Thứ sáu, 19/04/2024,


Một chút tình... (01/12/2010) 

VỀ THĂM THẦY CŨ

 

Mười năm trở lại thăm Thầy

Vườn xưa vẫn gốc mai gầy trước sân

Một mình một bóng phòng văn

Bút nghiên ơi đã bao lần... bút nghiên

Vườn xưa vẫn mấy cành chim

Mười năm Thầy đã già hơn trước nhiều

Vẫn còn đôi mắt thương yêu

Còn đây mái tóc giữa chiều bạc phơ

Tâm hồn rộng cả trời thơ

Cho con đi mấy bến bờ... con đi

Chia tay chẳng biết nói gì

Thầy ơi xa quá mấy khi con về.

 

Trần Hữu Nghiễm

 

 

 

Chia tay, người học trò cũ xưng “con” biết có còn trở lại thăm Thầy? Riêng nhà thơ Trần Hữu Nghiễm thì đã thật xa. Anh vĩnh biệt chúng ta để đi về với cõi vô cùng! Chỉ còn đây những câu thơ ở lại.

Vâng! Tôi đang nói đến “những câu thơ ở lại” của anh trong bài “Về thăm Thầy cũ” những muốn được cùng anh một lần về lại “vườn xưa” thăm Thầy giáo cũ.

“Mười năm trở lại thăm Thầy”. Mười năm! Thời gian không xa trong cái dòng chảy liên tục và bất tận của nó. Thế nhưng cái giới hạn ấy, lại trở nên dằng dặc trong mong ngóng, đợi chờ,... trong muôn trùng xa cách.

Trở lại sau mười năm, người học trò cũ gặp lại đây cảnh “vườn xưa”: “vẫn gốc mai gầy trước sân”, “vẫn mấy cành chim”, vẫn một “phòng văn”,... Tất cả vẫn còn đấy thôi! Vẫn một không gian thanh cao nhưng buồn vắng. Làm sao không khỏi bùi ngùi, xúc động trước “cảnh đó, người đây”:

 

Một mình một bóng phòng văn

Bút nghiên ơi đã bao lần... bút nghiên.

 

Xúc cảm trào dâng, người học trò cũ kịp nhận ra một điều rất thật: “Mười năm Thầy đã già đi rất nhiều”. Cái sự thật hiển nhiên ấy không làm chúng ta ngạc nhiên thế nhưng lại làm lòng ta se sắt.

Không biết cái khoảng thời gian hiện tại - thời gian nghệ thuật trong bài thơ - có đủ nhiều để Thầy, trò hàn huyên sau bao năm xa cách hay không? Chỉ biết là nó vừa đủ để Trần Hữu Nghiễm làm bật lên những rung cảm thầm kín từ nơi sâu thẳm trái tim người trò cũ:

 

Vẫn còn đôi mắt thương yêu

Còn đây mái tóc giữa chiều bạc phơ

Tâm hồn rộng cả trời thơ

Cho con đi mấy bến bờ... con đi.

 

Thời gian làm thay đổi biết bao điều. Tóc Thầy giờ đã bạc, thế mà đôi mắt Thầy vẫn ngập tràn tình yêu thương, tâm hồn Thầy vẫn “rộng cả trời thơ”. Lòng yêu thương và sự dâng hiến ấy như bất chấp cái quy luật khắc nghiệt của cuộc đời. Có lẽ, từ những dòng suy tưởng này mà ta hiểu hơn tấm chân tình của người học trò cũ.

Những dòng thơ lục bát cứ trải dần ra trong âm hưởng miên man buồn, thế rồi chững lại trong sự nghẹn ngào của phút chia tay:

 

Chia tay chẳng biết nói gì

Thầy ơi xa quá mấy khi con về.

 

Chẳng thể nói gì hơn đằng sau những con chữ ấy một khi lòng đã nặng nỗi buồn thương.

Và... tôi cũng xin khép lại những dòng cảm nhận của mình cùng với ước muốn được sẻ chia những âu lo, trăn trở, vui, buồn của một người cầm bút. Chia tay anh, hy vọng những câu thơ của anh sẽ bất tử với thời gian để anh mãi được sống trong lòng người đọc.

 

Anh đã xa rồi

Nhưng câu thơ có chết bao giờ ?

Gió hát thế và hoa hát thế!

Cỏ mang thơ anh vào cõi - xanh - xa.

(Khi nhà thơ đi xa... - Thanh Tùng)

 

 

Nguyễn Mậu Hùng Kiệt

Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Nam

Email: maukiet@gmail.con - ĐT: 0905078457

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: