Thứ năm, 25/04/2024,


"Từ khi làm mẹ" - Bài thơ dạt dào tình mẫu tử (20/10/2011) 
 
TỪ KHI LÀM MẸ
 
Được làm mẹ ở trên đời
Mới hay hai tiếng “à ơi” mặn nồng!
 
Tay giặt giũ, tay bế bồng
Mới hay cực khổ mẹ không bến bờ!
 
Đêm thâu dỗ giấc con thơ
Mới hay mắt mẹ thức mờ vì con!
 
Soi gương sắc kém dung mòn
Mới hay mẹ đã cho con cả đời…
 
Mẹ ơi! Nước mắt con rơi
Từ khi con biết ru lời đầu tiên:
“À ơi… con ngủ giấc hiền
Lời ru của ngoại còn truyền ngàn sau…”
 
Lâm Thị Thanh Trúc
 
 
Đã lâu lắm rồi, tôi cố lục lọi trên các trang thơ xem có bài thơ nào viết về tình mẫu tử sâu sắc. Thật may mắn, tìm trên mạng, tôi bắt gặp một bài thơ dạt dào cảm xúc tình mẹ con đã ám ảnh khôn nguôi tâm trí tôi. Đó là bài “Từ khi làm mẹ” của nữ tác giả Lâm Thị Thanh Trúc.
Tôi vẫn nhớ những ngày ấu thơ, câu hát “à ơi!...” đã ru tôi vào giấc ngủ. Bây giờ lớn lên, vẫn lời ru, vần thơ ấy đưa tôi vào cuộc sống. Làm sao tôi quên được ngôi nhà nhỏ, mảnh vườn xưa. Làm sao tôi quên được ký ức tuổi thơ. Hình ảnh “con cò bay lả bay la”, những cánh đồng quê trải dài mướt lúa, những dòng sông cuồn cuộn đỏ phù sa. Năm tháng đi qua, tiếng mẹ ru, tiếng võng kẽo cọt, dáng mẹ gầy theo lời ru nhè nhẹ... những hình ảnh thân thương ấy cứ đi vào đời tôi như những lời ca chứa chan ngọt lịm tình thương của bà, của mẹ thuở nào. Lời ru là thế đó! Nó tựa như sợi dây vô hình cứ cột chặt lấy hồn tôi trong suốt dòng đời vần xoay dâu bể…
            Tác giả Lâm Trúc lại hết sức sâu sắc, từ khi làm mẹ càng thấu hiểu lời ru mẹ. Có lẽ chị càng sâu sắc hơn bởi chị là người từng trải, từng được ru con như mẹ chị đã ru chị ngày xưa để có bài thơ sâu lắng ngọt ngào đến thế.
            Ngay từ câu mở đầu, chị đã rất tự hào. Bởi được làm mẹ:
 
Được làm mẹ ở trên đời
Mới hay hai tiếng “à ơi” mặn nồng!
 
Đã là người con gái trong đời, ai cũng mong muốn được hạnh phúc, được làm vợ, làm mẹ. Ở đây, tác giả rất vui được làm mẹ. Nhưng không chỉ có thế. Điều thấm thía của chị chính là chị cảm thấy ý nghĩa lời ru xưa: “mới hay hai tiếng à ơi mặn nồng!”. Được làm mẹ, được ru con những câu hát, lời ru của mẹ mới thật sự hiểu rằng mẹ đã chắt chiu từng giọt sữa, đã thức đêm thâu để cho giấc ngủ con thơ. Tôi còn nhớ một lời ru ở Nam Bộ thật xúc động:
 
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ năm canh…”
 
            Tôi chắc chị đã thức đủ năm canh, cho giấc ngủ đứa con cũng là lúc hình bóng và lời ru mẹ cũng song hành hiện lên trước mắt chị.
Có lẽ hết sức tinh tế và am hiểu sâu sắc lời ru, cho nên ngay trong những lời thơ giản dị khởi đầu đã làm xúc động người đọc. Hai tiếng “à ơi” chỉ là âm thanh nhưng đâu dễ mấy ai cảm nhận hết. Nhất là trong thời buổi hiện nay, khi thời đại @, thời đại công nghệ số, người ta tất bật, người ta bon chen, xô bồ thì làm sao cảm nhận tự đáy lòng sâu sa của hai chữ ấy? Nhưng với tác giả Lâm Thị Thanh Trúc thì mãi không quên hai tiếng “à ơi”. “Mới hay hai tiếng “à ơi” mặn nồng!”
            Sang đến bốn câu thơ tiếp theo là hình ảnh người mẹ rõ nét:
 
Tay giặt giũ, tay bế bồng
Mới hay cực khổ mẹ không bến bờ!
 
Đêm thâu dỗ giấc con thơ
Mới hay mắt mẹ thức mờ vì con!
 
Nhân vật trữ tình, người mẹ của hôm nay đang làm những việc của người mẹ xưa. Chính vì thế mà chị càng thấu hiểu từng cử chỉ hy sinh vì con của người mẹ xưa: 
 
Tay giặt giũ, tay bế bồng
Mới hay cực khổ mẹ không bến bờ!
 
Như người ta thường nói rằng có trưởng thành mới biết công lao trời biển của cha mẹ. Được làm mẹ hôm nay mới hiểu tình mẹ đã khổ cực nuôi nấng, công ơn to lớn của mẹ thế nào. Tác giả đưa ta vào ý thơ trong trường liên tưởng sâu sắc là chỗ đó. Dáng một người mẹ hiện lên với sức gợi lay động mỗi chúng ta. Người mẹ ấy đang làm cái phận sự tiêu biểu, điển hình của tất cả những bà mẹ trên thế gian này: “Tay giặt giũ, tay bế bồng”. Người mẹ hôm nay đã cảm nhận được nỗi gian nan vất vả của mẹ không có bến bờ. Đúng là lời thơ điễn tả rất sâu đậm tình Mẫu- tử xưa nay. Mỗi người mẹ đều hy sinh tất cả cho con, không kể tháng năm gian nan lận đận dẫu nắng mưa, dẫu cuộc đời dâu bể. Mẹ chỉ mong con khôn lớn trưởng thành .
Bao khó nhọc vì con. Ban ngày tần tảo vì miếng cơm manh áo. Ban đêm, hình ảnh mẹ thức suốt canh chày đưa con giấc ngủ:
 
Đêm thâu dỗ giấc con thơ
Mới hay mắt mẹ thức mờ vì con!
 
Nào đứa con khi ru là ngủ ngay. Và đứa con của mẹ khi thức khi ngủ . Vì vậy mẹ phải thức suốt đêm thâu. Thức đêm mới biết đêm dài. Đời mẹ nghèo nên mắt thâm sâu. Tuổi xuân của mẹ trôi dần theo năm tháng để dung nhan tàn phai. Đến lúc soi gương, mẹ nhận ra mình:
 
Soi gương sắc kém dung mòn
Mới hay mẹ đã cho con cả đời…
 
Mẹ không tiếc tuổi xuân. Mẹ tự hào bởi tất cả những gì mẹ làm cả một đời vì con. Mẹ dẫu tàn phai để dung nhan con đẹp thì mẹ mãn nguyện lắm rồi.
            Đến những câu thơ kết, nhân vật trữ tình đã bật khóc. Tiếng thơ vỡ òa, những giọt nước mắt rơi thật cảm động. Giọt nước mắt của tình Mẫu tử- bao la. Giọt nước mắt hiếu thảo của đứa con ngoan hiền. Giọt nước mắt từ trái tim kính yêu tấm lòng bao la của mẹ.
 
Mẹ ơi! Nước mắt con rơi
Từ khi con biết ru lời đầu tiên:
“À ơi… con ngủ giấc hiền
Lời ru của ngoại còn truyền ngàn sau…”
 
 
Những giọt nước mắt chị chắc chắn đã lay động vào trái tim đứa con của chị và cả trong trái tim người đọc.
            Bài thơ của chị mới chỉ đọc một lần thì thấy bình thường nhưng càng đọc, tôi càng suy nghĩ và thấm thía tình mẫu tử bao la. Bài thơ lục bát không dài, lời thơ dung dị nhưng lại nói từ cõi lòng sâu kín, khơi gợi được tất cả công lao của mẹ. Bài thơ nói được hai tầng nghĩa. Tầng thứ nhất là ca ngợi công lao của người mẹ đã sinh ra chị. Nhưng còn tầng nghĩa thứ hai ẩn chìm. Chị muốn gửi một thông điệp với những ai chưa làm mẹ. Và chị muốn nói với đứa con của chị hôm nay hãy lớn lên, khi làm mẹ mới thấy hết lời mẹ đã ru con, mới cảm nhận đầy đủ mẹ đã nuôi dạy con cực khổ như thế nào.
            Với thể thơ lục bát truyền thống, với từ ngữ sâu lắng mang hồn đất Việt cùng với cách dụng ý thơ, lời thơ mang rõ nét truyền thống văn hiến Việt, nữ tác giả Lâm Thị Thanh Trúc đã gửi cho người đọc một bài thơ đặc sắc về tình mẫu tử. Tôi nghĩ cùng các thế hệ phụ nữ Việt Nam, tác giả đã tham gia tích cực vào việc bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc, đã góp phần không nhỏ vào việc đào luyện, bảo vệ sự hình thành nhân cách con người Việt Nam. Nhiều giá trị của văn hóa Việt Nam từ các thế hệ xưa qua lời ru từ bao đời của người mẹ mà còn lưu giữ cho tới ngày nay. Có thể nói cùng với vẻ đẹp giản dị kín đáo, dịu dàng đôn hậu của người phụ nữ, lời ru của họ đã đi vào lịch sử như một khía cạnh của tâm hồn dân tộc Việt.
Trong bài thơ, tác giả  Lâm Thị Thanh Trúc hóa thân vào người mẹ từng trải để viết nên bài thơ nặng nghĩa tình mẹ con  đến thế. Tôi mong bài thơ này cần được bảo tồn giá trị trong văn học đương đại.
 
 
Trần Đức Thủy
Trường THPT Long Thạnh, Giồng Riềng, Kiên Giang
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: