Thứ sáu, 26/04/2024,


Hãy trả thơ về cho Bàng Bá Lân! (30/09/2010) 

Năm 1972, một anh bạn rủ tôi đến thăm nhà thơ Bàng Bá Lân ở một cái hẻm lớn trên đường Công Lý, Sài Gòn. Hôm ấy là Chủ nhật, ông không phải lên lớp (ông dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn).

 

Thực ra, trước khi gặp ông, tôi cũng đã biết đến ông, một nhà thơ tiền chiến quê Bắc Giang, ông nói với tôi là đồng hương. Tôi còn biết ông phụ trách một tiết mục trên đài truyền hình Sài Gòn hồi đó.

 

Tiết mục mà ông phụ trách là trưng ra nhiều bức hình tư liệu về đời sống, sinh hoạt của mọi tầng lớp dân chúng ở miền Bắc trước năm 1955 như: xe thồ, đi dân công, chống lụt ở vùng chiêm trũng…

 

Ông có vóc người trung bình, nhanh nhẹn, trang phục bình dân, giản dị. Ông nói chuyện với chúng tôi về thời sự, kinh tế, rồi văn học, văn chương truyền miệng, thơ…

 

Ông thuộc rất nhiều, giọng đọc thơ rất hay. Ông đọc từ thơ tiền chiến đến thơ Đường, thơ Pháp. Nghe ông đọc, như bị thôi miên. Chờ khi ông ngừng nghỉ một lát, tôi mới nói chen vào, rằng trong ca dao Việt Nam tôi rất thích hai câu:

 

“Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc trăng vàng đổ đi”.

 

Tức thì nhà thơ ngắt lời tôi. Ông bảo hai câu thơ đó là trích trong một bài thơ lục bát gồm 12 câu của ông. Rồi ông đọc liền một mạch cả bài thơ đó. Nhưng ông sửa lại câu 8 mà tôi vừa dẫn trên là:

 

“Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi”

 

Và ông giải thích: Người ta không thể “múc ánh trăng vàng” mà là “múc trăng vàng” ở dưới nước. Khi cái gầu của cô gái trong câu ca dao, dìm xuống nước thì mặt trăng tan vỡ ra trong nước, hòa với nước, sóng sánh cùng với nước.

 

Thế là cô gái múc nước tát lên ruộng cao cũng đồng thời múc luôn cả vầng trăng tan vỡ trong đó. Trường hợp này cũng tương tự trong bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ.

 

Bài thơ có câu: “Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan”. Ở đây con hổ không hề đứng ngửa mặt lên trời để uống ánh trăng trong không khí mà là uống trăng tan trong dòng suối sau khi đã “say mồi”.

 

Nghe nhà thơ giảng nghĩa như vậy, chúng tôi từ chỗ ngỡ ngàng đến khâm phục. Hai câu thơ trên là của nhà thơ Bắc Giang: Bàng Bá Lân; và nguyên văn của nó chắc chắn là: “Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi” chứ không phải “Múc ánh trăng vàng đổ đi”.

 

Mãi về sau này cũng có một vài người lên tiếng công nhận hai câu ca dao trên là của Bàng Bá Lân, trong đó có Giáo sư Huyền Viêm có bài đăng trên “Kiến thức ngày nay”.

 

Tuy nhiên, chưa có ai chỉ rõ sự khác nhau giữa: “Múc ánh trăng vàng” và “Lại múc trăng vàng” như vừa nêu trên. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, sở dĩ có sự lầm lẫn trên là do tam sao thất bản.

 

Rằng, quyển “Ca dao tục ngữ Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Phan có in hai câu ca dao trên được xuất bản sau năm 1955 ở miền Bắc, còn tác giả của nó tức là nhà thơ Bàng Bá Lân lại di cư vào Nam từ năm 1954. Vì thế nhà thơ không được đọc quyển sách biên khảo của Vũ Ngọc Phan, không thấy sự nhầm lẫn đáng tiếc kể trên để lên tiếng cải chính.

 

Từ đó đến khi ông mất (1988), tôi chưa hề được gặp lại nhà thơ Bàng Bá Lân. Thỉnh thoảng gặp vài người bạn cố tri có lòng yêu mến văn chương, tôi lại đem tâm sự trên kể cho họ nghe. Suốt thời gian dài ấy, tôi cứ lòng dặn lòng bất cứ khi nào có dịp tôi sẽ đưa niềm tâm sự đó lên mặt báo. Rằng, nếu chưa làm được điều này thì tôi còn day dứt chưa yên. Rằng, món nợ tinh thần với nhà thơ đồng hương vẫn chưa trả được.

 

Bắc Giang, tháng 6/2007

 

Hoàng Chí Quang
Địa chỉ: 06, Lê Lợi, Thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang

(Nguồn: Tiền Phong Online)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Th.S Nguyễn Thị Phương Hà - phuonghavanchuong@ymail.com - 0986936238 - Viện Văn học Việt Nam  (Ngày 30/09/2010 11:28:57 PM)
Đúng là câu thơ tài hoa của một thi sĩ tài hoa, tài hoa và giản dị như lời ăn tiếng nói trong ca dao mà khiến ta lầm tưởng là ca dao chăng?
  Nguyễn Bá Phiếu - nbphieu@gmail.com - 0919090618 - THPT Long Kiến  (Ngày 30/09/2010 11:30:18 PM)
Xin trân trọng tấm lòng của bạn Hoàng Chí Quang.

Điều bạn trình bày về 2 câu ca dao trên đúng là sự thật. Tuy nhiên, vấn đề đó tôi và nhiều giáo viên học sư phạm văn đều biết. Khi dạy phần văn học dân gian, giáo sư Hoàng Tiến Tựu- chuyên gia đầu ngành VHDG, nay đã mất- có đính chính 2 câu ca dao đó là của Bàng Bá Lân, nhưng nó đã nhập vào kho tàng truyền miệng dân gian rồi, và đó là một ngoại lệ. Sau này trong sách GV cũng có trình bày điều này. Mỗi khi cần dẫn đến câu này tôi đều nói thêm về tác giả của nó. Vì thế, tôi tin rằng nhà thơ Bàng Bá Lân cũng không phải đau lòng đâu. Hãy tin rằng cái gì là chân lí thì không ai vùi lấp được.
Vài lời chia sẻ, mong bạn yên lòng. Chúc bạn vui khoẻ.

Nguyễn Bá Phiếu
  Bùi nguyên Lan Chi - chibuinguyenlan@ymail.com -  - TP.Hồ Chí Minh  (Ngày 30/09/2010 06:17:07 PM)
              Xin cảm kích tấm lòng của HOÀNG CHÍ QUANG. Tôi không biết nói gì hơn khi đọc xong bài này và chỉ biết nói lên nỗi lòng mình thật sự trân quý bạn. Trong cuộc đời này có được một người như bạn không dễ. Xin cảm ơn bạn. Tôi tin rằng bên kia bờ cát bụi chắc BÀNG BÁ LÂN sẽ mỉm cười với bạn.
Các bài khác: