Thứ tư, 24/04/2024,


Bao nhiêu phần nữa còn nằm trong nôi (30/12/2011) 
 
Tóc dại
 
Đòi lại cọng tóc vừa rơi
Đo trong bất cẩn cái lời tinh khôi
Thấy trọn vẹn chỗ nửa vời
Con giun đứt ruột chia đôi đoạn trường
 
Điền tâm tóc dại ngập vườn
Trăng đơn co lạnh nằm ườn chiếu đêm
Hạ buồn xuống huyệt êm êm
Mọc từng buổi sáng non trên đầu ngày
 
Thấy tịnh lặng đựng đổi thay
Thấy bất hạnh đóa duyên may trổ rầu
Thấy bây giờ chỗ mai sau
Thấy cạn cợt chứa thẳm sâu thầm thì…
 
Lăn ngày làm cuộc miên di
Đích nơi bất tận hay đi trên đường
Nhìn sau lối ngõ vô thường
Bình an khép lại đoạn trường mở ra
 
Vẫn còn được dịp hát ca
Sau lần hạ huyệt chính ta mỗi rằm
Đã rồi chết những phần trăm
Bao nhiêu phần nữa còn nằm trong nôi.
 
Miên Di
 
 
 
Đã có lần tôi trôi mình theo dòng lục bát là lạ này bởi được nghe “nhát nhạc blu buồm cắm sâu”. Cắm sâu mà không buông neo. Cắm sâu là găm vào ta - người đọc miên di, một mảnh miên di. Vết găm chưa lên da thì nay thì lại hạ huyệt: “hạ buồn xuống huyệt êm êm”. Lòng không khỏi bàng hoàng. Cái nhịp êm êm này thật nghi ngờ.
Đọc “Tóc dại” tôi nhớ câu thơ Nguyễn Trọng Tạo “buồn như trăng đã lên rằm”. Cái lần hạ huyệt gần nhất của Miên Di lãng tử không biết vào rằm nào? Bài thơ không đề ngày hạ bút, thành thử không bàn được rõ. Nhưng đọc những thấy: điền tâm, tịnh lặng, trổ rầu, đã rồi chết những phần trăm, ngần ấy thứ đủ làm cuộc miên di không nhỏ.
Cái bàng hoàng kiểu chiêm bao, thảng thốt, giật mình thon thót mỗi sớm mai là tính cách của kẻ sĩ. Sĩ tới lãng tử! Rồi ngồi thừ mặt, mồ hôi túa ra. Tá hỏa nghe giọng vợ hạ nhát blu mơ. Thế là tỉnh. Tỉnh hẳn. Cung cúc cắp ô tới sở. Trưa ăn cơm căng tin, chiều về đúng giờ, đón con đúng giờ. Lên giường đúng giờ… nhiều thứ đúng giờ. Chừng già buổi giữa tuần, tự dưng lại đổ đốn “bình an khép lại đoạn trường mở ra”. Thế là ôi thôi. Lại vào cuộc mười năm năm thân này lận đận. Lận đận buồn. Hạ xuống. Cất lên. Như đong như đo như trưng như cất. Mà lại còn “đo trong bất cẩn” và nghi ngờ nữa chứ: “bao nhiêu phần nữa còn nằm trong nôi!”
Chơi như thế này, chơi được lâu! Bởi, đơn vị dùng, gã dè sẻn lắm: “đòi lại cọng tóc vừa rơi”. Cọng trong một mái. Chà chà, ai đã đếm chính xác mái có bao nhiêu cọng nhỉ. Chơi được lâu là phải rồi. Ngay như nghệ danh là Miên Di, lúc chọn, gã cũng giải thích là thiên di, xê dịch. Lang bang, lông bông khi ẩn lúc hiện, chẳng biết đằng nào mà lần.
Hôm trước đọc tin văn, gã còn đi dự giao lưu người viết văn trẻ mãi biên giới phía Bắc. Nhìn bản ngã trẻ thật. Thế mà lại hạ một nhát: “thấy bây giờ chỗ mai sau”. Hắn nhìn xa, có tài nhìn xa thật chăng? Hay chỉ là nhìn xa xa. Dù sao thì cũng chạnh, bởi hắn nhìn thấy chỗ hắn, trước khá nhiều người và lại tự nhận, không chối từ nữa. Thành khẩn là một đức tính đẹp.
Rút tít bài thơ là “Tóc dại” rồi bắt đầu từ cọng tóc rơi nhặt lại, gã có đủ điều để miên di người đọc. Câu chữ lục bát của Miên Di ma mị. Đọc phải dè chừng không thì hố. Người Bắc Hà hay nói thế. Hố được hiểu như lỡm, bị lỡm. “Tóc dại” của Miên Di xếp vào hàng buồn ca. Hai lần buồn là dài là trường rồi. Blu buồn. Hạ huyệt buồn. Lại còn “hạ huyệt chính ta mỗi rằm”. Tức là mỗi tháng một lần đều như vắt chanh, nhập mộ. Suy diễn tý là một năm gã chết mười hai lần, và được hồi sinh cũng chừng ấy lần. Tham. Tham quá!
Sắp đến rằm, trăng trong mắt nhân gian là: lưỡi trai, lá lúa, câu liêm, lưỡi liềm, liềm giật… Khi thật trăng rồi là hết hy vọng, hết các thứ nông cụ để ví để von. Thường nhân lớn thì lặng yên nghe, thường nhân bé thì chơi đèn kéo quân, trò tít mù vùng quanh. Kẻ sỹ người buồn, người hạ huyệt. Không biết trong thâm tâm họ có định cất dấu cho riêng mình hay sẽ để dành trăng cho nhân gian những lúc giông bão nhỉ?
Khi trăng tròn, thiên hạ gọi là rằm. Người ngắm, người khen, kẻ làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh... Ấy là trong nhân gian, là thường nhân. Kẻ sĩ thì bật lên nốt buồn: “buồn như trăng đã lên rằm” (đành phải nhắc lại vậy). Sau cái sự tròn đầy viên mãn, trăng bắt đầu lu, méo dần, mòn dần… hỏi vui làm sao được.
Tóc dại mà không thấy dại. Hay cái dại nằm cả trong câu: “bình an khép lại đoạn trường mở ra”. Gan to đến thế là cùng. Bài thơ này trước lúc post lên mạng không biết vợ gã đã đọc chưa? Hay trăng trong gã cứ hồn nhiên mà rằng: “mọc từng buổi sáng non trên đầu ngày”.
 
Ngày 15/12/2011
 
Vân Đình Hùng
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: