Thứ sáu, 29/03/2024,


Nỗi đau đâu cứ phải là roi tre! (30/05/2011) 
 
 
CÁI ROI TRE
 
Bố tôi vớ cái roi tre
Khi tôi bỏ học, chạy về thăm ông
Nhà tôi người đứng, người trông
Bà ngồi than thở, trời không ngớt nồm...

Ông tôi ốm độ mươi hôm
Rễ tre, rễ mít đã chờm ra sân
Đàn gà vẫn đứng một chân
Con bên thành giếng, con gần đống rơm
Hoa nhài nở chẳng còn thơm
Ấm trà nguội ngắt, bữa cơm vội vàng...

Ông tôi mê tỉnh ngổn ngang
Cầm tay tôi lại đặt sang tay bà
Tôi nhìn ông, muốn khóc òa
Nỗi đau đâu cứ phải là roi tre!
 
Chiều nay bỏ học tôi về
Bố tôi quăng cái roi tre lên trời.
 
Nguyễn Vĩnh Tiến
 
 
Thể thơ lục bát, trong sự lựa chọn của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến vào một khoảnh khắc sáng tạo nghệ thuật ngôn từ là để khắc họa hành động thương cho roi cho vọt của người xưa trong bức tranh vẽ tình ruột thịt của một gia đình.
Đề tài ấy cùng hình thức biểu hiện ấy đã đưa bài thơ “Cái roi tre” của Nguyễn Vĩnh Tiến đến với sự khẳng định những giá trị truyền thống của người Việt Nam vẫn được thế hệ nhà thơ đang hít thở không khí đổi mới, hiện đại và sống, sáng tác trong sự hội nhập quốc tế đa dạng của hôm nay gìn giữ và hấp thu bằng tất cả sự nâng niu, trân trọng.
 
Bố tôi vớ cái roi tre
Khi tôi bỏ học, chạy về thăm ông
Nhà tôi người đứng, người trông
Bà ngồi than thở, trời không ngớt nồm...
 
Câu chuyện được Nguyễn Vĩnh Tiến kể ở ngôi thứ nhất và từ khổ thơ đầu tiên này, người đọc khám phá nội dung khách quan của cuộc sống đã được tác giả sử dụng làm chất liệu nghệ thuật có vai trò tạo ra một tâm trạng đặc biệt trong việc cảm thụ tứ thơ cái roi tre. Sự đặc biệt ở đây là câu thơ mở ra câu chuyện mà trong đó, việc xử sự của con người gợi liên tưởng về sự chi phối của những chuẩn mực nào đó trong mối quan hệ huyết thống.
Không cự tuyệt cái hiện thực có chiếc roi tre sẽ được dùng để răn dạy mình, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến bày tỏ cảm xúc về thực tại đời sống bằng nghệ thuật thơ ca. Phạm vi đời sống và không gian nghệ thuật của bài thơ vì vậy mà nén lại, gợi ý muốn tìm hiểu cái riêng của nhà thơ trong giới hạn này.
Và, theo cánh cửa được mở ra bằng khoảnh khắc có những ấn tượng thị giác và cảm xúc, có thể gặp tâm trạng và suy nghĩ của chính nhà thơ qua những câu thơ giàu hình ảnh, có nhịp điệu:
 
Ông tôi ốm độ mươi hôm
Rễ tre, rễ mít đã chờm ra sân
Đàn gà vẫn đứng một chân
Con bên thành giếng, con gần đống rơm.
 
Cái tôi trữ tình của bài thơ “Cái roi tre” tự bộc lộ và quá trình đối thoại của chủ thể thẩm mỹ này đã trở thành độc thoại trong một thực tế được khái quát qua những điều xác định và ước lệ, cụ thể và trừu tượng. Ở đây, bức tranh thông thường về cuộc sống mở ra một bình diện khác, ẩn hiện một ý ngầm mang sức nặng cơ bản của nhận thức về sự hữu hạn của đời người:
 
Ông tôi mê tỉnh ngổn ngang
Cầm tay tôi lại đặt sang tay bà.
 
Những tâm lý, tình cảm, nhận thức và hành động hiện hữu trong câu thơ này tạo ra một phán đoán thẩm mỹ mang giá trị đạo đức cơ bản. Đến đây, người đọc đã hiểu vì sao hoa nhài nở chẳng còn thơm, ấm trà nguội ngắt, bữa cơm vội vàng trong không gian của gia đình và không gian thơ xuất hiện chiếc roi tre của Nguyễn Vĩnh Tiến. Không gian thơ vì thế mà được nén lại, hướng vào thế giới nội tâm của mỗi nhân vật đang hiện hữu trong đó với sự cô đọng tuyệt đối của ngôn ngữ thơ gắn với lương tri và cảm xúc giàu ý nghĩa nhân văn:
 
Tôi nhìn ông, muốn khóc òa
Nỗi đau đâu cứ phải là roi tre!
 
Với bút pháp hoàn toàn phù hợp, với một thực tế có chiều sâu cảm xúc, Nguyễn Vĩnh Tiến đã đưa vào thơ, một cảm nhận mang sắc thái riêng về việc chứng kiến người thân chia tay với cuộc sống trần thế. Hiện thực ấy trong bài thơ Cái roi tre được mô tả bằng những biểu hiện và tình cảm trong phạm vi hiểu biết của con người.
Và, hiệu ứng thẩm mỹ mà bài thơ Cái roi tre đạt tới là toàn bộ cấu trúc nghệ thuật của nó với hệ thống hình ảnh, nhịp điệu biểu cảm đã hướng người đọc vào cái cụ thể và trừu tượng của nỗi đau, tính hữu hạn và vô hạn của sự sống.
 
Chiều nay bỏ học tôi về
Bố tôi quăng cái roi tre lên trời.
 
Miêu tả từ thực tại tới tâm hồn, ấn tượng do bài thơ “Cái roi tre” tạo nên là ở sự khẳng định, tình cảm lớn giúp con người trưởng thành hơn về mặt đạo đức và xóa bỏ hành động từng được coi là có ý nghĩa giáo dục. Bài thơ Cái roi tre giúp người đọc thêm am hiểu trái tim con người và nâng cao tâm hồn mình.
 
 
NGUYỄN BỘI NHIÊN
(Nguồn: Báo Quảng Trị Online)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: