Thứ bảy, 20/04/2024,


Thành câu hò đợi, hát chờ trăng lên... (03/01/2012) 
 
EM ƠI, ĐỪNG MƠ!

Gà ai vừa gáy canh ba
Nhớ. Không ngủ được anh đà sang em
Ngẩn ngơ lặng lẽ bên thềm
Ngắm em ngủ võng dịu êm ngọt ngào.

Em ơi đừng có chiêm bao
Đừng để ai vào trong giấc mơ sâu
Đừng mơ tới những cây cầu
Vắt qua sông cả sóng ngầu chân đê
Đừng mơ tới những suối khe
Rừng thiêng, nước độc, não nề gió mưa
Đừng mơ tới khúc tình xưa...
Đừng mơ, em chớ có mơ điều gì.

Nếu không anh sẽ tức thì
Xin trời cho phép ở lì trong mơ
Hóa thân thành những vần thơ
Thành câu hò đợi, hát chờ trăng lên...

Ngô Toàn Thắng
 


Ca dao là phần phong phú nhất trong văn học dân gian của dân tộc Việt. Đây cũng là phần có giá trị nhất về mặt trí tuệ, tình cảm và nghệ thuật biểu hiện. Về cơ bản, ca dao là một thể loại trữ tình, trong đó, cái tôi trữ tình được nổi lên rõ nét. Vì vậy, phong phú nhất, sâu sắc nhất là mảng ca dao về tình yêu nam nữ.
Dân tộc Việt là một dân tộc có chất thơ được lưu truyền trong huyết quản. Ca dao chính là thơ. Những nhà thơ dân tộc thường thích dùng thể lục bát (của ca dao) để diễn đạt xúc cảm của mình. Tương tự như những bản nhạc mang âm hưởng của dân ca, những bài thơ dạng này thường mang âm điệu của ca dao, và thường được gọi chung là ca dao trữ tình. “Em ơi, đừng mơ!” của Ngô Toàn Thắng là một bài thơ như vậy.
Khung cảnh bài thơ mở ra lãng mạn biết bao! Niềm nhớ trong đêm trường cô tịch, thao thức suốt hồn, dồn nén con tim, vô thức đưa đôi chân tìm về nơi ấy. Nơi có bóng hình ngừơi đã làm tan chảy trái tim yêu, đã khiến lòng mơ bùng to ngọn lửa tương tư, chân bước theo tiếng gọi của hương yêu mà lý trí không sao điều khiển được.
 
Gà ai vừa gáy bên thềm
Nhớ. Không ngủ được, anh đà sang em.
 
Lửa tình dâng cao, sóng tình cuồn cuộn, thôi thúc tìm về người thương, ngay tức khắc không thể trễ chậm. Nhưng chỉ là thế thôi, chỉ là để thỏa lòng nhớ mong, thỏa lòng tương ngộ. Người mơ ngủ trong khung cảnh vô cùng lãng mạn, tự nhiên, cái lửa dục trần thế bỗng thấy nhẹ tênh, bay mất. Khẽ khàng thôi, đừng lay động liêu trai!
 
Ngẩn ngơ lặng lẽ bên thềm
Ngắm em ngủ võng dịu êm ngọt ngào.
 
Mà này, đừng có hy vọng nhờ có tình yêu cao thượng, đầy chất lãng mạn, thi thơ mà quên đi cái thường tình nhỏ mọn lắm ích kỷ của người đang yêu. Từ Thức vui tiên là vậy mà lòng đâu quên trần thế, huống chi hồn yêu của một kẻ rất phàm. Hahaha. Và ghen, như là thuộc tính của những ngừơi đang yêu nhau. Ghen để mà yêu! Nhưng ghen với cái gì nào?
 
Em ơi đừng có chiêm bao
Đừng để ai vào trong giấc ngủ sâu.
 
Cái này đúng là ghen không thể tưởng tượng nỗi: Ghen với giấc mơ! Đây là tột đỉnh của hờn ghen, tột đỉnh của lòng yêu, tột đỉnh của sự ích kỷ trong tình trường. Yêu quá hóa ghen!
 
Đừng mơ tới những cây cầu
Vắt qua sông cả, sóng ngầu chân đê
Đừng mơ tới những suối khe
Rừng thiêng, nước độc, não nề gió mưa.
 
Và dứt khoát không cho mơ gì cả, dẫu chỉ là thoáng qua của một kỷ niệm tình đầu. Hehe. Quản thúc giấc mơ của ngừơi tình chặt quá!
 
Đừng mơ tới khúc tình xưa…
Đừng mơ, em chớ có mơ điều gì.
 
Thế mà lòng cũng vẫn chưa yên. Cứ băn khoăn, thấp thỏm không biết ngừơi thương có nghe lời dặn dò tha thiết này của mình không. Và thế là… đe! Nếu người không từ bỏ giấc mơ, thì ta sẽ vào trong giấc mơ của người, để người luôn thấy chỉ có mình ta trong mắt, trong lòng. Lãng mạn, ơi là lãng mạn! Dễ thương, ơi là dễ thương!
 
Nếu không anh sẽ tức thì
Xin trời cho phép ở lì trong mơ
Hóa thân thành những vần thơ
Thành câu hò đợi, hát chờ trăng lên…
 
Ca dao trữ tình là gia tài quý báu của dân tộc Việt. Vận dụng âm điệu ngọt ngào của ca dao để chắp cánh cho những vần thơ tình của mình bay bổng lên không trung như cánh cò lã lướt giữa cánh đồng quê trong mùa lúa thì con gái là điều không đơn giản. Nhưng Ngô Toàn Thắng trong “Em ơi, đừng mơ!” đã làm được điều này. Cám ơn nỗ lực lớn và tâm hồn đầy mùa Xuân của tác giả bài thơ, đã nâng cao vị thế của những dòng thơ – ca dao Việt trong lòng khách mộ điệu.
 
Hàn Sỹ
(Nguồn: nguyetvien.net)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: