Thứ sáu, 19/04/2024,


Tản mạn về tiếng hát ru (21/12/2011) 
 
Tôi còn nhớ thuở nhỏ, tôi rất thích đi từ nhà tôi đến chợ cá làng Vĩnh Kim, dọc theo con sông Sầm chảy từ Chợ Giữa dến Rạch Gầm, vì trong nhiều nhà vọng ra tiếng bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em. Tôi thường đến nhà chị Thìn mua cốm, không phải cốt để có miếng cốm bắp nhai dòn trong miệng, mà thật ra đề nghe giọng ru cháu của chị, ngọt ngào, êm ái, rót vào tai đứa bé, nhưng cũng lọt vào tai thấm vào tim tôi, một đứa bé mồ côi cha mẹ từ thuở lên mười, và thèm nghe tiếng ru em như thèm bàn tay ấm vuốt ve của Mẹ.
Vậy mà từ khi trở lại làng xưa, tìm con đường cũ, đi vào cả xóm vắng, cũng không nghe được câu hát ru em nào cả.
Phải chăng tiếng hát ru đã tắt trên môi các bà mẹ? Cuộc sống ngày nay, tiếng ru em thường phải nhường chỗ cho giọng ca tân nhạc, tiếng đàn organ tấu nhạc nước ngoài làm náo động không gian yên tĩnh của mỗi gia đình. Tiếc thay!
Trong thế hệ của chúng tôi, nét nhạc đầu tiên đến với con người từ lúc mở mắt chào đời là qua tiếng hát ru. Cùng một lúc với dòng sữa ấm của mẹ truyền sang cơ thể của em bé, những câu thơ dân gian, một điệu nhạc dân tộc được rót vào tiềm thức của em bé. Bài “giáo dục âm nhạc” đầu tiên đó được ghi vào “bộ nhớ” của đứa trẻ để khi khôn lớn nên người, tình thương mẹ sẽ gắn liền với tình yêu thi ca âm nhạc dân gian.
Ngoài việc tạo nên tình cảm đối với đất nước, văn hoá truyền thống, tiếng hát ru còn trang bị cho lớp trẻ một cơ sở nghệ thuật để sáng tạo những bài ca dân tộc. Thanh niên, thiếu nữ trong nông thôn không hề học nhạc trong một trường nhạc hay Nhạc viện nào, vậy mà khi lớn lên, gặp gỡ nhau trong lúc đi cày đi cấy, cất lên những câu hò tình tứ đưa duyên, đó chính là nhờ vốn liếng thi ca nét nhạc tiếp thu từ những bài hát ru nghe thuở nằm nôi.
Đâu phải sự tình cờ mà câu hò Tiền Giang, hay cả Hò Đồng Tháp, bài Lý con sáo Bến Tre cùng chung một cấu trúc âm thanh với những điệu hát ru Ầu ơ, Ví dầu của miền Nam, bài Hát thai cùng chung một thang âm có hai quãng tư chồng chất như điệu ru em miền Trung, và đoạn đầu trong bài quan họ “Mời giầu” kể cả nét nhạc cơ bản trong ca trù “Tính tinh tang tình tính tinh tang” cùng một cấu trúc âm thanh với điệu hát ru tại lưu vực sông Hồng.
Cuộc sống ngày nay có bận rộn hơn xưa, người mẹ thường phải đi làm, gởi con nhà trẻ, có bao nhiêu bài ca bản nhạc từ Đài phát ra không phải thay tiếng hát ru để đưa em bé vào giấc ngủ êm đềm, mà gieo tiết tấu kích động vào tiềm thức non nớt của trẻ thơ.
Nếu nói rằng người mẹ ngày nay ở Việt Nam phải bị quay cuồng theo nhịp sống, thì ở Việt Nam so với các nước Âu Mỹ còn nhàn nhã hơn nhiều. Vậy mà tôi còn bắt gặp được tiếng mẹ ru con tại Honolulu (Hawai, Hoa Kỳ) và Toronto (Canada). Khi tôi đến Hà Lan để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam cho các bạn Việt kiều bên ấy, tôi đã gặp được một gia đình Việt Nam, hai vợ chồng còn trẻ đều đi làm, vậy mà người vợ vẫn còn thì giờ dỗ con ngủ bằng những câu hát ru Việt Nam. Đứa bé vừa chập chững đi đã bập bẹ đôi ba câu tiếng Việt. Khi được cha hỏi: “Mẹ con ru con thế nào?”. Bé bắt chước mẹ ngâm nga: “Ví dầu con cá nấu canh…”. Tôi vô cùng xúc động.
Việc giữ gìn tiếng hát ru trong đời sống hằng ngày, tuy có phần khó khăn trong nếp sống hiện nay, nhưng không phải không làm được.
Khi tôi phụ trách dạy môn âm nhạc dân tộc tại Trường Đại học dân lập Hùng Vương, có mấy em viết thư cho tôi hứa rằng: “Sau này con sẽ tự mình ru con của con ngủ để nó không chịu thiệt thòi vì mất bài giáo dục âm nhạc đầu tiên như thầy đã dạy”.
Nhiều nhà văn, nhà thơ đã sưu tầm nhiều lời ru cũ, đặt lời ru mới như nhà thơ Lê Giang tại Việt Nam, Lệ Vân, Ngọc Sương tại Canada.
Gần đây có những băng ca-xết (cassette) và băng video về Hát ru được phát hành, chứng tỏ rằng trong xã hội Việt Nam ngày nay, cũng còn một số người yêu chuộng tiếng hát ru. Ngoài ra cũng có những cuộc Liên hoan Hát ru được tổ chức.
Tôi có may mắn được dự Liên hoan Hát ru đầu tiên do Viện Nghiên cứu Âm nhạc và Múa (Viện trưởng lúc ấy là Cố Giáo sư Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), cùng với Sở Văn hoá Thông tin, Đài Truyền Hình Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Thành Phố vào đầu năm 1989. Lần đó có 44 người tham dự gồm 9 nam và 35 nữ, trẻ nhứt 17 tuổi, cao niên nhứt 74 tuổi. Một đại biểu Quận 5 giới thiệu bài “Gà trống nuôi con” bằng tiếng Quảng Đông rất dí dỏm. Cố Nhạc sĩ Xuân Hồng giới thiệu nhiều câu “Hát ru đối đáp” rất độc đáo. Đài Truyền hình ghi âm, ghi hình được cà ngàn câu hát ru 3 miền đất nước Việt Nam.Và nhiều câu Hát ru vùng Tây Nguyên. Tư liệu đó nay được tàng trữ nơi đâu?
 
                        
 
Trong những năm sau nhiều Liên hoan Hát ru được tổ chức liên tiếp, bổ sung thêm những điệu Hò. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe nhiều bạn trẻ hát ru rất đúng hơi đúng giọng, hay cất tiếng hò ngọt ngào theo giọng Bến Tre, Cần Thơ, Bạc Liêu và Đồng Tháp.
Hôm các em trúng giải biểu diễn trong chương trình Đài truyền hình, tôi có được mời phát biểu. Tôi đã bày tỏ niềm vui khi thấy nhiều em trẻ tuổi ru hay hò giỏi. Nhưng theo tôi, đây chỉ là bước khởi đầu. Các bạn học hỏi, luyện tập công phu nhằm “tham dự” liên hoan, để có cơ hội biểu diễn trên Đài truyền hình. Tôi ước ao sao tiếng Hát ru được bà, mẹ, chị sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, để đưa em bé vào giấc ngủ êm đềm. Chừng đó chúng ta mới có thể vui mừng rằng Hát ru đã được hồi sinh. Mong rằng ngày ấy sẽ không xa.
Chúng tôi rất hoan nghinh công trình của Lê Giang – Lư Nhất Vũ, đã lặn lội đi khắp các vùng đồng quê miền Nam, ghi lại rất nhiều bài hát ru từ lâu đã bị chìm trong quên lãng. Nhà thơ Lê Giang, chẳng những sưu tầm, giữ gìn vốn cổ, còn làm giàu cho di sản cha ông để lại bằng cách đặt những lời ru, câu hò điệu lý mới.
Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” đã nhắc đến việc hát ru góp phần đào tạo ra bản sắc của người Việt Nam:

Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn.

Và lo rằng mai sau chẳng biết hát ru có còn được giới trẻ nhớ không?


Bà ru mẹ… mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?


Cố thi sĩ Nguyễn Hải Phương như tiếp lời nhà thơ Nguyễn Duy

Lời ru từ mẹ sang con
Từ con sang cháu mãi còn À ơi!

Và tin tưởng rằng Lời ru mãi còn, không thể tắt.


Khi lời ru lắng trong tôi
Trèo non, non thấp, ra khơi khơi gần.

Và quyển sách của Lê Giang sẽ góp phần làm cho Lời ru sống mãi trong tim của mọi người.


Một chiều Hè tại Vùng ngoại ô Paris.Vitry/Seine

GS. Trần Văn Khê
                                                              (Nguồn: tranvankhe.vn)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  LÊ NGŨ NAM PHONG - namphong2408@gmail.comvn. - 01234563713 - XÃ MỸ LƯƠNG- CÁI BÈ- TIỀN GIANG  (Ngày 25/12/2011 9:27:03)

Đọc qua phân tích nét hay, vẻ đẹp, điệu hò dân gian của Giáo Sư Trần Văn Khuê, quả là không ai không thắm nhuần những bài ca dao diệu hò từ thuở nằm nôi cho đến khi trưởng thành, cái âm vang ấy vọng mãi trong tâm trí con người Việt Nam"Chiều chiều lại nhớ chiều" ầu ơ....., nghe nó êm dịu làm sao." Gió đưa cây cải về trời" Từ câu hò này Tôi cảm hứng về cây cải( có sai từ về chính tả)
TÂM SỰ CÂY CẢI
LÀM DƯA LÀ CẢI BẸ XANH
THỊT BÂM CẢI NGỌT NẤU CANH- THÊM HÀNH
BÁNH XÈO XÀ LÁCH NGON LÀNH TÍA TÔ
CẢI TRỜI- CẢI CHÚ- CẢI CÔ
CẢI ĐẤT HẾT CHỖ ĐI VÔ NHỊ TÌ
CẢI ĐỎ NẤU LẨU- CÀ RI
PHÁ ÁN CẢI TRẮNG KHÔNG BÌ HƠN THUA
LÊ NGŨ NAMPHONG namphong2408@gmail.com.vn

Các bài khác: