Thứ năm, 25/04/2024,


"Nỗi đau da cam" - Một bài thơ xúc động (22/10/2011) 
 
NỖI ĐAU DA CAM

Cha đâu có tội tình gì
Nếu như trời phạt, cha quỳ, cha xin
Vẫn lành, đâu có còn nguyên
Mất, thà mất hẳn một bên cho rồi.
Mỗi khi trái gió trở trời
Lại thấy trong người đau buốt tim gan
Sinh con nhiễm chất da cam
Cười mà nước mắt rơi sang mắt người.
Hòa bình vẫn đẫm lệ rơi
Nỗi đau truyền kiếp mấy đời nặng oan
Truyền sang con chất da cam
Cạn nước mắt mẹ, cay sang mắt bà.
Nỗi buồn, buồn thuộc tên cha
Nỗi đau đến địa chỉ nhà cũng đau
Đã im tiếng súng từ lâu
Ngoài lành lặn đấy, trong đâu có lành.
Đường đi qua cuộc chiến tranh
Biến người đang sống bỗng thành Vọng Phu!
 
Phạm Khắc Hỵ
 


Viết về Quảng Trị, nhà thơ Hữu Ước có đoạn “Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình/ Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình”. Vâng chúng tôi hiểu, cảm nhận rõ ngay dưới lớp cỏ xanh là đồng đội chúng tôi còn trong đó. Và dưới tầng sâu thăm thẳm khác là vết thương lòng của bao người lính cùng thân nhân của họ. Những người lính được trở lại quê nhà, họ từng đã hăm hở với bao dự định. Hoàn tất những gì còn dang dở khi ra đi, kiến tạo những ý tưởng mới đang hình thành. Tất thảy, tất thẩy đều xuất phát từ nguyện vọng bù đắp cho những hẫng hụt của người thân bao năm gánh chịu. Nhưng đối với người lính cuộc chiến mới chỉ là im tiếng súng. Thực tế cuộc sống hậu chiến không kém phần cam go, mà người lính còn phải gồng mình vượt qua.
Phạm Khắc Hỵ tìm ra được tứ thơ từ một thương binh anh gặp trên đường. Cảnh ngộ ấy có khác gì nỗi mất mát mà gia đình anh đang gánh chịu. Đồng cảm với với những mảnh đời bất hạnh hiện diện từng ngày từng tháng, khi tiếng súng đang chìm dần theo thời gian anh đã viết bài thơ “Nỗi đau da cam”. Thơ hòa quyện máu và nước mắt, đó chính là tiếng lòng của triệu triệu con tim đi tìm công lý cho nỗi đau di chứng chất độc dioxin.
Bài thơ biểu cảm nỗi niềm không của riêng ai và cũng không hạn chế biên giới của một quốc gia. Thơ viết không hoa mỹ văn chương, nó mộc mạc dung di nhưng đó lại là những vần thơ gan ruột. Thơ chiết xuất từ chính con tim đang vò xé đang khắc khoải, ngày từng ngày, đêm từng đêm. Ngay từ câu mở thơ đã gây cho người đọc trào dâng cảm xúc đau đớn: “Cha đâu có tội tình gì/ Nếu như trời phạt cha quỳ, cha xin”. Cổ tôi cứ nghèn nghẹn, con tim như bị bóp lại, đău, đău lắm chứ. Trước kẻ thù người lính không bao giờ ớn hèn quỳ gối. Thế mà trước nỗi đau di chứng da cam của con mình, anh không ngại ngần kêu xin trời phật, dù biết rằng điều đó là không tưởng. “Vẫn lành, đâu có còn nguyên/ Mất, thà mất hẳn một bên cho rồi/ Mỗi khi trái gió trở trời/ Lại thấy trong người đau buốt tim gan”. Có đối mắt với di chứng da cam mới thấy hết được sự vò xé bất lực của người thân. Câu thơ bật ra tự nhiên như người đang nói chuyện. Nhưng tôi đọc được nỗi băn khoăn mặc cảm trong anh. ý thơ như có sự hờn giận ai đó chưa thật đông cảm với sự “vẫn lành đâu có còn nguyên”. Hiểu một cách thuần túy những người mắc di chứng sẽ có biểu hiện không giống nhau. Có người hình hài dị dạng, có người lành lặn nhưng căn bệnh ẩn chứa bên trong. Và trong sâu thẳm ai đã dám khẳng định được sự khôn lường tác hại của các di chứng dừng ở đâu. Khoa học nói chung và y học nói riêng cũng đang mò mẫm tìm tòi chưa có kết luận đầy đủ tác hại của chất dioxin gây ra cho các nạn nhân chiến tranh. Câu thơ bình dị nhưng đây là thông điệp gửi tới công luận về sự vàng thau lẫn lộn trong quan niệm, trong thực hiện chính sách. Hãy làm gì đó đừng để nỗi đau này chồng chất nên nỗi đau khác. Đã là người lính đã tham gia chiến đấu ở các chiến trường bị rải chất Dioxin phải thuộc diện chính sách, phải được bù đắp mất mát một cách xứng đáng.
Bài thơ còn là thông điệp gửi tới bạn bè trên thế giới và cả những kẻ đã gieo rắc chiến tranh. Thưa ngài Giôn, ngài Ních, thưa ngài Bút, ngài Obama. Nơi xa xôi bên kia tây bán cầu, các ngài đang nghĩ gì về tội ác của các ngài và quân đội các ngài đã gây ra trên chiến trường Việt Nam. Hậu quả ấy không chỉ để lại cho các nạn nhân da cam của Việt Nam mà cho ngay cả các cựu chiến binh Mỹ. Thưa các ngài thẩm phán người cầm cân công lý, hẳn các ngài thừa biết cái gọi là “chất diệt cỏ ấy” nó làm gì biết phân biệt người mỹ hay người Việt Nam. Liệu các ngài cứ làm ngơ mãi đến bao giờ? Nước mắt của các bà mẹ Việt Nam, bà mẹ Mỹ đã cạn lắm rồi. Thơ Phạm khắc Hỵ đang nhắc các người những điều cần phải biết: “Cười mà nước mắt rới sang mắt người/ Cạn nước mắt mẹ, cay sang mắt bà”. Có một điều gì đó quặn thẳt trong lòng, những nụ cười rơi nước mắt mà nước mắt cũng làm gì còn nữa mà rơi. Thưa các mẹ: “Nước mắt mẹ đâu còn để khóc/ Giữa cuộc đời đâu dề khóc mẹ ơi”! Càng đọc càng thấy thơ Khắc Hỵ cứ như bật ra rất tự nhiên không chau chuốt mà sâu lắng. Tôi rất quý chất thơ như thế : “ Nỗi buồn, buồn thuộc tên cha ? Nỗi đau đến địa chỉ nhà cũng đau”. Thật là xót xa, tôi đã được xem phóng sự truyền hình, khi được hỏi lý do không những không kê khai con cháu mắc bệnh di chứng da cam. Mà còn phải đào hầm dấu hàng xóm, đơn giản chỉ là để tránh tiếng cho người thân còn lành dễ lấy vợ lấy chồng. Tôi cũng không biết chọn từ ngữ gì để biểu cảm sự kiệt cùng của nỗi đau này. Chỉ xin ai đó còn bàng quang vô cảm với nỗi đau da cam hãy một lần, một lần thôi đọc những câu thơ của Phạm Khắc Hỵ viết: “Đã im tiếng súng từ lâu/ Ngoài lành lặn đấy, trong đâu có lành/ Đường đi qua cuộc chiến tranh/ Biến người đang sống cũng thành đá bia”. Có lẽ tôi chẳng cần thêm bớt gì nữa, thơ anh biểu đạt đầy đủ hết cả ngữ và nghĩa điều cần biểu cảm.
Xin được chân thành chia sẻ cùng Phạm Khắc Hỵ người đồng niên, người đồng chí đã từng đi qua những năm tháng khộc liệt của đời lính. Đã từng sống chiến đấu ở những khu rừng chết vì chất độc da cam. Anh đã âm thầm vượt cạn, tự xoa dịu nỗi đau của gia đình mình. Hãy cứ tiếp tục theo sự mách bảo của con tim mà hành xử.
Tôi rất cảm động khi được đọc những vần thơ có máu và nước mắt của anh. Khách quan mà đánh giá đây là bài thơ tính nhân văn rất cao. Cuộc đời này rất cần những vần thơ đậm chất thơ như vậy. Nhà thơ Lưu Trọng Lư bàn về cải cách thi ca đã viết: “Các tay thợ kia chỉ: lựa chữ cho kêu, tìm điểm cho lạ, đem cái áo văn chương hoa hòe sặc sỡ mà mặc cho những cái yếu đuối, những tư tưởng tầm thường”. Đúng như vậy, thơ cần sáng tạo và dụng công.
 
 
Vũ Chính Bình
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: