Thứ năm, 25/04/2024,


Vườn xưa hoa trắng cau rơi mấy mùa (27/07/2011) 
 
MẸ VÀ LỜI RU
 
Đường còn ngủ vật, ngủ vờ
Ngõ nhà, cổng đã khép hờ Mẹ đi
Đáo đôn chợ gỉ, chợ gì
Chan chan gió bấc, mưa chì nặng vơi!
 
Tôi từ ngọt tiếng à ơi
Giọt mồ hôi mặn một thời bão giông
Mà nên má thắm môi hồng
Nhận về tóc úa lưng còng… mẹ tôi!
 
Ngõ xưa vắng bóng mẹ rồi
Vườn xưa hoa trắng cau rơi mấy mùa
Còn đây ngọt giọng... àu ơ
Vẫn còn đây nhịp võng đưa mẹ hiền...
 
“Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao..."
Tôi nâng niu khúc ca dao
Thắp xanh vào giấc chiêm bao con mình...
 
 
Nguyễn Trọng Tuấn
(Rút trong tập “Đôi mắt mùa đông” NXB Hội nhà văn – 2004)
 
 
 
Tình mẹ luôn là cảm hứng sâu sắc và thăng hoa trong tâm hồn của các thế hệ thi nhân “Mẹ và lời ru” của Phạm Trọng Tuấn đã mang được chiều sâu của không gian, thời gian tạo được mạch ngầm như từ trong máu thịt với yêu thương trân trọng, buồn nhớ và trách nhiệm của mỗi kiếp người…

Từ khi ta lọt lòng, dòng sữa mẹ ngọt ngào và lời ru chằm bãm đã nuôi lớn hồn ta. Khi ta đã thành cha,thành mẹ mỗi khi trái gió trở trời ta lại tìm về lời ru ngày nào để ta ru cho con, cho cháu… Bài thơ là quá khứ thăm thẳm từ tiếng à ơi làm dịu đi cái oi nồng trưa hè tháng 6 với cánh cò trắng muốt từ ca dao, tục ngữ lan vào vào giấc mơ con trẻ. Mẹ đã chắt chiu, chịu đựng bao gian lao, vất vả lo cho con ăn, con học. Lo cho con chập chững vào đời… Rồi mẹ lại canh cánh một mình nhớ thương những ngày con xa quê đằng đẵng… Dù ta khôn lớn bao nhiêu, dù gánh vác công kia việc nọ thế nào song trước tóc úa, lưng còng của mẹ ta bỗng trở thành bé bỏng…

Tôi từ ngọt tiếng à ơi
Giọt mồ hôi mặn một đời bão giông
Mà nên má thắm, môi hồng
Nhận về tóc úa lưng còng… Mẹ tôi

Hình ảnh mẹ và con được Phạm Trọng Tuấn sử dụng như hai thái cực đới lập. Con từ thơ dại đến môi hồng, má thắm. Còn mẹ ngày một còm cõi bởi bao nhiêu dãi dầu nắng sớm, mưa chiều để đổi lấy từng dòng sữa ngọt ngào cho con tươi da, thắm thịt. Để con được bình yên hạnh phúc mẹ đã chấp nhận tất cả không một chút băn khoăn, do dự. Bởi con là con của mẹ, là máu thịt của mẹ là ước mơ của cả cuộc đời mẹ. Mẹ đã để lại kỷ niệm ngọt bùi cho con nơi ngõ quê yêu dấu! Nơi căn nhà cùng hàng cau bạc phếch nắng mưa kia! Hoa cau vấn nở khi hạ về, quả vẫn tròn ngày đông lại! Miếng trầu cay cùng mẹ vui khi cơn giỗ ngày tết, khi dựng vợ, gả chồng cho con gái, con trai. Miếng trầu kia cũng giúp mẹ nguôi ngoai nỗi buồn giữa cuộc đời lam lũ, bạc đen!

Nỗi nhớ thương những ngày con xa nhà đằng đẵng… Ngõ quê bây giờ đã vắng bóng mẹ hiền. Mẹ đi về đâu để sắc hoa cau lạnh như tuyết rơi, tái tê lòng người đến thế!

Ngõ xưa vắng bóng mẹ rồi
Vườn xưa hoa trắng cau rơi mấy mùa…
Còn đây vẫn tiếng ầu ơ
Vẫn còn đây nhịp võng đưa mẹ hiền

Câu thơ như khía vào tâm khảm người đọc, rồi tự nhiên thành một đợt sóng ngầm trào lên thương cảm… Cảnh vật vẫn còn, song mẹ đã mãi mãi ra đi… làm sao con gặp lại dù chỉ một lần!

Tôi nâng niu khúc ca dao
Thắp xanh vào giấc chiêm bao con mình...

Ở câu kết nhà thơ lại trở về cái cội nguồn của lời ru của bà, của mẹ ngày xưa đó là sự sâu đằm nặng nghĩa, nặng tình của ca dao tục ngữ đó là hồn Việt được thắp sáng trong thơ lục bát truyền thống ngàn đời. Vâng chính đạo lý sáng ngời của công cha nghĩa mẹ đã thấm vào tâm hồn mỗi người dân đất Việt!
 
Hoài niệm nhớ thương, người con ngày xưa giờ đã thành ông, thành bà, thành cha, thành mẹ để  ta lại tìm về lời ru của mẹ ngày nào, đưa con ta, cháu ta vào giấc mơ xanh. Đó chính là khởi đầu, cũng là sự nối tiếp trách nhiệm của tình mẫu tử trước vô tận tình người!
 
 
Bùi Hải Đăng
Hội viên Hội VHNT tỉnh Hải Dương
Email: haidang4556@yahoo.com.vn
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: