Thứ năm, 18/04/2024,


"Lỡ bước sang ngang" - Đọc lại vẫn lay động lòng người (23/06/2011) 
 
Trong những ngày này, tôi tìm lại bài thơ lục bát rất ấn tượng của nhà thơ Nguyễn Bính và thấy rằng "Lỡ bước sang ngang" đọc lại vẫn thấy lay động tâm hồn. Các thế hệ người yêu thơ Việt Nam, trong đó có thể thơ lục bát, chắc chắn ai cũng đã hơn một lần đọc thơ Nguyễn Bính, một nhà thơ "chân quê" xuất sắc của thi đàn Việt Nam. Nguyễn Bính không chỉ là nhà thơ "chân quê" mà còn là một trong những nhà thơ sử dụng rất tài tình thể thơ lục bát của dân tộc. Cho nên thơ lục bát của ông đọc vài lần là nhớ và đi theo người đọc gần như suốt cả cuộc đời. 
 
Cuối năm 1949 của thế kỷ trước, khi còn là một học sinh tiểu học của Hà Nội bị tạm chiếm, tôi đã say mê ngồi hàng giờ nghe bà ngâm ngợi "Lỡ bước sang ngang" của Nguyễn Bính xen trong tiếng "kẽo kẹt" của chiếc võng đay. Lớn lên một chút, tôi tìm mua bằng được những tập thơ Nguyễn Bính và đọc thuộc lòng bài "Lỡ bước sang ngang", càng đọc càng thấy cay cay sống mũi, nghẹn ngào nơi cổ họng. Hôm nay, với Mục Lục bát xưa và nay của lucbat.com, tôi xúc động viết những dòng này để một lần nữa bày tỏ tình cảm của mình với nhà thơ chân quê Nguyễn Bính, với bài thơ dài "Lỡ bước sang ngang".
Các thế hệ phê bình văn học trong suốt gần một thế kỷ qua đã có nhiều bài bình về thơ Nguyễn Bính, trong đó có bài "Lỡ bước sang ngang" Lần này, viết lại một số cảm nghĩ của mình, tôi không dám có bình xét gì thêm, chỉ tâm sự đôi điều sau gần 70 năm đọc lại.
Nguyễn Bính (1918-1966) làm thơ từ năm 13 tuổi, bài thơ đầu tiên của ông được đăng báo là bài "Cô hái mơ". Năm 1937, Nguyễn Bính đã được Tự lực văn đoàn trao giải thưởng cho tập thơ "Tâm hồn tôi" của ông. Trong khoảng thời gian ba năm, ông đã cho ra đời 7 tập thơ như "Tâm hồn tôi" (1940), "Hương cố nhân (1941)" "Người con gái ở lầu hoa" (1942), "Mười hai bến nước" (1942), "Mây Tần" (1942) và tác phẩm được chú ý nhất là "Lỡ bước sang ngang" (1939)…
Thơ Nguyễn Bính không dùng câu chữ cầu kỳ nên người đọc có thể hiểu dễ dàng qua trực cảm. Những trai gái thời ấy yêu đương tìm thấy lời tâm sự sâu thẳm trong thơ Nguyễn Bính. Những nhớ mong, hò hẹn, chia lìa, đau khổ, nuối tiếc... cả những giờ phút thăng hoa của tình yêu đều được Nguyễn Bính giãi bày tâm trạng. Ông hiểu biết sâu sắc tâm lý của trai làng gái làng. Mỗi câu thơ của ông là một ấn tượng sâu sắc đối với người đọc, nhất là đối với "dân quê"... Trong lòng bạn đọc, không chỉ ở thôn quê, đều thấy Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ gần gũi với họ, đã nói hộ họ nhiều điều...
Nguyễn Bính từ giã chúng ta đã 45 năm, gần một nửa thế kỷ. Tôi đọc thơ Nguyễn Bính từ khi học lớp Nhì trường tiểu học Phố Hàng Bún (Hà Nội) cũng cách nay 62 năm. Năm nay tôi đã 76 tuổi, vậy mà đọc lại Thơ Nguyễn Bính nói chung và "Lỡ bước sang ngang" của thi sĩ nói riêng vẫn thấy lòng mình xốn xang, trào lên một niềm cảm xúc khó tả:
 
"Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương..."
 
Nguyễn Bính hiểu sâu sắc công việc của nhà nông nói chung và những cô gái chăn tằm hái dâu nói riêng. Nuôi tằm là phải có thức ăn chính là lá dâu. Sau một đợt thu hái lá cho tằm ăn, người trồng dâu phải "đốn" dâu để tạo một loạt lá mới cho đợt tằm ăn mới. Nhà thơ không phải "lơ lửng trên mây" mà nhà thơ, cũng như văn nghệ sĩ khác, phải lăn mình vào cuộc sống muôn màu của nhân dân, đưa hơi thở của nhân dân vào thơ thì "thơ mới sống động, sâu lắng mới được nhân dân yêu chuộng".
"Lỡ bước sang ngang" quằn quại cùng số phận những người phụ nữ ngày xưa khi tình yêu trắc trở phải làm lại cuộc đời, có khi phải "lỡ bước ang ngang" dằn vặt, đau khổ khôn cùng. Không hề giống như "tình yêu sét đánh" ngày nay, hoặc với một số đối tượng trẻ tuổi bây giờ, đến với tình yêu quá nhanh, quá nông nổi và khi chia tay người yêu cũng "nhẹ như lông hồng", ấy là chưa nói đến một bộ phận thanh niên ngày nay, "thay người yêu như thay áo". Lớp lớp thanh niên ngày nay đã được giải phóng khỏi cái "vòng kim cô" "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" mà có khi ngược lại, "con đặt cha mẹ ở đâu cha mẹ ngồi đấy". Lại còn cái kiểu "yêu thử, sống thử" nữa, nghe mà rùng mình, chẳng còn ra cái lề thói quy củ nào cả, chưa kể nhiều cặp đã "ăn cơm trước kẻng" rồi mới có đám cưới. Thậm chí có cặp uyên ương tổ chức ngày cưới linh đình, tốn kém, nhưng chỉ ít tuần sau, khi họ "no xôi chán chè" rồi, thì lại dễ dàng bỏ nhau. Luật hôn nhân và gia đình của ta tôn trọng yêu đương tự do, cấm mọi hành vi ép buộc, kế thừa truyền thống "ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên!". Nhưng hiểu thế nào cho thật đúng cái nghĩa của tự do hôn nhân và sự gắn bó lâu dài, gắn bó suốt đời với nhau thì bị coi nhẹ. Tình yêu ngày nay quá thiên về thực dụng. Tìm hiểu nhau ba bốn năm mà chú rể chưa rõ tên ông bố vợ tương lai, cô con dâu tương lai không biết mẹ chồng bao nhiêu tuổi... Tất nhiên, tôi không làm cái việc "vơ đua cả nắm" nhưng rõ ràng trong yêu đương hôn nhân thời @ này rất cần có sự uốn nắn giáo dục của các thế hệ đi trước, rất cần có chuẩn mực, vừa hiện đại vừa truyền thống dân tộc.
Đọc lại "Lỡ bước ang ngang" của Nguyễn Bính, tôi càng xúc động, thương cảm một thế hệ phụ nữ ngày xưa. Mỗi câu thơ xé lòng của ông cứ lay động mãi tâm hồn tôi, một ông già "Khốt-ta-bít" đã quá cái tuổi "cổ lai hi". Như trên tôi đã nói, tôi không phải một nhà phê bình văn học, phê bình thơ, nên những ý kiến thô thiền này chỉ là tình cảm của một người đọc lại thơ Nguyễn Bính, nhất là thơ lục bát của ông, qua bài "Lỡ bước sang ngang" được xuất bản năm 1940, cách đây 71 năm.
Bài thơ "Lỡ bước sang ngang" của Nguyễn Bính là một bài thơ dài, thơ dài những không "thừa một chữ". Trong bài viết này, tôi chỉ xin trích đôi đoạn. Bạn nào thích toàn bài xin tìm đọc Thơ Nguyễn Bính của Nhà xuất bản Hà Nội, xuất bản năm 1998 hoặc gửi thư cho tôi theo địa chỉ email: nguyenthanhhahy@gmail.com, tôi sẽ sẵn sàng gửi lại cho bạn đầy đủ bài thơ.
 
Sau đây, xin trích một vài đoạn trong bài "Lỡ bước sang ngang" của nhà thơ Nguyễn Bính:
                                         
… “Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây.
Rượu hồng em chuốc cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùngg
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em…
 
... Thế là tàn một giấc mơ
Thế là cả một bài thơ não nùng
Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi
Đêm qua mưa gió đầy giời
Trong hồn chị có một người đi qua
Em về thương lấy mẹ già
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công
Chị giớ sống cũng bằng không
Coi như chị đã sang sông đắm đò..."
 
NGUYỄN BÍNH
 
13-06-2011
 
Nguyễn Thanh Hà
Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên
ĐT: 01668383020 - Email: nguyenthanhhahy@gmail.com
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: