Thứ sáu, 19/04/2024,


Chút hóm hỉnh dễ thương về tình yêu trong ca dao (03/10/2010) 

       Thơ ca dân gian nói chung và ca dao nói riêng đề cập đến rất nhiều vấn đề có liên quan đến đời sống xã hội. Trong đó chủ đề về tình yêu như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Nó như một món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn ta. Giúp ta tránh được cái “bát nháo”, “nhộn nhạo” của những loại hình tình yêu thời hiện đại.

       Với ai tôi không biết, nhưng với riêng tôi luôn “dị ứng” với những vần thơ tình yêu của các “nhà thơ” trẻ thời nay. Tình yêu là những câu chuyện thầm kín, ý nhị thế mà trong ngôn từ của các nhà thơ trẻ cứ lồ lộ những thịt da. Có cái gì cũng phô bày ra hết. Đọc mà thấy sợ, thấy ớn. Ngược lại, khi đọc những vần ca dao xưa nói về chủ đề tình yêu, tôi thấy nó thật là diệu vợi.

       Vâng, ngày xưa, khi yêu người ta lí tưởng hóa người yêu và luôn cảm thấy mình bé nhỏ, vụng về. Phải chăng đó là dấu hiệu ban dầu của sự rung động thật sự. Các cô gái khi yêu, thường diễn tả sự choáng ngợp của tâm hồn mình khi nhìn và nghĩ tới người mình yêu. Họ luôn có tâm trạng bối rối, ngại ngùng rất đáng cảm thông:

 

       “Em như hoa nở trên cành/ Anh như con bướm lượn vành bên hoa/ Bây giờ anh lấy người ta/ Như dao cắt ruột em ra làm mười”. Bài ca dao đã sử dụng liên tiếp hai hình ảnh so sánh. Hình ảnh thứ nhất nghiêng về ý nghĩa tạo hình. Cô gái ví mình như bông hoa tươi “nở trên cành”, còn chàng trai như con bướm lượn bên hoa.

 

       Ở hình ảnh so sánh thứ hai ý nghĩa biểu cảm đậm nét hơn. Người bạn trai đi lấy vợ khiến cô gái cảm thấy nỗi đau đớn trong lòng được vật chất hóa như “dao cắt ruột”, không chỉ đau một lần mà mười lần đau đớn, xót xa. Và đây là bài ca dao thể hiện tâm trạng khác của cô gái: “Em như ngọn cỏ phất phơ/ Anh như con nghé ngơ ngơ ngoài đồng”.

 

       Có thể nói, khó có câu ca dao nào vừa cô đọng, ngắn gọn lại vừa tạo hình ảnh cụ thể, sinh động mà ý nghĩa biểu cảm cao đến thế. Hình ảnh so sánh đã diễn tả một cách tài tình tâm thế cũng như tâm trạng của hai đối tượng.

 

       Cô gái ví mình như ngọn cỏ may phất phơ trước gió (hẳn là ngọn cỏ non tơ, đầy sức sống nên mới “phất phơ”), thế mà chàng trai vô tâm, vô tình kia vẫn như con nghé ngu ngơ không để ý, không biết gì đến ngọn cỏ trong tầm tay với, mà ngọn cỏ thì dường như như chào mời, như chờ đợi

 

       Thế đó, đọc thơ tình ngày nay lại nao nhớ về những vần thơ, những vần ca dao về tình yêu thuở xưa. Nao nhớ là vì tình yêu trong ca dao ngày ấy là những tiếng hát thầm kín, chân thành nhất. Các chàng trai, cô gái khi hát lên những tiếng hát về tình yêu thì những tiếng hát ấy là những khát vọng, là những ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, đồng thời nói lên quan niệm của mình về cái đẹp lí tưởng của con người.

 

       Thú thực tôi luôn luôn thích thú cái tình thương, nỗi nhớ muôn màu, muôn vẻ của những đôi trai gái ngày xưa được thể hiện qua những câu ca dao ngắn gọn, súc tích. Ở đó, ta thấy được nỗi nhớ cháy bỏng của những mối tình:“Chim xa bầy thương cây nhớ cội/ Người xa người tội lắm người ơi/ Thà rằng chẳng biết thì thôi/ Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi sao đành?”. Hay: “Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người tri kỷ có buồn hay chăng…

 

       Đến với mảnh đất Nam Bộ thành đồng, ta cũng sẽ được bắt gặp những câu ca dao nói về tình yêu đầy dấu ấn. Con người Nam Bộ vốn dĩ rất mộc mạc, chân thành, hồn nhiên, giản dị. Và điều đó thể hiện cũng thật đậm nét trong những vần ca dao của họ.

 

       Cũng chính cái yếu tố bình dị, nghĩ sao nói vậy, mộc mạc, dễ hiểu đã làm cho ca dao Nam Bộ có sức sống rất mạnh, được quần chúng chấp nhận dễ dàng: “Hủ qua (khổ qua) xanh, hủ qua trắng/ Hủ qua mắc nắng hủ qua đèo/ Thương em, thì anh làm giấy giao kèo/ Lăn tay điểm chỉ mới thiệt con mèo của em”...

 

       Thật khó tìm thấy những câu tương tự như vậy ở ca dao miền Bắc. Không những thế, ta còn bắt gặp ở những người lao động chân chất này bày tỏ tình cảm với nhau bằng những thứ khẩu ngữ thường ngày mà không có chút màu mè, chưng diện.

 

       Tuy nhiên, cái tình trong đó thì thật là mãnh liệt, sâu sắc: “Tôi xa mình hổng chết cũng đau/ Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền”. Đặc biệt, những vần ca dao về tình yêu ở vùng đất này luôn mang chút gì đó chất hóm hỉnh, tinh nghịch và thông minh đến thật dễ thương.

 

       Một chàng trai có thể phóng đại nỗi nhớ người yêu của mình bằng cách so sánh ví von trào lộng: “Vắng cơm ba bữa còn no/ Vắng em một bữa giở giò không lên”.

 

       Những sắc thái tình yêu được thể hiện trong ca dao, dân ca muôn phần phong phú và ấn tượng. Sẽ không thể nào nói hết được vẻ thi vị, ý nhị của tình yêu nam nữ được thể hiện trong những lời ca diệu vợi. Hãy để lòng mình được lắng lại, tìm về những câu ca dao, dân ca ấy chúng ta mới thấy hết được nhưng nét tinh tế và những giá trị nhân văn sâu sắc của nó.

Nguyễn Thị Thọ

(Nguồn: Congannghean.vn)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: