Thứ bảy, 20/04/2024,


Bâng khuâng tìm mãi bây giờ làng đâu? (30/10/2011) 
 
LÀNG
 
Làng nay gió nhớ bóng tre
Tiếng con chim hót rụt rè thả buông
Nắng chia xé nhỏ từng vuông
Mảnh sân thì hẹp mảnh tường thì cao
 
Tìm đâu cho thấy bờ rào
Đơn côi chuồn ớt đậu vào mảnh chai
Ngõ không cây, gió rạc rài
Hoàng hôn vệt nắng xiên khoai cuối làng
 
Chợ chiều nặng trĩu gánh hàng
Bóng em gẫy gập đè ngang lối vào
Còn vài mảnh ruộng thấp cao
Cuốc cào thơ thẩn bổ vào vu vơ
 
Tôi về lạc lối ngẩn ngơ
Bâng khuâng tìm mãi bây giờ làng đâu?
 
Kim Ô
(Báo Văn nghệ số 11 ra ngày 14/3/2009)
 
 
Hiếm có bài thơ nào lột tả được hết những cái mất mát của làng quê nông thôn thời công nghiệp hóa, đô thị hoá như bài thơ này. Bài thơ là một sự phủ định gần như lạnh lùng, sự phủ định của thực tại, thực tế cuộc sống đối với hình ảnh làng quê truyền thống, và đối với cả thơ văn về làng quê truyền thống: Không còn bóng tre, cái bóng mát đặc trưng của làng quê Việt Nam đã đi vào lời hát: “Làng tôi xanh bóng tre” (Văn Cao). Không còn sân rộng - “cái sân gạch” nổi tiếng của Đào Vũ, hay sân kho mà “tiếng ai xát thóc cười giòn sân kho” của Trần Đăng Khoa (trong bài thơ “Nhớ và nghĩ”). Không còn bờ rào - cái bờ rào toàn cây cỏ nên thơ “giậu mùng tơi xanh rờn” của Nguyễn Bính, “đường xóm ra vào chung ngõ/ cách nhau chỉ một rào thưa”, “gọi nhau xin lửa qua rào” (“Hoa chanh” của Nguyễn Bao). Đến nắng trời cũng bị xé nhỏ ra từng vuông vì: “mảnh sân thì hẹp mảnh tường thì cao”. Còn đâu “Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng/ Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu” (Huy Cận).  Không còn cây trong ngõ, nên đến gió, cái gió làng quê mát lành cũng thành rạc rài. Còn đâu cái cảnh màu mỡ xum xuê “chuối đầu vườn đã lổ,/ cam đầu ngõ đã vàng” (“Thăm lúa” - Trần Hữu Thung).  Không một chút bóng râm – cái bóng râm đã ru người vào giấc say những trưa hè oi bức dưới tán đa, bóng tre. Và hãy xem những gì còn lại: Đến tiếng chim cũng thành rụt rè thả buông, không còn ríu rít rộn ràng nữa, vì đâu còn bóng mát. Chuồn chuồn ớt chẳng còn nơi đậu ngoài những mảnh chai sắc nhọn – biểu hiện của một làng quê không còn yên bình, mà luôn phải đề phòng cảnh giác kẻ đạo tặc. Bởi vậy nên chỉ có “đơn côi chuồn ớt”, không còn “lũ chuồn chuồn giỡn nắng đuổi nhau bay” (Anh Thơ) nữa. Chợ quê thì sao? Cảnh chợ đông vui nhộn nhịp với “những cô hàng xén răng đen/ cười như mùa thu tỏa nắng”, “người đua chen” (Hoàng Cầm) đâu rồi? Chỉ có “Bóng em gẫy gập đè ngang lối vào”! Một hình ảnh thật đắt giá! Cái nhọc nhằn vất vả mà vô vọng của người thôn nữ đè nặng lên cả dáng hình, và có lẽ cả kiếp người. “Gẫy gập - đè ngang” - những động từ, tính từ ấy không những thể hiện sự vất vả mà còn nói lên cả sự bất lực, buông xuôi, không thể chống chọi với số phận để vươn lên, mà cứ tiếp diễn ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Gánh hàng nặng trĩu lúc chợ chiều - có thể hiểu là hàng bán không chạy, thậm chí ế hàng, nhưng không có cách nào khác, vẫn phải gánh, phải bán để may ra có chút cơm áo qua ngày... Không còn một chút gì thanh thản, vui tươi từ cái dáng “gẫy gập đè ngang” ấy. Thật nặng lòng!
Còn gì nữa? Hồn quê, cốt quê, hồn làng, cốt làng là ở đồng ruộng. Làng ở đây vẫn có ruộng, nhưng ruộng cũng đã mất hết thần sắc, hồn vía rồi. Không “mênh mông bát ngát”, không “thẳng cánh cò bay” đã đành, mà cũng chẳng gọn gàng tươi tốt. Chỉ là:
 
“Còn vài mảnh ruộng thấp cao
Cuốc cào thơ thẩn bổ vào vu vơ”
 
Đủ biết những mảnh ruộng thấp cao ấy cằn cỗi đến thế nào! Nó nhất quán với “nắng chia xé nhỏ từng vuông”, với “mảnh sân thì hẹp mảnh tường thì cao”. Cái “còn” ở đây xét đến cùng cũng chỉ là một sự phủ định. Bởi với những mảnh ruộng cằn cỗi thấp cao ấy làm sao người nông dân có thể vui sướng, tâm huyết chăm bón, cuốc cày.  Thêm vào đó, cảnh làng quê như trên chỉ khiến người ta buồn bã, lo lắng, nghĩ cách mưu sinh khác, không thể tập trung vào việc nhà nông. Cho nên mới có cảnh “cuốc cào thơ thẩn bổ vào vu vơ”. Và với sự “thơ thẩn”, “vu vơ” ấy thì còn đâu cái hồn, cái tâm sức của nhà nông trên mảnh ruộng của mình nữa. Còn đâu cái cảnh xinh đẹp, nên thơ, đầy ắp hồn làng:
 
“Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”
(Anh Thơ)
 
Còn đâu:
 
“Dân có ruộng dập dìu hợp tác
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê”
(Tố Hữu)
 
Bởi sự trống vắng, nói đúng hơn, sạch trơn - những gì của làng quê truyền thống ấy, mà tất yếu bài thơ phải kết bằng câu hỏi buồn bã day dứt:
 
Tôi về lạc lối ngẩn ngơ
Bâng khuâng tìm mãi bây giờ làng đâu?
 
Thật buồn và ngậm ngùi! Làng - đúng nghĩa làng đã không còn nữa. Bài thơ tả cảnh nhiều, ít nhắc đến người, nhưng từ cảnh cũng có thể suy ra con người ở làng quê ấy như thế nào? Chắc chắn họ không còn bình yên nữa, vất vả nhọc nhằn hơn, lo âu nhiều hơn và có lẽ bao tệ nạn cũng đang rình rập... Chẳng lẽ đó là kết quả của sự công nghiệp hóa, đô thị hoá? Không. Bài thơ như một lời kêu cứu thầm cho những giá trị của làng quê truyền thống đang mất dần trong cơn bão ấy. Làng lên phố, đâu đó người ta ca ngợi, hoan hô, nhưng một làng quê không- còn- là- làng như trong bài thơ này chẳng có chút gì để ca ngợi. Vẫn nghèo vẫn cực, mất ruộng, mất bóng cây, mất đi cả những giá trị văn hóa...
Bài thơ gồm hầu hết những từ thuần Việt (98 chữ, chỉ có 4 chữ: “đơn côi”, “hoàng hôn” là mang hơi hướng Hán Việt), với bút pháp chân thực, sắc sảo, là một bức tranh làng quê ngày nay sắc nét và đắc địa. Bài thơ đã đề cập đến cả “tam nông” (nông dân, nông nghiệp, nông thôn) trong một cái nhìn toàn cảnh buồn và tỉnh táo. Hỡi những nhà quản lý nông thôn, hãy nghĩ lại một chút về làng quê khi đọc bài thơ này để có thể có những quyết sách đúng đắn hơn. Hãy giữ lại chút hồn làng trong thời công nghiệp hóa.
 
 
Trần Thị Tích
Đ/c: 561 Ngô Gia Tự, TP. Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh
ĐT: 0985560078 - Email: ditimgiacmo78@gmail.com
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguễn Thanh Hà - nguyenthanhhahy@gmail.com - 01668383020 - CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên  (Ngày 30/10/2011 18:08:19)

Tôi ngồi giữa làng tôi đọc bài thơ "làng" của Kim Ô trên trang mạng Lục bát.com mà thấy lòng xa xót, đau đáu và nuối tiếc. Có lẽ mình hoài cổ quá chăng ? Có lẽ mình không nhận thức hợp với thời đại đổi mới này chăng. Có lẽ...Vâng, tác giả Kim Ô nói hộ chúng tôi nhiều điều qua một bài thơ lục bát không dài. Bài thơ gieo vào lòng người nhiều suy nghĩ, trăn trở và không biết làm thế nào nữa. Cũng may, trên đất nước ta, từ miền Nam, miền Trung đến miền Bắc, tuy sắc thái "Làng" có khác nhau, nhưng vẫn còn "làng" mặc dù có thể có những thay đổi mà những người cao tuổi, thậm chí cả những người trẻ tuổi vẫn cảm thấy có cái gì đó đang mất dần đi. Thôi, không nói nhiều đến cây đa giếng nước, rặng tre, rặng dừa mà chỉ nói làng bây giờ sao nó lại như thế. Ở vùng quê tôi Hưng Yên, nhiều làng bây giờ không còn là làng, phố lại chưa ra phố. Con người thì dở nông thôn dở thành thị, cái chân chất nông thôn thì dần mất đi, cái học đòi thành thị, dở dở ương ương thì lại cứ cho là sành điệu. Người Việt có mái tóc đen rất quyến rũ, nhất là đối với nữ thanh niên, nhưng nhiều cô nhiều chị đã không thương tiếc cắt bỏ "cái góc con người" thành ra cái tóc nam chẳng ra nam nữ không còn là nữ, nhìn đằng sau tưởng là con trai, nhìn đằng trước mới nhận ra con gái. Rồi mấy cô cậu choai choai đua nhau đi nhuộn tóc với các màu tây không ra tây phi không là phi, lại đàn đúm thuê hẳn xe tác xi đi đến một góc cánh đồng vắng vẻ mở nhạc trong xe và uống thuốc lắc nhảy với nhau, lợi dung chiếc cầu vượt chưa sử dụng mấy, nam nữ "tú nuy" thưởng trăng đến nỗi công an xã đi tuần bắt về trụ sở làm biên bản...

Làng tôi bây giờ khá nhiều nhà cao tầng với tiện nghi khá hiện đại. Nhưng đường làng ngõ xóm bị "gọt bới" hai bên, nhiều chỗ không dắt vừa chiếc xe máy. Khi người ta chỉ đạo làm đường bê-tông, người ta không tính đến hệ thống thoát nước nên hễ mưa xuống là ngập nước. Toàn xã trở thành "xã nước đen" rác và nước thải ứ lại lưu cữu nhiều tháng nhiều năm, để con người phải sống chung với ô nhiêm môi trường. Vậy mà, các nhà lãnh đạo cơ sở vẫn tưng bừng báo cáo thành tích và mở tiệc liên hoan. Khái niệm "làng" chỉ còn lơ mơ. Phát triển xây dựng khu công nghiệp là đúng, nhưng làm không đúng quy hoạch, làm ồ ạt, phá vỡ cảnh quan, lấy ruộng nông dân một cách vô tội vạ là có lối đối với các thế hệ con cháu sau này. Liệu chúng ta có thể sửa được lỗi lầm này không ? Những cánh đồng nhất đẳng điền ông cha ta phải xây dựng hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm mới thành, nay "công nghiệp về làng", nhiều cánh đồng "bờ xôi ruộng mật" bị biến mất. Ở làng tôi, trước đây có 1170 mẫu Bắc Bộ diện tích canh tác nay chỉ con hơn 200 mẫu "cài răng lược" ở mỗi thôn một ít. Người ta còn định cho chở cát về lấp cả những đoạn trung thủy nông để lấy đất bán làm nhà. "Làng" ư ? Làng đi đâu rồi. Các cụ già chân yếu tay mềm, làm sao mà ngày ngày trèo tầng ba từng tư được.

Đổi mới là cần, xây dựng công nghiệp là cần, nhưng làm sao nhất thiết phải lấy đất canh tác đổ nền dày đến một mét dựng cơ quan xí nghiệp mà không tận dụng ruộng trũng, thùng vũng sâu trũng ở đồng bằng, đồi núi còn hoang ở trung du miền núi mà xây dựng cụm khu công nghiệp, lại cứ lấy ruộng canh tác trên các cánh đồng nhất đẳng điền để làm công nghiệp, xây dựng đô thị mới và cơ quan. Nông dân thì thiếu ruộng sản xuất ra cái ăn cho toàn dân. Đô thị mới thì xây nhà lầu, biệt thự...bán cho ai, cho những người có tiền, có nhiều tiền. Làng bây giờ ở đâu, ở đâu, nhà thơ ?

Nguyễn Thanh Hà Dị Sử Mỹ Hào Hưng Yên
nguyenthanhhahy@gmail.com

Các bài khác: