Thứ sáu, 19/04/2024,


Đũa mồ côi (30/08/2011) 
 
    Thơ viết về mẹ xưa nay có nhiều bài cảm động sâu lắng bởi cảm xúc tự nhiên, chân thành của người viết. Trong những dòng thơ hay ấy có thơ của Nguyễn Ngọc Hưng, nhà thơ viết nằm ở Quảng Ngãi:
 
Thềm rêu thầm giữ dấu chân
Vách thầm giữ bóng
Chăn thầm giữ hơi
Chiều, con mắt lệ đầy vơi
Giọt dài giọt vắn
Mẹ ơi, khóc thầm…
 
Xưa hai đôi đũa một mâm
Giờ hai đôi đũa con cầm một đôi
Còn một đôi đũa mồ côi
Nghẹn ngào con nuốt cho trôi chén buồn.
(Mẹ ơi - Nguyễn Ngọc Hưng, NXB Giáo dục 2005)
 
 
    Đây là những dòng thơ viết về sự mồ côi của người con khi mẹ qua đời. Day dứt, da diết, chết lặng ngay từ những câu đầu về nghệ thuật dùng số từ hai và một. Trong hai tám chữ thì có đến năm chữ là số từ gồm hai chữ hai, ba chữ một, chưa kể bốn chữ đôi là danh lượng từ của từ đôi đũa. Nhưng sự xuất hiện mỗi lần là một hoàn cảnh khác nhau của sự hợp - tan, đoàn tụ - chia cắt. Hai đôi đũa/một mâm là sự đầm ấm đoàn tụ của mẹ và con. Hai đôi đũa của hai người đọc lên ta biết đấy là nhà có hai người. Chữ đôi của từ đôi đũa làm tăng thêm sự đầy đủ đoàn tụ vì nhà chỉ có hai người là hai mẹ con. Nhưng cặp số từ hai/một/một của ba câu sau lại là sự mất mát không cùng. Mẹ đã mất nhưng con vẫn so đũa cho mẹ như mẹ vẫn còn sống, vẫn cùng ăn như mọi ngày. Đây cũng là tập tục của người Việt khi người thân qua đời vẫn phải xới cơm so đũa mời ăn đủ năm mươi ngày rồi đưa hồn người mất gửi vào chùa thì mới thôi xới cơm mời hàng bữa. Nhìn bát cơm không người ăn thật, đôi đũa không người cầm thật khiến người con không cầm được nước mắt mỗi khi bưng bát cơm lên. Đã thế tác giả lại ba lần dùng từ đôi đũa như một biểu trưng của sự sóng đôi, đầy đủ nhưng đọc lên lần này ta lại cảm thấy sự thiếu hụt, mất mát tăng lên, nặng thêm nhiều lần, khác hẳn sự đoàn tụ của từ đôi đũa xuất hiện lần đầu ở trên. Mà đũa của mẹ lại không có mẹ cầm thì đũa cũng trở thành mồ côi mất rồi. Người con vẫn xới cơm, so đũa cho mẹ tuy là theo tập tục nhưng thật ra trong lòng đang cố tự dối mình rằng mẹ chưa đi xa đâu, mẹ đang ăn cơm cùng đấy, mình chưa mồ côi đâu. Nhưng đến đôi đũa là vật vô tri vô giác còn biết mồ côi thì người con sẽ cảm thấy côi cút biết nhường bao. Quả vậy, câu cuối tác giả viết Nghẹ ngào con nuốt cho trôi chén buồn thì sự côi cút không cùng ấy thực ra luôn nấc nghẹn trong lòng đấy thôi. Bát cơm người con ăn để sống đâu phải là bát cơm nữa, đó là bát buồn đau mất mát đấy chứ.
   Thật chân thành và cảm động. Tình cảm ấy lại được thể hiện một cách rất tài hoa khiến bài thơ đạt tới sự hoàn mĩ, khái quát và nó cứ tự nhiên găm vào lòng người đọc.
    Nếu ta biết thêm về tiểu sử tác giả thì lại càng thấy sự cảm động chân thành hơn qua bài thơ này. Nguyễn Ngọc Hưng sinh năm 1960 ở Nghĩa Hành Quảng Ngãi, bố bỏ rơi hai mẹ con anh. Hưng tốt nghiệp thủ khoa Đại học sư phạm Quy Nhơn, ra trường đang dạy lớp 11 trường huyện thì bị bệnh bại liệt, sống nhờ vào sự chăm sóc của mẹ. Vậy là suốt đời anh phải cần sự chăm nuôi của mẹ. Hiện nay mẹ mất anh sống dựa vào gia đình người bạn học cùng trường. Cuộc đời đầy truân chuyên sóng gió nhưng thơ anh có sức lay động lòng người mãnh liệt. Đọc bài thơ trên chắc mọi người đều có chung cảm nhận như vậy.
 
 
Phạm Thuận Thành
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
Điện thoại: 0241.3782.355 - 0168.5300.803
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: