Miên man trong nỗi tự vấn (Vấn ?) đầy khát vọng nhưng cũng xem đời như huyễn không:
« Vò câu thơ nát dạ người
vung lên tận chín tầng trời thành mây »
Người thơ có lần trong một đêm đã « ngộ » ra cái được – mất, hữu – vô của cõi người – cõi tạm mà trút lòng:
« Ai thấp mọn, ai tài cao
Đến hồi nằm xuống ai nào thua ai ?
Thiên đường, hay ngục trần ai
Dưới ba tấc đất, vắn dài như nhau ? »
(Độc thoại đêm)
Chất thiền gắn với đời càng rõ hơn trong bài « Cha tôi »:
« Không không sắc
Sắc không không
Tiếng chuông hóa giải một vòng nhân gian
Biết tìm cha…
Ở thế gian ?
Nắng lên bông cải trổ vàng ngõ quê »
Nhà thơ « bơi » trong cõi nhân gian để tìm tiếng tri âm, gieo sợi dây thân ái cho đường xa thêm gần, nẻo đời đa đoan thêm vơi đi. Câu thơ tài hoa vút lên:
« Tìm nhau giữa cõi hồng trần
Chiêm bao tự bửa mà lần chẳng ra »
(Góc tối sáng)
hoặc như :
« Về quê mót lại tiếng cười
Neo vào dạ để thành thời trẻ thơ »
(Về quê)
Cuối cùng thì lòng người thơ đã không nén lại được nữa rồi, nỗi niềm ấy đã cháy lên:
« Tôi về đốt tự chính tôi
Nỗi niềm rơm rạ lên trời thành hoa »
(Không đề)
Một vẻ ngoài rất « viên chức » ấy, thế nhưng trong góc lòng lại quặn đấy những dư ba « trăm năm vênh vẹo gánh sầu đa đoan » (Chị tôi) cho những phận người. Đó là nhân văn vậy.
Xin mượn câu của nhà thơ Ngọc Phượng viết trong Lời nói đầu của tập thơ làm câu kết cho bài viết này vậy! « Có đi hết đời mình, chưa thể đi hết tận cùng khao khát: Sự lung linh tỏa sáng của tâm hồn ».
 
 

Sài Gòn, ngày 21-5-2012.
Trần Huy Minh Phương

 

 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: