Thứ bảy, 27/04/2024,


Cảm nghĩ về bài thơ “Nói ở Đọi Tam” (Phan Văn Hiến) (13/05/2012) 

NÓI Ở ĐỌI TAM

 Thân trâu mưa nắng kéo cày
Ăn giả làm thật, tối ngày chưa tha

 Một mai sức kiệt lực già
Xả thân lột lại mảnh da dâng đời
 
Sống cúi đầu chẳng nhìn trời
Chết lên mặt trống, muôn nơi nghe mình!
 
  Đoàn Văn Thanh
 

 

 
 
          Ghi ta là một nhạc cụ thường gặp, dễ chơi nhưng chơi cho hay, cho người nghe thán phục thì ngoài năng khiếu người chơi phải dầy công tập luyện mới mong thành tài. Chơi thơ lục bát cũng vậy. Giống như ca dao, lục bát thấm vào lòng người từ thuở lọt lòng bằng tiếng ru của Bà của Mẹ. Người Việt Nam khi tập làm thơ thường cũng bắt đầu bằng những câu lục bát. Làm thơ lục bát thì dễ nhưng làm hay thì thật khó. Thơ cuốn hút lòng người để người đọc nhớ và suy ngẫm thì càng khó.
          Tôi đã đọc nhiều bài thơ lục bát hay của nhiều tác giả trong đó thơ lục bát của Đoàn Văn Thanh để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Đọc thơ anh tôi thấy bài nào cũng thể hiện sâu sắc cả cảm xúc lẫn hình tượng, tứ thơ chặt chẽ. Nghe thơ anh như nghe một bản nhạc dân ca, mượt mà và lắng đọng, dịu êm và khúc triết, đơn giản mà sâu sắc. Bài thơ “Nói ở Đọi Tam” là một bài như thế. Bài thơ chỉ có 3 cặp lục bát chia làm 3 khổ. Khổ đầu:
       
Thân trâu mưa nắng kéo cày
Ăn giả làm thật, tối ngày chưa tha
 
          Tác giả tổng kết cuộc đời con trâu thật đơn giản. Ai cũng biết kiếp trâu bò giãi dầu mưa nắng làm viẹc quần quật giúp con người làm ra thóc gạo nhưng chỉ được ăn những thứ phế liệu cỏ rác. Nếu chỉ thế thì không bàn làm gì. Hãy nghe khổ thơ thứ hai:
 
Một mai sức kiệt lực già
Xả thân lột lại mảnh da dâng đời
 
          Đến đây thì không phải là thân trâu nữa mà là kiếp người với đầy sự hy sinh cống hiến. Bên trong cái thầm lặng nhẫn nhục, không ganh đua, không đòi hỏi, cam chịu số phận là sự tận hiến cao cả, thấm nhuần triết lý đạo Phật, chấp nhận khổ đau, hy sinh cái riêng cho cái chung, cái nhỏ cho cái lớn lao, cái hiện tại cho cái tương lai…Cả cuộc đời làm lụng vất vả đến khi chết “xả thân lột lại mảnh da dâng đời” nghĩa cử ấy cao đẹp lắm, tự hào lắm, anh hùng lắm!
          Tuy vậy hai khổ thơ trên cũng chỉ là dẫn người nghe đến đỉnh điểm của sự tổng kết, bất chợt thăng hoa ở khổ thơ cuối:
 
Sống cúi đầu chẳng nhìn trời
Chết lên mặt trống muôn nơi nghe mình
 
          Tác giả dùng lối so sánh đối lập giữa sống và chết, cúi và lên. Sống càng cam chịu thấp hèn bao nhiêu thì chết càng vẻ vang cao cả bấy nhiêu. Chính nhờ những mảnh da tận hiến đó mà “muôn nơi” rộn lên tiếng trống: trống hội làng, hội nước; trống trường, trống trận; trống hộ đê, cứu hoả…tất cả đều âm vang, rộn rã, thúc dục…Từ tiếng trống mở đầu một công trình vĩ đại đến tiếng trống tiễn đưa não lòng, ở đâu có tiếng trống là ở đó có “ nghe mình”. Cụm từ “nghe mình” như một lời tâm sự, vừa an ủi vừa tự hào, nó đền đáp xứng đáng cho một kiếp đời tận tâm, tận hiến.
         “Đọi Tam” là một làng quê nhỏ bé nổi tiếng về nghề làm trống bằng da trâu. Trống Đọi Tam đi khắp nơi trong cả nước. Nghe nói đại lễ hội kỉ niệm ngàn năm Thăng Long cũng dùng trống của làng Đọi Tam. Bài thơ không có chữ nào viết về Đọi Tam nhưng tác giả lại lấy đầu bài là: “Nói ở Đọi Tam” là muốn dẫn người đọc về cái làng nghề truyền thống đó, nơi sinh ra những cái trống làm bằng da trâu. Anh đã có lí khi lấy Đọi Tam làm cái tít cho bài thơ, làm cho bài thơ càng sâu sắc hơn, hiệu quả hơn.
          Với 6 câu, 42 từ, tác giả đã biết chắt lọc từng chữ trong kho tàng ngôn ngữ phong phú của Tiếng Việt để đạt đến độ chín, độ “đắt” của bài thơ. Nếu ai đó có ý định thay đi dù chỉ một từ thì bài thơ sẽ giảm giá trị. “Nói ở Đọi Tam” đã vượt lên hàng trăm bài thơ khác của nhiều tác giả để đoạt giải nhất cuộc thi thơ năm 2007-2008 của hội văn học nghệ thuật một tỉnh vốn nổi tiếng là đất văn chương - đó là tỉnh Hà Nam, quê hương của tác giả.
                              
          Xin cảm ơn nhà thơ Đoàn Văn Thanh đã sản sinh ra bài thơ hay. Chúc anh thành công trong sáng tác để cống hiến nhiều hơn nữa cho đời những bài thơ có cánh, âm vang như tiếng trống làng Đọi Tam.
                                                                              
Phan Văn Hiến
ĐT:04 38546592
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - HIệp Sơn, Kinh môn, Hải Dương  (Ngày 10/11/2013 8:04:49)

NÓI Ở ĐỌI TAM
Ăn giả làm thật là trâu
Quanh năm mưa nắng rãi rầu cục thay
Khi già kiệt sức kéo cầy
Lại đem giết thịt phanh thây khao làng

Da đem bưng trống mặt đàn
Hòa thêm điệu nhạc cả làng đều vui
“Tình người bạc lắm trâu ơi”
Bao nhiêu là việc trên đời nhờ trâu

Thế mà chẳng biết xót đau
Ninh thuôn nấu rán rượu màu …đùi rung!
Xuân Ngọc
Ngày 10/11/2013

Các bài khác: