Thứ sáu, 29/03/2024,


Ta buồn ta gửi tơ chùng vào thơ (07/03/2011) 

BUỒN THẦM

 

Buồn thầm sợ nắng buồn lây

Sợ mây đổ bóng gió gầy đứt cơn

Nụ cười như mảnh áo sờn

Rưng rưng che đậy nỗi buồn thịt da

Buồn thầm buồn của mình ta

Tìm ai chia sẻ sợ là buồn chung

Nhện buồn thì nhện giăng mùng

Ta buồn ta gửi tơ chùng vào thơ

Biết còn buồn được bây giờ

Mai kia dẫu chút buồn hờ cũng không!

 

Nguyễn Bích Lan

 

 

Một nỗi buồn quắt quay, day dứt, nhưng lại chỉ trăn trở với riêng mình mà không thể giãi bày, sẻ chia. Và cuối cùng thì chỉ còn biết gửi tâm tư vào thơ. Những câu thơ như rút gan ruột, như xé lòng. Gói gọn, nén chặt nỗi buồn lại để mà chịu đựng chứ không đành cho ai đó phải vì mình mà thêm buồn: “Buồn thầm buồn của mình ta/ Tìm ai chia sẻ sợ là buồn chung…”, chính cái nỗi buồn không thể sẻ chia này đã làm cho sức chịu đựng của con người tưởng như vượt quá giới hạn. Hay nói một cách khác, nó cũng là một sự thử thách với sức chịu đựng của con người.

 

            Tôi cho rằng tác giả Nguyễn Bích Lan là một người phụ nữ có cá tính mạnh. Điều này được thể hiện rõ trong bài thơ. Ẩn giấu phía sau những câu chữ mềm mại kia là một tâm hồn thơ mượt mà nhưng cũng lại rất mạnh mẽ. Ta hãy đọc: “Nụ cười như mảnh áo sờn/ Rưng rưng che đậy nỗi buồn thịt da” thì sẽ hiểu. Khi con người ta phải cố sức để che đậy nỗi đau của mình, thì đó thật sự chỉ có thể là việc làm của một sức mạnh ngoài tâm thức. Và không phải là người phụ nữ nào cũng có thể dễ dàng làm được việc đó. Người ta nói rằng: “Những người phụ nữ thậm chí còn cảm thấy hạnh phúc khi được khóc trước một ai đó”, điều này hoàn toàn đúng, bởi ở những người phụ nữ thì cái sự sẻ chia nó luôn như là một nhu cầu. Vậy mà trong bài thơ này, nhân vật chủ thể - được khắc họa dưới ngòi bút của một nữ tác giả lại có những xúc cảm duy ý chí đến như vậy.

 

Thế nhưng điều tác giả muốn nói trong bài thơ này đó là: tất cả mọi nỗi buồn đều không đáng sợ, mà cái đáng sợ nhất chính là khi con người ta không còn biết buồn, không còn có cảm xúc trước những gì đang diễn ra quanh mình. Câu thơ kết: “Biết còn buồn được bây giờ/ Mai kia dẫu chút buồn hờ cũng không!” như một thông điệp nhắn nhủ tới mọi người rằng: hãy biết trân trọng cuộc sống của chính mình, bởi cho dù có buồn sầu ủ dột đến thế nào đi nữa, thì cuộc sống vẫn có ý nghĩa hơn rất nhiều so với khi ta là người vô cảm. Con người còn cảm nhận được mọi nỗi buồn niềm vui, thì có nghĩa vẫn còn ý thức được thế nào là hạnh phúc. Điều này thì ai cũng hiểu, nhưng để thực sự trân trọng nó, trân trọng những gì mình đang có thì mấy người làm được?

 

 

Dương Ngọc Quỳnh

Email: ngocquynh2000@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: