Thứ sáu, 29/03/2024,


Mẹ chính là hồng hoa cho con cài lên ngực (19/06/2011) 
 
MẸ TÔI
 
Mẹ tôi không được tang chồng
Cha đi. Đi mãi mà không trở về
 
Chợ chiều họp ở đầu đê
Chợ tan mà Mẹ chưa về. Đợi cha!
 
Ngày xưa cái rét tháng ba
Như là cắt thịt, xé da người nghèo
 
Đồng sâu mẹ cấy, mẹ gieo
Cho con đến lớp còn theo kịp người
 
Hiếm hoi mới thấy nụ cười
Trên môi của Mẹ cả đời con trông
 
Quê nghèo đất chật người đông
Ra đi Mẹ hứa… rồi không trở về
 
“Thôi đành chịu tội với quê
Lớn lên con sẽ phải về thay cha”
 
Nói rồi, rồi mẹ đi xa
Quê hương – nguồn cội, Mẹ Cha nhắc kìa
 
Mỗi lần trở lại thăm quê
Dòng sông bên lở…. bờ đê mất dần
 
Mưa rào nước ngập đầy sân
Quê tôi bùn đất lấm chân cả ngày!...
 
Cao Trần Nguyên
 
 
 
Trong hàng ngàn bài thơ viết về mẹ của các tác giả, bài thơ “Mẹ tôi” của Tác giả Cao Trần Nguyên làm tôi xúc động ứa nước mắt. Không phải vì tôi đa cảm đa sầu dễ rơi lệ mà vì những câu thơ chẳng hề “gào thét” mà sao thấy như đau thắt cả ruột, gan:
 
Mẹ tôi không được tang chồng
Cha đi. Đi mãi mà không trở về…
 
Bất cứ người vợ nào cũng đều mong muốn vợ chồng sum họp, Mẹ trong bài thơ này cũng vậy. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, cha phải lên đường cầm súng bảo vệ quê hương. Chiến tranh - biết ngày đi nhưng biết khi nào mới trở về? Câu hỏi chẳng bao giờ có câu trả lời đồng nghĩa với sự đợi chờ đằng đẵng của mẹ ở quê nhà. Với một câu thơ mở đầu “Mẹ tôi không được tang chồng”, tác giả Cao Trần Nguyên đã chẳng hề rào trước đón sau, sử dụng câu thơ rất mộc mạc nhưng rõ ràng gây ấn tượng mạnh với người đọc. Qua câu thơ này, chúng ta có thể hình dung khá rõ nét về một hình ảnh người Mẹ phải chịu nhiều thiệt thòi, đầy sự hy sinh, bởi vành khăn tang khi chồng qua đời cũng chẳng được một lần đội trên đầu như lẽ đời thường vẫn có thì quả là đau đớn đến tột cùng.
 
Tác giả đã khá thành công trong việc miêu tả sự chờ đợi của mẹ khi nói về sự ra đi của cha. Câu thơ được chia thành hai nhịp, nhẩn nha như hờn tủi: “Cha đi. Đi mãi mà không trở về.” Mẹ đợi cha, ngày nào cũng trông ngóng. Biết đâu trong dòng người họp chợ kia, cha trở về? Đọc đến đây thấy sao mà thương mẹ đến thế. Ta chợt bắt gặp một người đàn bà mỏng manh, bé nhỏ, hướng đôi mắt về phía xa xăm khi chợ chiều đã tan, chẳng còn một bóng người với nỗi khát khao mong chồng? Hẳn là người đàn bà ấy ngày qua ngày đợi chồng với một niềm tin không gì lay chuyển nổi:
 
Chợ chiều họp ở đầu đê
Chợ tan mà Mẹ chưa về. Đợi cha!
 
Hình ảnh đợi chờ của mẹ khiến tác giả liên tưởng tới những ngày gian khó - những ngày vắng bóng cha, mẹ phải làm việc gấp đôi để thay cha chăm sóc nuôi nấng mình. Ta có thể thấy tác giả đã gửi gắm sự biết ơn của mình đối với Mẹ trong những câu thơ:
 
Ngày xưa cái rét tháng ba
Như là cắt thịt, xé da người nghèo
 
Đồng sâu mẹ cấy, mẹ gieo
Cho con đến lớp còn theo kịp người
 
Hình như tác giả đang nói hộ cho cả chúng ta lòng biết ơn với mẹ thì phải, đọc câu thơ lên mà thấy câu thơ như được viết cho chính mình. Đó là cảm giác của tôi khi chạm vào tứ thơ vừa tha thiết, vừa có gì như thương cảm dâng nghẹn trong lòng.
 
Hiếm hoi mới thấy nụ cười
Trên môi của Mẹ cả đời con trông
 
Ở rất nhiều bài thơ ca ngợi mẹ, người ta thường hay sử dụng hình ảnh nụ cười hiền để nói về mẹ nhưng với bài thơ “Mẹ tôi” của Cao Trần Nguyên, tác giả không hề che giấu một sự thật phũ phàng và rất đời ấy. Cũng phải thôi, vì mẹ cả đời thay cha gánh vác việc gia đình, đồng áng, khác chi “thân cò lặn lội bờ sông” nuôi các con khôn lớn, vất vả trăm bề.
 
Cuối bài thơ, tác giả viết:
 
Mỗi lần trở lại thăm quê
Dòng sông bên lở… bờ đê mất dần
 
Mưa rào nước ngập đầy sân
Quê tôi bùn đất lấm chân cả ngày
 
Nếu đọc qua sẽ tưởng như mấy câu thơ này chẳng ăn nhập gì với những câu thơ trước nhưng đọc lại ta sẽ thấy cái chủ ý đã được tác giả đưa vào khá khéo léo. Đó là nỗi buồn thăm thẳm, đó là niềm nuối tiếc những ngày có mẹ đã qua. Hình bóng mẹ giờ cũng xa xăm như là “bên lở”. Cái thời bùn đất lấm chân cả ngày – cái thời của mẹ sao cứ mãi vấn vương trong tâm khảm của người con đến vậy. Nỗi buồn vắng mẹ như sương, như khói cứ bảng lảng bên đời.
 
Tác giả Cao Trần Nguyên đã khắc họa hình ảnh mẹ thật độc đáo, khác hẳn với mô-típ thơ về mẹ mà chúng ta thường đọc, nhưng không vì độc đáo mà mất đi vẻ đẹp thuần khiết, và những nét lam lũ của người phụ nữ chân lấm, tay bùn – mẫu người đã sinh ra bao nhiêu những đứa con thành đạt bây giờ.
 
 
Thủy Hướng Dương
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: