Thứ ba, 16/04/2024,


Rưng rưng em khấn tên người (24/12/2010) 

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, những di chứng và dư âm của nó vẫn âm ỉ trong lòng dân tộc. Sau cuộc chiến con người cần một “độ lùi” cần thiết để bình tĩnh hơn nhìn nhận lại những mất mát hi sinh to lớn mà thế hệ ông cha ngã xuống trên dải đất thân thương này. Đã có một dòng văn học hậu chiến rất nhân bản viết về nỗi đau và những mất mát sau chiến tranh. Trong những ngày này cả nước đang long trọng kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng nhau ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc, để hiểu thấu hơn giá trị của hòa bình và những hy sinh xương máu của nhiều thế hệ cha anh, tôi chợt nghĩ: Phải chăng thơ ca Việt thời hậu hiện đại đã xao nhãng mảng đề tài viết về chiến tranh và những “hệ lụy” sau nó? Thật bất ngờ khi lang thang trên Internet tôi bắt gặp bài thơ nóng hổi tính thời sự của tác giả Chử Thu Hằng, bài thơ có tựa: “Giỗ trận mười cô gái Lam Hạ”. Lần theo thông tin được biết bài thơ này chị viết để tưởng niệm trong ngày giỗ trận mười cô gái Lam Hạ- Phủ Lý- Hà Nam. Tôi hào hứng đọc, rất thú vị! Bài thơ có sức cuốn hút kỳ lạ từ đầu đến cuối bởi cảm xúc đằm thắm, chân thành:

 

GIỖ TRẬN MƯỜI CÔ GÁI LAM HẠ


Em về giỗ trận hôm nay
Nén nhang thơm
Bó hoa gầy
Chị ơi...
Rưng rưng em khấn tên người
Tìm trong hương khói nụ cười thanh xuân
Bầu trời Lam Hạ trong ngần
Châu Giang xanh
Tiếng chim gần véo von

Qua rồi một thuở đạn bom
Chỗ xưa trận địa nay tròn bóng trưa
Nhà ai kẽo kẹt võng đưa
Ầu ơ... mẹ dỗ giấc mơ thanh bình
Quê mình nay đã hồi sinh
Bốn nhăm năm... biết mấy tình, chị ơi
Bạn chung mâm pháo lại ngồi
Chung mâm giỗ trận, bồi hồi nhắc tên
Ngày này, năm ấy... không quên
Máu đào các chị rưới lên sử vàng

Rì rầm sóng nước Châu Giang
Chiến công năm ấy kể ngàn năm sau...

 

Chử Thu Hằng

 

 

Thật xúc động! Đọc rồi ngẫm, đọc đi đọc lại nhiều lần thấy lòng mình cứ “rưng rưng”. Dường như câu chữ biến đâu mất, chỉ đọng lại một một cái tình man mác và nỗi ám ảnh day dứt khôn nguôi. Nhà thơ Tố Hữu từng quan niệm: thơ hay là khi đọc lên không còn thấy bóng dáng của câu chữ nữa mà chỉ còn lại “tình người” trong đó. Bài thơ “Giỗ trận mười cô gái Lam Hạ” của Chử Thu Hằng là một bài thơ như vậy.

Mở đầu bài thơ tác giả dẫn dắt người đọc về với không khí linh thiêng bên bàn thờ giỗ trận mười cô gái Lam Hạ anh hùng:

Em về giỗ trận hôm nay
Nén nhang thơm
Bó hoa gầy
Chị ơi...
Rưng rưng em khấn tên người
Tìm trong hương khói nụ cười thanh xuân
Bầu trời Lam Hạ trong ngần
Châu Giang xanh
Tiếng chim gần véo von

 

Giữa đất trời Lam Hạ thanh bình hôm nay, bầu trời “Lam Hạ trong ngần”, dòng “Châu Giang xanh”, “tiếng chim gần véo von” là tín hiệu của cuộc sống mới hiện tại đang bừng lên sau hơn bốn mươi năm ngày các chị đã anh dũng hy sinh để đem lại cuộc sống bình yên cho mảnh đất quê hương. Không còn tiếng súng, không còn tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom rơi… mà còn đây cuộc sống mới đang “hồi sinh” trên quê hương, còn đây tấm lòng biết ơn của những người em, những người con đất Lam Hạ, đang thắp nén hương thơm thành tâm tưởng nhớ các chị. Trong không khí u huyền của “hương khói” từ “nén nhang thơm”, từ lời “rưng rưng em khấn” là nỗi day dứt, và cái cảm giác tự thấy mình nhỏ bé như “bó hoa gầy” trước những hy sinh xương máu của các chị. Tìm đâu giữa làn khói hương “nụ cười thanh xuân” thời thiếu nữ đang độ tràn trề? Các chị ơi! “Quê mình nay đã hồi sinh” rồi! Chỗ trận địa xưa nơi các chị ngã xuống hãy “tròn bóng trưa”, hãy còn vang ngân tiếng mẹ “ầu ơ” bên cánh võng:

Qua rồi một thuở đạn bom
Chỗ xưa trận địa nay tròn bóng trưa
Nhà ai kẽo kẹt võng đưa
Ầu ơ... mẹ dỗ giấc mơ thanh bình
Quê mình nay đã hồi sinh
Bốn nhăm năm... biết mấy tình, chị ơi
Bạn chung mâm pháo lại ngồi
Chung mâm giỗ trận, bồi hồi nhắc tên
Ngày này, năm ấy... không quên
Máu đào các chị khắc nên sử vàng


“Qua rồi một thuở đạn bom” nỗi đau của biết bao bà mẹ thả trôi cùng nỗi nhớ, đằm sâu trong mỗi lời ru. Sau “bốn nhăm năm” chúng em và những bạn bè, đồng đội, người thân của chị lại ngồi “chung mâm giỗ trận”, cùng “bồi hồi nhắc tên” các chị. Cái tình của chị với quê hương, xứng đáng được lưu vào sử sách, xứng đáng được tạc vào trái tim của người dân đất Việt. Máu của các chị đổ xuống thấm trên từng tấc đất quê nhà, tuổi xuân của các chị đã góp phần viết nên những trang “sử vàng” của quê hương đất nước. Chúng em không quên. Người dân Lam Hạ không bao giờ quên. Dòng Châu Giang mãi còn rì rầm kể chuyện về tấm gương anh hùng của các chị, dòng sông vẫn nghiêng soi bóng hình các chị:

Ngày này, năm ấy... không quên
Máu đào các chị viết nên sử vàng
Rì rầm sóng nước Châu Giang
Chiến công năm ấy kể ngàn năm sau…

Bài thơ kết lại bằng sự khẳng định giá trị vĩnh hằng của truyền thống yêu nước, truyền thống bất khuất kiên cường của mười cô gái Lam Hạ nói riêng và của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, đã không tiếc máu xương của mình bảo vệ đất nước. Vâng! Sự hy sinh, chiến công thầm lặng của các chị sẽ được người đời nhớ mãi.

 

 

Đậu Phi Hùng

Điện thoại: 0905.524310

Email: khaiminhtt@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: