Thứ sáu, 29/03/2024,


Lục bát Trịnh Anh Đạt (05/10/2011) 
 
LỤC BÁT TRỊNH ANH ĐẠT
 
Trong cuộc thi thơ của Tạp chí Xứ Thanh cách đây chừng mười năm, là thành viên Ban Chung khảo, tôi cảm thấy thật thú vị khi gặp bài thơ nhan đề Rau má mà Ban Sơ khảo đưa lên xét giải. Bởi cây rau má đối với người Thanh Hóa chẳng khác gì con cá gỗ đối với dân Nghệ Tĩnh quê tôi, nó là đề tài thường làm cho những người mới xa quê bị thấy xúc phạm, có thể sinh ra cãi nhau, thậm chí choảng nhau, nhưng lại gây thích thú cho những ai từng trải, thành đạt. Bản thân tôi cũng đã từng nổi giận cách đây nửa thế kỷ khi có bạn sinh viên gọi tôi là dân cá gỗ, nhưng vài chục năm nay đã bao lần tôi viết bài ca ngợi con cá gỗ. Với cây rau má Thanh Hóa cũng vậy, ai là người làm thơ ca ngợi “đặc sản” này là “sâm” dù đi xa đến đâu, thì: “Vị riêng rau má em ơi/ Vẫn còn ngai ngái trong người xứ Thanh”, và kết luận đầy tự hào với cây rau má:
Vĩ nhân và các đời vua
Cũng từ rau má ốc cua nên người.
Tôi phỏng đoán tác giả bài thơ phải là một người Thanh Hóa khá từng trải, sống xa quê và được Ban Tổ chức cuộc thi cho biết cụ thể hơn: Tác giả bài thơ, Trịnh Anh Đạt là một doanh nhân hiện đang sinh sống và kinh doanh ở Hải Phòng.
Bài thơ Rau má lần ấy trúng giải cuộc thi, và nhiều người Thanh Hóa chuyền tay nhau chép sổ.
Quê Hà Trung, Thanh Hóa, Trịnh Anh Đạt thuộc thế hệ học sinh tốt nghiệp phổ thông đúng vào thời kỳ cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan ra miền Bắc, cầu Hàm Rồng, Đò Lèn là mục tiêu bom đạn. Giống như hàng vạn thanh niên khác, anh lên đường nhập ngũ, trực tiếp phục vụ công tác vận tải trên tuyến đường Trường Sơn. Vốn là người yêu thơ, làm thơ khá sớm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thực tế cuộc chiến chắp cánh cho tâm hồn thi sĩ. Từ buổi đầu ấy, sống trên đất Quảng Bình, anh cảm thông trước sự khắc khoải chờ chồng của biết bao người vợ đã thành bà mẹ:
Bao nhiêu bà mẹ chờ chồng
Núi không đủ đá để trồng Vọng Phu.
Nhưng những bài thơ chiến trận đầu tay ấy ít xuất hiện trong tập thơ lục bát này vì phần lớn viết bằng các thể thơ khác, hơn nữa, khi cuộc chiến đã lùi xa 35 năm, tự tác giả cũng khắt khe hơn khi tuyển chọn thơ mình. Trong tập thơ này, nếu có thiếu, là thiếu những bài thơ tả và kể các trận đánh, nhưng nỗi ám ảnh chiến tranh thì dai dẳng bám theo anh mỗi lúc, mỗi nơi. Ngay khi bất chợt gặp một bông hoa chuối rừng, anh không chỉ nói được nét đẹp đặc trưng của loại hoa này:
Nồng say cháy cả niềm yêu
Úa tàn nguyên vẹn cánh diều nhẹ rơi.
Mà ký ức xui anh nhớ về thời trận mạc, phải kiếm tìm các loại rau rừng như tàu bay, môn thục… nên đối với người lính ngày ấy, chuối rừng đã mang “chức năng rau” là chính.
Trịnh Anh Đạt đến Đà Lạt khi “Chiều gom hết nắng trên từng búp thông”, rồi đêm bắt đầu xuống, bạn đọc cứ nghĩ anh sẽ tả đêm Đà Lạt thơ mộng như bao nhà thơ khác, nhưng không, rừng Đà Lạt xui anh “Gặp thời chiến trận nỗi lòng nôn nao”:
Cua tray áo, lại đèo cao
Pha đèn sương phủ hóa bao “đèn gầm”
Tiếng rừng vọng lại âm âm
Như tàu bay địch lượn gần đâu đây.
Thế là, người cựu chiến binh này lên Đà Lạt không phải để du ngoạn, mà không gian và thời gian nơi đây lay nhớ lại thời chiến trận, nhớ đồng đội, làm lòng anh cất lên tiếng gọi:
Đồng đội ơi, đồng nghiệp ơi
Chạm rừng đêm có nhớ thời lửa bom?
Về thời hậu chiến, Trịnh Anh Đạt khá thành công ở những bài viết về thân phận những người phụ nữ. Chúng ta nhớ rằng, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thành công, thì giới tính ở nước ta bị chênh lệch, cụ thể là nữ giới nhiều hơn nam giới một triệu sáu trăm ngàn người. Với luật hôn nhân một vợ, một chồng của chúng ta thì tất nhiên có đúng một triệu sáu người phụ nữ sẽ không có chồng. Lẽ dĩ nhiên những người con gái đã đem tuổi xuân phục vụ chiến trận, hòa bình đã lỡ thì, sẽ nhận lấy những số phận hẩm hiu đó. Phần lớn các chị trở về quê tiếp tục công việc ruộng đồng, nhiều chị là công nhân nhà máy, xí nghiệp sống ở các khu chung cư, nỗi cô đơn khép hờ cánh cửa nhưng chẳng có ai vào, may chăng còn ngọn gió:
Lách qua khe cửa khép hờ
Gió trăng thuở ấy đến giờ vẫn… suông!
(Cánh cửa khép hờ)
Có chị thấy mình lạc lõng giữa cõi đời trần tục, đã tìm đến cõi thiền cũng khó bề an ủi khi lòng người vẫn chìm đắm trong kỷ niệm một thời:
Bạn bè con bế cháu bồng
Trầu em vàng úa, vôi nồng bạc tay
Cửa thiền cầu chút vận may
Chỉ màu thương nhớ xếp đầy nếp nhăn…
Với tấm lòng nhân ái. thông cảm trước nỗi đau của những cuộc đời bất hạnh, lục bát Trịnh Anh Đạt là lời sẻ chia, có nhiều khổ thơ làm người đọc rưng rưng. Thế mạnh này cũng giúp anh thành công ở những bài thơ viết về gia đình, nhất là người mẹ. Anh thương mẹ vì một đời sống vì người khác, một đời chờ đợi những đứa con:
Quạnh hiu dột nát mái nhà
Hương trầm vẫn thắp thơm ra xóm làng.
Đó là thời chiến tranh gian khổ, đến khi hòa bình, con cái khá giả, mẹ vẫn quen cái tính chịu thương, chịu khó:
Phố đông, dâu thiết tha mời
Thật thà mẹ chẳng thích nơi ồn ào
Lụi lầm thân cuốc bờ ao
Cọng rau, cái tép… thế nào cũng xong.
(Mẹ)
Nhà thơ, Nhà doanh nghiệp, chủ nhà này tỏ ra tinh tế khi dùng chữ “dâu thiết tha mời” chứ không phải “con mời” vì thấu đáo cái chuyện muôn đời quan hệ mẹ chồng nàng dâu, từ xưa đến nay hai “ngôi” ấy thường kỵ nhau, bởi vậy “dâu mời” bao giờ cũng có ỹ nghĩa hơn “con mời”. Khổ thơ này không chỉ nói về một người mẹ cụ thể của tác giả, mà là ý nghĩa, tâm trạng chung của các bà mẹ Việt Nam quen sống nơi làng quê. Ý nghĩa riêng chung trong thơ là vậy.
Thơ tặng các em, Trịnh Anh Đạt viết từ mặt trận “Trong tầm pháo kích mù trời Thừa Thiên” vào đêm trung thu bất chợt thấy vầng trăng sáng:
Lòng càng thương nhớ các em
Thu này liệu có đốt đèn, trông trăng?
Hay là “bé bé bằng bông”
Theo đi sơ tán phòng không nơi nào?
(Gửi về chùa Sét)
Liên tiếp những câu nghi vấn nối nhau vì tác giả không thể xác định được việc làm, nơi ở của những đứa em của mình trong hoàn cảnh ấy. Và dù không đề thời gian bài thơ ra đời thì những chi tiết của hai thơ cuối khổ cũng mách chúng ta chuyện thời chiến tranh chống Mỹ. Tính thời sự có khi vô thức nhập vào tác phẩm là vậy.
Về người vợ, Trịnh Anh Đạt có những câu thơ cảm động:
Anh vào tuyến lửa xa xôi
Thương em nẫu cả khoảng trời nhớ nhung.
Anh “ghi công” vợ những ngày mình đi xa:
Hậu phương không quản ngại ngần
Cha già, mẹ yếu xoay trần đàn em…
(Đang chín mà em)
Đó cũng là cảm nghĩ của anh khi thấy vợ sắm sửa quần áo nâu sồng để tìm niềm vui chốn cửa phật, thương cho vợ, thương cho mình và cho bao lứa đôi thời xuân trẻ phải xa nhau, khi được gần nhau thì tuổi đà đứng bóng.
Chuyện thời cuộc, thế thái nhân tình trong tập thơ này có nhiều bài chạm tới. Khi khai thác khía cạnh bi hài của cuộc đời, tính dí dỏm của anh được huy động. Anh kể chuyện một ông lão cạnh nhà, tuổi già “nghèo răng” mắt “giầu thêm số kính” tuy nhà cao nhiều tầng nhưng nghèo đi bao nhiêu thứ:
Cạnh bà nào có được lâu
Mấy thằng cháu ngoại chia nhau đón về!
Đọc câu này, tôi nhớ lại chuyện vui của bác Thanh Tịnh. Đó là lần có có cán bộ trong cơ quan hí hửng khoe với bác rằng vợ mình vừa mới sinh con trai. Sau khi nghiêm túc bắt tay chúc mừng bạn, nhà thơ lão thành nói đùa : “Vợ sinh con trai chưa hẳn là niềm vui, vì khi nó (con trai) có vợ, mình mất con, nó có con thì mình mất vợ” Nhưng kể cho cùng, bà bận trông cháu ngoại, đối với ông còn “mất” hơn nhiều, vì còn phải đi xa, và chuyện này không lạ. Lạ hơn, vui hơn là ở chi tiết này:
Dăm ông bạn học trong quê
Tranh nhau xí chỗ nằm kề nghĩa trang!
(Tuổi đời nghèo khó)
Là người làm kinh doanh dịch vụ ngành du lịch ở Hải Phòng, Trịnh Anh Đạt chứng kiến không biết bao nhiêu kiểu xuất ngoại mà anh gọi chung là “Thân phận qua những chuyến bay” bao gồm xuất khẩu lao động, làm dâu nước ngoài, làm Ô-sin, đi du học… Nói về mặt kinh tế, những đối tượng này đã đem về cho gia đình và đất nước một lượng ngoại tệ đáng kể, nhưng xét về mặt “thể diện quốc gia” rõ ràng là mất nhiều hơn được, nên tác giả buồn là điều dễ hiểu:
Áo cơm bạc mặt kiếm tìm
Đành lòng làm xuất Ô-sin xứ người
Cũng như vậy, việc phải lấy chồng nước ngoài, nói chung chả mấy hay ho, là điều bất đắc dĩ, nên tác giả cảm thấy khó chịu với những ả “dâu Tây” chưa hiểu được thân phận mình:
Tóc đen nhuộm tím nhuộn nâu
Vênh vang lườm nguýt ra dâu nước ngoài
Bữa nào xó bếp nướng khoai
Mà giờ ngọt giọng “bái bai” điệu đàng!
Tác giả ác cảm rồi quá lời chăng? Cũng có thể, nhưng cũng vì những đứa con gái ấy không hiểu được nỗi lòng của những người mẹ:
Máu tim mẹ ứa thành lời
Ngày mai con đã bay rồi…Ới con!
Nhưng đau buồn nhất là người ra đi với bao ước mơ, hy vọng thì ngày trở về bằng một nhúm tro than hài cốt, chuyện đó trong đời ta đã từng nghe nói và gặp lại với nỗi xót thương trong tập thơ này.
Không điểm qua một số câu thơ viết về tình yêu sẽ là một điều thiếu sót, bởi bản thân tác giả là một người đa tình, tinh tế và thể thơ lục bát là công cụ thuận lợi cho anh trang trải sự đa tình, tinh tế ấy. Ở đề tài này, nhiều cặp lục bát của anh thật chuẩn, ngọt ngào, có khi thấm đẫm chất dân gian:
Vào thu găp rét bể khơi
Để anh mong nắng phía trời em yêu.
(Rét thu)
Xa nhau chín nhớ mười mong
Gần nhau im lặng như không có gì
(Hẹn em)
Nhớ nhau đến rỗng không mình
Đèn em khêu bấc tìm hình bóng ai?
(Bìm bịp kêu chiều)
Bây giờ người của người ta
Khát khao chỉ biết xót xa phận mình…
(Gương kia cứ ngự trên tường)
Đã trầu phải tỏ vân cau
Dậy hương cốm mới lụy tàu lá sen…
(Thư và tem)
Kể từ cuộc thi thơ lục bát đầu tiên của báo Giáo dục và thời đại tổ chức cách đây chừng mười lăm năm, nhiều cuộc thi thơ lục bát của các báo đã diễn ra, nhiều tuyển thơ lục bát của nhiều tác giả, một tác giả xuất hiện. Nghĩa là thơ lục bát đang được mùa. Phải chăng tập thơ này của Trịnh Anh Đạt góp thêm bông lúa vàng vào Mùa thơ lục bát?
                                                                                     
 
Nhà thơ Vương Trọng
 
 

 

CHÙM THƠ LỤC BÁT CỦA TÁC GIẢ TRỊNH ANH ĐẠT
----------------------------
 
THÔI ĐÀNH NÓN ÁO RA ĐI
Tặng Xuân Nghĩa
 
Thế là vợ bạn sang Đài
Loan bay phượng nhảy nhịn…vài ba năm
“Nửa đời chum vại”* nhọc nhằn
Đất nung mấy đận mới sành da lươn?
 
Méo tròn vợ vụng thước khuôn
Văn thơ chồng chẳng chịu luồn trôn kim
Áo cơm bạc mặt kiếm tìm
Đành lòng làm xuất Ô-sin xứ người
 
Rủi may như thể que cời
Còn mong rơm rạ ngấu lời lửa than
Giầu lo tiến chức thăng quan
Nghèo lo yên ổn để làm… thường dân!
 
Cầu giời bạn vợi nợ nần
Sớm ngày đoàn tụ còn vần… vại chum!
---
* Tác phẩm của nhà văn Xuân Nghĩa.
 
 
 
 
TÀN TRO CHỊ ĐÓN EM VỀ
Tặng bác Báu Hào
 
Hôm nào chị tiễn em đi
Ôm nhau hò hẹn đón khi trở về
Trong tim treo mảnh trăng thề
Xứ người thuốc lú bùa mê chẳng mờ
 
Ới em… ơi thế… mà giờ
Tro tàn một nắm… chị ngơ ngẩn rầu
Cân nào tịnh được nỗi đau
Thước nào đo nổi nát nhàu sợi thương
 
Miếng cơm manh áo dễ thường
Sang giầu đánh đổi quê hương… cũng nghèo!
Ai kia như cánh hoa bèo
Mắc nơi biến cạn đã heo héo rồi…
 
Về đây tiễn biệt em tôi
Dẫu tàn tro cũng tìm nơi cội nguồn
Không mồ côi giữa hoang hồn
Tổ tiên san sẻ khói hương ngày về…
 
Thảnh thơi dưới ánh trăng quê
Xứ người thuốc lú bùa mê… tạ từ.
 
 
 
TRƯỚC NGÀY LÊN TÀU BAY HOA
Gái lộn chồng, nhìn quãng đê vòng cũng ngại
(Thành ngữ)
 
Mẹ xưa ngại quãng đê cong
Con nay hãnh diện nửa vòng chuyến bay
Đội mơ lên chín cõi mây
Cụng ly toàn rượu mác Tây, nhãn Tàu
 
Tóc đen nhuộm tím nhuộm nâu
Vênh vang lườm nguýt ra dâu nước ngoài
Bữa nào xó bếp nướng khoai
Mà giờ ngọt giọng “bái bai” điệu đàng
 
Bố con oai như ông hoàng
Bước đi khệnh khạng oang oang nói cười
Ngỡ như hóa kiếp đổi đời
Vội quên cuốc mẻ nằm ngoài bờ tre…
 
Mẹ khuyên con chẳng chịu nghe
Đắng cay giọt mắt tái tê nhỏ thầm
Còn đâu nữa bát canh cần
Còn đâu nữa dấu bấm chân đường vòng…
 
Làm thân gái phải theo chồng
Hay vì “đô” đã hóa gông hóa cùm?
Biến con thành cái chổi cùn
Giữa rờn rợn thuyết, giữa hun hút ngày
 
Tình suông mắt hấp háy say
Có thương thân mẹ tiền vay khắp làng
Bố ham chơi trội chơi sang
Sổ hưu cầm tới ngân hàng đổi trao
 
Dù con đến tận nơi nao
Sống cho ra sống thanh tao kiếp người
Máu tim mẹ ứa thành lời
Ngày mai con đã bay rồi… Ới con!...
 
 
 
EM VỀ ĐẤT MẸ THÀNH HÔN
Tặng Thắng
 
Trời thương cho chút tình tang
Vượt trùng mây gió em sang bên này
Tủi mừng tay nắm chặt tay
Tái lòng chạm cóng heo may xứ người
 
Giọt vui đáy mắt anh rơi
Cặn buồn lệch nửa miệng cười là em
Bóng xưa lại đổ trước thềm
Dòng sông vắt dải lụa mềm trong mơ
 
Hai mươi năm ấy bây giờ
Áo em bạc phếch nồng mồ hôi cay
Âm thầm chai cộm bàn tay
Mà đời chỉ thấy bưng đầy bát cơm
 
Giữa đường gãy gánh thảo thơm
Cúi đầu cho thấp tạ ơn quê nhà
“Ta về ta tắm ao ta…”
Ngàn năm trẻ mãi lời bà hát ru.
 
 
 
 
BAY ĐI CON NHÉ
Một lần sinh nhật xa con gái Thái Hằng
 
Lửa reo tim nến bời bời
Biết con đang ấm nắng trời phương Nam
Tuổi mơ mộng đến nhẹ nhàng
Con vô tư bố lại càng lo âu…
 
Nhớ thương nén chặt ưu sầu
Lặng thầm sợi tóc trên đầu rụng non
Từng mơ cơm dẻo canh ngon
Nỗi niềm mẹ… hóa mỏi mòn ước mong
 
Con sang xứ tuyết mênh mông
Trái tim giữ ấm để không lạc đường
Tấm thân gửi chốn tha hương
Sang giầu hạnh phúc dễ thường sẵn đâu
 
Gần con biết chẳng dài lâu
Gái ngoan sớm muộn làm dâu nhà người
Ròng ròng lệ nến khô rồi
Bay đi con nhé… Nhớ nơi sinh thành!
 
 
 
 
 
PHÚT BÌNH YÊN VĂN MIẾU
Tặng Phạm Đức Nhì, Nhà thơ Mỹ gốc Việt
 
Anh từ Texas về đây
Bạn thơ dang rộng vòng tay đòn chào
Bỏ qua thủ tục ngoại giao
Toàn thằng lính trận thuở nào choảng nhau!
 
Người mẻ trán, kẻ sứt đầu
Trở giời trái gió ngấm đau một mình
Duyên thơ nối nhịp ân tình
Rời tay súng, chẳng phải rình rập ai
 
Vào nơi trọng dụng hiền tài
Qua Khuê Văn các sánh vai cùng người
Thơ hay vụt thả đỏ trời
Rưng rưng ánh mắt rạng ngời lửa thiêng!...*
 
Vượt lên giông bão trăm miền
Quê hương ơi!
Phút bình yên diệu kỳ!
 
 
Văn miếu Quốc Tử Giám
Nguyên tiêu Canh Dần
 
-----------------------
* Lần đầu tiên Đại lễ hội thơ Nghìn năm Thăng Long Hà Nội, rước lửa thiêng từ đền Hùng về thắp ở đài lửa Văn Miếu.
 
 
 
Trịnh Anh Đạt
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trịnh Đức Nam - trinhducnam.ksdt@gmail.com - 0936881113 - Quan Hoa Thanh Hoa  (Ngày 06/02/2012 19:50:13)

Thơ bác hay quá

  Lê Bá Hạnh - lebahanh_1941@yahoo.com - 01666 098 354 - Q. Đồ Sơn. Hải Phòng  (Ngày 22/12/2011 19:39:18)

Mùa xuân đi chợ Cầu Vồng
"Quá mù..." nên chẳng ai trông thấy gì!

Bài thơ TAD viết về quê hương tôi, làm tôi nhớ mãi ...
Đã gần đến Rằm tháng Giêng, lại nhớ đến người tổ chức đêm thơ sớm nhất . Những người làm thơ Quận Đồ Sơn lại nhớ đến TAĐ...

  Pham Thuý Nga - thynguyenhp@gmail.com - 01649429977 - Hai Phong  (Ngày 12/10/2011 10:36:50)

Kính chào chú Đat!
Rất tình cơ TN đoc đươc thơ chú tai đây cùng lời giới thiêu của chú Vương Trong. TN rất yêu mến thơ của chú. Kính chúc chú phương xa manh khoẻ và vui sống!
(Do phím gõ thanh (.) của cháu bi hỏng nên lỗi soan thảo coment đã hiển thi. Rất mong chú thông cảm ah.)

  Minh hà - phamhaibt@yahoo.com.vn - 0975 635 082 - Hà nội   (Ngày 08/10/2011 9:31:49)

Chào nhà doanh nghiệp yêu thơ
Đọc qua bài viết em giờ mới hay
Cảm ơn bài viết đủ đầy
Cho em thấu hiểu những ngày anh qua
 

  Nguyễn Khắc Kình-Lý Nguyên Liên - Lynguyenlien1946@yahoo.com - 0904323633 - !7/4 Phố Ao Sen- Hà Đông-Hà Nội  (Ngày 07/10/2011 11:02:56)

Chúc mừng những thành công trên lĩnh vực thơ của Trịnh Anh Đạt!...( Trong lĩnh vực kinh doanh Khách sạn ở Đồ Sơn thì chưa có thông tin nào!)
Anh Vương Trọng- một nhà thơ có uy tín đã có những lời đánh giá thơ Trần Anh Đạt rồi, mình mà " Bình" thêm thì có khi thừa chăng?...
Anh Năm ở Quê thì đã đại diện " bà con" nói lên " cảm tưởng" với Nhà thơ rồi!

Lý Nguyên Liên chỉ có một lời vắn tắt thế này gửi đến Trần Anh Đạt, cũng là điều chia vui cùng Anh Đạt:
" Ở Đất Đò Lèn Xứ Thanh đã có Nguyễn Duy với : Tre xanh xanh tự bao giờ..." và xin đừng quên: Trịnh Anh Đạt có " Rau má" với:
"Vĩ nhân và các đời vua
Cũng từ rau má, ốc cua nên người!"
( Mình thêm dấu PHẢY giữa Rau má và ốc cua đấy, có cổ giả lắm không Anh Đạt!)

Chúc Anh Đạt hạnh phúc và nhiều thành đạt mới!Hẹn gặp sẽ " tào lao" nhiều nhé!

Lý Nguyên Liên- Hà Đông- Hà Nội

  Nguyễn Văn Năm - nguyennamds@gmail.com - 0916845195 - Trung tâm Dân số/KHHGĐ Hà Trung Thanh Hóa  (Ngày 06/10/2011 14:23:38)

TẦM NHÌN DOANH NHÂN
Nguyễn Văn Năm- Trung tâm Dân Số/KHHGĐ
huyện Hà Trung Thanh hóa
Kính tặng: Doanh nghiệp-Doanh nhân: Nhà thơ; Trịnh Anh Đạt.
Toàn cầu hóa - Thế giới bằng
Bao nhà doanh nghiệp, luôn hằng ước mơ.
Niềm tin vượt mọi bến bờ
Thương trường vật lộn, từng giờ vươn lên.
Qua rồi... vất vả mà nên
Doanh nghiệp lớn mạnh, vững bền tương lai.
Tầm nhìn hướng tới ngày mai
Hiếu công cha mẹ, đời trai phi thường.
Mở lòng công đức yêu thương
Chăm lo dòng tộc, quê hương sinh thành.*
Vinh danh, doanh nghiệp của anh
Tô thêm vẻ đẹp bức tranh quê mình.

Ghi chú *- Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà thờ,mồ mả, đời sống anh em dòng tộc...
- Hỗ trợ kinh phí xây dựng Đình làng (nhà văn hóa thôn), Cổng làng, Đường làng...

Các bài khác: