Thứ năm, 25/04/2024,


Môtíp “ngó ra”, “ngó lên” trong ca dao Bình Định (21/06/2011) 
 
1.
 
Bình Định – mảnh đất Nam Trung Bộ chạy dài nắng gió, lưng tựa núi, vòng tay ôm biển xanh. Ca dao Bình Định, cũng tự bao đời, đã mang dáng núi hình biển, miên man như một lời ru xứ Nẫu.
 
Tháp Chàm vươn trời cao, đồng lúa dạt dào trải rộng tầm nhìn, cơn gió nồm tìm đến và làm dịu mát những oi ả trưa hè. Giữa vùng thiên nhiên sơn thủy hữu tình ấy, bóng dáng người cũng dõi về một nơi xa, để trông về, tìm đến, đồng vọng. Môtip “ngó ra”, “ngó lên” mở đầu những lời ca dao Bình Định mộc mạc, ân tình như một tín hiệu thẩm mỹ làm bật lên đặc trưng vùng đất Võ trời Văn.
 
2.
 
Có thể hiểu môtip là những đơn vị nghệ thuật cơ bản được lặp đi lặp lại, góp phần cấu thành tác phẩm nghệ thuật. Với ca dao, môtip có vai trò trong việc tạo dựng cấu trúc cho lời ca, chẳng hạn, môtip Chiều chiều, môtip Ai về... rất quen thuộc ở kho tàng ca dao Việt Nam. Trong ca dao Bình Định, bên cạnh những môtip khác, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những lời mở đầu bằng Ngó ra, Ngó lên, ví như:
 
Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên
Hỏi thăm ông Hậu thủ thiền vì ai?
Ngó lên hòn tháp, chợ Dinh
Biết ai có tưởng nghĩa mình hay không
 
Ngó ra ngoài biển tăm tăm
Thấy ghe anh chạy có năm mái chèo
Khi nào không gió anh neo
Chờ cho gió lại, mở lèo anh đi
Anh đi Nước Ngọt, Đề Gi
Xông pha sóng gió kể chi Nam, Nồm
 
 
“Ngó ra”, “ngó lên” đều là những cụm từ chỉ động thái, mang bóng dáng của chủ thể trữ tình. Thường khi, ngó ra là hướng về biển: Ngó ra ngoài biển ba lần/ Thấy anh ở trần trong bụng xót xa...; Ngó ra ngoài biển mù mù/Thấy ba ông Phật che dù nấu cơm... Còn “ngó lên” là trông về phía núi, phía tháp: Ngó lên hòn núi Chóp Chài/ Thấy ba con quạ ăn xoài chín cây; Ngó lên trên đỉnh Tháp Chàm/ Nhớ ai như nhớ bóng nàng năm xưa...
 
Như vậy, “ngó ra” và “ngó lên” có thể thâu gom cả núi rừng, biển cả trong một cái nhìn về phía xa mà ngẫm ngợi, suy tư.
 
Đằng sau những cụm “ngó ra”, “ngó lên” bao giờ cũng là những địa danh xứ Nẫu Bình Định. Những dáng núi, hình tháp, mặt biển in bóng hình trong ca dao. Nào những đỉnh Tháp Chàm, núi Chóp Chài, mặt biển đông hứng sóng... Tất cả đều chuyển tải những tâm tư, tình cảm giản dị mà lắng sâu của chủ thể trữ tình.
 
3.
 
Có những nỗi niềm lắng xuống, có những tình cảm vọng lên, núi và biển, một vươn trời mây, một trải dài theo sóng nước, tất cả cùng hòa thanh tương ứng trong một tấm lòng của người dân "khúc ruột miền Trung". Đây là lời nhắn nhủ với nhau trong nghĩa tình đằm thắm:
 
Ngó lên trời, mây giăng tứ hướng
Ngó xuống biển, đá dựng bốn bề
Làm sao trọn chữ phu thê
Đây chồng, đó vợ đề huề trước sau.
 
Lời nhắn mộc mạc, ân tình, thẩm thấu vào trời vào biển. Ngó lên trên trời hay ngó xuống dưới biển cũng là những động thái có tính gợi hứng để người con trai tỏ bày tâm tư.
 
Không gian mở ra theo mắt nhìn, tâm soi chiếu vào cảnh vật, nên cảnh vật đong đầy những cảm nhận riêng tây của con người. Thâu lại trong những cảm nhận đời thường, niềm vui, nỗi buồn lẫn bao điều đắng cay:
 
Ngó lên núi Bé chim kêu,
Hố Giang nước chảy, nhiều điều đắng cay
 
Biển mù khơi, với bao hiểm nguy, trắc trở. Tâm hồn người con gái miền Trung âu lo cho người đang giữa biển, gửi tấm áo cho chàng qua nỗi cơ hàn nắng mưa. Ngó ra ngoài biển ba lần với con số ba như một ước lệ, tượng trưng cho vô vàn lần, mở và khép những thế giới tâm trạng:
 
Ngó ra ngoài biển ba lần
Thấy anh ở trần trong bụng xót xa
Em về mua lụa đậu ba
Cắt áo cổ giữa đem tra nút vàng
Không ai mà gửi cho chàng
Để cho chàng mặc kẻo cơ hàn nắng mưa.
 
Người lênh đênh trùng khơi có hiểu thấu cho tâm hồn người ở lại? Tình cảm hồn hậu, mặn nồng của người dân đất biển cứ quấn quyện vào những câu chữ, nhịp điệu của thể thơ lục bát mang theo điệu hồn dân tộc.
 
4.
 
Như vậy, môtip “ngó ra”, “ngó lên” trong ca dao Bình Định, một mặt, vừa giới thiệu địa danh, danh thắng của địa phương, mặt khác, lại thể hiện tấm chân tình của người xứ Nẫu. Cảnh vật làm cái cớ, nơi nương tựa của xúc cảm, trong những lời ca mở đầu bằng các môtip này. Ở đây, từ ngó vừa mang tính phương ngữ, vừa mang tính khẩu ngữ, mộc mạc như lời ăn tiếng nói bình dân. Dáng hình của một miền đất và con người cũng từ đó hiện lên, trong những lời ca dao chắt chiu hương lúa và gió biển mặn nồng.
 
Lê Minh Kha
(Nguồn: Báo Bình Định)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: