Thứ năm, 25/04/2024,


Cách dùng chữ trong thơ Trịnh Anh Đạt (04/09/2011) 

 

       Có lẽ tôi là nhà thơ Hải Phòng hiếm hoi không dám làm thơ lục bát. Đọc Nguyễn Bính, thuộc thơ Nguyễn Bính, đến khi biết làm thơ là tự mình thấy rằng mình viết lục bát kiểu gì cũng thành “vè”, thành “ca dao mới” lại hãi! Sao mà tiền nhân viết lục bát hay vậy.

       Thế rồi tôi đọc ông Nguyễn Duy. Cái đất Thanh Hóa lạ kỳ, sinh ra những bài lục bát đọc lên mà sởn gai ốc. Lại càng thấy sợ. Thôi, chả dám đụng đến món quê kiểng linh thiêng ấy nữa.

        Mãi sau này, tôi mới biết Trịnh Anh Đạt, nghe đâu lại là bạn ông Nguyễn Duy. Lúc đầu, có vẻ hơi chủ quan nghĩ: “Một ông nhà giàu - doanh nhân làm thơ, mà lại làm thơ lục bát thì thế nào nhỉ?"

         Hóa ra mình chủ quan duy ý chí thật.

         Lại càng thấy lạ đời. Sao cái đất Thanh Hóa sinh ra nhiều quái nhân lục bát. Hay hồn cốt của bùn - đất - cỏ - rơm thấm vào người họ từ bé mà thành quê kiểng như thế...

          Nhưng đọc mãi, đọc mãi lại thấy Trịnh Anh Đạt không hẳn là quê kiểng. Cũng là chữ, là nghĩa, mà chữ của Trịnh Anh Đạt xem ra khác biệt. Ngẫm ra thấy đúng là do cái tài của người xếp chữ. Ý tứ, vần điệu nhuyễn vào nhau mà khấu khí thì rất hiện đại. Ẩn giấu đằng sau cách dùng chữ tưởng nhà quê là nhẩn nha bao chuyện thế sự. Thương trường là chiến trường, vợ chồng dựa vào nhau để không “dễ gì buông lái”; con người lòng dạ thẳng ngay nên “Chẳng dễ lưng này uốn cong"…

       Đọc Trịnh Anh Đạt, người ta nhặt ra nhiều câu thơ hay. Thấy hay cả câu, cả đoạn dễ nhận ra, mọi người đã nghe, đã trích nhiều, tôi không nhắc lại. Tôi nể phục Trịnh Anh Đạt cách dùng chữ.

       Khóc Tản Đà thì viết “rượu đắng nứt lời” nghe cứ như có ai cấu vào tâm can. Cái tiếc nối cho sự vô tình, nhỡ nhàng, lỗi hẹn thì anh viết “chưa trả nợ lời mời” – sao nặng trĩu nỗi niềm, một lời mời dài gần hết cuộc đời. Tôi đọc “Mắt lá” anh viết về hoa trinh nữ, lại thấy thương cái “mắt xanh khép hờ” rồi liên tưởng đến nghành “công nghiệp không khói” nổi tiếng ở Đồ Sơn (Là nghe người ta đồn thổi thế) lại thắc mắc chẳng biết những số kiếp hoa trôi bèo dạt vật vờ hành nghề ở khu du lịch này có vận vào thơ anh không?

        Trong bài Làng Chua, đọc qua vài câu kiểu “lúa nghẹn đòng” “chiêm mùa tần tảo”… lại chủ quan nghĩ: À cũng bình thường thôi, cũng là cảnh quê nghèo cả, ai viết cũng giống ai. Nhưng đến hai câu kết “Làng Chua như gái dậy thì/ Ngực căng hương cốm bật khuy giữa trời” mới thấy chữ nghĩa của Trịnh Anh Đạt thật đắt. Anh cố tình lừa người ta bằng hình ảnh rất cũ, rồi đột ngột bung ra ý tứ tràn trề ở cuối câu để người đọc thấy sự phát triển, thấy sự rực rỡ tươi mới, thấy đất chua phèn đã hóa thành màu mỡ tự khi nào.

        Lại xem anh bàn về rau má, ngọn rau của làng quê mọc tràn lan bờ ruộng, bờ ao, cái thứ rau lạ lùng át hết cả cỏ để rồi “cứ xanh rười rượi với đời”. Nếu bạn có dịp về Thanh Hóa, vào bất cứ nhà hàng bình dân, quán ăn đặc sản hay bữa nhậu thù tạc bạn bè, y như rằng thấy rau má thay cho rau thơm, rau sống ngoài bắc. Thành ra rau má là đặc sản, được ví như sâm cao ly của Triều Tiên. Tôi cứ nghĩ, cây rau má ấy như là Trịnh Anh Đạt vậy. Lăn lộn chiến trường, bươn trải trong thương trường, quăng quật với gió cát miền cửa biển, để rồi trở thành doanh nhân, thành tác giả. Người Hải Phòng chúng tôi cứ vơ vào mà nhận Trịnh Anh Đạt là nhà thơ Hải Phòng, nhưng thực ra cái chất Thanh Hóa, hồn Thanh Hóa cứ “ngai ngái” trong thơ anh, và nhận ra rằng dù ở đất nào, quê nào thì con người ta vẫn phải về với cội nguồn. Hạnh phúc sao khi có một quê hương, có điểm tựa để người ta đi mãi trên đường đời, để người ta ngẫm về ốc cua, về rau má mà nên người. Anh nói tưng tửng “Em chớ vội cười” mà thấy anh đang cười giễu ai đó mất gốc. Cái gốc của anh bắt nguồn từ “bậc thềm mòn vẹt”, từ “cọng rau cái tép” để “nuôi phần hồn, vịn vào con đã lớn khôn đến giờ” bằng lời ru của mẹ. Có một cái gốc như thế, chữ nghĩa bình thường tự nhiên thi sỹ chắp cánh thành ra thơ!

         Hành trình vật lộn với con chữ của Trịnh Anh Đạt là cả một quá trình tìm ngọc từ trong đá. Chữ nghĩa của Trịnh Anh Đạt chắt lọc từ quặng, từ cát, từ sạn thô nhám của cuộc đời mà đưa vào trang thơ. Tôi cứ nghĩ, “Lặng lẽ” là một tuyên ngôn thơ của anh:

"Không dưng sạn hóa ngọc đâu
Trai vo tròn lẳn nỗi đau không lời
Luyện trong bùn cát sa bồi
Sáng nay nhả một mặt trời dịu êm."


Vũ Thúy Hồng
 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Bùi Quý Thục - Buiquythuc@gmail.com - 0912665573 - Hải Phòng  (Ngày 08/09/2011 10:59:33)

Lục bát bao giờ cũng hay nhưng lục bát của nhà thơ Trịnh Anh Đạt là một giọng điệu góp mặt làm cho lục bát tinh tế và phong phú hơn... Chúc nhà thơ mạnh khoẻ và sáng tác nhiều!

  Tuấn Anh - giacmo60@gmail.com - 0904953751 - 154/147 Đình Đông Hải Phòng  (Ngày 08/09/2011 7:45:08)

Trịnh Anh Đạt thuộc trong những nhà thơ viết từ thời chống Mĩ, mặc dầu anh mới tham gia Hội văn hoc nghệ thuật Hải phòng chưa lâu. Ở lứa thuổi anh, vào thời ấy , khó có thể đòi hỏi những mảng thơ rực rỡ như Đồng Đức Bốn. Mọi so sánh đều có thể khiên cưỡng nếu ta không tìm được vạch xuất phát.
Thơ anh và con người anh là một ,cuộn tròn với nhau, trong từng cách sống , rất thật.Cái mọi người không làm được, thì anh làm được, đó là hình ảnh cây rau má. Người ta có thể sợ liên lụy này nọ, nhưng anh thì không.Anh dám nói cho mọi người biết bằng lòng yêu thiên nhiên, bằng tình quê máu mủ, mà ai sinh ra cũng phải có.
Niềm yêu thương của anh đã đong lại làng Chua (quê anh) như một cô gái "chiêm mùa tần tảo" đến nỗi "nghẹn đòng".Còn cây rau má thì... trở thành "đặc sản của người xứ Thanh" như niềm tự hào sống về làng quê đầy gió cát này.
Một số các loài hoa , thoáng gặp đâu đó thời chống Mĩ, cũng được anh nhắc đến rất khéo và trân trọng, trong đó có cả những bông hoa hiện giờ đang mọc nơi anh sống Đồ Sơn).
Thơ anh đậm đà, man mát nhưng lại sâu cay, cũng như tấm lòng anh dãi bày , để rồi đọc lên, thấy rưng rức những khúc ruột... không ngơi nghỉ.

  Lê Hoa - lehoa14.5.1952yahoo.com - 01685300685 -   (Ngày 05/09/2011 14:23:48)

Giữa trào lưu người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, cả nước làm thơ lục bát, thì sự xuất hiện cây thơ lục bát Trịnh Anh Đạt là rất đáng trân trọng và ghi nhận... Trên lucbat.com, thi phẩm của anh xuất hiện không nhiều, nhưng đọc là nhận ra Trịnh Anh Đạt ngay, bởi thơ anh có giọng điệu riêng, rất riêng. Rõ ràng thơ anh có thương hiệu, có đẳng cấp.

  Hằng Thu  - canhhoatamhon_hp17@yahoo.com.vn - 0936813704 - 0313860 - Kiến Thuỵ - Hải Phòng  (Ngày 04/09/2011 23:08:48)

"Đọc Trịnh Anh Đạt, người ta nhặt ra nhiều câu thơ hay. Thấy hay cả câu, cả đoạn dễ nhận ra, mọi người đã nghe, đã trích nhiều, tôi không nhắc lại. Tôi nể phục Trịnh Anh Đạt cách dùng chữ."

Tôi cũng đồng ý với ý kiến của nhà thơ Vũ Thuý Hồng về lục bát Trinh Anh Đạt, bởi vì một bài thơ hay, dở chỉ có thể đánh lừa đựơc nhãn quang của người không mặn mà với nó chứ với người có tâm hồn nhạy bén với thơ lục bát thì đọc một bài thơ không hay bị "nổi da gà" bao nhiêu, thì đọc một bài thơ thú vị nó cũng làm người ta "sởn gai ốc" bấy nhiêu.
Từ năm 2005 tôi đã bị lục bát của nhà thơ Trinh Anh đạt cuốn từ những bài tôi đựơc tiếp cận đầu tiên là bài thơ "Trươc ngày lên máy bay hoa", rồi lần lượt đến bài "Rau má", "Người về bến cũ". "Nợ một lời mời", phải nói thực lòng là lục bát Trịnh Anh đạt dễ đọc,dễ nhớ, dễ hiểu mà vẫn đạt nghệ thuật thẩm mỹ, thế mới có sức mê hoặc ngươì ta chứ.

Nhà thơ xứ Thanh này không hiểu sao cứ đặt bút là lục bát, đã viết là hay, câu nào ra câu đấy, có câu hay "chết điếng người", nếu nhặt những câu thơ hay trong các tập thơ lục bát của nhà thơ Trịnh Anh Đạt thì nhiều lắm có thể xếp dày trong kho táng những câu thơ lục bát hay của Việt Nam, điều đó tôi và các bạn tôi chuyên viết lục bát ở HP cũng có chung nhận xét về thơ lục bát Trịnh Anh Đạt như thế.

  Hoài Khánh - hoaikhanhhp@yahoo.com - 0912542158 - Đài PTTH Hải Phòng  (Ngày 04/09/2011 22:55:42)

Thơ lục bát dễ viết nhưng khó hay bởi cứ tưởng gieo được vần lưng là xong. Cái khó của lục bát là chỉ với số chữ nhất định, khuôn cứng đến mức đơn điệu về nhạc điệu, thì bắt buộc tác giả phải lựa chọn kĩ lưỡng từng từ ngữ để tạo ra nhạc điệu mới không gò bó, tạo ra trường ngữ nghĩa rộng thoáng hơn sự khuôn phép mặc định.

Nhà thơ Trịnh Anh Đạt khổ công tìm từ ngữ khi sáng tác thơ lục bát. Anh gặt hái được những thành công trong thơ lục bát có lẽ từ sự khổ công ấy. Điều mừng nữa là, anh còn sáng tạo ra những từ mới với lớp ngữ nghĩa mới - đó cũng là thiên chức cần có của một nhà thơ. Có không ít người mải đuổi bắt việc gieo vần mà ít chú ý tìm từ ngữ nên thơ của họ dễ thành những bài vần vè đáng tiếc.

  Bùi Đức  - buidinhduc87@gmail.com - 0938.721.346 - Tổ 8c khu phố 3 phường Trảng Dài, Biên Hòa, Đồng Nai.(Quê Hải Phòng)  (Ngày 04/09/2011 21:13:43)

Hải Phòng, ừ cũng Hải Phòng
Cũng dân đất cảng phượng hồng thắm tươi
Xa rồi nhớ lắm ai ơi
Vài vần thơ nói thay lời trái tim:

"...Ngày sau ở giữa chốn đây
Tình yêu tràn ngập đẹp thay lạ thường!
Ngày sau rừng vắng - văn chương
Lại đông kín khách khắp đường thi ca
Lá thơ ta nhặt pha trà
Bày bàn ghế để cùng hòa khúc vui
Thập phương khách lại cùng ngồi
Bên ta đối ẩm đầy vơi tình nồng
Ta gom tất cả vào lòng
Sông Ngân đem thả mưa hồng trần gian
Chẳng còn đau khổ ly tan
Chẳng còn ngang trái khóc than tủi hờn
Chẳng còn sầu vắng cô đơn
Chẳng còn một gã ngồi buồn ngâm thơ...."

Trường ca TVCMBT
Bùi Đức

  Bùi Khánh - buikhanh72@gmail.com - 0914343985 - Hải Phòng  (Ngày 04/09/2011 17:42:00)

Có thể khảng định Trịnh Anh Đạt là gương mặt thơ lục bát sáng giá của thành phố hoa phượng đỏ. Với thể thơ truyền thống, anh đã làm mới bằng những hình ảnh, câu chữ hiện đại...Nhà thơ đã loại bỏ những câu chữ sáo mòn cũ kỹ mà người làm thơ lục bát thường vấp phải.

  lebahanh - leha.ds@yahoo.com - 0313865500 - haiphong  (Ngày 04/09/2011 17:31:21)

Tôi đã được đọc tập thơ: Trước hoa hồng, Chồi lộc biếc. Lục bát Trịnh Anh Đạt.
Những con chữ của Anh thật chọn lọc đày hình ảnh mà rung động đầy hồn thơ. Cảm ơn Lucbat.com, cảm ơn Trịnh Anh Đạt.
Bài tuyên ngôn về thơ của Anh thật đáng suy ngẫm...

Các bài khác: